Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Năng suất khoa học của Viện Khoa học công nghệ

Theo tôi có lẽ mô hình Viện hàn lâm KHCN không phải là một mô hình sai lầm. Sai lầm ở chỗ Viện này được đặt ở một đất nước không cần khoa học và công nghệ, một đất nước chính trị là thống soái, làm giầu bằng quyền lực là cao quý nhất chứ không phải bằng trí tuệ. Tiền trả cho các nhà khoa học công nghệ không phải để họ nghiên cứu mà để họ im lặng. Im lặng là vàng, ngoan ngoãn, vâng lời như những con cừu là kim cương.
Năng suất khoa học của Viện Khoa học công nghệ
Nguyễn Văn Tuấn - Viện hàn làm KHCN của VN là một “di sản” của mô hình hoạt động khoa học thời Liên Xô cũ. Có bao giờ bạn tự hỏi Viện hàn lâm KHCN có bao nhiêu nhân viên, có ngân sách là bao nhiêu, và họ làm được gì? Bài báo dưới đây (1) cung cấp cho chúng ta vài con số trả lời những câu hỏi đó. Nhưng những con số này lại đặt ra vài câu hỏi khác.
Về nhân sự, Viện có hơn 4000 người, trong số đó 2419 người là “biên chế” (tôi không rõ từ này lắm). Tuy nhiên, trong số đó, Viện có 877 tiến sĩ, 152 phó giáo sư, và 41 giáo sư. Như vậy, có thể nói “lực lượng” khoa học của Viện là 1070 người. Tôi không rõ số còn lại 1349 người thuộc diện nào, nhưng đó là một con số không nhỏ.

Về ngân sách, năm 2014 Viện có ngân sách 919 tỉ đồng, tức tính ra là 46 triệu USD. Không rõ con số này được chi cho khoản nào, nhưng chắc chắn lương bổng chiếm phần lớn. Tính trung bình, ngân sách cho mỗi người trong biên chế là 19016 USD, một con số không hề thấp.

Về đầu ra, năm 2014 Viện báo cáo là công bố được 2.074 bài báo khoa học, nhưng số bài báo quốc tế là 803 bài. Thật ra, rất khó nói “bài báo quốc tế” ở đây có nghĩa là gì, vì có thể kể cả những bài trên những tập san đáng nghi ngờ dỏm như trong nhóm SCIRP. Trong thực tế, số liệu của Web of Science cho thấy tính từ 2010 đến 2014, Viện chỉ công bố được 1332 bài trên các tập san ISI (2). Nếu tính riêng cho năm 2014 (số liệu chưa đầy đủ), Viện công bố được 353 bài trên các tập san trong danh mục ISI.

Một thống kê khác cho biết năm 2014 Viện đăng kí được 3 bằng sáng chế. Nhưng chắc là bằng sáng chế đăng kí ở VN, vì năm 2014 VN chỉ có 1 bằng sáng chế duy nhất được USPTO (Mĩ) cấp cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Con số bài báo khoa học phải đặt trong bối cảnh 1070 giáo sư, tiến sĩ thì mới có ý nghĩa. Hãy rộng lượng cho rằng mỗi năm Viện công bố được 350 bài trên các tập san ISI, thì tính trung bình phải 3 giáo sư tiến sĩ mới có 1 bài. Hay nói cách khác, mỗi giáo sư tiến sĩ chỉ công bố được 1.2 bài trong vòng 5 năm. Năng suất như thế là thấp quá. Khó có thể nói năng suất thấp là do không đầu tư, vì mỗi năm Nhà nước chi đến 46 triệu USD, và số đó chưa kể tài trợ của NAFOSTED.

Có lẽ mô hình Viện hàn lâm KHCN là một mô hình sai lầm. Ngày nay, mô hình tập trung hóa trong khoa học ít được nước nào sử dụng nữa; thay vào đó là “mô hình cá thể”, theo đó từng nhóm hay lab nhỏ được thiết lập trong các đại học và viện nghiên cứu. Mô hình cá thể này tuy không phải là tốt nhất nhưng đã được chứng minh qua thực tế là hoạt động khá hữu hiệu hơn mô hình tập trung hóa.

(1) http://www.ngaynay.vn/Can-bo-khoa-hoc-chu-chot-cua-Viet-Nam-dang-suy-giam-p267342.html

(2) Số liệu trích từ Web of Science của ISI, tính từ 2010 đến 2014 (chưa đầy đủ), và con số của Viện KHCN được tính từ những bài báo có địa chỉ VIETNAM ACAD SCI TECHNOL, VAST, VIETNAMESE ACAD SCI TECHNOL, v.v.
———–
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2015/01/nang-suat-khoa-hoc-cua-vien-khcn.html


Xin đọc thêm một chủ đề mà hôm nay các báo VN đồng loạt đăng, và đang nằm ở số 01 trên cột đọc nhiều nhất của VNN: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/216703/bang-tien-si-gia-9-trieu-rao-ban-khap-ca-nuoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét