Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

VN làm từ thiện cho nước ngoài: TQ hưởng lợi nhất?

VN làm từ thiện cho nước ngoài: Trung Quốc hưởng lợi nhất?
(Doanh nghiệp) - Chính phủ nên đánh giá thực chất hơn  để tránh tình trạng nói nhiều, nhưng nông dân hưởng lợi thực sự thì không được bao nhiêu. ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp – Cần Thơ. Việt Nam đang làm từ thiện cho...nước ngoài?
Đủ chính sách hỗ trợ nhưng người nông dân không được hưởng lợi
Đủ chính sách hỗ trợ nhưng người nông dân không được hưởng lợi
PV:- Thưa ông, trong báo cáo của Liên minh vì quyền của nông dân về thị trường lúa gạo Việt Nam vừa chỉ rõ, Việt Nam đang làm giàu cho nước nhập khẩu gạo hay nói cách khác Việt Nam đang làm từ thiện cho nước ngoài vì:  nông dân đang được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ nhưng những chi phí hỗ trợ này rơi vào các khâu trung gian chứ không đến được với người nông dân, những hỗ trợ ấy không được tính vào giá thành sản xuất, nên xuất khẩu giá thấp. Theo ông, đánh giá đó đã được phản ánh đầy đủ hiện trạng ngành nông nghiệp hiện nay chưa. Quan điểm của ông thế nào?

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp: - Qua tiếp xúc cử tri, tôi ghi nhận nhiều ý kiến người nông dân bày tỏ thái độ không hài lòng với những chính sách hỗ trợ hiện nay. Những chính sách hỗ trợ là có nhưng người nông dân không được hưởng lợi.
Đi vào từng chính sách cụ thể, có thể phân tích như sau: Thứ nhất, đối với chính sách mua tạm trữ lúa gạo.
Đây là chính sách không thực tế, không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi cho người nông dân. Vì theo chủ trương, khi hàng hóa dư thừa mới có chủ trương mua tạm trữ nhưng thực tế tại ĐBSCL người nông dân sản xuất nông nghiệp theo phương thức "thu hoạch liền tay bán ngay tại ruộng" với giá thấp, khi có chính sách tạm trữ thì không còn lúa gạo để bán. Do đó, chính sách này không đến được với người nông dân mà chỉ có tác dụng giải quyết khâu giúp DN mua đủ hàng theo chỉ tiêu thông qua DN trung gian với giá chênh lệch.
Có thể nói, chính sách tạm trữ thực chất là đang hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không phải hỗ trợ nông dân.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ người trồng lúa nước 500.000 đồng/ha/năm không phải là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân mà được hỗ trợ thông qua các chương trình khuyến nông. Trong khi, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là kinh tế hộ, nhỏ lẻ manh mún, có hộ chỉ vài xào, có hộ thì được 1ha do đó số tiền này không đáng là bao nhiêu, gần như không có tác dụng.
Về thủy lợi phí, đối với khu vực Nam Bộ đây là chính sách bất hợp lý, không có tác dụng với người nông dân. Theo phương thức sản xuất truyền thống người nông dân khu vực Nam Bộ là tự trồng tự bơn tưới do hệ thống sông ngòi rất thuận lợi. Nếu nói nhà nước đang hỗ trợ nông dân thủy lợi phí là không đúng nó chỉ phù hợp với khu vực sản xuất nông nghiệp phía Bắc. 
Trong khi, gạo xuất khẩu lại không phải từ miền Bắc mà chủ yếu là khu vực miền Nam, do đó chúng tôi kiến nghị bỏ loại phí này.

PV:- Cùng với việc tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường TQ ngày càng tăng, TQ trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của VN những năm gần đây thì các doanh nghiệp TQ là người hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này, thay vì nông dân VN, thưa ông? Nếu vậy, nói VN đang đi làm từ thiện cũng không sai, thưa ông?
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp: - Nói VN đang làm từ thiện cho nước ngoài và TQ chính là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng là đánh giá xuất phát từ thực tế. Đánh giá vậy cũng không sai.

PV:- Bất cập nào khiến chính sách hỗ trợ cho nông dân thì có đủ nhưng người nông dân lại không được hưởng lợi, thưa ông?
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp: - Có đầy đủ chính sách hỗ trợ nhưng nông dân không được hưởng lợi là do quy trình sản xuất của ngành nông nghiệp có vấn đề.
Xuất khẩu nhiều nhưng lại bị phụ thuộc nước ngoài cả đầu vào lẫn đầu ra. Từ phân bón, giống má tới thiết bị kỹ thuật nông nghiệp VN cũng đang phải đi nhập khẩu khiến chi phí sản xuất tăng cao. Trong khi những chính sách hỗ trợ sản xuất không tới được tay nông dân hoặc bị xà xẻo qua nhiều khâu trung gian, bị chặn đầu chặn đuôi khiến người nông dân bị thiệt.
Đó là khâu sản xuất, tới khâu tiêu thụ cũng có vấn đề. Lẽ ra với vai trò của hai Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam phải đóng vai trò là một doanh nghiệp khoa học bao tiêu từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ thì lại làm theo kiểu đón lõng.
Tổng công ty lương thực miền Bắc thực tế không sản xuất ra lúa gạo, không có kho bãi tạm trữ lúa gạo để xuất khẩu mà chỉ đóng vai trò trung gian, thu gom lúa gạo của nông dân rồi bán ăn chênh lệch.
Nghĩa là hai Tổng công ty này không có gì ngoài danh nghĩa và chỉ tiêu xuất khẩu hàng năm. Cần phải dẹp bỏ hai Tổng công ty này.
Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào một thị trường, cụ thể là thị trường TQ cũng khiến người nông dân chịu thiệt thòi. 
Theo số liệu thống kê, trong năm 2010, tỉ trọng gạo của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm 1,87%, nhưng đến năm 2013 đã lên tới 36,7% và bảy tháng đầu năm 2014 là 40%. Chưa kể có 1-2 triệu tấn gạo từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch mỗi năm với giá còn rẻ hơn hợp đồng chính ngạch.
Về mặt tích cực nó cũng giúp VN giải quyết được lượng lớn gạo tồn đọng, tuy nhiên xuất khẩu chủ yếu vào một thị trường với tỉ trọng cao như vậy thì phải cân nhắc về mặt chiến lược.
Ngay sau sự cố giàn khoan vừa rồi có thể thấy nếu phụ thuộc vào một thị trường nông dân Việt Nam sẽ chính là những người phải gánh chịu những thiệt thòi.
Do đó, nếu có một quy trình sản xuất hoàn hảo, những chính sách hỗ trợ cho người nông dân chăc chắn sẽ được phát huy hiệu quả một cách tích cực.

PV:- Vậy theo ông, cần phải thay đổi thế nào để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, người nông dân trồng lúa có lãi?
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp:-  Chủ trương của chính phủ chi cho nông nghiệp là rất lớn, nhưng do các chính sách cho phát triển nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ nên khi tới được tay người nông dân thì không còn được bao nhiêu. Do đó, chính sách thiết thực nhất để nâng cao chất lượng, tăng thu nhập cho người nông dân phải được thực hiện một cách đồng bộ.
Nền kinh tế nông nghiệp thời gian qua chủ yếu là sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, nếu cứ duy trì như vậy sẽ không thể nâng cao được hiệu quả. Phải cơ giới hóa nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có như vậy thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Ở đây phải nhìn lại trách nhiệm quản lý nhà nước, việc này nông dân không tự làm được.
Tôi cũng không đồng ý với đánh giá của Bộ Tài chính thời gian qua khi cho rằng người nông dân có lãi tối thiểu 30%/năm. Đây là vụ sản xuất chính trong năm, với mức lãi này không đảm bảo để tái sản xuất cho những vụ sau. Mặt khác, đây là mức giá cao nhất trong đợt triển khai thu mua tạm trữ, vì vậy cũng không có nhiều nông dân được hưởng từ mức lãi này, đa số đã bán lúa lúc thu hoạch rộ trước đó với giá thấp.
Thực tế, nông dân không được lời như vậy, có lúc chỉ khoảng 5-10%. Từ đánh giá không đúng dẫn tới những chính sách cho nông nghiệp không phù hợp, thậm chí còn gây bất lợi cho người nông dân. Tức là nông dân vừa bị tai tiếng, lại vừa bị thị trường bên ngoài lợi dụng tìm cách đè giá gạo trong nước xuống.
Do đó Chính phủ cũng nên đánh giá lại toàn bộ chính sách hỗ trợ, đánh giá thực chất hơn để tránh tình trạng nói thì nhiều nhưng nông dân hưởng lợi thực sự thì không được bao nhiêu.
PV:- Xin cảm ơn ông!
  • Lam Lam
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vn-lam-tu-thien-cho-nuoc-ngoai-trung-quoc-huong-loi-nhat-3119952/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét