Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Những cái “nhất” đến từ đâu?

Những cái “nhất” đến từ đâu?
Nguyễn thị Hậu (TBKTSG) - Xin nói ngay, cái “nhất” muốn nói đến ở đây là hiện tượng đua nhau lập những “kỷ lục” to nhất mà không biết để làm gì? Bánh chưng bánh giầy lớn nhất, bánh tét dài nhất, ly cà phê to nhất, tô hủ tiếu bự nhất, tượng đài Mẹ chiến tranh hoành tráng nhất, xây chùa lớn nhất, tạc tượng Phật to nhất Đông Nam Á, tháp truyền hình cao nhất thế giới. Và có lẽ không muốn nhưng dự án đốn chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội và thực tế chỉ trong hai, ba ngày đã chặt đến 500 cây, có lẽ cũng là một kỷ lục tàn phá môi trường nhanh nhất!
Tất nhiên, người ta đã viện ra nhiều ý nghĩa mục đích rất cao cả cho những việc làm công trình tiêu tốn tiền muôn bạc tỉ kia, nhưng tất cả điều đó không thể biện minh cho sự hoang phí và không thể che giấu được sự phô trương và hãnh tiến!

Nhưng, có phải chỉ ở những lễ hội, những cuộc thi các cấp quốc gia tỉnh thành... người ta mới ham cái “nhất”, hay nói cách khác, ham muốn phải “hơn người”? Nhìn quanh, không hiếm những hiện tượng cũng đầy tính hình thức và sự lãng phí như vậy.

Ngày Trái đất, trong khi nhiều nước chỉ đơn giản kêu gọi người dân thực hành tiết kiệm điện qua những phương tiện truyền thông phổ biến như báo chí, truyền hình, truyền thanh, hoặc các tổ chức xã hội thông tin với nhau qua mạng xã hội, tức là tận dụng những gì đã có để kêu gọi tiết kiệm điện, thì chúng ta lại “tổ chức” những hoạt động như tập trung ở nơi công cộng, đốt nến, rồi băng rôn khẩu hiệu... đầy đường. Lãng phí công sức thời gian của bao người, tiền của xã hội... để rồi cũng không biết rằng, số tiền “tiết kiệm” điện trong ngày hôm đó có “thu đủ bù chi” hay không?

Chuyện thi thả diều thì thi diều đẹp diều bay cao chứ sao phải làm diều “to nhất” để gây ra tai nạn đau lòng?

Bệnh thành tích trong giáo dục cũng là một kiểu phô trương. Trường nào số học sinh giỏi cũng có tỷ lệ cao chót vót, nhưng kỳ thi nào cũng là một sự ám ảnh với cả học sinh lẫn phụ huynh vì “toàn học sinh giỏi thì không thể trượt ”; ở các cơ quan nhà nước ngày lễ kỷ niệm nào đó nhất định phải có huân chương các hạng cho tập thể và cá nhân, nhất là cho lãnh đạo. Mỗi dịp bình bầu thi đua hoặc là cuộc sát phạt nhau hoặc là sự xuê xoa vì số lượng công chức “hoàn thành nhiệm vụ” nhiều đến mức ai nghe cũng phải buồn cười; các cuộc điều tra “tỷ lệ hài lòng về dịch vụ công” bao giờ cũng có kết quả hoàn hảo như ở một đất nước “thiên đàng” nào đó; và “tràn đầy tự hào” khi thi thoảng được ai đó xã giao ngợi khen vài câu, hay khi lọt vào bảng xếp hạng “quốc tế” về một cái gì đó như là “kỳ quan” hay “hạnh phúc” chẳng hạn.

Tất cả những giả dối lãng phí như “chuyện thường ngày” tưởng là nhỏ nhưng chính là những bậc thang để đi đến thói quen, nhu cầu thích làm ra những kỷ lục to lớn nhất không để làm gì ngoài sự lãng phí khủng khiếp.

Hàng năm Việt Nam vẫn là nước phải đi vay tiền, đi xin viện trợ các kiểu, còn trong nước thì nhiều tỉnh còn có những thôn xóm thiếu đói quanh năm thì việc đua nhau thi thố công nhận những “kỷ lục”, những cái “nhất” không giống ai như vậy chẳng khác nào khuyến khích sự giả dối và và hoang phí vô độ.

Từ thời xa xưa qua truyền thuyết bánh chưng bánh giầy ông bà mình đã cảnh báo “bệnh” phô trương giàu sang lãng phí, đề cao sự thiết thực và quý trọng những thứ bình thường giản dị nhất như hạt lúa hạt đậu: Vua Hùng đã cho bánh chưng bánh giầy giải nhất chứ không phải là nem công chả phượng hay những sơn hào hải vị. Lang Liêu chất phác nhưng hiểu giá trị của lúa gạo được vua cha truyền ngôi chứ không phải những công tử khoe khoang của ngon vật lạ. Trong một xã hội nông nghiệp như thời Hùng Vương, lúa gạo do chính con người làm ra là thành quả đáng tự hào nhất để tôn vinh và “sánh vai” cùng những bộ lạc gần xa chứ không phải những thứ đi vay mượn của người khác hay chiếm đoạt của tự nhiên.

Đấy mới là bài học lịch sử mà con cháu cần phải nhớ.

http://www.thesaigontimes.vn/129049/Nhung-cai-nhat-den-tu-dau.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét