Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Báo Mỹ viết về sự chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam

Báo Mỹ viết về sự chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam
Cách showroom mới của Rolls-Royce hai tòa nhà, có hai người phụ nữ bán khoai tây và đu đủ cho người đi đường. Cả hai cho biết họ không quan tâm đến những chiếc siêu xe lẫn trong dòng xe máy trên đường phố.

Giao thông Việt Nam tràn ngập xe máy, ô tô, xe buýt 
và thỉnh thoảng là những chiếc Rolls-Royce (Ảnh AFP)
Bà Hà (gần 80 tuổi) và bà Hiền (53 tuổi) bắt đầu ngày mới vào lúc 4 giờ sáng, họ đến chợ đầu mối, sau đó đạp xe đi xuống trung tâm thành phố để bán khoai tây và đu đủ cho người đi đường. Bà Hà sống cùng 8 người bà con và kiếm được 50.000 đồng mỗi ngày (ít hơn 2.5 USD). Trong khi đó, bà Hiền kiếm được khoảng 5 USD một ngày.

Khoảng cách thu nhập gia tăng là một hiện tượng toàn cầu, nhưng tại Việt Nam, sự tương phản này đặc biệt rõ nét. Giao thông Hà Nội tràn ngập những chiếc xe máy được buộc hàng tá hàng hóa như gà vịt hay tivi màn hình phẳng. Xe tải, ô tô, xe máy đi cạnh những chiếc xe đạp và xe đẩy của người bán hàng rong. Giữa bối cảnh ấy, sự xuất hiện của những chiếc Rolls-Royce dường như gây ấn tượng với người nước ngoài hơn là người Việt, giống như câu chuyện của bà Hà và bà Hiền vậy.

Sự xuất hiện của những chiếc xe sang trọng được xem là dấu hiệu cho tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Forbes Việt Nam, ra mắt vào đầu năm 2014, là một nơi cho thấy sự giàu có của tầng lớp thượng lưu ở nước này. Trong ấn phẩm đầu tiên của tạp chí đã nói về ông Phạm Nhật Vượng, được mô tả như là “Donald Trump của Việt Nam”. Tài sản của ông khoảng 1.5 tỷ USD, chủ yếu từ cổ phần trong Vingroup, là chủ sở hữu của trung tâm mua sắm, các khu nhà ở cao cấp và công viên mô phỏng nổi tiếng nhất nước. Vingroup vừa thông báo kế hoạch mở thêm 25 trung tâm thương mại trong năm nay trên toàn Việt Nam.

Nếu chủ tịch tập đoàn Vingroup được ví như Trump thì người sáng lập cà phê Trung Nguyên có thể được xem là “Horatio Alger của Việt Nam”. Lớn lên trong một gia đình bình thường ở Tây Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu rang hạt cà phê và giao hàng bằng xe đạp. Và giờ đây, Việt Nam đã trở thành đối thủ của Brazil trong sản xuất cà phê và Trung Nguyên trở thành thương hiệu đồ uống hàng đầu, mở nhiều cửa hàng trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.
Một người bán hàng rong đang bán quất ở Hà Nội (Ảnh AFP) 

Giới thượng lưu của Việt Nam có lối sống sang trọng và phong cách. Thế nhưng để nhận biết về sự biến đổi của Việt Nam, phương tiện giao thông là thước đo tốt nhất. Trong những năm 1990, xe đạp vẫn là phương tiện chính trong giao thông và xe xích lô xuất hiện nhan nhản. Sự tăng trưởng kinh tế sau đó đã khiến xe máy và ô tô dần trở nên phổ biến.

Sự khác biệt giàu nghèo ở Việt Nam có thể nhận thấy rõ trên đường phố

Đầu năm 2011, thu thập trung bình của người Việt Nam tăng nhẹ, và giờ đây nhiều gia đình đã có thể mua sắm Toyota Corolla hay Chevrolet Cruzes. Số liệu công nghiệp cho thấy lượng xe hơi được bán ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 2 năm từ khoảng 9.500 năm 2012 lên 21.700 trong năm 2014. Số liệu này sẽ cao hơn nhiều nếu thuế nhập khẩu không quá cao và thuế cho những chiếc lắp ráp tại Việt Nam không lên tới 60%, ông Gaurav Gupta - Giám đốc GM Việt Nam cho biết.

Số xe hơi sang trọng bán ra cũng đã tăng trưởng với tốc độ tương tự, đạt tổng số 4.700 chiếc trong năm 2014. Vài năm trước, Mercedes và BMW còn thống trị thị trường xe sang tại đây, nhưng giờ đây còn có Rolls-Royce, Porsche, Audi, Lexus, Infiniti và có thể là cả Lamborghini. Con số này sẽ còn ấn tượng hơn nữa nếu biết một chiếc xe giá 60.000 USD tại Mỹ có giá gần 180.000 USD tại Việt Nam, Gupta cho biết.
Tại showroom mới của Rolls-Royce, bên ngoài cảnh một khách sạn 5 sao, một chiếc Wraith tầm trung theo tiêu chuẩn Rolls, có giá khoảng 979.000 USD. Những chiếc xe đắt nhất có thể có giá cao hơn hàng trăm nghìn USD, vì người mua thường yêu cầu thêm chi tiết như bảng tên với chữ ký dát vàng, ông Phạm Bửu Hội, Giám đốc Marketing của Roll-Royce Motor Cars Hà Nội cho biết. Tổng chi phí có thể lên tới 2.5 triệu USD. Còn khi được hỏi về phương tiện di chuyển hàng ngày, ông Hội cười lớn và cho biết: “Tôi đi xe máy, giống như mọi người thôi”.

(Theo Los Angeles Times)
http://afamily.vn/xa-hoi/bao-my-viet-ve-su-chenh-lech-giau-ngheo-o-viet-nam-20150303125242683.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét