Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

'Có những khoản chi thế giới biết trước Quốc hội'

'Có những khoản chi thế giới biết trước Quốc hội'
Đại biểu Lê Nam đã phát biểu như vậy khi nói về tính công khai của chi ngân sách trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước . “Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở để cho Quốc hội kiểm soát ngân sách, vấn đề còn lại là Quốc hội có muốn làm hay không?”, ông Trần Du Lịch bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc hội nghị.
Sáng ngày 17/4, sau 3 ngày làm việc, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách đã bế mạc. Trước đó, các đại biểu đã thảo luận về Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị cần bổ sung vào trong Dự thảo Luật cơ chế để bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, chấm dứt cơ chế xin cho ngân sách.

Đại biểu Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, khi xây dựng Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này phải bàn bạc để “làm sao Quốc hội phải kiểm soát được ngân sách, còn Quốc hội mà không kiểm soát được ngân sách thì tôi nghĩ quyền lực Nhà nước cấp cao đến cỡ nào cũng không có gì cao cả”.

Theo đại biểu này: “Hiện nay chúng ta lồng ghép, không tách bạch rõ ràng nên cái cần tự chủ thì không cho tự chủ, cái không được tự chủ lại lồng ghép tự chủ nên mới có chuyện lấy tiền làm trường để xây trụ sở”.

“Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã mở để cho Quốc hội kiểm soát ngân sách, vấn đề còn lại là Quốc hội có muốn làm hay không?”, ông Lịch bày tỏ.

“Ngân sách có tầm rất quan trọng. Một năm bình quân 60 ngày làm việc cho 2 kỳ họp, liệu chúng ta có dành 10 – 15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách không? Kỳ họp giữa năm chúng ta bàn nhiệm vụ chi, không bàn ở tổ mà bàn ở hội trường 3 ngày minh bạch nhiệm vụ chi. Kỳ họp sau cũng họp ở hội trường 3-4 ngày để quyết khung kỳ trước đã bàn.

Vấn đề gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì tốt, còn vấn đề gì để dấm dúi thì không tốt. Ngân sách là vấn đề cần minh bạch cao nhất nên phải đưa ra Quốc hội thảo luận. Tại kỳ họp rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội để lại 41%, TP HCM chỉ để lại 23% (thu ngân sách), tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch thì không ai so bì, không ai thắc mắc”, vị đại biểu này tiếp tục nói.

Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: “Ngân sách là vấn đề khó, không phải đại biểu nào cũng có thể hiểu được. Nhưng có một nguyên tắc là tất cả các khoản chi thì phải được Quốc hội phê duyệt."

“Trên thực tế có nhiều khoản chi lớn mà Quốc hội chưa được quyết định. Tôi đề nghị những khoản chi nào đã gọi là chi của quốc gia thì phải Quốc hội quyết. Ngay cả chi quốc phòng, an ninh, chúng ta cũng không giấu được, với cơ chế mở hiện nay, chúng ta chi việc gì cả thế giới đều biết, thậm chí thế giới biết trước đại biểu Quốc hội”, ông Nam phát biểu.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh cũng cho rằng, Quốc hội quyết định ngân sách là vấn đề hết sức lớn, nên dự toán phải chính xác.

Cho rằng quy trình lập ngân sách chưa chuyên nghiệp, mỗi năm chỉ họp hai lần nên khi họp luôn nhất trí về cơ bản với quy trình lập ngân sách, do đó, “khi Quốc hội thảo luận ngân sách hàng năm thì mọi việc đã đâu vào đấy”, ông Minh thẳng thắn nói.

“Chi quốc gia thì Quốc hội phải biết”

Sau khi chỉ ra thực tế hiện chỉ có 13/63 tỉnh giàu và 50 tỉnh còn nhận trợ cấp từ T.Ư, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định thưởng cho những địa phương vượt thu. Ông phân tích: “Trong 13 tỉnh giàu thì Hà Nội và TPHCM đã có cơ chế tự chủ riêng, còn lại là 11 tỉnh thì không nên áp dụng cơ chế thưởng. Tôi rất băn khoăn vì số thưởng vượt thu ngân sách.

Vì số này được báo cáo vào tháng 4, 5 trong khi ngân sách quyết toán đã đóng từ tháng 12 của năm trước. Giờ chúng ta thưởng có nên không? Khi ngân sách kết thúc rồi thì báo cáo sau này dễ làm quyết toán của chúng ta đã ảo càng ảo thêm. Chúng ta phải tính toán lại nếu không đã nghèo lại càng nghèo, tụt hậu càng tụt hậu xa”.

Thẳng thắn chỉ ra hiện trạng quản lý tài chính ngân sách đang gây ra thất thoát, lãng phí lớn khi đồng tiền không gắn với hiệu quả, hồ sơ “đẹp” nhưng không hiệu quả nên bị thất thoát, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị luật lần này phải có cơ chế chịu trách nhiệm.

Ông Nam dẫn chứng: “Hiện chúng ta xây nhà đẹp nhưng chẳng có ai đến ở; hay trồng rừng cũng chẳng có rừng. Vì vậy nguyên tắc chịu trách nhiệm gắn với hiệu quả là vô cùng quan trọng”. Ông Nam cũng chỉ rõ, chuyện nợ công mới được đề cập ở Quốc hội, còn tại các cấp xã, huyện chúng ta không kiểm soát được.

Nhiều xã, huyện cứ đi vay về để làm các công trình nên tính ra nợ công của quốc gia không phải là ít. Do vậy bây giờ phải cấm những địa phương không có nguồn thu thì không được vay để làm. “Tất cả các khoản chi QH phải quyết định, hiện nhiều khoản chi lớn mà QH cũng không biết. Đã là chi quốc gia thì QH phải biết kể cả chi quốc phòng, an ninh. Đây cũng là những vấn đề nhân dân và cử tri yêu cầu” - ông Nam nói.

ĐB Trần Du Lịch đề nghị phải phân định rõ ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương, từ đó xem địa phương có đủ chi từ thu ngân sách của mình không, nếu không thì T.Ư hỗ trợ. Trên cơ sở đó phân định rõ các khoản ngân sách của địa phương thu được do HĐND tự quyết định, còn khoản được phân bổ, hỗ trợ từ ngân sách T.Ư do QH quyết định và giám sát.

Theo lý giải của ĐB Trần Du Lịch, việc phân định rõ như vậy sẽ minh bạch, giảm cơ chế xin cho. “Ngân sách phải được minh bạch nhất. Tại kỳ họp vừa rồi, cử tri hỏi, tại sao Hà Nội được để lại 41%, TPHCM chỉ để lại 23% thu ngân sách, tôi không biết trả lời thế nào. Nếu minh bạch ra thì không ai so bì, dù nói Hà Nội là nhiệm vụ chi T.Ư cao hơn. Do vậy, QH phải cải tiến về cách làm” - ông Lịch đề nghị.

Theo Lao Động, Người đưa tin
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-nhung-khoan-chi-the-gioi-biet-truoc-quoc-hoi-850115.tpo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét