Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

Hầu hết các báo lề phải đang vi hiến trầm trọng khi...

Hầu hết các báo lề phải đang vi hiến trầm trọng khi đăng tin vụ thảm sát ở Bình Phước
Các nhà báo hãy làm ơn thể hiện tầm nhận thức và hiểu biết của mình. Hãy nhớ rằng chỉ những thông tin về khoa học hình sự rõ ràng mới là khách quan. Tất cả những gì mà CA tuyên bố không phải là bằng chứng khi chưa có sự thừa nhận của quan toà. Những thông tin thuộc về suy đoán hãy làm ơn suy đoán theo hướng vô tội đối với nghi phạm. Cái ác chỉ bị tiêu diệt trong một xã hội văn minh khi luật pháp được tôn trọng chứ không hề bị tiêu diệt bởi những lời buộc tội không có trách nhiệm của những kẻ không phải là quan toà.

Hiện trường vụ án tại Bình Phước.
Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 2013 quy định: “Điều 9: Suy đoán vô tội - Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo được suy đoán vô tội cho đến khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của mình.

- Mọi nghi ngờ về lỗi của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không được loại trừ theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì phải được giải thích theo hướng có lợi cho họ.

- Bản án kết tội của Tòa án không dựa trên những căn cứ giả định”
.

Như vậy tinh thần của "suy đoán vô tội' được thể hiện như sau: "Khi tạm giữ, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một người bị tình nghi phạm tội, hoặc họ đã trở thành bị can, bị cáo trong vụ án thì trong tâm thức của những người tiến hành tố tụng phải coi họ là người không có tội và thực sự mong muốn họ là người không có tội, nhưng vì những chứng cứ thu thập được là những bằng chứng hoàn toàn chống lại họ, không có bất kỳ một chứng cứ nào cho thấy họ vô tội, nên buộc lòng phải kết luận và quyết định truy tố, xét xử họ về tội đã phạm. Việc kết tội là hệ quả của các bằng chứng rõ ràng về hành vi phạm tội của họ mà không thể nào khác được."

Đối với một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy, khi toàn xã hội đều chú ý vào diễn tiến vụ việc, những phát ngôn báo chí của những người đại diện cho các cơ quan tiến hành tố tụng cần rất cẩn trọng. Phát ngôn của họ không được phép khiến cho công chúng tin chắc rằng các nghi can chính là thủ phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần tránh đưa ra những phát ngôn báo chí có khả năng dẫn đến những thành kiến lớn, làm ảnh hưởng đến sự công bằng của quy trình tố tụng. Các thông tin về vụ án trên các phương tiện thông tin đại chúng cần tránh làm tổn hại đến quyền được giả định vô tội của bị can, bị cáo.

Thế nhưng báo chí đã vi phạm nguyên tắc này khi suy luận nghi can có tội trước sự phán quyết của toà án,đồng thời dùng nhiều từ ngữ kết tội nghi can rất nặng nề.Có thể lấy ví dụ như sau:

- Vụ thảm sát ở Bình Phước, chuyện con quỷ 'hận tình' núp trong con người

- Xã hội hóa ra vẫn còn những con quỷ đội lốt người, chúng vẫn nhởn nhơn đâu đó quanh ta đôi khi với những vỏ bọc hào nhoáng khác, để khi bị hoàn cảnh thúc đẩy, bản tính cái ác trỗi dậy, chúng lại hành động theo bản năng giống thú của mình - Phụ nữ Today

- Có thể khẳng định Nguyễn Hải Dương đã mất nhân tính toàn diện. Trước khi vụ thảm sát xảy ra, trong con người Dương đã tiềm ẩn những dấu hiệu không tích cực. Cộng với tính ích kỷ, chỉ biết bản thân mình mà những dấu hiệu đó đã phát ra ngoài bằng hành vi man rợ không thể là của con người có trí não, biết suy nghĩ. - VoV

Chỉ có báo Lao Động là công tâm hơn khi đặt vấn đề:

"Và câu hỏi tôi cho là thật tàn ác với một bà mẹ trong hoàn cảnh trở trêu này: “Khi hay tin con mình dính líu vào đó, tâm trạng bà ra sao?”. Nói thương con thì bị quy chụp là bao che, dung túng; lên án con thì biết nói sao cho vừa lòng dư luận.

Đọc xong bài báo, tôi cứ hỏi: Sao nhà báo lại cứ cầm dao khoét vào trái tim đang chảy máu của ông bố, bà mẹ các nghi phạm? Đành rằng con dại cái mang, nhưng các nghi phạm cũng do các bà mẹ dứt ruột đẻ ra, mang nặng đẻ đau."

Hãy nên nhớ rằng vụ án chưa được phán quyết tại sao các nhà báo lại cho mình cái quyền phán xét kết tội nghi can. Nếu nó đúng là một vụ án Vườn Điều, một Nguyễn Thanh Chấn, một Hồ Duy Hải, một Nguyễn Văn Chưởng... thì các nhà báo sẽ ăn nói làm sao khi thông tin và lời kết tội mình đưa ra đã khiến bố Vũ Văn Tiến đâm xe tự tử, mẹ Nguyễn Hải Dương đập đầu vào tường quyên sinh? Đó sẽ là một tội ác. Và tội ác này ở các nước có nền pháp trị sẽ bị khởi kiện và truy tố trước pháp luật nếu luật sư chứng minh được tác hại do một bài báo cụ thể gây ra.

Vì vậy các nhà báo hãy làm ơn thể hiện tầm nhận thức và hiểu biết của mình. Hãy nhớ rằng chỉ những thông tin về khoa học hình sự rõ ràng mới là khách quan. Tất cả những gì mà CA tuyên bố không phải là bằng chứng khi chưa có sự thừa nhận của quan toà. Những thông tin thuộc về suy đoán hãy làm ơn suy đoán theo hướng vô tội đối với nghi phạm. Điều này sẽ buộc lực lượng chấp pháp làm việc năng động, khoa học hơn, hệ thống luật pháp hoàn chỉnh hơn và người dân được hưởng lợi khi công lý được tiệm cận hơn.

Cái ác chỉ bị tiêu diệt trong một xã hội văn minh khi luật pháp được tôn trọng chứ không hề bị tiêu diệt bởi những lời buộc tội không có trách nhiệm của những kẻ không phải là quan toà.

Dương Hoài Linh
Theo Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét