Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Giàu quá và quá nghèo

Giàu quá và quá nghèo
Mới đây, Tạp chí The Economist và Ngân hàng Citi (Citibank) công bố báo cáo về các tác động của nhóm người giàu mới nổi cho thấy ở châu Á, nhóm người giàu mới nổi của Việt Nam tăng nhanh, đứng thứ 3 chỉ sau Ấn Độ và Indonesia.
Qua rồi cái thời ghen ăn tức ở để mừng rằng ta có thêm những người sở hữu tài sản trung bình từ 100.000USD đến 2 triệu USD (tương ứng 2-42 tỉ đồng). Công bố này không cho biết cách thức điều tra như thế nào để có thông tin về người giàu mới nổi ở Việt Nam. Các nhà xã hội học nhận xét rằng, số liệu trên vừa thừa vừa thiếu.

Báo chí Việt Nam đã công bố danh sách 500 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam và cũng là giàu nhất xã hội như ông Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức… Trong danh sách 500 người giàu nhất có khá nhiều cặp vợ – chồng, cha – con, anh – em cùng có nhiều cổ phiếu. Quy ra thóc thì nhiều hơn 2 triệu USD.

Nếu chỉ tính 100.000USD đã là người giàu mới nổi thì sẽ có vài triệu người. Họ là cán bộ, công chức, người có căn hộ ở chung cư cao cấp, có nhà mặt phố, có trang trại ở nông thôn, có tàu đánh cá xa bờ, tài sản vượt qua cái mốc 100.000USD. Xem ra các tính toán cơ học của người nước ngoài là tin cậy thấp.

Họ không thể quản lý và thấu hiểu người Việt Nam hơn Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, hơn Bộ Nội vụ, hơn Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan này chưa bao giờ công bố cán bộ nào giàu lương thiện cũng như giàu bất minh. Chính Thanh tra Chính phủ, cơ quan theo dõi tài sản của cán bộ, công chức đã thu thập kê khai của 1 triệu người, nhưng chỉ phát hiện có 1 người kê khai gian dối để kỷ luật người này.

Tuy nhiên, danh tính, tài sản và hình thức kỷ luật nhân vật này vẫn thuộc diện “bảo mật”. Xin nhắc lại, nước ta có một nghị sĩ giàu nhất khi công khai với Quốc hội và cử tri rằng mình có 500 tỉ đồng.

Báo cáo này cũng dự báo Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước có nhóm người giàu mới nổi gia tăng nhanh trên thế giới trong giai đoạn 2014-2020. Với nhiều số liệu kinh tế tốt trong năm 2014, báo cáo đã đưa ra nhiều dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2015 cũng như những năm tiếp theo và cho đó là nền tảng để nhóm người giàu mới nổi gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, theo báo cáo tổng kết của các địa phương về kết quả giảm nghèo năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 2% so với năm 2013, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20%, nghĩa là ở các huyện nghèo, ở đó cứ 3 hộ dân vẫn còn một hộ nghèo. Nhưng nghịch lý chắc chắn là những người trong danh sách giàu mới nổi chỉ đứng sau Ấn Độ và Indonesia có ai chịu bỏ ra đồng nào giúp người nghèo.

Nguy cơ tái nghèo vẫn rình rập số hộ này. Bà con có thể sẽ đứt bữa khi giáp hạt nếu thiên tai ác nghiệt và khi những con dê, con gà, con nhím chăn nuôi xóa đói giảm nghèo vẫn bị các quan xã, quan huyện lùa vào nhà họ. Xin nhớ rằng, bẫy thu nhập trung bình vẫn rình rập đất nước đang phát triển như Việt Nam, có một nỗi lo cho những người làm chính sách là chúng ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa?

Theo phân tích dữ liệu của 124 quốc gia từ năm 1950-2010 thực hiện năm 2012, trường hợp một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp trong 28 năm là quốc gia đó đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno nhận định, một quốc gia rơi vào bẫy nếu đạt được mức thu nhập dựa trên những lợi thế sẵn có tương ứng (tài nguyên thiên nhiên, mở cửa thương mại, FDI, ODA, các dự án lớn…) nhưng không thể tăng trưởng ở mức cao hơn.

Theo vị giáo sư kinh tế này, phát triển thực sự là tạo ra sự giàu có không chỉ từ các lợi thế sẵn có mà phải dựa vào nỗ lực con người trong việc tư duy đúng đắn, nâng cao kỹ năng, tri thức và đổi mới công nghệ.

Bẫy thu nhập trung bình đang ở ngay trước mắt Việt Nam.

Vào năm 2008, Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có mức thu nhập thấp nhưng từ đó đến nay, tăng trưởng chậm hơn, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu chưa đạt kết quả thực sự, nảy sinh nhiều vấn đề do tăng trưởng có thể kể ra như chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ, bong bóng chứng khoán và bất động sản, hủy hoại môi trường, tham nhũng… Giá đất ở Hà Nội tương đương với vùng ngoại ô của Tokyo trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản.

Chính vì vậy, theo Giáo sư Ohno, việc tạo dựng giá trị bởi con người và các doanh nghiệp Việt Nam phải được xem là mục tiêu trọng tâm của các chính sách và nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sách FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng những chính sách liên kết.

So sánh sẽ thấy số người giàu nhanh không “gánh” cho tỷ lệ hộ nghèo, Chính phủ vẫn canh cánh mối lo giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo vẫn hiện hữu. Một nhà văn hóa nói rằng, ông không thích các con số bình quân, chẳng hạn bình quân mỗi người một con gà thì vẫn có người chỉ được cái còng xương xẩu còn người kia ăn hai con. Vậy nên con số 1.900USD/người/năm và số người giàu mới nổi tăng nhanh chưa hẳn là đáng mừng. Khoảng cách giàu – nghèo đang giãn rộng, dễ gây bất ổn cho kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, xin theo dõi kỹ thông tin một gia đình nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ với bình quân 2 sào ruộng một khẩu, thu nhập mỗi người một tháng chỉ khoảng 100.000 đồng, nghĩa là 60-70USD/năm/người, cách rất xa con số 1.900USD thống kê. Còn diêm dân bán 30kg muối không đủ tiền ăn một bát phở ở trong phố.

Vậy ai giàu nhanh? Thì ra những người này nhờ vào vận may, giàu nhờ kinh doanh buôn bán, nhất là bất động sản. Từ sản xuất công nghiệp tại Việt Nam ít ai giàu nhanh đến thế. Nguy cơ thua lỗ trong cạnh tranh khiến họ khó giàu nhanh.

Và thật chí lý khi một chuyên gia cho rằng, họ giàu thật đấy nhưng ít có hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước, đóng góp cho xã hội. Nhiều người giàu lên nhờ đầu cơ, nhờ mánh mung và tham nhũng.

Và phát hiện của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ về bệnh sĩ lại trở thành hiện thực hơn hẳn thời của Vũ. Hồi đó đâu có người giàu như bây giờ có tàu bay, tàu thủy và cả dàn xe có giá 10 con số. Nhà giàu mua sắm những thứ tiền tỉ hàng chục, hàng trăm tỉ như người nghèo đong gạo, đóng tiền học cho con…

Và đặc biệt là trong danh sách những người giàu nhanh này, không có cán bộ, công chức. Chứng cớ là trong 1 triệu tờ kê khai tài sản chỉ có 4 tờ bị trả lại để khai thêm và có nhõn một ông bị kỷ luật vì kê khai gian dối. Bác cựu chiến binh giải phóng Sài Gòn 1975, hàng xóm với tôi đọc chi tiết 1 phần triệu này tủm tỉm cười, các “bố” quá ngớ ngẩn, nó chuyển “phỏm” cho con cháu đất đai, ôtô, biệt thự và mua cả tạ vàng trữ rồi làm sao biết nó có mấy trăm ngàn, mấy triệu đôla?

Chuyện giàu nghèo muôn thuở nói sao cho hết. Ước gì những người Việt máu đỏ da vàng giàu nhanh gần bằng nhà giàu Ấn Độ, Nam Dương biết mở két giúp đỡ người nghèo cái cần câu chứ không phải dăm con cá tép.

http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/giau-qua-va-qua-ngheo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét