Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên trong mắt giới trẻ

Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên trong mắt giới trẻ
Kỳ thì trung học phổ thông quốc gia năm 2015 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh vừa kết thúc hôm 4 tháng 7 vừa qua. Theo đánh giá của Bộ giáo dục và đào tạo là thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, liệu việc ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào đại học – cao đẳng làm thành một có giảm được áp lực đối với thí sinh hay không và vì sao mônlịch sử vẫn là môn ít thí sinh chọn để thi. Đó là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ tuần này do ChânNhư điều hợp cùng với các bạn khách mời.
Hướng dẫn điền phiếu đăng ký tham dự kỳ thi thpt quốc gia 2015 trên youtube
Chân Như: Mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay là ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển vào đại học – cao đẳng làm một nhằm giảm áp lực thi cử. Theo bạn, áp lực thi cử với học sinh có giảm đi hay không ?


Trường Sơn: Theo suy nghĩ cá nhân của em, em cho rằng là có hiệu quả bởi vì trước đây họ tách hai kỳ thi thì các thí sinh các học sinh Việt Nam sau khi hoàn thành xong chương trình học phổ thông thì sau đó lại phải tham gia một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi lại phải tham gia tiếp thêm một kỳ thi đại học nữa. Trước hết là nó tạo ra rất nhiều áp lực đến học sinh và chuyện ôn thi. Bản thân em là người đã trải qua hai cuộc thi đấy rồi thì em cảm thấy mất rất nhiều công sức thời gian để ôn thi.  Thêm một điểm nữa nó hay hơn là giảm thiểu cho các thí sinh không có ý định thi vào các trường đại học lớn thì các thí sinh đó được phép thi ở địa phương của mình; Có lợi cho các thí sinh vì gia đình sẽ được giảm đi chi phí rất nhiều. Thông thường, phụ huynh các thí sinh ngoại tỉnh mà muốn đưa con mình  lên thi vào đại học như mọi năm thì việc chi tiêu  tốn kém khá nhiều. Đối với các gia đình khó khăn về kinh tế thì đây cũng là những gánh nặng lớn.  Năm nay cũng có rất nhiều các thí sinh đã được phép thi ở tại địa phương của mình như vậy là đỡ cho họ rất nhiều

  Em thấy nền giáo dục VN mình nó giống như một câu nói từ xa xưa ông bà ta vẫn thường nói là “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Em nghĩ câu nói đó cho đến bây giờ vẫn còn ứng dụng đối với giáo dục VN mình

Tiến Toàn
Tiến Toàn: Em nghĩ một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nó diễn ra như thế thì vẫn không thể giảm được áp lực thi cử vì là ghép chung một 2 kỳ thi vào với nhau, và vì một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đòi hỏi các em đậu được lớp 12.  Em mong là ở Việt Nam mình, các trường đại học cao đẳng có thể mở ra xét tuyển giống như là cách học ở bên Mỹ, một cách công bằng và mỗi trường sẽ đưa ra mỗi đề thi cho những thí sinh thi vào thì sẽ hay hơn là ghép 2 kỳ thi vào với nhau. Em thấy nền giáo dục Việt Nam mình nó giống như một câu nói từ xa xưa ông bà ta vẫn thường nói là “con vua thì lại làm vua, con sãi nhà chùa thì quét lá đa”. Em nghĩ câu nói đó cho đến bây giờ vẫn còn ứng dụng đối với giáo dục Việt Nam mình.

Minh Hiển: Theo em hiểu một cách rất là chung chung thì trước đây học sinh phải vất vả trải qua hai kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sau đấy là kỳ thi đại học, thì nay gộp lại thành một là một biện pháp giảm áp lực. Điều này theo em nó mới đúng một phần.  Thứ nhất em rất đồng ý với Sơn ở phần là “việc gộp lại là một sẽ giảm được rất nhiều những cái tốn kém về mặt chi phí, về mặt công sức cho những người học sinh nào trước phải thi đến hai lần, công đưa đón, công của phụ Huynh... thì nay gộp lại thành một thì giảm rất nhiều những chi phí về mặt vật chất chi phí như thế”.  Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu một thực tế là từ trước đến nay thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn mang tiếng là hình thức, không thiếu những tiêu cực ví dụ như quay cóp hoặc nhắc bài,....  Nếu một kỳ thi mà bị coi là mang tính chất thủ tục, thi mà thậm chí như đùa như thế thì vấn đề áp lực thật sự để nói đến chuyện giảm hay không thì nó cũng tương đối mơ hồ thôi và về mặt thực tế cũng không nhiều ý nghĩa lắm.

Chân Như: Trong hệ thống thi cử, đánh giá chất lượng giáo dục của Việt Nam từ trước đến nay bị nhiều người đánh giá là lạc hậu, không thực chất.  Bạn có cảm nhận sao về đánh giá này?

Tiến Toàn: Dạ thưa anh em nghĩ đánh giá đó là đúng, vì trong hệ thống giáo dục của Việt Nam mình hiện nay em thấy là có nhiều cái cần cắt giảm, mà có nhiều cái cần nâng lên. Chẳng hạn, từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 12) là các em có thể làm quen với tiếng Anh. Tiếng Anh là môn ngoại ngữ có thể sử dụng cho 24 quốc gia, tại sao lớp 12 là khả năng đang phát triển của giới trẻ có thể tiếp thu tiếng Anh rất là nhiều mà mình không nâng cao tiếng Anh lên và mình cắt giảm những môn học không cần thiết để có thể nâng tầm mức suy nghĩ và mức đầu tư về học vấn của các sinh viên và các thế hệ sau của Việt Nam.  Chương trình vào đại học cũng vậy. Em thấy nhiều môn học và nhiều nền khác dạy của Việt Nam mình rất còn lạc hậu, những môn học không có dính dáng hoặc liên quan gì đến sau này việc làm.  Nhiều khi mình học ra trường nhưng mà chưa chắc gì mình đã làm được đúng cái ngành đó.

  Em cho rằng sự độc quyền ra đề thi cũng như là sự độc quyền cho giáo dục ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho tình trạng giáo dục của chúng ta trở nên lạc hậu

Trường Sơn
Trường Sơn: Em nghĩ là mọi người cũng biết cái thông tin, ví dụ người ta thường hay nói rằng nền giáo dục của chúng ta so sánh với các nước khác trong khu vực đã là lạc hậu rồi thì chưa so sánh đến các nước phát triển bên Châu Âu. Thi cử chỉ là một phần nhỏ của toàn hệ thống giáo dục mà thôi. Đối với thi cử Việt Nam, suy nghĩ cá nhân của em cho rằng thứ mà khiến nó trở thành không thực chất và không được công bằng thì đó là vấn đề minh bạch trong thi cử: những tình trạng như là quay cóp, đút lót hối lộ để được điểm cao, hoặc để được phép quay cóp trong thời gian thi cử. Yếu tố minh bạch chính là yếu tố khiến cho kỳ thi không phải chỉ là kỳ thi trung học phổ thông hay thi đại học mà  hầu hết các kỳ thi trong hệ thống giáo dục Việt Nam đều gặp phải. Đó là về yếu tố con người, chứ về yếu tố kỹ thuật như là hệ thống các thứ thì nó cũng là một phần nhưng yếu tố con người, quản lý con người đây là vấn đề chính.

Theo dõi điểm thi THPT Quốc gia 2015 (vietq.vn)
Một kỳ thi nếu muốn nói rằng là hình thức thi cử đó hay là kiểu thi đó nó có lạc hậu hay nó có chậm tiến hay không thì cũng không hoàn toàn đúng bởi vì em thấy rằng là bộ giáo dục của Việt Nam cũng rất là cố gắng trong việc học hỏi các nước khác nhưng tại sao nền giáo dục Việt Nam nói chung và cách bài thi cũng như các kỳ thi của Việt Nam chất lượng vẫn kém?  Vấn đề, em nghĩ, ở đây phần lớn là vấn đề con người khi chúng ta không có được một độ minh bạch cần thiết để biến cuộc thi này thành một cuộc thi thực sự.  Ngoài ra, có một vài chính sách không được phù hợp lắm của bộ giáo dục ví dụ như người ta độc quyền chuyện ra đề thi chẳng hạn nhất là đề thi đại học. Họ chỉ có  một vài ông bà được thẩm quyền của bộ giáo dục và đào tạo ngồi với nhau và đưa ra một cái đề thi để dành cho tất cả hàng triệu thí sinh trên cả đất nước này như vậy là không được phù hợp.  Em cho rằng sự độc quyền ra đề thi cũng như là sự độc quyền cho giáo dục ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân lớn khiến cho tình trạng giáo dục của chúng ta trở nên lạc hậu.

Chân Như: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay có khắc phục được phần nào những khiếm khuyết mới nói trên hay không ?

Minh Hiển: Thật ra cá nhân em thấy hơi khó để trả lời câu hỏi này. Câu hỏi này không phải quá phức tạp mà bởi vì tất cả những khiếm khuyết mà lúc nãy chúng ta đang nói ở trên thì ta nhận thấy nó đều mang tính hệ thống từ cấp độ triết lý lý luận giáo dục cho đến tất cả những gì cụ thể, mà một học sinh phải trải qua trong giờ học hằng ngày trong lớp.  Vậy thì làm sao một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà có thể giải quyết được, cho dù chỉ là phần nào thôi, cái khiếm khuyết đó.  Nói chung là nó rất  hạn chế. Một kỳ thi mà kỳ vọng giải quyết được cả một hệ thống từ sai lầm về mặt khiếm khuyết về mặt hệ thống thì rất khó.  Nhưng có chăng là kỳ thi tốt nghiệp và cái cải cách như vừa rồi có thể tạo ra một tác động tích cực cho dù là nhỏ cho học sinh. Các học sinh đấy phần nào không phụ thuộc vào việc tiếp thu kiến thức từ trên lớp mà họ phải có thói quen đam mê và tự nghiên cứu. Tác dụng tốt đấy là việc giảm nhẹ thi cử  có thể sẽ khiến các em có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn cho việc tự do học tập của mình.  Đó là đối với những phần học sinh nào có thói quen đam mê tự nghiên cứu, nhưng điều này chắc chắn là em nghĩ nó cũng rất là hiếm hoi. Do vậy hệ quả của việc cải cách như vừa rồi là cũng đạt được nhưng cũng rất là hạn chế thôi.

Chân Như: Trong ngày thi cuối cùng, nhiều điểm thi đã phải đóng cửa vì không có thí sinh đăng ký thi môn sử. Bạn nhận xét gì về việc này và suy nghĩ của học sinh Việt Nam về môn sử?

Trường Sơn: Đây là một câu hỏi em rất thích vì em rất trăn trở, đặc biệt là với môn lịch sử bởi vì bản thân em rất thích bộ môn lịch sử này.  Em cho rằng vấn đề học sinh không thích môn sử là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác vì môn lịch sử thường được rất ít người lựa chọn. Tuy nhiên, tại sao nó lại là vấn đề trở nên rất nghiêm trọng ở Việt Nam?  Rất ít thí sinh đăng ký môn này, theo em, nguyên nhân chính của nó đó là, nội dung giảng dạy, trình độ giảng dạy của giáo viên.  


Nội dung giảng dạy ở đây là chúng ta dạy sử một cách quá giáo điều khi mà lịch sử  đã bị thay đổi rất là thô bạo. Chúng ta nói rằng lịch sử là những gì đã xảy ra và khi chúng ta nói về sử là chúng ta chỉ nhắc lại những gì đã diễn ra một cách chính xác mà thôi. Cá nhân  em cho rằng lịch sử của Việt Nam hiện tại, đặc biệt là môn sử trong trường trung học phổ thông đã bị thay đổi khá là nhiều. Lịch sử được viết theo định hướng có chủ đích nào đó của chính quyền; Chính vì bản chất của sự việc đã bị bóp méo thì muốn nó đi vào trong đầu người ta, muốn nó trở nên hứng thú đối với học sinh thì rất là khó bởi vì bản chất của nó không còn giữ được nguyên nữa.  

Các giáo viên lịch sử cũng vậy, khi giảng dạy thì bị gò ép trong giới hạn nhất định , ví dụ khi giảng dạy mà có những sự kiện lịch sử đã diễn ra đặc biệt là những sự kiện lịch sử của thế kỷ 20 của thời kỳ mà ĐCS hoạt động ở Việt Nam và lên cầm quyền. Giáo viên giảng rất cầm chừng theo một form nào đó đã được cho trước, đã được đào tạo rất kỹ trong các trường sư phạm mà họ không được phép mở rộng, bàn luận thêm và đặc biệt là họ không được phép có cái nhìn đối lập , cũng như được phép đưa ra một so sánh khác biệt nào đó để giảng dạy môn lịch sử. Chính vì sự giáo điều khô khan và o ép như vậy, nó trở nên rất khó cho các giáo viên được linh hoạt trong việc giảng dạy và như thế cũng khó cho các học sinh để tiếp nhận môn lịch sử này. Đó là 2 nguyên nhân chính em cho rằng môn lịch sử đang bị thất sủng ở Việt Nam hiện tại.

  Lịch sử được viết theo định hướng có chủ đích nào đó của chính quyền; Chính vì bản chất của sự việc đã bị bóp méo thì muốn nó đi vào trong đầu người ta, muốn nó trở nên hứng thú đối với học sinh thì rất là khó bởi vì bản chất của nó không còn giữ được nguyên nữa

Trường Sơn
Minh Hiển: Cá nhân em và Sơn cũng chia sẻ rất nhiều điểm chung đó là rất yêu thích việc nghiên cứu lịch sử, và vì vậy em nhìn nhận sự việc không có học sinh nào đăng ký môn sử như vừa rồi là sự việc rất buồn. Rõ ràng học sinh ngày nay, ngày càng chỉ coi việc học sử nói riêng như một việc bất đắc dĩ phải làm trong một kỳ thi mà thôi chứ không phải học sử là vì đam mê hoặc để tò mò nữa. Điều này là do tư duy học và dạy từ trước đến nay vốn dĩ là mang tính chất một chiều, bắt ép học sinh phải thừa nhận một thứ chân lý độc quyền nào đó.  

Và thứ hai cũng do tư duy rất là nghèo nàn nó chia ra lịch sử lúc nào cũng là ”ta thắng, địch thua”, “ta chính nghĩa, địch hung tàn” ... Phân chia kiểu đấy rất là nghèo nàn, và nó quang cản quá trình phản biện và nghi ngờ của cả giáo viên lẫn học sinh

Còn một điều lớn hơn là sự chán ghét môn học sử này là dẫn đến việc lẩn tránh hay là xem nhẹ các nghiên cứu về lịch sử, nói chung. Tức là từ môn lịch sử dẫn tới việc xem nhẹ cả một nghiên cứu rộng hơn về mặt lịch sử. Nói rộng ra, theo em, có thể hơi bi quan một chút là có nguy cơ hình thành một thế hệ không hiểu hoặc là lệch lạc về lịch sử hoặc là thiếu tinh thần phản biện về nó. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi vì đôi khi các sai lầm lịch sử nào đó như chúng ta thấy trong bối cảnh hiện đại ngày nay thì rất dễ cho những sự việc mà nó cứ lập lại những sai lầm lịch sử mà ta có thể không nhận thức được. Điều đấy là điều rất là nguy hiểm.

Tiến Toàn: Theo nhận xét của bản thân em, do thí sinh không phải là không thích môn sử mà vì nhằm cái kiến thức và sự truyền đạt của giáo viên đối với học sinh Việt Nam mình về môn sử vẫn còn học theo cách cũ và nhồi sọ. Bên cạnh đó thì bài vở rất nhiều nên đâm ra chán nản.  Tại sao những tiết học đó mình không có thể áp dụng một cách nhiệt huyết chút xíu để cho có thể nắm bài gọn nhanh trên lớp, tránh khỏi tình trạng phải học nhồi sọ như thế. Môn lịch sử là môn mình phải yêu thích lắm mình mới học được. Giáo viên cũng không dám giảng dạy quá xa về Việt Nam mình không phải là một nước dân chủ. Em thấy đó là nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay nếu mà không thể không thay đổi thì nền giáo dục Việt Nam mình sẽ một ngày càng tụt hậy đi dần vì bất cứ một học sinh sinh viên đều học ra trường. Em nói vui với một câu nói này “ngày xưa một cô bé bán khoai lang đậu 2 trường đại học, bây giờ một cô bé có 2 bằng đại học phải về quê bán khoai lang”. Em chỉ nói cho vui như vậy thôi.

Chân Như: Một lần nữa xin cám ơn phần chia sẻ vừa rồi của 3 bạn, Tiến Toàn, Trường Sơn và Minh Hiển đã dành thời gian để đến với chương trình ngày hôm nay, Chân Như cũng cám ơn quý vị và xin hẹn gặp lại tuần sau.

Chân Như
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét