Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Quán phở độc ác và sự hận thù của người lớn

Quán phở độc ác và sự hận thù của người lớn
Từ sáng sớm, mùi khói than nồng nặc khiến những cánh cửa sổ hóng gió trời của khu tập thể vội khép chặt. Tiếng các cụ già hàng xóm lọc khọc ho, đứa con trai tôi mới hơn 1 tuổi bỗng trở mình rồi lên cơn ho rũ rượi. Con tôi đã mắc phải chứng hen phế quản do hít phải thứ khói than độc hại này. Khu tập thể của tôi náo loạn bởi một hàng phở mới khai trương được ít tháng.
Các cụ già họp nhau lại, quyết định phải đưa vấn đề này ra tổ dân phố. Họp lên họp xuống nhưng vẫn không tìm ra được cách tống khứ hàng phở này đi. Người chủ chính thức của căn hộ đã dọn đi. Chủ nhân của quán phở chỉ là người đi thuê.

Chúng tôi tìm cách liên lạc với người chủ nhà thì anh ta bảo rằng họ đặt tiền thuê trong 3 năm liền, bây giờ mà phá hợp đồng thì tiền đâu ra mà đền bù cho họ. Tính đến cách họp mọi người xuống hàng phở gây áp lực, nhưng bọn họ cũng chẳng phải dạng vừa. Ông chủ mặt lạnh tanh, đám thanh niên giúp việc thì sừng sộ. Vị đại diện dân phố mới nói được vài câu thì ở đâu xuất hiện mấy chục thanh niên mặt mũi bặm trợn nhao nhao vào "hỏi chuyện". Thấy thế, mọi người đành rút lui tính phương án khác.

Nhìn những người làm ở đấy mà khiếp, con dao thái thịt nhọn hoắt sắc lẹm thoăn thoắt trong tay ông chủ có thân hình lực lưỡng. Mụ vợ to béo đẫy đà với khuôn mặt chả ai dám dính vào. Chỉ có điều, phở của họ làm rất ngon, quán mới mở ra mà lượng khách tấp nập. Thế mới chết. Càng đông khách, khu tập thể vốn trước đây khá yên bình càng trở nên nhốn nháo, ầm ĩ. Xe cộ của khách để bừa bãi lấn át cả chỗ đi lại.

Tệ nhất là mùi khói than, nó dường như không chịu chui vào hệ thống hút gió thiết kế khá cầu kỳ. Khói than lại là thứ không thể nhìn thấy được, chỉ có thể cảm nhận bằng mũi. Ai cũng biết khói than rất độc và nó thường bay lên cao, nơi những căn hộ phía trên quán phở. Các cụ già phải bỏ thói quen hóng mát mỗi buổi chiều ở "chuồng cọp" được cơi nới tại ban công. Nơi có những chậu hoa cũng đang bị úa vàng bởi khói than.

Nhà tôi ở ngay bên trên hàng phở. Những lồng sắt cơi nới của "chuồng cọp" gặp hơi than han gỉ nhanh chóng. Thậm chí quần áo phơi cũng bị ám mùi phở. Trời nóng nhưng tôi không dám mở cửa sổ đón nhận khí trời có lẫn cả khí than.

Chúng tôi gần như bất lực bởi thứ không khí độc hại này. Khi tổ dân phố góp ý với hàng phở, họ chứng minh rằng nhà hàng đã làm hệ thống hút mùi theo đúng tiêu chuẩn. Trên lý thuyết là như vậy, cái thứ khí than đó làm gì có màu gì, nó bay ra ngoài làm sao mà chúng tôi có bằng chứng. Hơn nữa, chúng tôi nghi ngờ hàng phở này cũng đã "làm công tác đầu tiên" để có thể yên ổn mà bán hàng, cái này thì chẳng ai trong chúng tôi có được bằng chứng.

Những người khỏe mạnh chỉ thoáng ngửi phải một luồng khí than đã thấy xây xẩm mặt mày, đằng này có cả người già, trẻ em đều phải chịu chung số phận. Các cụ cao tuổi trong khu và gia đình tôi là bức xúc nhất. Một lần họp bàn nghĩ cách đối phó, một bác lớn tuổi đưa ý kiến: "Chúng ta đã làm theo phương pháp chính thống, nhưng họ viện lý do đã làm hút mùi, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, chúng ta không bắt bẻ được. Họ chầy bửa không công nhận bằng chứng về khí than độc hại, ta chắc cũng phải chơi bài chầy bửa. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy, ta sẽ quấy phá công việc kinh doanh của họ...". Mọi người tán thành.

Họ phân công nhà tôi làm địa điểm "chiến lược" vì nhà tôi ở ngay trên hàng phở. Nhiệm vụ đầu tiên, vào thời điểm họ có đông khách nhất, một nhóm trẻ con sẽ đến nhà tôi nhảy múa, tạo ra những tiếng động khó chịu trên đầu khách hàng. Khách sẽ bỏ đi khiến họ cũng phải rời đi chỗ khách. Cách này tuy không triệt để nhưng trước mắt cũng phải có hành động gì cho bõ tức. Tuy chồng tôi còn hơi ái ngại vì sinh hoạt bị đảo lộn, nhưng tôi thì rất quyết tâm. Tôi thuyết phục chồng phải biết hy sinh vì tập thể, rồi anh cũng đồng ý.

Thế là mỗi ngày 2 lần vào bữa ăn sáng và bữa ăn tối, vợ chồng tôi phải bế con sang nhà hàng xóm để nhường chỗ cho các cháu nhỏ "tập thể dục". Vui đáo để, các cháu đua nhau nhảy dây, có một bà còn mang cả đài sang để cùng nhau tập thể dục nhịp điệu. Tôi xuống quán phở ăn sáng để thám thính tình hình thì quả thật có rất nhiều vị khách tỏ ra khó chịu bởi những âm thanh thình thình dội xuống từ trần nhà. Tôi mỉm cười thích thú, thế này thì chẳng mấy chốc khách chạy hết, họ cũng chẳng thể làm gì được mình.

Việc tập thể dục diễn ra được vài ngày thì gặp trở ngại, một cụ ông ở tầng 1 ngay cạnh hàng phở nói rằng không thể chịu được tiếng động đó nữa. Cụ bị ốm nằm liệt giường nên không thể sơ tán cụ đi chỗ khác được. Tai hại là những tiếng động khó chịu đó không chịu gói gọn ở căn nhà bên dưới mà còn lan ra các nhà khác. Mấy nhà ở tầng 1 đều có ý kiến. Thế là kế hoạch đầu tiên của chúng tôi chưa kịp thu thành quả đã bị hủy bỏ.

Chúng tôi lại họp bàn, lần này nhà tôi vẫn là trung tâm "tác chiến". Nhiệm vụ lần này là rình lúc họ không để ý, một số người sẽ bắn những viên đường hóa học cực mạnh vào nồi nước dùng. Chúng tôi đã tìm hiểu và biết rằng đường hóa học bây giờ hoàn toàn vô hại, có khi còn có lợi vì nó không gây bệnh với người mắc tiểu đường.

Một cậu bé rất hiếu động con chị thường gánh rau bán trong khu được giao nhiệm vụ này. Cháu bé này tỏ vẻ rất thích thú khi được giao nhiệm vụ. Nó còn bảo việc này dễ ợt và hiến kế rằng nó có một cái ống đồng trước đây làm đồ chơi thổi tiêu, nếu cho viên đường tròn vào đó thổi sẽ rất chính xác. Chỉ cần ở nhà tầng trên có thể dễ dàng thổi viên đường hóa học trúng nồi nước dùng đang mở vung. Khách hàng nào có thể chịu được một bát phở có nước ngọt lừ vị đường như vậy.

Kế hoạch thành công mỹ mãn. Ngay hôm đầu tiên, cậu bé đã "bắn" được 5 viên đường hóa học vào nồi nước dùng. Hôm sau, nó còn "bắn" được 7 viên. Khách hàng bắt đầu có phản ứng, lão chủ quán quát tháo ầm ĩ nhưng không thể nào tìm ra được nguyên nhân tại sao nước phở lại ngọt thế. Cậu bé được tôi đích thân trao một phần quà khá giá trị để thưởng cho "công lao" rất lớn đó. Khách đến ăn phở ngày một ít đi, người chủ quán vẫn bực tức quát tháo mà không tìm ra thủ phạm làm nước phở ngọt. Hắn tìm đủ mọi cách, thay cả mối đưa xương ninh mà vẫn không cải thiện được tình hình. Tôi hết sức hả lòng hả dạ.

Rồi bỗng một hôm, hắn cho gọi thợ đến làm một cái mái hiên di động che cả ra ngoài. Thế là tầm ngắm của cậu bé bị chắn mất. Nhiệm vụ bây giờ trở nên khá nặng nề. Mỗi ngày, cậu bé được "tặng" tiền ăn sáng và dĩ nhiên là ăn phở, cậu sẽ tìm cách thả những viên đường hóa học vào thùng nước dùng. Việc này khá nguy hiểm những chúng tôi nghĩ cậu bé là trẻ con nên nếu có bị phát hiện thì chẳng ai nỡ làm gì một cậu bé. Thế nhưng chúng tôi đã quá chủ quan.

Sau một tuần giao nhiệm vụ, chợt cậu bé biến mất. Chúng tôi tìm hỏi thì chị bán rau cho biết là nó đánh nhau với bạn, bị thâm tím cả mặt mày, phải nghỉ ở nhà. Tôi thấy hẫng cả người, chắc nó bị người ta đánh chứ ở tuổi nó, đánh nhau kiểu gì mà nặng đến nỗi phải nghỉ ở nhà.

Chiều hôm đó, tôi theo chị bán rau về nhà chị ở ngoại thành. Cháu bé nằm thiêm thiếp trên giường, mặt sưng húp, một bàn tay sưng to biến dạng tím bầm. Tôi bật khóc. Gạn hỏi mãi, khi mẹ cháu ra ngoài nhà nấu cơm, cháu bé mới kể lại: "Khi lén thả đường vào nồi, cháu bị một người trông xe đứng phía sau phát hiện. Tên đó quát um lên và túm áo ngực hỏi cháu đã cho gì vào nồi nước dùng. Chúng lục túi áo, túi quần cháu để tìm nhưng không thấy gì. Nhưng chúng vẫn giữ cháu lại và báo với ông chủ. Một lúc sau, ông ta nếm nước dùng và thấy vị ngọt, thế là cháu bị mấy nhân viên ở đó lôi vào nhà vệ sinh đánh rất đau. Vừa đánh chúng vừa nói rằng chỉ vì cháu mà chúng bị mắng, bị trừ lương... Chúng hỏi cháu ai xui nhưng cháu không khai, thế là lại bị chúng đánh...".

Tôi òa lên khóc như một đứa trẻ. Thú thật lúc đó, tôi rất cảm phục tinh thần của cháu bé. Tôi khóc cho nỗi đau của cháu, cho thân phận đứa bé nghèo khổ đã vì chúng tôi mà chịu thiệt thòi. Tôi khóc vì ân hận với những hành động thiếu suy nghĩ của mình, của những người lớn đã dồn một "nhiệm vụ" quá nguy hiểm cho một đứa trẻ. Tôi khóc cho hành động độc ác của những người đã ra tay với cháu.

Hành động hành hung cháu bé nếu đưa ra pháp luật, những người kia sẽ bị trừng trị hoặc ít ra sẽ phải đền bù cho cháu. Nhưng tôi đã không dám đưa ra công khai mọi chuyện vì nếu làm như vậy tôi và nhiều người khác sẽ bị liên đới. Tôi đã hèn nhát giấu đi mọi chuyện.

Rất nhiều ngày sau, tôi sống trong sự dằn vặt. Tôi đã làm bớt đi sự dằn vặt bằng cách thỉnh thoảng sang thăm, cho cháu ít quà. Và có thể sau này, tôi sẽ giúp cháu học một nghề nào đó thật đàng hoàng để lập nghiệp. Vô tình, chúng tôi đã dạy cháu có một hành động rất không đàng hoàng. Hy vọng sau này, hành động lén lút hãm hại người khác đó sẽ không ảnh hưởng xấu đến nhân cách của cháu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét