Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Bức xúc nhìn tuyến đường sắt xuyên nội đô từ camera bay

Mình lưu bài này để ghi nhớ 2 điều rất bức xúc. Một là đứng trên cao sẽ thấy Hà Nội chỉ có hai mầu xanh và đỏ; tiếc thay đó không phải là màu xanh của lá, màu đỏ của hoa, mà là màu xanh đỏ của mái tôn. Thật đau xót cho mô hình phát triển hay văn minh nhà ống mái tôn thời nay, nhìn vô cùng lạc hậu, nhức mắt, đau đầu; ở Sài Gòn không có hiện tượng mái tôn như vậy dù cũng là nhà ống rất lạc hậu. Hai là tuyến đường sắt quốc gia quá lạc hậu, lạc hậu hàng trăm năm; đặc biệt là tuyến chạy qua các thành phố lớn, lẽ ra nó phải ngầm hóa từ lâu rồi.
Tuyến đường sắt xuyên nội đô nhìn từ camera bay
Hình ảnh tuyến đường ray xe lửa xuyên thủ đô bắt đầu từ khu vực ga Long Biên chạy song song với các phố Phùng Hưng, Lê Duẩn, Giải Phóng rồi đến Giáp Bát và tiến thẳng vào Nam.

Ga Hà Nội (trước kia gọi là Ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902) là nhà ga chính của thủ đô, đầu mối giao thông quan trọng vận chuyển hành khách, hàng hoá với 5 tuyến đường sắt trong nước và liên vận quốc tế. Từ đây, hành khách có thể làm thủ tục mua vé tàu hỏa đi các tuyến phía Bắc hoặc Nam.




Phía đường Lê Duẩn là khu A, chuyên phục vụ các chuyến tàu xuôi ngược vào Nam. Khu B nằm tại mặt sau thuộc phố Trần Quý Cáp nơi khởi hành và điểm đến của các tuyến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ...


Kết nối với ga Hà Nội là tuyến đường sắt xuyên qua nội đô, có thể tính từ khu vực ga Long Biên và cầu Long Biên (quận Hoàn Kiếm) chạy song song bên đường Giải Phóng đến ga Giáp Bát rồi thẳng vào Nam.


Hệ thống đường sắt trên khắp cả nước với 15 tuyến chính do người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1881 với các khổ đường loại 1 m và 1,435 m. Tổng chiều dài là 3.142,69 km, trong đó gồm 2632 km đường sắt chính, 402,69 km đường ga và 107,95 km đường nhánh. Cụ thể các tuyến Hà Nội - Sài Gòn 1730 km, Hà Nội - Đồng Đăng 163 km, Hà Nội - Lào Cai gần 300 km và Hà Nội - Hải Phòng 95 km. Trong ảnh là đoạn ga Long Biên.


Từ ga Long Biên, tuyến đường ray chạy dọc theo tuyến Phùng Hưng cắt ngang Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khuyến về đến ga Hà Nội.


Hình ảnh trên tuyến phố Phùng Hưng, cắt ngang Cửa Đông.


Năm 1902, tuyến đường sắt từ Hà Nội tới Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Hải Phòng này bắt đầu xây dựng xong và đưa vào sử dụng. Riêng tuyến từ thủ đô đi Lào Cai hoàn thành năm 1906.


Đường sắt xuyên nội đô đoạn cắt ngang phố Trần Phú (quận Hoàn Kiếm).


Đoạn chạy song song với đường Lê Duẩn, nằm giữa hai hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) và hồ Bảy Mẫu trong công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng).


Tuyến đường sắt tại nút giao hầm Kim Liên - Giải Phóng - Đại Cồ Việt (thuộc các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng).


Trên đường Giải Phóng đoạn trước cửa Bệnh viện Bạch Mai.


Song song cùng cầu vượt Ngã Tư Vọng tại nút giao Đại La - Trường Chinh.


Xuyên qua ga Giáp Bát (quận Hoàng Mai)


Vào mỗi giờ cao điểm, khi có đoàn tàu chạy qua, tuyến đường Giải Phóng và Ngọc Hồi thường bị ùn ứ.




Tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ (lối vào khu đô thị Linh Đàm).

Tại buổi làm việc giữa Bộ Giao thông với Hà Nội sáng 15/4, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an thành phố đã kiến nghị chuyển ga Hà Nội ra khỏi trung tâm thủ đô và cho rằng mỗi lần tàu chạy, lực lượng cảnh sát giao thông rất vất vả do ùn tắc đường ngang thường xuyên xảy ra, nhất là khu vực Văn Điển. Tuy nhiên, đề xuất này đã gặp phản ứng trái chiều của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN, ông Trần Ngọc Thành cho rằng, trên thế giới không có quốc gia nào dịch chuyển ga ra khỏi thành phố bởi đây là đầu mối kết nối các phương thức vận tải.

Hoàng Hà - Lê Hiếu

http://news.zing.vn/Tuyen-duong-sat-xuyen-noi-do-nhin-tu-camera-bay-post531555.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét