Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Đừng thành kiến với vốn FDI

Đúng là chúng ta không nên thành kiến với vốn FDI, nó không chỉ là một cấu thành không thể thiếu mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng hãy nghĩ xem, với các tổ chức, quản lý doanh nghiệp và xã hội Việt Nam hiện nay, mọi bất công, bất bình đẳng đều đổ lên đầu doanh nghiệp trong nước, còn doanh nghiệp FDI do người nước ngoài quản lý thì chính quyền sợ nên họ ung dung làm giầu. Như thế thì làm sao doanh nghiệp trong nước lại chẳng bị doanh nghiệp FDI chèn ép, thâu tóm. Không huy động vốn FDI cũng chết mà huy động kiểu hiện nay cũng chết. Lỗi rõ ràng không ở các doanh nghiệp trong nước hay FDI mà từ thể chế.
Đừng thành kiến với vốn FDI 
Ngày 9.4, Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế Việt Nam. Phát biểu tại hội thảo này, có ý kiến đã chỉ ra một số hạn chế cũng như tác động tiêu cực của vốn FDI lên nền kinh tế.
Đó là: chuyển giá; độc quyền trong một số lĩnh vực (nước uống có gas, thức ăn gia súc, chất tẩy rửa)…; chèn ép các doanh nghiệp trong nước ra khỏi thị trường ở một số lĩnh vực nhờ lợi thế vốn lớn và công nghệ mạnh, làm méo mó thị trường; và doanh nghiệp FDI còn lấn át doanh nghiệp nội địa ngay trong cả ngành công nghiệp phụ trợ, thể hiện qua ví dụ về Công ty Toyota Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa công bố là 40% nhưng trên thực tế những chi tiết đó phần lớn cũng được cung cấp bởi những doanh nghiệp FDI.


Trên thực tế, không khó thấy những ý kiến trên chỉ là định kiến khắt khe và tiêu cực về vốn FDI và tác động của chúng lên nền kinh tế Việt Nam.

Trước tiên, về chuyện chuyển giá, cần khẳng định ngay rằng các doanh nghiệp cũng như cá nhân luôn có xu hướng tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận. Bởi thế, họ sẵn sàng và luôn tìm mọi cách để lách luật nhằm mục đích này. Việc chuyển giá cũng là một cách thức để các doanh nghiệp cắt giảm nghĩa vụ thuế phải nộp. Do đó, chuyển giá là thủ đoạn xấu hay đặc tính cố hữu không chỉ của doanh nghiệp FDI mà ngay cả doanh nghiệp trong nước, nếu có điều kiện. Khi đã có hiện tượng (hoặc có nghi ngờ) chuyển giá thì điều này có nghĩa là hệ thống luật lệ giám sát, theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp đã có lỗ hổng, và, hoặc năng lực cũng như phẩm chất nhân viên thuế vụ liên đới bất cập, có vấn đề.

Vì vậy, để ngăn chặn chuyển giá thì việc cần làm không phải là ngăn chặn vốn, doanh nghiệp FDI vì cho rằng chúng có đặc tính xấu là chuyển giá. Thay vào đó, nguồn gốc của vấn đề là chuyện phải tìm cách lấp các lỗ hổng pháp lý, cũng như tăng cường năng lực và phẩm chất của nhân viên thuế vụ liên đới. Nếu không làm được như thế thì cho dù có ngăn chặn vốn, doanh nghiệp FDI, hiện tượng chuyển giá vẫn sẽ diễn ra ngay tại doanh nghiệp trong nước (ví dụ, thông qua một chi nhánh ma mở ở nước ngoài).

Về chuyện độc quyền trong một số lĩnh vực, thực ra, nên lấy làm mừng vì doanh nghiệp FDI đã chiếm được thế độc quyền, vì đâu có điều luật nào cấm, hạn chế các doanh nghiệp nội địa nhảy vào lĩnh vực này đâu, và cũng có điều luật nào cho phép doanh nghiệp được độc quyền đâu? Nếu doanh nghiệp FDI chi phối các lĩnh vực này thì có nghĩa là họ làm ăn hiệu quả hơn, cạnh tranh tốt hơn, làm các doanh nghiệp nội địa kém hiệu quả, kém cạnh tranh phải ra đi. Sự đào thải này nên được coi là một sự sàng lọc tự nhiên, đem lại sự lành mạnh cho cả cộng đồng. Ngược lại, nếu không có các doanh nghiệp FDI hiệu quả này, ai dám chắc các doanh nghiệp nội địa lại không độc quyền, để rồi cũng lũng đoạn thị trường giống như nỗi lo về doanh nghiệp FDI?

Tương tự như vậy là chuyện chèn ép doanh nghiệp trong nước, làm méo mó thị trường. Khi đã công nhận doanh nghiệp FDI là một thành phần kinh tế không thể thiếu được trong nền kinh tế thì phải công nhận sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các thành phần kinh tế, mà cụ thể là giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Như đã nói ở trên, luật pháp không cho phép sự độc quyền, cũng không cho phép có sự cạnh tranh không lành mạnh, nên người thắng trong cuộc cạnh tranh hiện nay ắt phải là người thắng hợp pháp và xứng đáng, cho dù người thắng ở đây lại là doanh nghiệp FDI. Ngược lại, chính ra cần phải nói rằng, thị trường sẽ méo mó nếu các doanh nghiệp nội địa, vốn là kẻ thua cuộc, lại được bảo hộ, trợ giúp để không bị thua trong cạnh tranh với doanh nghiệp FDI để rồi chiếm lĩnh và làm cho thị trường đó hoạt động không hiệu quả, chi phí cao, chất lượng sản phẩm thấp.

Về lời phàn nàn rằng doanh nghiệp FDI cũng chi phối cả lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nên dùkêu gọi nhiều nhưng trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam đang không tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Đây rõ ràng không phải là lỗi của doanh nghiệp FDI. Họ không tạo ra một rào chắn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm phụ trợ. Tiêu chí mà họ đặt ra chắc chắn là những yếu tố như chất lượng, giá thành, khối lượng, và thời gian giao hàng nên bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng được các tiêu chí này thì sẽ được lựa chọn làm nhà cung cấp cho doanh nghiệp FDI. 

Doanh nghiệp nội địa yếu kém đến mức độ không làm nổi con ốc vít đạt tiêu chuẩn (và tất nhiên với giá bán cạnh tranh được với con ốc vít cùng loại của doanh nghiệp phụ trợ FDI khác) thì chẳng có lý do gì mà doanh nghiệp FDI lại lựa chọn doanh nghiệp nội địa. Đặt vấn đề theo cách khác, tương tự như với trường hợp các ngành sản xuất khác, nếu trên cùng một lãnh thổ, trong cùng ngành nghề, với cùng một môi trường kinh doanh như nhau mà doanh nghiệp phụ trợ nội địa không làm được sản phẩm như doanh nghiệp phụ trợ FDI thì các doanh nghiệp nội địa cùng nên nhường sân chơi cho doanh nghiệp FDI, chứ Nhà nước không nên thúc ép, bảo hộ để doanh nghiệp nội địa chi phối lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Nếu làm như thế, chi phí sản xuất, và chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, làm cho các doanh nghiệp FDI sử dụng các sản phẩm phụ trợ này sẽ phải cân nhắc rút lui khỏi Việt Nam.

Và trên hết, dù là doanh nghiệp FDI nhưng xin lặp lại là chúng cũng đều là một cấu thành kinh tế quan trọng, không thể thiếu của Việt Nam. Bởi vậy, không nên có cái nhìn cũng như sự đối xử mang tính phân biệt giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa cũng tương tự như sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.


(Bài đăng trên Đại biểu Nhân dân, 11/4/2015)
http://phan-minh-ngoc.blogspot.com/2015/04/ung-thanh-kien-voi-von-fdi-bai-ang-tren.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét