Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

‘Tự do và chuồng trại’

‘Tự do và chuồng trại’ 
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tán gẫu với nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ
Thực hiện: Tuấn Khanh / LTS - Nhân vụ 20 nhà văn, nhà thơ tại Việt Nam cùng tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam, một cơ quan ngoại vi của đảng CSVN, nhạc sĩ Tuấn Khanh “tán gẫu” với nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ - một nhà thơ tự do, về lòng tự trọng của người sáng tác trong một cơ chế chính trị được kiểm soát chặt chẽ cùng mồi nhử quyền lợi. Xin mời độc giả theo dõi sau đây.
Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ. (Hình: Facebook Cứ Nguyễn)

1. Lâu nay, là một người làm văn nghệ và hít thở bằng văn nghệ, vì sao anh không xin tham gia vào Hội Nhà Văn, nhất là nơi đó cũng có không ít bạn bè văn nghệ của anh?


Hội Nhà Văn với tôi là một vùng đất xa lạ vì đơn giản “căn cước” của tôi không thuộc về nơi ấy. Tôi là một con người Văn Chương Tự Do theo đúng nghĩa đen đủi của nó. Nên việc phải xin xỏ để được vào ngồi chung với âm binh “tù ngục” là một điều không tưởng vì tôi hiểu mình thuộc về ai. Nếu có chăng thì đó là trên bàn nhậu quán xá của cuộc đời, nơi ấy bạn bè văn chương thân thiết tôi cũng nhiều và kẻ thù cũng không ít. Nói một cách rõ ràng hơn, tôi không ưa thích cái gì thuộc về nhà nước và đảng lãnh đạo. Tôi chỉ muốn là chính mình với văn chương của mình không bị ai dòm ngó chỉ đạo...

2. Có người hội hè, có người tự do - có phải xã hội văn nghệ Việt Nam đang tập hợp những trí thức và tài năng cho văn học nghệ thuật cho đất nước, hay chỉ là một cách tạo nên một giai cấp khác biệt trong giới trí thức về quyền lợi, về tư duy chính trị...?

Trong một khu rừng thì chắc sẽ có những con thú cô đơn và cũng sẽ có những con vật sống theo quần thể bầy đàn. Nhưng ở trong “Xã Hội Văn Nghệ Việt Nam” hiện tại mà bạn nói thì nó không phải là bầy đàn thuần tính nữa mà nói chính xác hơn là một loại chuồng “Trại Sáng Tác” cao cấp, được điều khiển bởi một hệ thống tư tưởng triết học Mác-Lê Nin đã chết. Nó được trang bị bằng một thứ vũ khí là “Phương pháp hiện thực XHCN” - nền tảng lý luận không thể thay đổi. Cho nên việc “tập hợp những trí thức và tài năng cho văn học nghệ thuật của... đảng” [không thể cho đất nước được] cũng chính là tạo nên một thứ tư duy chính trị về một kiểu “giai cấp mới trong văn chương.” Ở đó sự trung thành của một Osin với chủ nhà cũng chính là sự “khác biệt” tuyệt đối của nó so với những người “sống và viết Văn Chương Tự Do.”

3. Trong những phát biểu của mình, anh hay nhắc về một kiểu nhà văn công chính - uy vũ bất năng khuất - ý anh có muốn nói cụ thể về ai, và vì sao?

Văn chương tự thân nó là một thứ được “đề kháng” miễn nhiễm [khi buộc phải tiếp nhận] bởi những uế tạp của xã hội. Nó chính là sức mạnh vô hình nên những kẻ mạnh, hữu hình, những kẻ bạo quyền “độc tài chuyên chính” luôn phải tự ty căm ghét kinh sợ. Vì nó luôn bị rượt đuổi truy bức nên một ngày nào đó-ở đâu đó - trên đất nước khốn khổ này, khi vẫn còn những kẻ cầm bút hèn hạ chống lại “chính mình,” thì sẽ vẫn còn những những nhà thơ, nhà văn công chính cất lên tiếng nói của chính mình để nói thay cho chính nỗi đau của nhân dân cùng khổ ... “Uy vũ bất năng khuất” là như vậy không có nghĩa là văn chương đối chống lại bạo quyền - Nó chỉ nói lên sự thật “không bị khuất phục” và sự cô đơn của nó cũng nói lên sự thất bại của những ai đang mưu toan dùng sức mạnh đen tối để đè bẹp, bóp họng, bóp hàm tiếng nói bất khuất con người... văn chương bằng những mồi nhử hội hè, đình đám mà đoàn, đảng đang hàng ngày nhá nhem câu nhử mời gọi nó.

4. Anh có thể lý giải vì sao trong một xã hội bình thường, nhà văn-nhà thơ-nghệ sĩ... lại phải có một đức tính quyết liệt như một người tranh đấu “uy vũ bất năng khuất.” Lẽ nào đời sống tồn tại văn chương ở VN nhiều năm qua là một đấu trường của danh dự và tự trọng?

Bởi vì đó là một xã hội “không bình thường” nên càng cần phải có những đức tính quyết liệt của một người tranh đấu. Vì nếu một ai đó tranh đấu cho quyền được sống của con người thì mới chỉ một thôi, đó là cần phải có lòng dũng cảm. Thì với văn chương cần đến gấp mười lần như vậy mới có được thái độ “uy vũ bất năng khuất.” Ở đó nó cũng bật cháy lên lòng tự trọng và danh dự và thái độ sống còn của tác phẩm văn chương. Nó hướng đạo cho con người biết đâu là chính tà. Nó cho bạn đọc biết ở đâu là “đúng sai” khi mà ai, bất cứ cuộc cách mạng nào - chế độ nào - cũng sẵn sàng trương lên khẩu hiệu “tranh đấu độc lập tự do” cho những người cần lao cùng khổ. Ðó mới chính là “đấu trường” và văn chương chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là mô tả lại - vẻ lại một cách trung thực - bằng văn chương - bức tranh tồi tệ nhất của thời đại mà họ đang sống và chỉ như vậy thôi là “gươm đao đã kề tận cổ / Súng đã kề bên tai và đạn đã lên nòng.” Ðó cũng chính là “danh dự và lòng tự trọng” mà không dễ ai kiếm được trong một chế độ “xin cho” và sẽ càng tệ hơn so với hơn 1,000 hội viên Hội Nhà Văn đang được đảng “định hướng chỉ đường” như một đàn cừu được chăn dắt bởi một tay sát thủ lột da thuần thục.

5. Trong giới văn chương xã hội chủ nghĩa vẫn có những lời bán tán về chuyện chạy chọt vào Hội Nhà Văn VN, để có tên, để được tham dự hội họp... thậm chí có người đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để được vào hội - theo anh chuyện này có thật không? Và vì sao Hội Nhà Văn lại có một vị thế tựa như cơ quan công quyền vậy?

Nên nhớ Hội Nhà Văn là một tổ chức chính trị của đảng, là một cơ quan quản lý hành chính không hơn không kém như những hội-đoàn thể thanh niên phụ nữ chính trị khác trong hệ thống cai trị của chính quyền chuyên chính Cộng Sản. Cho nên vào hội hay vào đoàn-đảng cũng là một nấc thang “chính danh” để có thể leo lên cao hơn, sâu hơn trong bộ máy này. Hội Nhà Văn Việt Nam cũng chỉ là một trong những thành tố đó - nhưng nó lại có tính “đặc thù” hơn - Vì nó là “văn chương tư tưởng,” nên để có thể đứng vào “hàng ngũ tiên phong của đảng” thì chức danh “Hội Viên HNVVN” lại càng béo bở vì rằng nó “vừa có tiếng lại vừa có miếng” và cao hơn nó nhận được sự “kính trọng” của các giai tầng chính trị trong xã hội. Nên việc “chạy chọt” để vào được vào trong hội là một điều có vẻ như không “khả thi.” Nhưng cũng không khó nếu biết kết thân với một ai đó có quyền và dĩ nhiên chuyện “tiền bạc” là không thể thiếu nếu không muốn nói là then chốt. Sau đó mới đến “tiêu chí” tác phẩm để dễ dàng trót lọt. 

Nên không có gì lạ khi điểm mặt hơn 1,000 hội viên thì có hơn 900 nhà văn nhà thơ - trong đó có cả cán bộ - doanh nhân nuôi chó mèo và quan chức, chủ quán nhậu, giám đốc công ty. Công chúng không biết họ là ai và tác phẩm của họ là cái gì trong nền văn chương đó. Có chăng là một cái “Thẻ Hội Viên Hội Nhà Văn Việt Nam” oai hách mà họ được Ông chủ tịch hội - đại diện cho đảng nhà nước phát phong cho. Dĩ nhiên là họ sẽ được thu lợi nhiều hơn khi được “bảo kê” trong cái danh hiệu hão huyền đó. Quan trọng hơn khi cần phải cho một ai đó biết rằng “tôi là ai và đang làm cái giống gì” trong cánh đồng hợp tác xã văn chương vô đái này.

6. Nghe nói vào Hội Nhà Văn cũng là một cách để kiếm ra tiền từ các dự án sáng tác phục vụ chính trị cho tỉnh, cho trung ương... theo các dự báo hoạt động tư tưởng, theo anh thì lời bàn về những điều đó có thật không?

Không riêng gì Hội Nhà Văn mà với Hội Mỹ Thuật Kiến Trúc Xây Dựng, Hội Âm Nhạc,... Tất cả đều có thể kiếm ra tiền từ những “Dự án sáng tác phục vụ chính trị” theo mùa, theo từng thời kỳ, lễ lạt kỷ niệm ngày sinh của “Bác,” của đảng, hay đại hội thường niên. Mỗi năm nhà nước đều có dự trù kinh phí cho mỗi hội chuyên ngành - nếu chia đều ra mỗi một Hội TW cũng được vài chục tỉ đồng. Các hội văn nghệ địa phương 64 tỉnh thành cũng hết mấy chục tỷ. Ðó là con số tài chánh công khai được rót từ kinh phí nhà nước mà trách nhiệm của các hội là “phải giải ngân cho hết” nếu không muốn tài khóa năm sau sẽ bị cắt bớt hạn chế lại. Nên việc phải “đẻ ra chuyện” để tiêu pha là chuyện không thể không làm vì đó là “nhiệm vụ chính trị” không thể lơ là. Nó là niềm vinh quang cho các “lãnh đạo hội” nên mỗi kỳ đại hội là mỗi lần “bầu bán” leo trèo chạy chọt rất dữ để có thể có được tấm vé máy bay ra Hà Nội [của hội viên các tỉnh phía Nam] cho nên việc “cắt bỏ” không thương xót một ai đó - Không cho đi “phó hội” - là một đòn đau đánh vào chính sĩ diện khi mà họ đã cố công phục vụ - và nếu đó là những “cây đa cây đề” được chính chế độ “gieo trồng nuôi nấng lớn khôn” cho hưởng tem phiếu bổng lộc xưa nay - cho họ bay lên cao rồi lại chính tay mình bắn hạ rớt xuống lặt lìa - Với những người này thì rằng Hội Nhà Văn chính là nỗi đau buồn của một thời - mà họ chính là những tay chơi đã một đời làm trò làm hề trong gánh xiếc rong của chế độ.

7. Văn chương theo lệnh, theo chỉ đạo... theo anh, có khả năng biến một nhà văn hiền lành trở thành một ngòi bút tàn nhẫn không? Và vì sao nhiều trí thức Việt Nam lại chấp nhận vào một hội đoàn mà nhân cách và tính cách mình bị biến đổi như vậy?

Văn chương theo lệnh, theo chỉ đạo sẽ không bao giờ có thể “tàn nhẫn” theo nghĩa của văn chương nhưng nó sẽ tàn bạo lưu manh theo nghĩa của “giang hồ.” Vì đơn giản một khi nó được băng đảng hóa chính cuộc đời thì “ngòi bút” của nó chính là gươm đao được dùng để “thanh toán” nhiều hơn là “viết lên” một cái gì đó cho con người... Vào hội đoàn theo một cách nào đó thì anh chỉ là một đám “lâu la,” không là chính mình nữa, vì lúc đó cái “thẻ hội viên” chính là “nhân cách” được minh họa sắc nét và tác phẩm chân chính đơn độc chính là “kẻ thù,” liệu có nên gọi đó là “hiền lành” hay không?

8. Trong một nhận xét, anh có nói rằng không ít người vì “giận dỗi” rút ra khỏi hội, chứ thật lòng họ vẫn mong muốn có một chân đứng trong danh hiệu đó, ý anh là sao?
Vì thật ra họ đã xây dựng lên nó với rất nhiều hoài bão tâm huyết và cả “hy sinh đổ máu” vì nó nữa thì tại sao họ lại bị những người anh em đồng chí của chế độ “đối xử” tàn nhẫn như vậy. Ở đây tôi nói “giận dỗi” là còn “thương cảm.” Tôi nghĩ bây giờ họ rất “cay đắng thù hận một cách tội nghiệp như tự tay cào cấu mặt mình đến rướm máu” vì nó đã “phản bội” lại họ ... Vì như nhà thơ số một của chế độ đã phải đấm ngực rên lên “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” (Bùi Minh Quốc), nó khốn nạn vậy đó!

9. Anh thử lý giải vì sao một người hết lòng với chế độ như tướng nhà văn-công an, ngay trước khi về hưu vẫn cho ra tập hồi ký, và đi khoe rằng mình “từng ở tù Cộng Sản” với các chi tiết được in ra trong sách?

Ðây là một trò chơi “tự huyễn hoặc” của đa phần các con tin sau khi đã sống chết ăn dầm nằm dề với kẻ “bắt cóc” thượng thừa là chế độ sau bao nhiêu năm. Họ luôn luôn cho mình là những “con đèn cù - nạn nhân” ngây thơ của chủ thuyết Cộng Sản mà điển hình là những “lãnh tụ CS” mà họ đã hết lòng cúc cung phục vụ. Ông tướng công an này chỉ mê văn chương đến nỗi ông ta không nhớ là mình đã hốt giết nhốt bao nhiêu người để cho có một ngày được “cầm bút” và viết ngược lại là mình đã từng “ở tù Cộng Sản.” Nó cho thấy cái Hội Nhà Văn này nó quyến rũ đến mức một ông tướng công an cũng tự nguyện hài hước “thay hình đổi dạng” như điệp viên không không thấy là vậy đó trời ạ.

10. Theo anh, tại sao có nhiều nhà văn miền Nam trước năm 1975, vẫn từ chối tham gia hội đoàn văn nghệ của nhà nước, ngay khi họ được cho biết rằng sẽ được tạo điều kiện sáng tác và in ấn?

Không có gì ngạc nhiên vì sao các nhà văn miền Nam trước 1975 từ chối tham gia hội đoàn văn nghệ nhà nước. Nói cho đúng hơn thì họ không bao giờ có đủ cơ hội “bần cố nông” để đứng chung trong hàng ngũ của những người làm văn nghệ CS vì sau khi Việt Cộng tiếp quản Sài Gòn, đa số họ đã là “kẻ thù nguy hiểm của chế độ,” họ là “những tên biệt kích trong văn chương” của chế độ Sài Gòn xưa và họ là những đối tượng cần phải đưa đi “tập trung cải tạo” mút mùa lệ thủy. Và nếu có sống sót khi trở về thì họ lại tiếp tục tìm cách vượt biển tìm tự do. Một số chết trên biển. Một số được định cư tại Mỹ không về. Một hai người còn ở lại mày mò sáng tác và sống lo âu như nhà văn Cung Tích Biền, Dương Nghiễm Mậu, Trịnh Cung... Một vài người phải thay tên đổi họ để được yên thân... thì làm quái gì họ có quyền gì được cho in ấn hay sáng tác - dĩ nhiên trừ khi họ là “hội viên HNVVN,” nhưng điều này là “bất khả thi” ông bạn ơi...

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=207566&zoneid=2#.VV2L37mqqko

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét