Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

Giàu bằng cách nào và tại sao cứ mãi nghèo?

Giàu lên bằng cách nào và tại sao cứ mãi nghèo?
Lê Đăng DoanhBáo cáo World Ultra Wealth Report 2014 của UBS ghi nhận Việt Nam có 210 người giàu có tài sản trên 30 triệu USD và Báo cáo của EIU ghi nhận số người giàu ở Việt Nam tăng nhanh thứ ba trên thế giới. 
Tất cả các nước giàu đều giàu lên nhờ đầu tư vào 
giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Không biết nên vui hay buồn lo về thông tin này cho đất nước khi nhìn thấy những người đến ăn cơm từ thiện 2.000 đồng vẫn rất đông và tình cảnh khốn khó của nhiều gia đình trong bệnh viện công. Cũng không rõ số người giàu này có bao gồm những quan chức, giám đốc doanh nghiệp nhà nước tiền lương rất thấp, không rõ nguồn gốc tài sản từ đâu nhưng đã đưa con cái đi học và định cư ở nước ngoài, mua nhà đất và chuẩn bị rất đầy đủ cho cuộc sống của chính mình ở bên đó. 

Có một số trắc nghiệm và phân tích cho thấy những người giàu lên nhanh vượt trội trong khoảng 10 năm gần đây đều liên quan đến đất đai, tài nguyên thiên nhiên và quyền lực. Chưa thấy có người nào trở nên siêu giàu nhờ vào khoa học - công nghệ, sáng tạo, ngay cả những người tự nhận là lãnh đạo tập đoàn công nghệ cũng giàu lên nhờ đất đai, quan hệ quyền lực.

Hiện tượng Nguyễn Hà Đông thành công với Flappy Bird chỉ là hiện tượng rất cá biệt, đáng mừng cho trí tuệ Việt nhưng rất buồn cho xã hội này. Đáng chú ý là nhiều người có tài năng đã chọn con đường ra nước ngoài làm việc hay làm cho doanh nghiệp nước ngoài. 

Samsung hiện đang sử dụng 1.600 kỹ sư phần mềm của Việt Nam thiết kế phần mềm cho các mẫu điện thoại di động thông minh của họ, năm 2014 Samsung Việt Nam đã vận dụng 12 phát minh, sáng chế của kỹ sư Việt Nam. Thành công đó cho thấy, nếu có môi trường thuận lợi, trí tuệ Việt Nam có thể nở hoa và những tài năng có thể phát huy.


Việt Nam phải cải cách thể chế, kiểm soát quyền lực và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người cùng có cơ hội phát triển - Ảnh: Internet

Giàu lên nhanh chóng, vượt trội ở Việt Nam trong 10 năm gần đây phần lớn gắn liền với quyền lực. Chính quyền lực đã dành cho những công ty nhất định những miếng đất vàng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cả Phú Quốc. Chính quyền lực đã chỉ định thầu cho những công trình "đắt nhất hành tinh", vừa khánh thành đã hỏng ngay. Chỉ có quyền lực mới cho phép khai thác gỗ cạo trọc đồi ở Tây Nguyên, khai thác mỏ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà không bị trừng phạt theo pháp luật. 

Dĩ nhiên, phải có tiền và rất nhiều tiền cùng với sự khéo léo tiếp cận quyền lực. Tôi đã chứng kiến những ví dụ thật điển hình như một quan chức nọ bỏ hết công việc nhà nước để đến chịu tang suốt ngày đêm bên linh cữu của bà mẹ một quan chức lớn để tiến thân hay những đoàn xe sắp hàng dài để được vào "chúc Tết" thủ trưởng nọ trong vòng 10 phút… Sự kiên nhẫn, nhẫn nhục để xây dựng "quan hệ" của họ thật nổi bật và đó là "chìa khóa thành công" đích thực mà bí mật của họ. 

Có người nghèo không giàu lên được vì không chịu học thêm hay kiếm được ít tiền thì vội cờ bạc, nghiện hút, tiêu phí tài sản và cả tương lai của chính mình. Cũng có người giàu lên nhanh nhờ may mắn trên thị trường chứng khoán nhưng đã rơi vào nợ nần chồng chất chỉ vì lao vào những ảo vọng mù quáng như một con thiêu thân.

Nhưng đa số người nghèo, họ nghèo vì bị hạn chế về cơ hội học tập, sự cách biệt về địa lý, về ngôn ngữ, về kỹ năng sống. 

Sự chênh lệch giàu - nghèo thái quá sẽ tạo ra bất bình xã hội, dẫn đến mất ổn định. Đó là điều Việt Nam cần tránh trước khi quá muộn. 

Tất cả các nước giàu đều giàu lên nhờ đầu tư vào giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như đồ thị trên đây cho thấy.

Để tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải cải cách thể chế, kiểm soát quyền lực và tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người cùng có cơ hội phát triển.

Lê Đăng Doanh/Duyên dáng Việt Nam
http://motthegioi.vn/doc-tren-duyen-dang-viet-nam/giau-len-bang-cach-nao-va-tai-sao-cu-mai-ngheo-206339.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét