Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Ngịch lý và lối thoát: Tiếng kêu cho hiện trạng giáo dục hiện nay

Ngịch lý và lối thoát: Tiếng kêu cho hiện trạng giáo dục hiện nay
Trần Văn Chánh - Đọc báo hàng ngày, những tin tức dội về từ khắp nơi liên quan mọi mặt hoạt động của ngành giáo dục dường như đã tới lúc làm cho mọi người cảm thấy chán nản. Thực tế cho thấy, hầu như không một khuyết điểm nào được nêu ra từ 20-30 năm trước mà nay đã khắc phục được, mặc cho hàng trăm cuộc hội thảo, diễn đàn giáo dục đã được tổ chức tìm phương hướng giải quyết, chưa kể đến hàng ngàn bài báo góp ý của các bậc thức giả cả trong lẫn ngoài nước.
Hết những lộn xộn về chương trình-sách giáo khoa lại đến những quy định thay đổi xoèn xoẹt về phương thức học hành thi cử khiến cho cả học sinh lẫn giáo viên đều phải tối mắt không biết đường đâu mà lần cho ra manh mối.

Rồi đến chuyện dạy thêm/ học thêm nữa, kéo dài hàng chục năm chưa có giải pháp khắc phục, trong khi học sinh vẫn tiếp tục dốt Văn dốt Sử, học ra trường bị thất nghiệp hoặc không có việc làm thích hợp; những biểu hiện suy thoái của đạo đức học đường vô phương cứu chữa (nữ sinh chửi thề, đánh nhau trong trường học; ban giám hiệu hạ nhục nhau giữa cuộc họp hội đồng quản trị đại học vì quyền lợi ăn chia không đều…), cũng như bệnh thành tích, nạn chạy trường, tình trạng “quay cóp” trong thi cử, và không ít hiện tượng tiêu cực về tham ô lãng phí đã lan sâu cả vào ngành giáo dục trên diện rộng…. Tính ra không sao kể xiết!

Mới đây nhất, chỉ trong vòng nửa tháng, báo Tuổi Trẻ lại đăng những mẩu tin bài, ý kiến, như “Không muốn cũng phải học thêm” (9.12.2014), “Tìm ‘thuốc’ chữa bệnh dạy thêm-học thêm” (14.12), “Dạy cầm chừng, chờ hướng dẫn” (23.12), “Giáo viên cũng sợ… sao đỏ” (23.12), “Học sinh THCS đánh nhau nhiều hơn” (25.12)…, khiến cho giới phụ huynh và những người hữu tâm với giáo dục càng thêm rối trí. Bộ GD-ĐT, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp, chẳng phải không có thiện chí giải quyết những vấn đề rất đa dạng phát sinh ngày một thêm trong ngành mình phụ trách, nhưng dường như cũng phải bó tay, theo cách chỉ giải quyết cục bộ từng vụ việc, sai đâu sửa đó, hoặc đem cái sai này chữa cho cái sai khác khiến cho tình trạng xấu ngày một thêm tăng nặng.

Thực tế cho thấy, hầu như không một khuyết điểm nào được nêu ra từ 20-30 năm trước mà nay đã khắc phục được, mặc cho hàng trăm cuộc hội thảo, diễn đàn giáo dục đã được tổ chức tìm phương hướng giải quyết, chưa kể đến hàng ngàn bài báo góp ý của các bậc thức giả cả trong lẫn ngoài nước. Điều này cho thấy nền giáo dục Việt Nam trong suốt nhiều chục năm đã và đang ở trong tình trạng phá sản hầu như có thể gọi là bế tắc, “kế bất khả thi”, do chỗ hỏng hóc của nó nằm ở những tầng sâu trong một hệ thống lớn hơn mà nó chỉ là bộ phận, liên quan đến đường lối chính sách, triết lý giáo dục căn bản vốn chưa thể tách rời khỏi cái hệ thống chi phối lớn hơn đó. Đây cũng là điều tế nhị khó nói trong bối cảnh lịch sử/ chính trị đặc thù hiện tại. Hay nói một cách công bằng hơn, giải pháp thì có đó, nhưng không làm sao thi hành được, cũng giống như mọi ngành hoạt động khác chứ không chỉ riêng ngành giáo dục, tương tự như khi người ta nói đến chuyện điều trị nạn tham nhũng mà mãi cho đến hôm nay vẫn chưa có thuốc chữa vậy, như các nhà chức trách hữu quan thảy đều công nhận.

Cho nên khi đọc thấy mấy dòng nhận xét mới được viết ra như sau đây của ông Vương Trí Nhàn về hiện trạng bế tắc của nền giáo dục, nhiều người đã không cho là quá đáng mà còn có phần biểu đồng tình: “Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng chỉ là đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiều nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học. Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của [nền giáo dục] miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ thoát khỏi” (xem “Mấy cảm nhận về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc”, Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, số 7-8 (114-115).2014, Chuyên đề Giáo dục miền Nam Việt Nam 1954-1975, tr. 267).

Ông Vương Trí Nhàn nói theo giọng nhà văn nên có vẻ hình tượng sinh động và có thể dễ gây mích lòng cho một ai đó, nhưng trên thực tế các nhà khoa học giáo dục nếu đủ đức trung thực và thẳng thắn như ông cũng không thể nói khác, mà chỉ khác nhau ở cách tiếp cận vấn đề hoặc lề lối diễn đạt này khác.

Những năm gần đây, không kể nhiều bài báo lẻ rải rác đó đây, được biết đã có không ít sách bàn về cải cách giáo dục của một số tác giả tâm huyết với tiền đồ dân tộc, như có thể kể vài sách nổi bật của nhà xuất bản Tri Thức: Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm & Giải pháp của Nhiều tác giả (2007), Đại học Humbold 200 năm (1810-2010) do Nguyễn Xuân Xanh chủ biên (2011), Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng của Hoàng Tụy (2012, tái bản năm 2013)… Trong những sách vừa kể, các tác giả đã vạch ra khá đầy đủ và một cách hệ thống, hợp tình hợp lý giải pháp cho nền giáo dục Việt Nam, chỉ ra cho nó lối thoát, nhưng rất tiếc do bị trói buộc bởi những điều kiện chính trị-xã hội nghiệt ngã, hầu hết các ý kiến đều chưa được đem ra thực hiện, hoặc chỉ thực hiện một cách vá víu nửa vời. Đặc biệt, GS Hoàng Tụy, năm nay 88 tuổi, dường như đã khản cả cổ đưa ý kiến cho vấn đề cải cách giáo dục, đạo đạt lên nhiều nhà lãnh đạo cấp cao, nhưng chẳng khác như Mạnh Tử, Mặc Tử… ở Trung Quốc thời cổ, đi mòn gót giày thuyết phục các vua chư hầu cải cách chính trị, đạo đức nhưng người ta chỉ gật gù khen hay thôi chứ chẳng ai có thực tâm thực hiện, hoặc giả cũng có chút thiện chí nhưng lực bất tòng tâm!

Mới đây, chúng tôi vừa được xem quyển Nghịch lý và lối thoát-Bàn về triết lý phát triển Khoa học và Giáo dục Việt Nam của GS Vũ Cao Đàm (NXB Thế Giới, 2014) thì đang bi quan lại cảm thấy lạc quan lên được đôi chút, phần vì thấy tuổi ông đã khá cao mà “tâm thần vẫn chưa can”, còn đầy nhiệt huyết với nhân tâm thế đạo; phần khác nhận thấy nội dung sách cung cấp được nhiều thông tin và nhận định khách quan, trung thực, đôi chỗ có thể gọi là táo bạo..., phi là người quan tâm tha thiết với sự nghiệp giáo dục nước nhà thì không ai bỏ công làm được như thế.

Đọc vào bên trong, lại càng thấy đây là một công trình không chỉ nghiên cứu khoa học giáo dục đơn thuần mà còn nỗ lực đưa ra suy nghĩ/ đề đạt giải pháp có tính tập đại thành, trên cơ sở tổng hợp tư liệu phong phú và nhờ đó trình bày một cách tường tận đi vào ngóc ngách bộ mặt thật của đối tượng nghiên cứu trong điều kiện cụ thể Việt Nam, của một người từng ở lâu năm trong ngành giáo dục, và từng được dịp tiếp cận với thực tiễn giáo dục nhiều nước trên thế giới, cả ở khối XHCN như Việt Nam lẫn nhiều nước phương Tây tiền tiến khác.

Sách gồm cả thảy 3 phần, 7 chương. Phần thứ nhất là “Cơ sở lý luận về triết lý khoa học & giáo dục”, nhưng những điều đáng chú ý có lẽ tập trung nhiều hơn ở Phần thứ hai, “Quá trình diễn biến triết lý khoa học và giáo dục Việt Nam” gồm hai chương 3 và 4 (từ trang 133 đến hết trang 232). Trong khuôn khổ rất giới hạn của bài báo này, không thể thuật lại chi tiết dài dòng nên chỉ xin nhắc qua vài điểm chính dựa theo những phần “tiểu kết” sau mỗi chương của tác giả.

Ở tiểu kết chương 3 (trang 164), trên cơ sở phân tích so sánh giữa hai nền giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc, tác giả nhận định hệ thống khoa học và giáo dục (KH &GD) thuộc Việt Nam Cộng Hòa (trước đây) đi theo thiết chế tự trị, còn giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (sau này là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) lại đi theo triết lý Nhà nước độc tôn làm khoa học. Không thể phủ nhận một thực tế, giáo chức và nhà khoa học miền Nam (từ thời Bảo Đại trở đi, 1949-1975) đã phát triển một hệ thống KH&GD phù hợp xu thế phát triển của thế giới đương đại, và hệ thống này bị khép lại sau khi nước Việt Nam thống nhất theo mô hình các nước XHCN (1975), nhưng chúng ta thấy hiện nay nó đang dần tái hiện lại hình hài của hệ thống KH&GD mà cộng đồng KH&GD miền Nam đã xây dựng trong những năm trước 1975. Do vậy, “Nghiên cứu nghiêm túc những bài học kinh nghiệm của cộng đồng KH&GD miền Nam chắc chắn sẽ góp một phần rất quan trọng vào việc xây dựng một thiết chế KH&GD tự trị, phù hợp quy luật phát triển của KH&GD hiện nay” (tr. 164).

Chương 4 (từ trang 165 đến 231) nêu một cách chi tiết với nguồn tài liệu dẫn chứng sinh động từ thực tế “Những khuyết tật trong hệ thống KH&GD Việt Nam”, làm cho nền KH&GD Việt Nam đi vào chỗ tắc tị không lối thoát. Theo đó, như đã nêu ở phần tiểu kết: 1. Triết lý KH&GD ở nước ta mang trên mình những khuyết tật có tính hệ thống; 2. Những khuyết tật đó không thể sửa chữa vặt mang tính chắp vá, mà phải “tư duy lại” xuất phát từ một cách tiếp cận hệ thống; 3. Bản chất cốt lõi của luồng tư duy đó là: (1) Trả lại quyền tự trị cho KH&GD, và (2) Nhà nước chỉ thực hiện chức năng quản lý vĩ mô…

Phần ba (ba chương 5, 6 và 7) “Bàn về biện pháp cải cách triết lý KH&GD Việt Nam”, với kết luận ở cuối chương 7 (tr 392) đại khái cho rằng việc tái cấu trúc hệ thống KH&GD trên cơ sở tự trị, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế và bằng chính sách thực hiện mềm dẻo không câu nệ mệnh lệnh hành chính là một tất yếu khách quan, trên con đường cải cách từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường…

Cuối sách còn có 3 phụ lục rất bổ ích cho những người quan tâm nghiên cứu việc cải cách giáo dục, gồm: (1) Tuyên ngôn Bologne 1999 (bản tiếng Pháp), (2) Báo cáo của Jacques Delors, UNESCO (bản tiếng Pháp); (3) Báo cáo của Jacques Delors, UNESCO (bản tiếng Anh).

Bỏ qua vài khuyết điểm nhỏ về tính thiếu minh bạch của khái niệm “triết lý giáo dục” (như thường lẫn lộn giữa chính sách, phương pháp giáo dục với triết lý giáo dục đúng nghĩa…), và đôi chỗ về cấu trúc trình bày (như dừng lại hơi thừa ở chỗ nói về nạn “quay cóp”…), công trình nói chung rất đáng trân trọng, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ với chút dè dặt thận trọng của cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân, như đã nêu trong Lời giới thiệu ở đầu sách: “Chắc chắn quyển sách này sẽ được tiếp nhận với nhiều thái độ rất khác nhau, thậm chí là quyết liệt dù đồng tình hay phản đối. Khá nhiều vấn đề đặt ra ở đây đáng được tiếp tục nghiên cứu”.

Giả định mọi sự phân tích thực trạng KH&GD Việt Nam đi cùng những giải pháp cải cách tác giả đưa ra đều có thể chấp nhận được thì điều băn khoăn duy nhất và cuối cùng vẫn là những rào cản từ những thứ người ta quen gọi thể chế hay “cơ chế” mà các đời thủ tướng (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng) đều mong muốn cải cách để mở đường cho sự tiến bộ. Trong khi đó, trên cái nền bộ máy quan liêu hành chính và quốc nạn tham nhũng, KH&GD bị chính trị hóa, nạn “học phiệt” vẫn tiếp tục len lỏi được vào các vị trí chỉ huy KH&GD để thủ lợi cá nhân nhờ dựa theo phương thức quy hoạch/ cơ cấu cán bộ như bấy lâu nay và như tác giả đã nói nhiều ở chương 4, thì mọi công cuộc cải cách thiện chí nhất chỉ có thể dừng lại ở mức độ hi vọng mà thôi!

Tuy nhiên, trong một bối cảnh khá bi quan, điều chúng ta vớt vát hi vọng trước tiên là chính sự ra đời công khai trót lọt của công trình tâm huyết Nghịch lý và lối thoát này của tác giả Vũ Cao Đàm, với tác dụng tích cực của nó, sẽ được hiểu đúng mực vừa phải như thêm một tiếng kêu lớn bức xúc đòi hỏi cải cách thể chế nhằm mở ra tương lai tốt đẹp hơn chung cho cả đất nước cũng như riêng cho nền KH&GD Việt Nam.

30.12.2014
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 217 (15.1.2015)
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 16-1-15
http://www.viet-studies.info/TranVanChanh_NghichLyLoiThoat.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét