Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Bí mật tăng trưởng của Trung Quốc

Bí mật tăng trưởng của Trung Quốc
Nhiều người đang bi quan sâu sắc về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc do sự xuất hiện của các khoản nợ lớn, đầu tư quá mức, dư thừa của cải, và cái gọi là “thành phố ma” kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhưng đó không phải là vấn đề mới. Chúng đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1978 dưới nhiều hình thức khác nhau, và thể hiện rõ trong các nền kinh tế hiệu suất cao khác của Đông Á như Đài Loan, Hàn Quốc, và thậm chí cả Nhật Bản trong những giai đoạn họ tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, sau 35 năm kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng chương trình “cải cách và mở cửa,” Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 9,7%. Và Hàn Quốc và Đài Loan chỉ mất 40 năm để hoàn thành quá trình chuyển đổi từ tình trạng thu nhập thấp đến thu nhập cao.

Làm thế nào những nền kinh tế này có thể phát triển quá nhanh trong thời gian dài và khắc phục được các vấn đề nghiêm trọng mà họ gặp phải? Câu trả lời rất đơn giản: khả năng phục hồi.

Phát triển kinh tế là một quá trình phức tạp, đầy thách thức và rủi ro, thành công và thất bại, những cú sốc bên ngoài và bất ổn nội bộ. Và những hậu quả xấu – chẳng hạn như tỉ lệ nợ so với GDP (debt-to-GDP ratio) tăng và công suất dư thừa – là điều không thể tránh khỏi.

Nếu một quốc gia không đáp ứng một cách thỏa đáng những thách thức mới khi chúng phát sinh, tăng trưởng và phát triển kinh tế sẽ bị đình trệ. Chẳng hạn, nhiều nước ở châu Mỹ Latin và Nam Á đã sa lầy trong cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình,” bởi họ đã thất bại trong việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng của họ một cách kịp thời.

Ngược lại, các nền kinh tế Đông Á luôn điều chỉnh chiến lược phát triển của họ và tham gia vào cải cách thể chế liên tục. Mục đích không phải là để giải quyết những vấn đề mà họ phải trực tiếp đối mặt, mà là để đưa ra những hoạt động mới hiệu quả hơn, từ đó giúp chuyển nợ thành tài sản và tận dụng tối đa năng lực của nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, các nền kinh tế Đông Á đã chấp nhận quá trình “hủy diệt sáng tạo” mà nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter đưa ra, nhờ đó cơ cấu kinh tế được tiếp tục cách mạng hóa từ bên trong. Hơn nữa, bằng cách thực hiện những cải cách để tạo điều kiện gia tăng, thậm chí là khuyến khích thay thế các nguồn lực tăng trưởng cũ, không hiệu quả bằng những nguồn lực mới, năng động hơn, họ đã xúc tiến quá trình này.

Ví dụ, cải cách tăng năng suất nông nghiệp của Trung Quốc trong những năm 1980 một phần được thúc đẩy bằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực phi nông nghiệp, kết quả của những chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp làng và thị trấn. Tương tự như vậy, trong những năm 1990, Trung Quốc đã giải quyết sự tích tụ của nợ xấu và các dự án chưa hoàn thành – kết quả của việc doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kinh niên và đầu tư bất động sản quá mức, theo thứ tự – bằng cách thực hiện những cải cách về thể chế mà chúng kích thích các lĩnh vực năng động hơn tăng trưởng, từ đó bù đắp được sự sụt giảm thu nhập về vốn của các doanh nghiệp nhà nước.

Do đó khả năng phục hồi đã đặc trưng cho sự tương tác giữa chính phủ và các thị trường kể từ khi những cải cách của Đặng Tiểu Bình ra đời. Thật vậy, theo cố chuyên gia kinh tế Gustav Ranis, động lực tương tác của các tổ chức thị trường và chính sách là chìa khóa cho sự thành công của các nền kinh tế Đông Á.

Chẳng hạn, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng quyền tự chủ của các tổ chức địa phương, phân cấp quản lý tài chính ở Trung Quốc đã giúp thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực và duy trì môi trường kinh tế ngày càng theo định hướng thị trường.

Động lực tương tác này cũng được phản ánh qua sự hình thành các chính sách công nghiệp. Ở Trung Quốc, cho dù các cụm nhà sản xuất nhỏ hơn và sôi động đang phát triển, các nhà hoạch định chính sách không mấy mặn mà với việc thúc đẩy phát triển công nghiệp và nâng cấp. Điều này cho phép tổ chức thị trường hướng dẫn quy trình, đảm bảo rằng chúng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp đang được mở rộng.

Một nguồn khả năng phục hồi khác trong khu vực Đông Nam Á là chính quyền địa phương. 


Thứ nhất, họ chịu trách nhiệm cho phí tổn vốn công cộng, thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và thu lại lợi nhuận hợp lý cho các nhà đầu tư tư nhân. Điều này thúc đẩy mục tiêu giúp các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới có kích thước vừa và nhỏ phát triển và thịnh vượng. Để đạt được điều này, chính quyền địa phương cũng đang giúp các doanh nghiệp tiếp cận với những dây chuyền sản xuất toàn cầu. Các tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông đã đặc biệt thành công trong nỗ lực này – và chẳng mấy ngạc nhiên, họ được xếp trong số các nền kinh tế khu vực mạnh nhất của Trung Quốc.

Cuối cùng, chính quyền địa phương đã chứng minh họ sẵn sàng hỗ trợ đổi mới thể chế. Điều này cho phép sự linh hoạt cần thiết để giải quyết những thách thức về cấu trúc ở cấp địa phương, từ đó ngăn chặn chúng kìm hãm tăng trưởng.

Sau ba năm tăng trưởng chậm và nợ cao, Trung Quốc một lần nữa đang đứng trước bước ngoặt. May mắn thay, nó có vẻ đang lựa chọn con đường của sự linh hoạt và điều chỉnh, bởi nó đang theo đuổi một kế hoạch cải cách đầy tham vọng mà Trung Quốc hi vọng rằng sẽ cho phép nó tiến gần hơn và cuối cùng là vượt qua được ngưỡng thu nhập cao.

Zhang Jun (Trương Quân) là Giáo sư Kinh tế và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Trung Quốc tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải.

http://nghiencuuquocte.net/forums/topic/bi-mat-tang-truong-cua-trung-quoc/#sthash.LuDLMvQ2.dpuf


Zhang Jun, “China’s Growth Secret,” Project Syndicate, Dec. 26, 2014.
Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét