Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Giá dầu giảm: Cơ hội để VN chấn hưng kinh tế?

Tôi không tin giá dầu có ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế Việt Nam nên việc giảm giá dầu có thể tạo ra cơ hội để chấn hưng kinh tế. Nhưng tôi vô cùng tán thành quan điểm của TS Doanh: Không thể vì thu ngân sách giảm đi mà chính phủ vội vàng nâng thuế nhập khẩu xăng dầu để thu chênh lệch giá dầu và chuyển gánh nặng đó cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ hãy đặt quyền lợi của người dân lên trên lợi ích của mình; làm gì trước tiên cũng phải nghĩ đến lợi ích của người dân. Đừng sống dựa dẫm vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nữa. Chính phủ hãy sống bằng năng lực trí tuệ và sức mạnh của chính mình, hãy để dành số dầu ít ỏi còn lại cho các thế hệ con cháu sử dụng.
Giá dầu thế giới giảm: Cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế?
"Giá dầu mỏ giảm có thể là một cơ hội tốt cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế", TS Lê Đăng Doanh bày tỏ quan điểm. Thực tế khi giá dầu giảm, có phương án đề xuất nâng thuế nhập khẩu xăng dầu để thu chênh lệch giá dầu và chuyển gánh nặng đó cho người dân và doanh nghiệp. Theo tôi, phương án này cần phải tính toán thận trọng.
Giá dầu thế giới xuống dưới 60 USD/thùng, mất hơn 50% sau 6 tháng
Theo Reuters, phiên đêm 16/12, giá dầu thô brent đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng, kéo dài đợt giảm giá liên tiếp lên 5 ngày qua. Còn giá dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm xuống mức 55 USD/thùng.



Giá dầu Mỹ giảm sau báo cáo của nhóm ngành công nghiệp cho thấy, lượng dầu trong kho dự trữ tăng mạnh, trái với dự báo cho rằng sẽ giảm trong vài tuần gần đây. Giá đầu phiên giao dịch đã giảm hơn 2 USD/thùng khi các nhà sản xuất dầu lớn tuyên bố không vội giảm sản lượng và hạn chế dư thừa nguồn cung.

Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng gần 2 triệu thùng trong tuần trước. Hiện thị trường vẫn đang chờ các dữ liệu kiểm kê chính thức dự kiến sẽ được Mỹ phát hành ngày 17/12.

Cụ thể, chốt phiên ngày 16/12, giá dầu thô của Mỹ đã thiết lập mức tăng 2 cent, lên giá 55,93 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá chạm mức 53,60 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

Còn giá dầu Brent giảm 1,2 USD/thùng, tương đương gần 2%, về mức 59,86 USD/thùng. Trong phiên, ngưỡng giá thấp có lúc về 58,50 USD/thùng, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Như vậy, giá hợp đồng giao dịch đã giảm mất hơn 10% chỉ trong 5 ngày giao dịch.

Mức chênh lệch giá giữa Brent và dầu thô Mỹ đã thu hẹp xuống còn dưới 4 USD/thùng, từ mức cao trong tháng là trên 5 USD/thùng ở phiên giao dịch hôm Thứ Hai đầu tuần này.

Giá dầu giảm được cho là do tác động của việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga trong một nỗ lực để ổn định đồng rub, nhưng bất thành. Và theo quyết định của Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, sẽ không phải cắt giảm sản lượng dầu mỏ của mình.

Như vậy, từ tháng 6 tới nay, giá dầu đã giảm mất 50%, khi đó, dầu Brent được giao dịch trên 115 USD/thùng, và đang tiến về mức suy giảm giá lớn nhất kể từ năm 2008.

Reuters còn cho biết, nhiều thương nhân và các nhà phân tích kỳ vọng thị trường có thể sẽ khởi sắc trở lại, nhưng không thể dự đoán thời điểm rõ nào sẽ diễn ra.

Giá dầu giảm có thể là cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, giá dầu mỏ giảm có thể là một cơ hội tốt cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Giá dầu thế giới đang giảm rất sâu và đang có xu thế tiếp tục giảm nữa. Chúng ta chưa biết được giá dầu sẽ giảm đến mức độ nào. Thời gian qua, xuất khẩu dầu, bán dầu thô đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 13-20% ngân sách, tùy theo lượng dầu khai thác và giá thị trường.

Theo mức tính toán, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì làm ngân sách mất đi 1.000 tỷ đồng. Tức là giá dầu giảm sâu như hiện nay, ngân sách Việt Nam có thể mất khoảng 2 tỷ USD. Đây là một thất thoát rất nặng.

Ông Doanh nói thêm, giá dầu giảm, một mặt giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng mặt khác, do Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc sản xuất từ dầu mỏ, không chỉ có xăng dầu. Chẳng hạn, Việt Nam còn nhập khẩu chất dẻo, sợi tổng hợp, phân bón, thuốc trừ sâu... Nếu giá dầu mỏ giảm, giá các sản phẩm này cũng sẽ giảm theo. Cho nên, trong bài toán này, nếu tính toán tốt, rất có thể sự giảm giá dầu mỏ cũng là cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế, phát triển kinh tế dân doanh. Đó sẽ là điều đáng mừng.

Thực tế khi giá dầu giảm, có phương án đề xuất nâng thuế nhập khẩu xăng dầu để thu chênh lệch giá dầu và chuyển gánh nặng đó cho người dân và doanh nghiệp. Theo tôi, phương án này cần phải tính toán thận trọng. Vì nếu thực hiện cách này, giá xăng dầu Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực, lại nảy sinh buôn lậu từ các nước có giá dầu thấp hơn về Việt Nam kiếm lời. Điểm thứ hai, quan trọng hơn, đó là các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

Năm 2015 là năm tiến trình hội nhập sẽ diễn ra rất sâu sắc. Các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt với các doanh nghiệp các nước ASEAN, trong cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam vừa ký kết.

Ngọc Anh (Tổng hợp)
http://www.nguoiduatin.vn/gia-dau-the-gioi-giam-co-hoi-de-viet-nam-chan-hung-kinh-te-a167193.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét