Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Tỷ giá nên điều chỉnh theo kiểu “bò trượt”?

Tỷ giá nên điều chỉnh theo kiểu “bò trượt”?
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, “một chính sách tỷ giá kiểu “bò trượt” 1-2 VND/ngày sẽ hữu ích hơn cho nền kinh tế”. Nhận định này được TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) đưa ra tại hội thảo “Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng 15/4.
Các chuyên gia cho rằng không nên "kìm" tỷ giá quá lâu
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, chính sách tỷ giá hiện nay được cơ quan quản lý tiền tệ theo đuổi mục tiêu tỷ giá không quá 2%/năm. Với tầm nhìn dài hạn, đây là một định hướng hoàn toàn đúng đắn, bởi một quốc gia không thể giàu lên nếu chỉ nhờ vào việc in tiền và phá giá đồng nội tệ.

Tuy nhiên, ông Độ nhấn mạnh, trong ngắn hạn, khi tổng cầu nền kinh tế yếu, việc thực thi một chính sách đồng tiền yếu để ngăn chặn hay giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất là rất cần thiết, nhằm duy trì việc làm cho người lao động.

Việt Nam hiện là nước có độ mở kinh tế cao, nhưng tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Trong trung hạn cần có những khuyến khích để khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn, tận dụng nhu cầu bên ngoài để ngăn chặn sự dư thừa công suất có thể xảy ra trong bối cảnh cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước chưa thể tăng mạnh và bền vững do nợ xấu, nợ công và lãi suất thực vẫn ở mức cao.

Do đó, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, “một chính sách tỷ giá kiểu “bò trượt” 1-2 VND/ngày sẽ hữu ích hơn cho nền kinh tế”. Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phân tích: chính sách tỷ giá “bò trượt” sẽ giúp thị trường được điều chỉnh hài hòa hơn khi đảm bảo sự ổn định trong ngắn hạn đồng thời linh hoạt trong dài hạn. Chính sách này cũng giúp chủ thể trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, nhìn được “đường đi” của tỷ giá để xây dựng các kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Còn việc xác định giới hạn tỷ giá tối đa cho mỗi năm cần dựa trên tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Nếu NHNN dự đoán nền kinh tế có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% trở lên trong các năm 2015-2016, mức điều chỉnh tỷ giá của cả năm có thể giới hạn trong khoảng 1-2%, thậm chí khi kinh tế tăng trưởng mạnh có thể không cần điều chỉnh tỷ giá.

“Nhưng nếu nền kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng trong khoảng 6-6,2%/năm và có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, việc nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá lên mức 3%/năm cũng cần được cân nhắc, nhất là khi nhiệm vụ hạ mặt bằng lãi suất 1-1,5% đang rất khó thực hiện trong bối cảnh nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao”- TS. Nguyễn Đức Độ nêu quan điểm.

Còn theo TS. Lê Quốc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại (Bộ Công thương), chưa bao giờ NHNN có “lợi thế” trong việc điều hành tỷ giá “neo” có điều chỉnh, bởi dự trữ ngoại hối hiện đã lên tới mức 35 tỷ USD. Dù vậy, ông Phương cũng trùng với quan điểm với TS. Nguyễn Đức Độ khi cho rằng, hiện nay giá đồng đô la Mỹ tăng rất cao so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Đồng tiền VND tăng cao không chỉ so với USD mà với cả các đồng tiền ngoại tệ khác, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các DN xuất khẩu, khiến xuất khẩu có thể giảm và nhập khẩu có thể tăng, dẫn tới nhập siêu tăng.

Vị này khuyến nghị, không nên "neo" tỷ giá chỉ vào một ngoại tệ duy trì là USD và cần tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm. Đồng thời, cần tránh để quá lâu không điều chỉnh tỷ giá.

“Nếu tiếp tục duy trì tỷ giá quá lâu, sẽ gây đầu cơ mạnh và chính sách tỷ giá sẽ bị vô hiệu hóa. Lúc đó nhà đầu tư có tiền là sẽ “găm” đồng USD. Và khi cần điều chỉnh sẽ phải điều chỉnh với biên độ lớn, gây “sốc” tâm lý cho toàn thị trường”- ông Phương cảnh báo.

Nguyễn Hoài
http://infonet.vn/ty-gia-nen-dieu-chinh-theo-kieu-bo-truot-post162294.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét