Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Nhờ đâu kinh tế Mỹ phục hồi?

Nhờ đâu kinh tế Mỹ phục hồi?
Nếu Quốc Hội tránh đối đầu bế tắc, tạm giữ ngân sách và ngừng hoạt động trong năm 2015, thì sẽ không có lý do gì khiến nền kinh tế không tiếp tục hoạt động hiệu quả.
LTS: Tác giả bài viết Jeffrey Frankel là Giáo sư Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), là cơ quan chính thức của Mỹ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

Khoảng thời gian hai tháng qua đã tạo nên một sự khác biệt rõ ràng. Khi Đảng Cộng hòa giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 11 năm ngoái, cách lý giải được chấp nhận rộng rãi là do các cử tri đã bày tỏ sự chán nản và bực bội trước thành tích kém cỏi của nền kinh tế. Quả thật là khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu, phần lớn họ đã có chung suy nghĩ rằng tình trạng kinh tế đang xấu đi trầm trọng, nhiều người đã cho rằng trách nhiệm thuộc về Tổng thống Barack Obama và đã bỏ phiếu chống lại Đảng Dân chủ của ông.

Nhưng giờ đây, mọi người đột nhiên lại phát hiện ra rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở tình trạng khá tốt – tốt đến mức Thượng Nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng Viện Hoa Kỳ, đã chuyển từ đổ lỗi cho Obama vì gây nên tình trạng kinh tế yếu kém sang đòi được ghi nhận công lao (của Đảng Cộng hòa) vì mang lại một nền kinh tế hiệu quả. Ông cho rằng, những dữ liệu kinh tế thuận lợi gần đây là kết quả “kỳ vọng [của công chúng] về một Quốc hội do Đảng Cộng hòa lãnh đạo” (vốn được cho là sẽ có lợi cho nền kinh tế – NHĐ).

Nhưng hiệu năng nền kinh tế Hoa Kỳ thực ra đã tốt lên từ lâu trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Quả thật, nó đã tốt lên từ trước tháng 9, khi những cuộc thăm dò bắt đầu cho thấy Đảng Cộng hòa có khả năng cao sẽ giành thắng lợi lớn, giành quyền kiểm soát Thượng Viện và tăng thêm sự hiện diện trong Hạ Viện, vốn đã do họ chiếm đa số.

Sự thật là số lượng việc làm đã tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2014, trung bình 246.000 việc làm mỗi tháng – tổng cộng 3 triệu việc làm trong cả năm – và hạ tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 5,6% vào tháng 12 năm 2014 (so với 6,7% một năm trước đó). Điều này thể hiện sự tăng tốc so với con số trung bình 185.000 việc làm được tạo ra hàng tháng giai đoạn 2011-2013, và trông có vẻ còn khả quan hơn cả giai đoạn tăng trưởng kinh tế 2002-2007, khi số lượng việc làm được tạo ra hàng tháng chỉ ở mức 102.000. Quả thật, những con số gần đây đã gợi cho chúng ta nhớ lại thời kỳ êm ả từ khi Bill Clinton còn là Tổng thống.

Tương tự, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đã bắt đầu tăng lên từ mùa xuân năm 2014, cao hơn tỉ lệ của ba năm trước đó. Thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ trong năm ngoái đã thấp hơn mức dự đoán, khoảng 2,8% GDP, phần nào là do thu nhập tăng cao. Đây là một sự tiến triển kỷ lục so với năm 2009, khi mà thâm hụt ngân sách chiếm đến gần 10% GDP.

Cho đến gần đây, lý do vì sao hiệu năng kinh tế lại yếu như vậy vẫn là điều bí ẩn. Có bốn cách lý giải cho điều đó như sau.

Lý giải đầu tiên dựa trên quan điểm cho rằng phục hồi từ suy thoái sẽ mất nhiều thời gian hơn nếu nguyên nhân của
suy thoái là do các thị trường nhà đất và tài chính sụp đổ, một quan điểm được gắn liền với các nhà kinh tế học Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff. Nhưng mẫu hình lịch sử này giống như một ghi nhận về độ lớn của suy thoái ban đầu và thời gian cần thiết để phục hồi hoàn toàn hơn là một dự đoán về tỉ lệ tăng trưởng thường niên trong giai đoạn hồi phục.

Lý giải thứ hai cho rằng sự phục hồi chậm là một phần của xu hướng dài hạn hơn, có thể là do sự đình trệ tiếp nối hay thiếu hụt những cải tiến công nghệ quan trọng. Đúng là năng suất và lực lượng lao động đều đã tăng trưởng chậm chạp kể từ năm 1975. Nhưng nền kinh tế lẽ ra phải đạt được mức độ hồi phục cao hơn tỉ lệ tăng trưởng 2,1% được ghi nhận vào giai đoạn 2011-2013.

Cách lý giải thứ ba về sự tăng trưởng chậm chạp trong thời gian ba năm đó cho rằng việc đầu tư bị suy giảm và tình trạng thất nghiệp lâu dài do cuộc khủng hoảng sâu rộng giai đoạn 2008-2009 gây ra đã tạo ảnh hưởng nặng nề lên trữ lượng vốn cũng như quy mô và chất lượng của lực lượng lao động.

Nhưng cách lý giải thứ tư có vẻ như là đơn giản nhất: Đó là do yếu tố chính trị yếu kém xoay quanh vấn đề tài khóa (tức ngân sách chính phủ – NHĐ) của Mỹ trong giai đoạn 2011-2013 – những năm đã xảy ra tình trạng “vách đá tài khóa” (“fiscal cliff”), bế tắc trần nợ (debt-ceiling standoffs), suýt vỡ nợ liên bang (federal default), chính phủ tạm ngừng hoạt động (government shutdown), và tạm thời tịch thu ngân sách (budget sequesters).[1]

Không cần phải xét đến những khái niệm lớn như “hiệu ứng số nhân” của Keynes mới rút ra được kết luận là tác động tổng hợp của những cuộc xung đột này mỗi năm làm giảm ít nhất một phần trăm tỉ lệ tăng trưởng, đặc biệt nếu ta tin rằng rủi ro mà những hành vi đó tạo ra đã khiến các doanh nghiệp không còn dám tuyển nhân viên hoặc đầu tư. (Theo một thống kê, cuộc khủng hoảng trần nợ năm 2011 và giai đoạn chính phủ tạm ngừng hoạt động năm 2013 đã tạo ra những mối lo ngại lớn gần bằng những quan ngại mà vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 hay sự sụp đổ của công ty Lehman Brothers vào năm 2008 gây ra).

Cách phân tích này cũng phù hợp với việc nền kinh tế Hoa Kỳ đạt hiệu năng mạnh mẽ hơn trong năm 2014, năm đầu tiên mà quá trình phục hồi kinh tế đã không còn bị chính sách tài khóa rối loạn cản trở như từ sau khi Đảng Cộng hòa giành được đa số ghế trong Hạ Viện vào tháng 11 năm 2010. Do phải chịu lỗi cho việc chính phủ tạm ngừng hoạt động vào tháng 10 năm 2013, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã quyết định “bóp ngạt” các đảng viên thuộc phong trào “Tiệc Trà” (“Tea Party”) cực đoan và cố tránh những cuộc đối đầu bế tắc tương tự trong năm 2014.

Có thể đoán được rằng năm nào mà Quốc Hội không nỗ lực cản trở quá trình phục hồi kinh tế cũng sẽ là năm mà quy mô sản xuất sẽ phát triển và số lượng việc làm sẽ tăng lên nhanh hơn. Nếu Quốc Hội tránh đối đầu bế tắc, tạm giữ ngân sách và ngừng hoạt động trong năm 2015, thì sẽ không có lý do gì khiến nền kinh tế không tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Tất nhiên, những thiếu sót vẫn còn tồn tại. Tốc độ tăng tiền lương vẫn còn chậm. Thu nhập hộ gia đình trung bình gần như còn chưa bắt đầu hồi phục, và vẫn còn kém mức năm 2000 khá xa. Điều này là do đa số các khoản thu được từ quá trình phục hồi kinh tế đều đã rơi vào tay những người đứng trên đỉnh chuỗi phân phối thu nhập.

Thực sự, cách giải thích hợp lý nhất trong số rất nhiều lời giải thích cho việc vì sao các cử tri trong cuộc bầu cử năm 2014 không nhận thức được sự hồi phục đang diễn ra của nền kinh tế là do người dân Mỹ bình thường đã không được hưởng lợi từ sự phục hồi đó. Trớ trêu thay, việc bất bình đẳng gia tăng lại thường được coi là sẽ có lợi cho Đảng Dân chủ (vốn thường theo đuổi chính sách giảm sự bất bình đẳng, do vậy được lòng dân nghèo – NHĐ).

———————
[1] “Budget sequestration” là một thủ tục hạn chế quy mô ngân sách liên bang. Theo đó, một trần cứng được đặt ra cho chi tiêu chính phủ liên quan đến một loạt các lĩnh vực khác nhau. Nếu quốc hội thông qua ngân sách vượt mức trần trên, phần vượt quá sẽ bị cắt, chia đều cho tất cả các lĩnh vực này, và tác động tới tất cả các bộ ngành và chương trình chi tiêu theo một tỉ lệ tương đương nhau. Phần vượt quá lúc này sẽ bị Bộ Tài chính giữ lại và không được chuyển cho các cơ quan thụ hưởng ngân sách. Từ “sequestration” bắt nguồn từ một khái niệm pháp lý liên quan đến việc tòa án tạm giữ một tài sản nào đó để ngăn ngừa việc phá hủy hay gây hại cho tài sản trong thời gian tranh chấp đối với tài sản đang được giải quyết (NHĐ).

Nguồn: Jeffrey Frankel, “The End of Republican Obstruction”, Project Syndicate, 19/1/2015.
Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
(Theo Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét