Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

"Sống trên vũ trụ cực thú vị, nhưng tốt nhất là ở mặt đất"

Anh hùng Phạm Tuân: Sống trên vũ trụ cực thú vị, nhưng tốt nhất là ở mặt đất
Anh hùng Phạm Tuân vừa có cuộc hội ngộ đặc biệt tại Hà Nội với người bạn cùng đi vào vũ trụ từ 35 năm trước. Cuộc sống trong con tàu lịch sử được tái hiện lại như nó mới diễn ra ngày hôm qua.

2 nhà du hành vũ trụ cùng ngồi ôn lại kỷ niệm.
Ăn như cá, uống nước lọc từ…nước thải
Cuộc gặp gỡ giữa anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Victor Vasilevich Gorbatko diễn ra trong khán phòng đầy ắp khán giả của Trung tâm Văn hóa Nga. Đây là cuộc hội ngộ kỷ niệm đúng 35 năm ngày họ cùng bước lên con tàu Liên hợp 37 bay vào vũ trụ.

35 năm Chuyến bay vũ trụ lịch sử Việt - Nga (23/7/1980-23/7/2015).
Nhân dịp này, Chỉ huy phi hành đoàn chuyến thám hiểm số 44 trên Trạm vũ trụ quốc tế Gennadyi Padalka đã gửi video về Việt Nam chúc mừng. Ông nói: “Thay mặt phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế xin chúc mừng các đồng nghiệp tuyệt vời của chúng tôi là Victor Vasilevich Gorbatko và Phạm Tuân nhân kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Việt – Nga. Chuyến bay của các bạn đã ghi một trang sử quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – Liên Xô ( Liên bang Nga ngày nay). …Thật có ý nghĩa tượng trưng là đại diện đầu tiên của châu Á trong vũ trụ lại chính là người Việt Nam – một đất nước dũng cảm gánh trên đôi vai của mình cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, đau thương và đẫm máu kéo dài 30 năm. Và trong cuộc chiến đó Việt Nam đã giành chiến thắng vô điều kiện…”

Ông Victor chia sẻ, ông đã được gặp gỡ với người anh hùng Phạm Tuân của Việt Nam trước khi hai người cùng cất cánh. Họ đã có một thời gian cùng học tập bên nhau trong các chương trình đào tạo trước khi lên tàu. Ông Victor cho biết, do các chương trình học đều đòi hỏi người tham gia phải biết tiếng Nga rất tốt và Phạm Tuân là một người đáp ứng được yêu cầu đó. Họ đã cùng luyện tập và sau đó lên một con tàu có 3 khoang, bao gồm 1 khoang máy, một khoang nghiên cứu và một khoang dành cho sinh hoạt. Trong khoang sinh hoạt này, họ đã có những trải nghiệm vô cùng đặc biệt.

Anh hùng Phạm Tuân nhớ lại, đêm trước ngày lên đường, cũng là một đêm đáng nhớ. Lúc ấy, trong lòng ông cũng không thể tránh khỏi những lo lắng về việc vận hành con tàu. Khi lên đường, hai người ngồi trên một tên lửa cao chừng 40m, dưới là một khối thuốc nổ khổng lồ. Một cảm giác khó tả hơn bất cứ cảm giác gì ông đã trải qua. Rồi con tàu lao vút lên trời xanh!

Ông kể, trước khi lên tàu, đã được tập luyện bằng cách ngủ dốc đầu, kê cao chân vì khi vào vũ trụ, máu trong cơ thể sẽ dồn lên đầu. Ông nói: “ Ban đầu, chưa quen nên mặt tôi trở nên béo phị, rồi vài ngày mới trở lại trạng thái bình thường. Bạn cứ tưởng tượng cảm giác không ngồi, không đứng, không đi mà cứ bay lơ lửng sẽ thế nào!?”.

Lần đầu tiên bay lơ lửng không trọng lượng, họ cũng đã có những phút thử nghiệm vui đùa khá độc đáo. Khi ăn, họ thử thả miếng bánh mì, nó liền bay lơ lửng trước mặt. Các nhà du hành vũ trụ thì bơi như cá và có cách ăn cũng giống kiểu của…cá!

Tâm sự về chuyện vệ sinh cá nhân, anh hùng Phạm Tuân khá dí dỏm: “Có vào thì có ra chứ! Chúng tôi đi vệ sinh vào một chiếc bồn cầu có máy hút ở dưới. Chất thải vào đó có hệ thống tách riêng phần nước ra rồi đi qua máy lọc. Đến khi nào đèn xanh bật sáng thì…lại có thể dùng nước đó để uống!”



Theo anh hùng Phạm Tuân, việc đưa nước lên tàu vũ trụ khá khó khăn vì trọng lượng trên tàu cần tối giản nhất để con tàu có thể dễ dàng bay trong không trung. Vì vậy các nhà khoa học đã nghiên cứu ra các máy móc, thiết bị phù hợp và hoàn toàn có thể an tâm về chất lượng vệ sinh.

Nói về cảm xúc của cuộc sống những ngày bay lơ lửng, anh hùng Phạm Tuân tâm sự: “Như những gì tôi đã chia sẻ, cảm giác trên tàu rất lạ lùng và thú vị. Tuy nhiên, nó là cảm xúc ban đầu và trong một thời gian ngắn, chứ lâu sẽ rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng sống ở dưới mặt đất vẫn là tốt hơn cả!”. Rồi ông lại cười lớn, khẳng định thêm một lần về cảm xúc của mình khi được sống trên tàu vũ trụ: “Nhưng dù sao, đó vẫn là cảm giác thú vị!”

Chuyến bay của cả nhân dân Việt Nam

Trong chuyến bay này, khi tàu bay qua Việt Nam là giây phút khó quên nhất của người anh hung Phạm Tuân. Ông vẫn nhớ như in cảm xúc rưng rưng lúc ấy. Ông được nhường ra phía ô cửa sổ có thể nhìn xuống trái đất. Dải đất hình chữ S thân quen hiện lên đầy trìu mến trong ông. Tàu lướt qua dải đất ấy, ông cất lời cảm ơn Đảng, cảm ơn đất nước, cảm ơn nhân dân Việt Nam đã tín nhiệm ông để ông có được giây phút này.

Rồi hành trình của con tàu cũng kết thúc sau 8 ngày bay vào vũ trụ. Cảm giác hồi hộp lúc cất cánh giờ quay trở lại. Họ sẵn sang trong các trang thiết bị để hạ cánh, rồi nằm cạnh nhau…chờ đợi.

Đó là những giây phút rất dài! Không ai dám chắc dù có bung được không?!

Và tất nhiên, sau tiếng “rầm”, con tàu rơi xuống nằm một chỗ. Các nhà du hành lúc này mới thở phào, họ vỗ vào đùi nhau và hét lên đầy vui sướng “Chúng ta đã thành công!”.


Nhà du hành vũ trụ Victor Vasilevich Gorbatko đang ký tặng những bức ảnh về tàu vũ trụ

Ông tâm sự, ông càng hạnh phúc hơn khi trở về Việt Nam. Cả Hà Nội và Sài Gòn đón chào ông bằng những tiếng hò reo vang dội hai bên đường phố. Trong lòng ông lúc ấy, chắc chắn dấy lên một niềm tự hào khôn tả. Nhưng ông cũng cho biết, đó là niềm vui chung của cả đất nước, của cả dân tộc. Ông chỉ là đại diện được nhân dân tin tưởng giao phó cho nhiệm vụ cùng các nhà du hành Nga bay vào vũ trụ. Và ông đã bay không phải cho mình mà là bay vì cả dân tộc và đất nước Việt Nam.

Chi Tử
http://infonet.vn/anh-hung-pham-tuan-song-tren-vu-tru-cuc-thu-vi-nhung-tot-nhat-la-o-mat-dat-post169550.info

2 nhận xét:

  1. Rất kính trọng anh hùng Phạm Tuân.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa