Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Chờ Cơn Bão Đến ? Làm gì có !!!

Chờ Cơn Bão Đến ?
Alan Phan - Vì tính chất quan trọng của mọi thay đổi, rất nhiều thân hữu ao ước một “phép lạ” sẽ hiện ra, cứu rỗi những cuộc đời đang nghiêng ngả. Ý kiến của ông già Alan là trong vài năm tới, sẽ không có một thay đổi nào hết trong cơ chế quyền lực, trong lợi ích phe nhóm, trong phương cách kinh doanh, trong nhu cầu nợ và thuế, trong nền tảng văn hóa và giáo dục. Đảng cầm quyền đã “nói và làm” theo một quán tính kéo dài hơn 80 năm, không ai có thể khiến họ thay đổi trong vài năm sắp đến.

china-stock-market_1007914c
(Thay đổi không xẩy ra nếu chúng ta phải tùy nơi người khác hay thời điểm khác. Chúng ta chính là người mà chúng ta mong đợi. Chúng ta là sự thay đổi mà chúng ta tìm kiếm – Change will not come if we wait for some other person or some other time. We are the ones we’ve been waiting for. We are the change that we seek. Barack Obama)

Trong ký ức dầy đặc của tôi, mùa hè 2015 có nhiều điều khác thường. Ngay cả thời tiết, nhiệt độ ở những vùng ven biển của Nam California ở tháng 7 xuống thấp hơn cả tháng 3 (tháng cuối của mùa đông).

Tôi đang cùng gia đình nghỉ hè ở xa thì phải quay về Mỹ vì sức khỏe của Mẹ tôi, rồi đám tang và những lễ cầu siêu tiếp theo, giữ chân tôi lại đây cho đến hôm nay. Có chút thì giờ lúc này, tôi lại từ chối lời mời đi chơi của bạn bè, vì chợt nhận ra là cuộc sống và ngày tháng nơi California nhàn hạ, thoải mái và cũng nhiều bạn để chém gió. Không lý do gì để hành thân xác đang mệt mỏi tại những vùng trời xa lạ. Quả là tư duy của một ông già.

Ngủ dậy trên chiếc giường quen thuộc, ăn miếng bánh mì Ý cùng ly cà phê đậm đặc, nghe chim hót vang lừng bên cạnh balcony, trong khi lớp sương phủ từ biển vẫn che mờ ánh nắng. Cái mù mờ không định lại là những giây phút thiền tịnh, lý tưởng cho một tâm hồn cần bình an.

Quanh tôi, các bạn trong giới làm ăn, vẫn đang hưởng thụ những ngày nghỉ hè rãnh rỗi. Tuy nhiên, không hiểu sao, ai cũng nghĩ là một vài cơn bão sẽ cập bến vào mùa thu hay mùa đông này. Không lớn và tàn khốc như cơn khủng hoảng 2007, nhưng sẽ để lại nhiều dấu ấn cho lịch sử.

Trong khi đó, qua những Emails và bình luận từ thân hữu khắp nơi, tôi thấy nhiều khắc khoải về tình hình trước mặt cho Việt Nam và Biển Đông. Vụ ông Tổng Trọng qua thăm ông Tổng Obama cũng tốn khá nhiều giấy mực và suy luận. Nhiều bạn nghĩ là một chu kỳ chính trị mới sẽ bắt đầu sớm để tạo những thay đổi về kinh tế và xã hội. Nhiều bạn cho là nền kinh tế VN sẽ sụp đổ trong vài năm tới vì những bất cập không thể giải quyết được. Vài bạn nghĩ là đảng cầm quyền ở VN sẽ biến thể, do áp lực bên ngoài và mâu thuẫn bên trong. Tóm lại, ai cũng đang trông chờ một thay đổi sâu xa và yêu cầu ông già Alan phát biểu ý kiến của mình thẳng thắn cho nhóm BCA (Bạn Của Alan) đang lần mò trong bóng tối.

Vậy tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ rất “cá nhân”:

1. Tôi cũng lần mò trong bóng tối về những thực trạng đang xẩy ra phía sau bức màn tre của đảng cầm quyền. Tôi cũng tự an ủi là chính các “diễn viên” trong vở kịch này cũng không rõ lắm về phiên bản (script). Khi không biết ai là nhà sản xuất, ai là đạo diễn thì khó mà đoán kết cuộc. Đoạn cuối kịch này không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp hay cuộc sống của tôi và các người Việt hải ngoại; nhưng tương lai của 90 triệu dân, 3 triệu đảng viên, 10 triệu gia đình thân quyến…sẽ tùy thuộc rất nhiều vào phiên bản này.

2. Vì tính chất quan trọng của mọi thay đổi, rất nhiều thân hữu ao ước một “phép lạ” sẽ hiện ra, cứu rỗi những cuộc đời đang nghiêng ngả. Ý kiến của ông già Alan là trong vài năm tới, sẽ không có một thay đổi nào hết trong cơ chế quyền lực, trong lợi ích phe nhóm, trong phương cách kinh doanh, trong nhu cầu nợ và thuế, trong nền tảng văn hóa và giáo dục. Đảng cầm quyền đã “nói và làm” theo một quán tính kéo dài hơn 80 năm, không ai có thể khiến họ thay đổi trong vài năm sắp đến.

3. So sánh VN với những quốc gia đã trải nghiệm những cuộc “cách mạng màu” ở Trung Đông hay Liên Xô cũ là hơi khập khễnh vì (a) áp lực bên ngoài từ các siêu cường không có – vì mọi phía muốn duy trì một ổn định live-and-let-live; (b) dân Việt đã và đang chấp nhận một chế độ toàn trị – vì sợ mạng lưới an ninh và vì mệt mỏi sau cuộc nội chiến; (c) quyền lợi kinh tế, thị trường nội địa và địa chính trị không đủ sức hấp dẫn các con cá mập thế giới; và (d) xã hội VN có quá nhiều vấn đề từ giáo dục, y tế, tôn giáo…đến môi trường, tham nhũng, nhân quyền…để các giải pháp quản trị được dư luận thế giới quan tâm.

4. Tuy nhiên, với ảo tưởng lúc nào cũng đầy ắp ở các chính trị gia sắp về hưu (lo về di sản-legacies thay vì thực chất), ông Obama sẽ cố gắng hoàn tất hiệp định TPP trước năm nay. Ông cũng cần TPP và VN để bào chữa “chuyện xoay trục qua Á Châu” nhằm ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc. Lơi dụng cái bánh vẽ TPP, đảng cầm quyền VN sẽ thu hút được phần nào các dự án FDI mới (nhất là từ Trung Quốc) và số lượng kiều hối có thể gia tăng giúp cân bằng ngân sách đang thiếu hụt trầm trọng. Dù không chủ định trong kế hoạch, lãnh đạo VN biết nắm cơ hội để tăng trưởng kinh tế vài ba phần trăm trong vài năm tới. Sự phát triển èo uột này cũng đủ làm người dân bỏ qua mọi ý định “phiến loạn” và trở lại làm bầy cừu ngoan ngoãn.

5. Các báo lề đảng cũng như các mạng lề trái đã thổi trái bong bóng về quan hệ Việt-Mỹ-Trung nhân chuyến thăm quan Tòa Bạch Ốc của Tổng Trọng. Thực ra, ngoài bàn tin tiếng Việt của giới truyền thông, có lẽ chúng ta không tìm ra hơn 10 bài về đề tài trên ở các báo đài lớn của Mỹ. Trong thời gian gần đây, ngay cả cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp đã phải tránh qua một bên vì tin “hot” nhất hiện nay là sự sụp đổ không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán của VN nên nghiên khảo bài học đáng giá này.

6. Cách chữa cháy của chính phủ Trung Quốc để ngăn chận việc “rơi tự do” của chứng khoán Trung Quốc khá thú vị. Trước hết, Ngân Hàng Nhà Nước đổ hơn 20 tỷ đô la (và khuyến khích các ngân hàng và tổng công ty nhà nước) mua lai các cổ phiếu đang xuống mạnh. Không hiệu quả, họ chuyển qua biện pháp ngưng giao dịch 1300 cổ phiếu niêm yết (hơn 50% thị trường). Vẫn không ngăn được làn sóng bỏ chạy, họ cấm các cổ đông giữ hơn 5% cổ phiếu công ty bán ra. Cho đến nay, 35 ngàn tỷ US đô la đã bốc hơi, phần lớn là tài sản dành dụm của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. (Các đại gia đã biết trước trận bão, nên đã chạy trốn cách đây vài tháng).

Sự can thiệp của chính phủ không làm thay đổi được điều gì; nhưng như chúng ta đã học trong bài toán về bong bóng bất động sản tại VN, nó sẽ kéo dài đời sống thực vật của những dự án kinh doanh thêm 5, 7 năm. Cuối cùng, đầu tư vẫn bay xa, nợ xấu vẫn nằm đó, và dự án phải bán lại cho dòng tiền “kên kên”. Rồi chính phủ và các nhà môi giới phải dùng đủ loại chiêu trò thủ thuật để bơm thổi và dụ dỗ những đồng tiền cuối cùng.

Như tôi đã nói từ năm 2009, “hãy để chúng chết đi”.

Alan Phan
(Blog Alan Phan)
http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/cho-con-bao-den.html

2 nhận xét:

  1. BĐS VN thì giờ tăng giá vù vù lại rồi, đâu có chết gì đâu.

    Trả lờiXóa
  2. Đám kền kền BĐS đầu tư mồi để thổi giá BĐS lên, hấp dẫn dân chúng đổ tiền mua, chúng bán ra tha hồ kiếm bẫm. Khi thấy giá đã quá cao và thắng được 1 lượng tiền đủ lớn, chúng sẽ đột ngột bán ra ào ạt kèm tung tin để giá BĐS tụt thảm hại, dân chúng sẽ ồ ạt bán theo, lỗ cũng đành chịu, khi đó đám kền kền lại mua vào. Cứ thế đầu cơ nhiều vòng, mỗi vòng chu kỳ khoảng 10 năm.

    Nhà nước có can thiệp nhưng can thiệp sai và làm gì đủ lực so với thị trường, thậm chí trở thành con mồi cho đám kền kền, mất oan tiền ngân sách. Đợt khủng hoàng vừa qua có vô số gia đình đã mua BĐS giá cao, nay giá hạ, mất 30-40% tiền, đang chán nản.

    Sẽ đến ngày đám kền kền quốc tế đầu cơ đánh vào nền KT VN; hiện nay VN còn nghèo quá nên chúng chưa thèm đánh; chúng đang đổ tiền vào đầu tư mồi, để VN vay nợ ODA nhiều vào, bán tài nguyên nhiều vào, thu hút kiều hối nhiều vào, nhà nước bóc lột dân chúng nhiều vào để lấy tiền tiêu... Tất cả tiền VN kiếm được sẽ được đầu tư vào BĐS, Nhà máy... , khi đó chúng mới đánh để chiếm. Sau 1 trận chiến, 1/3 tài sản VN sẽ thành sở hữu của đám kền kền, còn dân ta, kể cả các chủ doanh nghiệp VN, sẽ thành người lao động làm công ăn lương, quản lý, sử dụng tài sản đó để làm giầu cho chúng.

    Trả lờiXóa