Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

“Cho tôi xin số liệu VN làm đường đắt nhất hành tinh”

Mặc dù quý trọng những việc làm gần đây của bác Thăng song tôi không tin những giải trình của bác. Mong các chuyên gia kinh tế có thời gian tìm hiểu (chắc không có gì là khó) giá thành làm đường, chất lượng đường... của các nước xung quanh và một số nước điển hình trên thế giới để kiểm chứng lời bác Thăng. Có lẽ bác Thăng cho rằng chi phí giải phóng mặt bằng quá cao là nguyên nhân làm đường ở VN đắt; điều này tôi cho rằng hoàn toàn ngược lại, nhà nước ta trước đã quốc hữu hóa đất đai, giờ bồi thường không theo giá thị trường (như ở các nước khác) thì chắc chắn chi phí giải phóng mặt bằng ở ta chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá thành làm đường. Ngược lại, tiền bôi trơn, tham nhũng nhiều thế nào, mấy chục phần trăm dự toán, thì ai cũng biết.
“Cho tôi xin số liệu chứng minh Việt Nam làm đường đắt nhất hành tinh”
BizLIVE - “Tôi nói, với suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều Nhật Bản… Chúng ta có những dự án mà suất đầu tư còn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như: Hà Nội – Thái Nguyên 4,5 triệu USD/km”, Bộ trưởng Thăng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng
Sáng 19/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng về một số nội dung chất lượng công trình, giá công trình, suất công trình, chất lượng công trình, tham nhũng trong ngành…

Băn khoăn nhất về vấn đề Việt Nam có con đường đắt nhất hành tinh, đại biểu Ngô Văn Minh đã có câu hỏi với Bộ trưởng Thăng về vấn đề chi phí đầu tư làm đường. Về vấn đề này, Bộ trưởng Thăng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng kiểm tra đánh giá, tìm hiểu.

“Tôi nói, với suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều Nhật Bản… Chúng ta có những dự án mà suất đầu tư còn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như: Hà Nội – Thái Nguyên 4,5 triệu USD/km”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cũng thừa nhận suất đầu tư của Việt Nam cũng bị cao lên do những yếu tố như đường đất nền yếu, nhiều cầu, thường là các dự án trong đồng bằng Sông Cửu Long.

“Mặt khác, vốn thiếu nên làm kéo dài, lãi suất phải tăng lên. Rồi đi qua nhiều khu dân cư, chi phí dò bom mìn. Chưa có nước nào đường cao tốc nhiều đoạn 10km 1 nút giao như Việt Nam…”, Bộ trưởng Thăng giải thích.

Tuy vậy, câu trả lời này đã không làm hài lòng đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh. Ông Minh yêu cầu định suất 1km đường có phải do đơn giá cao hay không chứ không phải giải thích tính đặc thụ của từng tuyến đường.

“Kể cả 1km đường bình thường hết bao tiền cũng phải công cho dân biết để tự so sách chứ không phải so với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…”, đại biểu Ngô Văn Minh nhấn mạnh.

Với yêu cầu này, Bộ trưởng Thăng cho biết đại biểu có thể cho xin số liệu chứng minh chi phí làm đường của Việt Nam đắt nhất hành tinh.
“Về suất đầu tư, phải có so sánh tương đồng, thống nhất, nếu không đưa về cùng một điều kiện thì khó so sánh. Ví dụ, hai căn nhà nằm cạnh nhau, giống nhau hoàn toàn, xây dựng cùng lúc nhưng tiêu chuẩn khác nhau, thiết kế khác nhau thì giá thành khác nhau rồi. Một bên thiết kế không động đất, một bên thiết kế động đất cấp 7 cấp 8 thì giá thành của công trình khác nhau. Cho nên việc so sánh giá thành chỉ mang tính tương đối thôi. Ví dụ, miền núi bình quân là 74 triệu USD/km, khu vực Trung và Nam bộ là 10,5 triệu USD/km; khu vực đồng băng Nam Bộ 17,2 triệu USD/km…”, Bộ trưởng Thăng giải thích.

Bộ trưởng Thăng cũng đưa ra một vài con số để các đại biểu Quốc hội so sánh. “Chi phí giải mặt bằng của dự án Láng Hòa Lạc 1.520 tỷ đồng, bằng 20,5% tổng vốn đầu tư, dự án Hải Phòng 3.659 tỷ đồng, bằng 87% tổng vốn đầu tư; dự án Đà Nẵng Quảng Ngãi là 3.759 tỷ đồng, bằng 44% tổng vốn đầu tư; Đường Ô chợ Dừa – Hoàng Cầu với kinh phí giải phóng mặt bằng là 825 tỷ đồng, chiếm 85% tổng vốn đầu tư…”, Bộ trưởng Thăng cho biết.

Bộ trưởng Thăng giải thích thêm chi phí làm đường có nhiều vấn đề, đắt hay rẻ đối với mỗi dự án là khác nhau. Song ngành giao thông vấn tại luôn cân đối, rà soát đảm bảo tiêu chuẩn quy, quy chuẩn của chất lượng công trình.

Bốn nhiệm vụ cho Bộ Giao thông


Đánh giá về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhận định dù mới chỉ “ngồi ghế nóng” 3 năm vài tháng nhưng thông qua công việc, trả lời chất vấn có thể thấy những chuyển biến theo hướng tiên bộ để đảm nhiệm chức vụ này là rất rõ. Nói đi đôi với làm, hứa với Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có 4 nhiệm vụ giao cho Bộ trưởng Thăng và ngành giao thông. Thứ nhất, giao thông vận tải là huyết mạch của nền kinh tế, đời sống kinh tế xã hội, nên coi đây là khâu đột phá. Cho đến nay đã có chiến lược, quy hoạch và hàng năm đã có kế hoạch triển khai đầu tư và có sự kết nối giữa giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, mạng giao thông nông thôi, địa bàn liên tỉnh, liên vùng, quốc gia.

“Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Thăng rà soát lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch đã có, trên tinh thần nếu cần thì chỉnh sửa, để chúng ta tiếp tục hoàn thiện định hướng này. Trên cơ sở như vậy, có sơ đồ, giải pháp kêu gọi đầu tư đảm bảo tiến độ của quy hoạch, kế hoạch.

Mở rộng đầu tư trong nước, quốc tế, kết hợp với đầu tư quốc tế trên những con đường, đường bộ, đường thủy, liên quốc gia để hình thành mạng lưới kết nối cho Việt Nam với các nước. Có nhiều biện pháp sáng tạo, đổi mới để có thể thúc đẩy đầu tư để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch”, Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Thăng tính toán sơ bộ tài chính phù hợp của các chiến lược đã quy hoạch để điều chỉnh căn cơ, kêu gọi đầu tư tư các doanh nghiệp nhà nước, trong nước, quốc tế. Xây dựng sơ đồ tài chính trên tinh thần cái gì làm trước, cái gì làm sau trên tinh thần hiệu quả kinh tế từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không. Tính toán và triển khai đồng bộ, có ưu tiên, có trọng điểm.

“Nếu chia ra ông Thăng nhiều bộ lắm, vì thế cần phải có cái nhìn tổng thể. Cần có sơ đồ tài chính để kêu gọi đầu tư, phương pháp và mô hình đầu tư. Đảm bảo đến cuối năm 2015 thì báo cáo Quốc hội tổng thể để chúng ta chuẩn bị đến 2016 - 2020 tiếp tục triển khai khâu đột phá này”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

Yêu cầu thứ hai của Quốc hội là Bộ trưởng quan tâm chất lượng công trình đầu tư, chất lượng dự án với giá đầu tư, suất đầu tư, đảm bảo giá hợp lý. Đảm bảo dự án này, công trình này phát huy được hiệu quả kinh tế, giá này hợp lý chất lượng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngay cả những quy hoạch, dự án, thiết kế để đảm bảo hiệu quả con đường để phải gắn với hiệu quả kinh tế.

“Năm 2013 mới rà soát sơ bộ thôi mà đã điều chỉnh được mấy ngàn tỷ đồng mà không phải cắt xén vật liệu công trình, nguyên vật liệu. Chúng ta có thể điều chỉnh được giải quyết được tiến độ, công trình đầu tư, có những công trình sửa thiết kế, cắt bớt đầu tư. Bên cạnh đó cần tăng cường giám sát, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì mới thực hiện được hiệu quả. Đây cũng là một trong những việc cần phải làm để phòng chống tham nhũng trong ngành giao thông như nhiều đại biểu quan tâm, vì ngành này chủ yếu tiêu tiền công”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Yêu cầu thứ 3 của Quốc hội là dứt khoát giảm tai nạn giao thông và phải làm quyết liệt. Theo tinh thần của Quốc hội là hàng năm giảm 5 - 10%, 3 năm nay giảm, có địa phương giảm được 20%, nhưng có địa phương thì không giảm được. Cái này cần có giải pháp đồng bộ để có giảm tai nạn giao thông.

“Chúng ta không ra chỉ tiêu nữa, nhưng hàng năm giảm được là tốt, giảm được khoảng 10% là tốt. Làm sao để 63 tỉnh thành có thể thực hiện tốt được vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội khuyến khích.

Yêu cầu thứ 4 của Quốc hội là xem xét đánh giá hiệu quả kinh doanh vận tải, kinh doanh đường không, đường bộ, đường sắt, để xây dựng được cơ cấu hợp lý kinh tế vận tải, đảm ứng được nhu cầu của xã hội, phát triển kinh tế, doanh nghiệp.

“Tôi tán thành việc Bộ trưởng thực hiện tái cơ cấu đầu tư, kinh doanh các hãng hàng không. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về việc chúng ta chưa phát huy được, sông nước nhiều, biển nhiều nhưng kinh doanh vận tải trên đường thủy chưa phát huy được thế mạnh, chưa đem lại hiệu quả. Cần phải tái cơ cấu cả đầu tư, doanh nghiệp, tài chính để kinh doanh có hiệu quả để giảm giá thành để từ đó giảm giá phục vụ, giảm giá theo quy luật thị trường. Nếu giá đầu tư cao, giá cao thì thiệt cho người tiêu dùng”, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở Bộ trưởng Thăng đã hứa với Quốc hội, cử tri cả nước thì phải làm, có những việc nhỏ thôi nhưng đã hứa với dân, thì phải thực hiện. Ví như việc làm cầu treo, đường nông thôn… Tất cả những lời hứa đó cần phải thực hiện cho được. Nếu không thực hiện được thì phải báo cáo lại với Quốc hội và tất cả cử tri cả nước. Cuối năm sau sẽ có báo cáo thực hiện tiến độ.

Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh cho biết ông rất hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng Thăng sáng nay. “Tối qua bộ trưởng Thăng trả lời tôi chưa được hài lòng, nhưng sáng nay, với số liệu đưa ra dẫn chứng tôi rất hài lòng. Tôi tin rằng Bộ trưởng Thăng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của ngành”.
TRẦN GIANG
http://bizlive.vn/quy-hoach/cho-toi-xin-so-lieu-chung-minh-viet-nam-lam-duong-dat-nhat-hanh-tinh-587109.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét