Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Khi tri thức bị xúc phạm

Khi tri thức bị xúc phạm
Việc Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông ký văn bản đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tạm dừng hoạt động của Nhà xuất bản Văn hóa và Thông tin, được nhiều người đồng tình. Bởi không ít cuốn sách do NXB này ấn hành, vẫn đang khiến dư luận cảm thấy bị xúc phạm. Xin điểm lại vài cuốn trong số đó.
Thứ nhất là cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”, với nhan nhản những lỗi không thể chấp nhận được, vì đó không phải là nghĩa của từ được giải. Như từ “quản giáo” bị giải nghĩa thành “người cai quản một giáo đường hay tu viện”; từ “tao đàn” được giải nghĩa là “chỗ nằm của tao nhân, thi sỹ”; từ “tù trưởng” được giải nghĩa là “người đứng đầu trông coi tội nhân”…

Rồi cuốn “hỏi đáp nhanh trí”, khiến người đọc choáng váng bởi những câu hỏi như “anh A bị chặt đầu năm 40 tuổi. Vậy con anh A bị làm sao?”, lời đáp “nhanh trí” là “bị mồ côi”. Bên cạnh đó là bức “minh họa” vẽ hình một người đàn ông nằm dưới lưỡi búa của máy chém.

Rồi “một người không may bị bệnh chó dại nhưng anh ta không đến bệnh viện điều trị mà đi khắp nơi tìm giấy bút. Vì sao?”. Lời đáp “nhanh trí” sau đó là “để liệt kê danh sách những người (mà anh ta) muốn cắn”.

Chưa hết, những bức tranh minh họa về nữ tướng thời Tây Sơn trong cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” còn biến các bà thành những cô gái choai choai thời hiện đại, với mái tóc màu nâu đồng và những cặp mắt to tròn.

Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, vua Quang Trung thì “được” minh họa thành những nhân vật mang dáng dấp của… game online. Lên tiếng về những bức minh họa quái đản này, một vị tiến sỹ, người chủ biên và biên tập cuốn “Những vị tướng lừng danh…” cho rằng toàn bộ minh họa của cuốn sách trên “chỉ có tính ước lệ là minh họa để làm thư giãn bạn đọc chứ không có giá trị chuyển tải lịch sử”.

Nghe đến tên NXB Văn hóa và Thông tin, hẳn ai cũng nghĩ đến tính nghiêm túc, tính văn hóa cũng như những tri thức mà NXB chuyển tải đến bạn đọc qua những ấn phẩm của mình. Không ai ngờ một NXB như thế mà lại cho ra đời những cuốn sách sỉ nhục tiếng Việt, sỉ nhục những vị tướng lừng danh của đất nước đến thế. Nhưng nó vẫn xảy ra.

Tâm hồn của học sinh như những tờ giấy trắng, học sao nhớ vậy. Điều gì sẽ xảy ra khi các cháu sử dụng những lời giải nghĩa trong cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” nói trên, làm hành trang để vào đời sau này? Ai phải chịu trách nhiệm về việc đã gieo vào tâm hồn các cháu những hình ảnh bạo lực như chặt đầu, như đi tìm giấy bút ghi tên những người cần cắn?

Một người có học vấn bình dân nhất cũng hiểu rằng “minh” nghĩa là sáng, còn “họa” là vẽ. Vậy minh họa là bức vẽ làm sáng thêm tác phẩm, là một bộ phận thống nhất, không thể tách rời tác phẩm. Thế mà một ngài có học vị đến tiến sỹ, làm việc trong NXB lại không hiểu, lại cho rằng những minh họa đó “chỉ có tính ước lệ là minh họa để làm thư giãn bạn đọc…”? Muốn làm bạn đọc thư giãn, sao không cho ra đời những cuốn tranh biếm họa?

Chưa biết sau khi “tạm dừng”, thì NXB có được hoạt động trở lại hay không. Nhưng trước mắt, việc sa thải thẳng cánh những người biên tập những cuốn sách trên là điều cần thiết.

Vũ Hữu Sự
(Nông Nghiệp)
http://nongnghiep.vn/khi-tri-thuc-bi-xuc-pham-post136230.html

1 nhận xét:

  1. Không chỉ nên sa thải thẳng cánh những người biên tập những cuốn sách trên mà cần phải truy tố họ cùng với các tác giả vì những hành vi đầu độc văn hóa không lường được hết hậu quả.

    Trả lờiXóa