Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Buồn về trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam

Nỗi buồn về trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam qua việc xe xúc cán người dân
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi ích của mình mà bất chấp đạo đức, cũng như sức khỏe, tính mạng của người dân. Hình ảnh người dân bị chèn dưới chiếc xe xúc được truyền ngày 10/7/2015 đã nói lên tất cả.
Trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp (DN) có sứ mệnh là sử dụng các nguồn lực xã hội để tổ chức sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ phục vụ cho xã hội, tạo ra sự phát triển. Vai trò của DN là rất quan trọng, tạo ra sự thịnh vượng cho nền kinh tế. Chính phủ cần tạo điều kiện để kinh tế thị trường phát triển, để DN được tiếp cận đầy đủ, công bằng, minh bạch với các nguồn lực của xã hội. Vì thế, DN không chỉ tồn tại vì lợi nhuận của chính mình mà phải vì sự phát triển chung của xã hội, gồm các bên liên quan như người lao động, các đối tác, khách hàng, chính quyền…

Như vậy, để nền kinh tế thị trường được vận hành ổn định và bền vững thì không thể chỉ tập trung vào thu được lợi nhuận nhất thời, làm ăn chụp giật, mà phải có một chiến lược phát triển dài hạn. Rất nhiều bài học trên thế giới cho thấy DN thành công nhờ có chiến lược phát triển lâu dài, xem thành công của DN mình gắn liền với lợi ích người lao động và xã hội

Kinh nghiệm của Nhật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Ngày 14/7/2015 tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã diễn ra Hội thảo kinh nghiệm của Nhật Bản về xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Đây là những vấn đề không mới, nhưng cần phải lưu ý đúng mức trong hoạt động thực tiễn của DN Việt Nam.

Các diễn giả tham gia buổi hội thảo đến từ Hội đồng Đổi mới Đời sống Nhật Bản, Bộ Công thương Nhật Bản, Hội đồng ILO Nhật Bản đã có các bài tham luận làm rõ ý nghĩa; sự cần thiết của hoạt động xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội và xu hướng quốc tế của hoạt động này trong sự phát triển của DN.

“Do đó, việc xây dựng xã hội kinh tế thị trường đúng đắn, lành mạnh bằng việc tự nâng cao đạo đức DN mà không bị cuốn theo những mặt xấu của kinh tế thị trường hiện đại như sự cạnh tranh không lành mạnh, sự phân tầng, vấn đề nhân quyền, lao động, môi trường… là điều vô cùng cần thiết” – ông Yoshiro Kydo nhấn mạnh.Theo ông Yoshiro Kydo, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Đổi mới đời sống Nhật Bản, mỗi DN không chỉ tồn tại vì lợi nhuận của chính mình mà phải vì tất cả các bên liên quan như người lao động, các đối tác, khách hàng, địa phương… tức là vì sự phát triển chung của xã hội.

Hội thảo cũng ghi nhận những chia sẻ về kinh nghiệm tiến hành các hoạt động xây dựng và thực hiện trách nhiệm xã hội tại những DN lớn của Nhật Bản như Hitachi, Honda, Hãng hàng không ANA tại Nhật Bản cũng như tại Việt Nam thời gian vừa qua.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đã nhận thức được trách nhiệm xã hội, đã có chiến lược phát triển dài hạn, có chính sách phát triển thương hiệu, có văn hóa DN và xây dựng đạo đức kinh doanh. Nhiều DN đã đưa ra những khẩu hiệu và hành động vì người dân, người tiêu dùng. Nhiều DN đã hảo tâm tham gia vào các chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhân dân vùng thiên tai lũ lụt, hạn hán, tham gia “tiêu thụ dưa hấu Quảng ngãi”, “hành tím Sóc trăng”…

Nhưng bên cạnh đó, còn có những DN đã hành xử thiếu văn hóa, báo chí còn gọi là hành xử như xã hội đen, không có trách nhiệm với xã hội, với người dân, với bảo vệ môi trường. Mà hình ảnh chiếc xe xúc lao vào cán qua người dân là một điển hình.

Doanh nghiệp hành xử vô nhân tính ở Hải dương

Sáng ngày 10/7, trước lối vào dự án thi công khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đã có sự xô xát nghiêm trọng giữa nông dân và những người thi công dự án. Hậu quả là bà Lê Thị Châm, sinh năm 1960, ở Đội 7, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương bị chiếc xe xúc đè hẳn lên người. Nạn nhân ngay sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng khá nguy kịch, sau đó đã được đưa lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để tiếp tục điều trị vết thương gãy xương quai hàm. Ngày 14/7, chính quyền đã xác định Nguyễn Văn Sinh (42 tuổi, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị cáo buộc điều khiển xe xúc bánh xích cán trọng thương bà Lê Thị Châm.

Thông tin trên đã làm dư luận vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước hành động vô nhân tính của người lái xe xúc cũng như sự thờ ơ, bất chấp tính mạng người dân đến khó tin của DN cũng như những ai đứng đằng sau.

Theo tin báo Lao động, trước thời điểm xảy ra vụ việc, sáng 10.7 có khoảng 40 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực bà con đang lập “chốt” ngăn cản không cho đơn vị thi công từ gần 1 tháng nay để đòi tăng giá đền bù.

Vì sao có tranh chấp giữa DN và nông dân

Căn nguyên từ các thông tin về giá đền bù là 60.000 đồng/m2 áp dụng cho dự án trên, nhưng công ty Phúc Hưng bán lại dự án cho Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) với giá 1.200 tỷ đồng( tương đương 8 triệu đồng/m2).

Người dân phải chịu cưỡng chế mất đất, bị buộc bán với giá rẻ nên đòi được đền bù 250 triệu đồng/ sào (360m2) . Mời bạn đọc xem bảng sau:

Diện tích                  Giá đền bù             Giá DN bán để thu lợi       Giá nông dân đòi đền bù

m2                       60.000 đ/m2                           0,8 triệu đồng                 0,694 triệu đồng

1 Sào (360 m2)         21,6 triệu                  288 triệu đồng                       250 triệu đồng
                                                   
1 Ha (10.000 m2)     600 triệu đồng              8 tỷ đồng                         6,944 tỷ đồng                          

Tổng diện tích dự án    90 tỷ đồng              1.200 tỷ đồng                     1.041,6 tỷ đồng
         150 ha

Như vậy, Công ty Phúc Hưng đã bán lại dự án thu lợi hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi toàn bộ dự án này thì nông dân chỉ được đền bù 90 tỷ đồng. Đây là hiện tượng mà nông dân gọi là bị cướp đất, hiện tượng này lâu nay vẫn xảy ra, gây ra cảnh khiếu kiện triền miên về đền bù đất đai không thỏa đáng.

Lẽ ra chính quyền phải đứng về phía người dân, đảm bảo công bằng giữa lợi ích của người dân và DN, thế nhưng người dân lại không được ai bảo vệ, khiến phải lấy thân mình ra cản xe xúc trong sự bất lực đến vô vọng.

Thành Tâm
(Đại Kỷ Nguyên VN)
https://daikynguyenvn.com/kinh-doanh/noi-buon-ve-trach-nhiem-xa-hoi-cua-dn-viet-nam-qua-viec-xe-xuc-can-nguoi-dan.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét