Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Diễn đàn KT Mùa Xuân: “hố đen” thực thi pháp luật

Chủ Blog bận đi dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân nên sẽ không có nhiều thời gian cập nhật tin trong các ngày 20-23/4/2015. Tin cập nhập được đăng dưới bài này.
Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015: Công phá “hố đen” thực thi pháp luật
Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015 diễn ra trong hai ngày 21-22/4 tại TP. Vinh (Nghệ An) được kỳ vọng sẽ làm rõ quan điểm và các bước cải cách cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam.
Kinh tế quý I có dấu hiệu ấm lên, nhưng cộng đồng
doanh nghiệp chưa hết khó khăn. Ảnh: Hà Thanh
Hiện trạng nóng
Thêm một lần, câu nói ẩn chứa nhiều thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói với các nhà đầu tư trong cuộc đối thoại do Báo Đầu tư tổ chức hồi cuối tháng 3 vừa qua được nhắc lại. Đó là: “Chúng ta viết đủ rồi, nói đủ rồi. Năm nay phải là năm hành động”.



Lần này, người nhắc lại là ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi phóng viên Báo Đầu tư đặt vấn đề rằng, câu chủ đề “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” mà Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2015 lựa chọn dường như chưa đủ bao quát trọng tâm chính của năm nay.

“Đúng như vậy. Có lẽ, chúng tôi sẽ bàn để chọn một cái tên thể hiện được rằng, từ ngày 1/7/2015, thể chế kinh doanh của Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn, khi các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… có hiệu lực. Đây là những luật cụ thể hóa nền tảng mới về quyền kinh doanh - đầu tư được hiến định trong Hiến pháp 2013. Nếu tái diễn tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư…, thì những cởi mở trong các văn bản luật sẽ không thể vào cuộc sống”, ông Phúc trao đổi.

Cần nhấn mạnh rằng, đây chính là câu hỏi phải được làm rõ trong Diễn đàn lần này khi cải cách môi trường kinh doanh được chọn là chủ đề chính. Bởi, trong hầu hết các diễn đàn có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư gần đây, điểm nóng luôn là tính khả thi của những nghị quyết mới, những điều luật mới.

Năm nay, những điểm mới rất nhiều. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp với quy định về bãi bỏ ngành nghề trong đăng ký kinh doanh, những quy định mới về con dấu doanh nghiệp. Luật Đầu tư với cơ chế chọn - bỏ thay vì chọn - cho đang làm nên thay đổi về bản chất trong quy định liên quan đến ngành nghề đầu tư - kinh doanh…

Tuy nhiên, niềm tin với những thay đổi này chưa thực sự lớn. Ví dụ, ngay cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập ở trên, hàng loạt nghi ngờ về tính hiện thực của quy định giảm thủ tục đầu tư từ 45 ngày xuống còn 15 ngày của Luật Đầu tư, hay khả năng hoàn tất danh mục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015…

Thậm chí, ông Ricky Tan, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World (Singapore) cho biết, dù đã hoạt động ở Việt Nam cả chục năm, nhưng đến giờ ông vẫn ngóng câu trả lời về việc đã đặt ra nhiều năm nay rằng, doanh nghiệp có vốn nước ngoài dưới 51% thì có được hưởng quyền lợi như doanh nghiệp trong nước hay không…

Ngay cả cơ chế chọn - bỏ của Luật Đầu tư cũng đang đối mặt với thách thức rất lớn khi các bộ, ngành đang khá trì trệ trong việc rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh hiện hành. Trong khoảng thời gian lấy ý kiến cho danh mục này của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ có 3 bộ phản hồi, nhưng với nội dung đề nghị giữ nguyên như hiện tại…

Câu hỏi từ… Mùa Thu

Còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu tháng 9/2014, ông Trần Đinh Thiên, người luôn được chọn là diễn giả chính trong phiên đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô đã đặt một câu hỏi khiến cả hội trường phải lặng đi, đó là nếu doanh nghiệp nội cứ đóng cửa, thì mục tiêu tăng trưởng năm tới ai làm.

Cũng phải nhắc lại, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu cách đây đúng 6 tháng được lựa chọn là “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”. Khi đó, các chuyên gia kinh tế đã không trả lời được câu hỏi kinh tế Việt Nam đã chạm đáy chưa, trước khi nói tới thời điểm phục hồi.

Lý do là, các doanh nghiệp Việt Nam quá yếu, tổng cầu thấp, khả năng tiếp cận được các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như hấp thụ những tác động tràn tích cực từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài rất thấp. Đó là chưa kể những chậm trễ trong giải pháp thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là hệ thống ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Số liệu khi đó cho thấy, 48.330 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 9 tháng. Số doanh nghiệp đăng ký mới trong cùng kỳ là 53.192.

Năm nay, trong quý I, mặc dù kinh tế đang sáng lên, nhưng số doanh nghiệp gặp khó buộc phải tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, với 16.175 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Thậm chí, trong Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tuần này, viễn cảnh của kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn còn nguyên các rủi ro, như sự suy yếu của giá cả các mặt hàng nông sản, giá dầu giảm… sẽ tác động tiêu cực tới thu nhập và tiêu dùng của các hộ gia đình nông thôn, tăng khoảng cách thành thị - nông thôn, cũng như gia tăng áp lực đối với thu ngân sách.

Đặc biệt, WB nhấn mạnh, đầu tư tư nhân trong nước được dự báo vẫn còn dè dặt bởi niềm tin của doanh nghiệp còn thấp. Thậm chí, ở phương diện kinh tế đối ngoại, các chuyên gia WB cho rằng, tăng trưởng toàn cầu vẫn ì ạch và còn nhiều bất trắc, sẽ tạo ra những rủi ro đối với xuất khẩu và dòng FDI chảy vào Việt Nam.

“Những cải cách trong nước, bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn, sẽ phát đi những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Điều này sẽ đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai của Việt Nam”, các chuyên gia WB gửi khuyến nghị, nhưng cũng chính là các câu hỏi lớn cho Việt Nam.

Tuy vậy, cũng phải nói rằng, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đang phát triển của khu vực có được mức dự báo tăng so với lần công bố hồi tháng 10/2014. Cụ thể, WB đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 của Việt Nam lên 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,0%; tăng trưởng của năm 2016 cũng được tăng lên 0,4 điểm phần trăm, ở mức 6,2% và đạt 6,5% vào năm 2017.

Trong khi đó, các nước đang phát triển trong ASEAN 4 đều có dự báo giảm tốc, Thái Lan được dự báo tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2015; 4% trong hai năm tới, Malaysia giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước, chỉ khoảng 4,7% trong năm nay và 5,0-5,1% trong 2 năm tới. Indonesia bị điểm trừ cho cả 2 năm 2015-2016 với dự báo 5,2% trong năm 2015 và 5,5% trong hai năm 2016-2017.

Như vậy, nếu các câu trả lời đang để ngỏ về những cải cách thực sự của môi trường kinh doanh Việt Nam được trả lời thỏa đáng, cơ hội để địa điểm kinh doanh - đầu tư Việt Nam tạo nên dấu ấn mới trong chiến lược kinh doanh của cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang mở rộng.


Khánh An
http://baodautu.vn/dien-dan-kinh-te-mua-xuan-2015-cong-pha-ho-den-thuc-thi-phap-luat-d25500.html


Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 sẽ “thúc đẩy hành động”

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 sẽ “thúc đẩy hành động”
Một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, diễn ra tại Quảng Ninh.
NGUYỄN LÊ
"Từ 1/7/2015, thể chế kinh doanh hoàn toàn khác hẳn, có nhiều điểm rất mới. Mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 là thúc đẩy hành động, để hiện thực hóa những thay đổi đó", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nói tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 13/4.

Diễn ra trong hai ngày 21 và 22 tháng 4 tại thành phố Vinh (Nghệ An), Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 như thường lệ vẫn có hai phần chính.

Phần một là đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch năm 2015.

Những vấn đề được nhìn nhận là sẽ nổi lên trong năm 2015 như sự tăng/giảm tổng cầu của nền kinh tế, thu hút và giải ngân vốn FDI, thặng dư thương mại, thị trường tài chính-ngân hàng, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ được tập trung thảo luận ở phiên này.

Bên cạnh các diễn giả chính sẽ đăng đàn là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên và nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển…, sẽ có tham luận của đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính -  Ngân sách, Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia…

Phần lớn thời gian của Diễn đàn sẽ dành để bàn thảo về chủ đề tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là chủ đề mang tính trung và dài hạn có tính cấp thiết để các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách bàn luận sâu và kiến nghị giải pháp với các cơ quan hữu quan, ban tổ chức Diễn đàn cho biết.

Mục tiêu đặt ra là qua thảo luận sẽ làm rõ quan điểm và các bước cải cách cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời đánh giá sâu những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể cụ thể trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh gắn với việc triển khai Hiến pháp 2013 và một số đạo luật quan trọng mới ban hành như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...

Thông tin ở tham luận mang tính đề dẫn cho phiên này sẽ cho thấy tổng quan về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.

Các đề xuất nhằm xây dựng nguyên tắc và nội dung cơ bản cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ được bàn sâu tại phiên này, theo thông tin từ Ủy ban Kinh tế.

Những góc nhìn khác nhau về môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ được trình bày và mổ xẻ. Như, môi trường đầu tư kinh doanh và tác động của hiện tượng tham nhũng và các chi phí phi chính thức. Hay, môi trường đầu tư kinh doanh từ các góc độ tiếp cận các nguồn lực và thị trường, cải cách thủ tục hành chính...

Các chuyên gia quen thuộc sẽ đăng đàn và có tham luận gồm có TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Võ Trí Thành, TS. Nguyễn Xuân Thành...

VnEconomy sẽ cập nhật thông tin về diễn đàn lớn này, trong hai ngày 21 và 22/4 tới đây

http://vneconomy.vn/thoi-su/dien-dan-kinh-te-mua-xuan-2015-se-thuc-day-hanh-dong-20150413123218648.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét