Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

“Thống đốc nói chưa đúng tình hình nợ xấu”

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: 
“Thống đốc nói chưa đúng tình hình nợ xấu”
(GDVN) - "Nếu xử lý nợ xấu bằng cách cho vay để biến nợ xấu thành nợ chưa xấu thì không phải là cách xử lý triệt để”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định. Ông cũng cho rằng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cần chỉ ra trong số 249.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý có bao nhiêu nợ xấu được đảo nợ. Số còn lại xử lý như thế nào? Cần phải cụ thể các con số và giải pháp.

Thống đốc đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về nợ xấu.
Thống đốc chỉ mới nêu con số, chưa đưa ra giải pháp
Trong khuôn khổ chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng, chiều ngày 29/9 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đăng đàn trả lời trước Quốc hội. Nội dung chất vấn Thống đốc gồm việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả xử lý nợ xấu; tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015.

Trong đó nội dung liên quan những đánh giá tình hình nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu được các đại biểu quan tâm hơn hết.

Trả lời chất vấn và báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Trước đánh giá của người đứng đầu ngân hàng nhà nước về con số nợ xấu đã được giải quyết, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, con số báo cáo của Thống đốc là như vậy nhưng dư luận chưa thể yên tâm.

“Thống đốc đăng đàn trả lời chất vấn nhưng không nói xử lý như thế nào, xử lý bằng cách nào. Nếu nói xử lý rồi nhưng không rõ ràng cách thức xử lý, dư luận chưa thể yên tâm”, ông Thành cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trong số 249.000 tỷ đồng nợ xấu được Thống đốc cho biết đã được xử lý có những khoản đảo nợ. Tức là từ số nợ xấu nhưng vay tiền mới đảo vào khiến nợ xấu biến đi trở thành nợ chưa xấu. Như vậy việc đảo nợ không phải là cách xử lý nợ xấu chỉ là mang một tên gọi mới còn nợ xấu thực tế vấn còn.

Từ đó ông Bùi Kiến Thành cho rằng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cần chỉ ra trong số 249.000 tỷ đồng nợ xấu được xử lý có bao nhiêu nợ xấu được đảo nợ. Số còn lại xử lý như thế nào? Cần phải cụ thể các con số và giải pháp.

Cũng trong khuôn khổ trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có trả lời và đưa ra đánh giá về hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Theo đó vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho rằng VAMC mới hoạt động được một một năm hoạt động. Việc mua nợ xấu là cố gắng lớn.


Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến nay VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính cả phần các ngân hàng báo cáo đã tự xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay vào khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hai năm trước (năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, 2013 là 98.000 tỷ đồng).

Thống đốc nhìn nhận, đây là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên theo ông Bùi Kiến Thành, thực chất VMAC mới chỉ dừng lại ở việc gom nợ xấu từ các ngân hàng. “VAMC mới mua được 60.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng liệu VMAC có mua và giải quyết được số nợ xấu đó không hay chỉ “quét nhà” giúp kho nợ xấu của các ngân hàng sang kho nợ xấu của VMAC. Còn các ngân hàng được nhận các trái phiếu đặc biệt để mang trái phiếu đó đi vay tiền của ngân hàng nhà nước. Đó không phải là cách để xử lý nợ xấu”, ông Thành khẳng định.

Theo dõi phiên trả lời chất vấn qua tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chưa thông báo cho Quốc hội và Người dân về hoạt động của VAMC cụ thể việc mua 60.000 tỉ đồng VAMC đã xử lý được bao nhiêu nợ xấu, thu về được bao nhiêu, số còn lại giải quyết ra sao?.

Bởi thực chất sau khi bán nợ xấu cho VAMC, ngân hàng nhận trái phiếu đặc biệt và vay tiền ngân hàng nhà nước để kinh doanh, trong khi nhà nước thúc đẩy tăng tín dụng. Tuy nhiên ngân hàng hiện nay gặp khó khi điều kiện vay vốn xiết chặt nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn khó khăn. Dẫn đến câu hỏi khó cho ai vay và khả năng hoàn trả vốn.

Trong trường hợp ngân hàng sau khi được “bơm” tiền hoạt động tốt trở lại, ngoài việc kinh doanh tăng trưởng tín dụng các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% năm trong 5 năm.

“Các ngân hàng thương mại tuy rằng bán nợ xấu cho VAMC nhưng vẫn phải trích lập dự phòng trong 5 năm. Nếu VAMC không xử lý được thì sau 5 năm trả lại cho ngân hàng. Khi trả lại trên nguyên tắc, các ngân hàng phải trích lập dự phòng để tự thanh toán xử lý nợ xấu. Nhưng nếu không thiết lập được do không có lợi nhuận rõ ràng nợ xấu có nguy cơ gia tăng”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó theo ông Thành hiện nay vốn của các ngân hàng thương mại bị bào mòn, thậm chí có ngân hàng hoạt động vốn điều lệ âm. Do đó việc trông chờ ngân hàng hồi phục và tự giải quyết nợ xấu cũ là rất khó.

Tóm lại đánh giá phần trả lời về nợ xấu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Thống đốc nói chưa đúng tình hình nợ xấu được, nếu xử lý nợ xấu bằng cách cho vay để biến nợ xấu thành nợ chưa xấu thì không phải là cách xử lý triệt để”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét