Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Dầu mỏ là động lực để Mỹ - Cuba nối lại quan hệ?

Dầu mỏ là động lực để Mỹ - Cuba nối lại quan hệ?
(TNO) Cuba được đánh giá sẽ là “cường quốc dầu mỏ” trong tương lai. Havana đã phát hiện trữ lượng dầu mỏ rất lớn trong khu vực đặc quyền kinh tế tại Vịnh Mexico. Rất có thể động thái thân thiện của Mỹ lần này cũng không bỏ tiềm năng dầu của Cuba ở Vịnh Mexico.
Ông Gross đã được tự do - Ảnh: Reuters
Cuba và Mỹ cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ sau khi Havana thả Alan Gross – một động thái được ca ngợi là “bước ngoặt lịch sử” hôm 17.12. Sau 50 năm chịu lệnh cấm vận của Mỹ, việc bình thường hóa quan hệ nếu có sẽ mang ý nghĩa thế nào đối với Cuba?

Rất nhiều trang báo trong đó có Business Insider đã nhắc đến cái tên Venezuela ngay lập tức trong câu chuyện này. Đây cũng có thể là tác nhân dẫn đến việc Cuba và Mỹ phải tìm đến nhau vào thời điểm hiện tại.


Trong bối cảnh giá dầu thô giảm liên tục, Business Insider cho biết kết cục của “sự sụp đổ” đang chờ Venezuela, vì nước này phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Có tới 95% sản phẩm xuất khẩu của Venezuela là dầu mỏ, trong khi mức lạm phát trong nước là 60%.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và chủ tịch Cuba Raul Castro

Dù từng tuyên bố sẽ cầm cự, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela vẫn được cho sẽ phải tính đến chuyện tăng giá dầu, cắt luôn viện trợ dầu mỏ cho Cuba và một số khu vực.
Sự sống còn của Venezuela ảnh hưởng rất lớn đến Cuba, vì giao dịch với Venezuela chiếm tới 20% GDP của Cuba. Mỗi ngày Cuba vẫn phải nhập 80.000 thùng dầu từ quốc gia anh em này, theo The Guardian. 

Như vậy, việc quan hệ với Mỹ là một cách để Cuba tìm kiếm phương án mới cho lĩnh vực năng lượng cũng như cải thiện kinh tế.

CBS News cho biết dù bị cấm vận, Mỹ vẫn là nhà cung cấp lớn của Cuba về thực phẩm. Trong khi đó, tiền gửi về hằng năm từ những người Cuba sống ở Mỹ đóng góp khá nhiều vào kinh tế Cuba. Năm 2012, có tới 2,6 tỉ USD tiền mặt đã gửi từ Mỹ về Cuba, CBS News dẫn tin từ Havana Time cho biết.

Mỹ sẽ nới lỏng nhiều quy định với Cuba - Ảnh: Reuters

Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ cũng đồng nghĩa Cuba sẽ nhận nhiều quyền lợi hơn từ các hoạt động làm ăn song phương. 

Theo CBS News, Mỹ lên kế hoạch nới lỏng xuất khẩu của La Havana sang nước này, trong đó du khách Mỹ có thể mang về tối đa 400 USD giá trị hàng hóa mua từ Cuba, với 100 USD phân bổ cho rượu và xì gà, thuốc lá. Ngoài ra, Mỹ cũng cho phép doanh nghiệp và cá nhân của họ mở tài khoản tại các dịch vụ tài chính ở Cuba, thúc đẩy du lịch hai nước. 

Mặc dù vậy, đâu là thách thức của Cuba trong việc thoát khỏi sự lệ thuộc dầu mỏ vào Venezuela và nối lại đàm phán với Mỹ?

Trên thực tế từ những năm 2008, 2009, Cuba đã được đánh giá sẽ là “cường quốc dầu mỏ” trong tương lai. Cuba đã phát hiện trữ lượng dầu mỏ rất lớn của họ trong khu vực đặc quyền kinh tế tại Vịnh Mexico.

Chủ tịch Raul Castro vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm - Ảnh: Reuters

Rất có thể động thái thân thiện của Mỹ lần này cũng không bỏ qua những điều khoản sâu hơn về chuyện khai thác dầu ở Vịnh Mexico.

Từ cách đây vài năm, Cuba đã liên tục phát triển khoa học kỹ thuật để lọc dầu và tìm nguồn năng lượng mới. Nhưng trong bối cảnh này, trước mắt họ vẫn đang dùng trữ lượng dầu để “nói chuyện” với thế giới.

Nhật Đăng
http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/dau-mo-la-dong-luc-de-my-cuba-noi-lai-quan-he-518171.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét