Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

(4) Chính trị dành cho người lao động

Xem các phần cũ ở đây: (2) Chính trị dành cho người lao động / (1) Chính trị dành cho người lao động
Chính trị dành cho người lao động
Dương Hoài Linh
- Mấy bữa nay nghe con nói, đầu óc chú cũng sáng ra nhiều cái. Nói thật chứ đôi lúc nghe bây nói một đường, chính quyền nói một nẻo đầu óc tao cứ loạn xà ngầu. Nhưng giờ tao nắm được chuyện cái bếp và cái ống thổi lửa là tao có thể giải thích được nhiều cái ngon lành đó bây.

Ảnh minh họa
- Chẳng hạn chuyện gì chú?
- Ờ thì như chuyện ông thủ tướng nói về dân chủ và pháp quyền gì đó. Nghe qua tao biết là láo toét rồi. Không có cái kiềng ba chân làm gì có dân chủ.
- Ai cũng hiểu nhanh như chú thì nước mình đỡ quá.

- Thôi đừng cho tao đi tàu bay giấy mày. Giờ mày nói sơ qua về tình hình đất nước hiện nay tao nghe cái coi. Đọc báo thấy tụi nó bênh mấy thằng Tàu mà tao sôi máu.

- OK, như vậy là chú đã hiểu là nước mình không có tự do, dân chủ gì ráo trọi. Bây giờ con đố chú là nước mình có độc lập không?

- Thì tao thấy cũng có nhà nước, cũng có chính phủ, rồi cũng có "tuyên ngôn độc lập". Còn những chuyện khác tao thấy nhiều cái nó còn nằm trong bóng tối mày ơi.

- Độc lập là quyền bất khả xâm phạm của một quốc gia. Con lấy ví dụ ở nhà chú, chú có quyền quyết định mọi chuyện, hàng xóm không thể can dự vào. Vườn nhà chú cũng không ai có quyền lấy đi khi thì bụi tre, khi thì miếng đất, khi thì cái ao cá. Do vậy độc lập và chủ quyền nó gắn chặt với nhau.

- Rồi cái này tao hiểu.

- Khái niệm độc lập còn có nghĩa khác nữa chú. Nhiều khi nhà là của chú, nhưng chú lỡ mắc nợ nhà hàng xóm, chú đã gián tiếp mất độc lập, bởi vì bất cứ lúc nào chú cũng có thể bị gã hàng xóm đó dùng món nợ ấy để gây sức ép nhằm can thiệp vào chuyện của chú.

- Thế rồi sao nữa?

- Đối với một nước cũng thế. Khi mà chính quyền không phải do dân bầu lên thì họ có thể đi đêm với nước khác để bán đứng đất đai của ông bà mình.

- Ý mày muốn nói đến ba cái vụ công hàm công hiếc gì đó mà tao nghe phong phanh gần đây?

- Đúng đó chú. Thời đánh Pháp, đánh Mỹ nước mình nợ Trung quốc đâu chừng 870 triệu đô để mua súng đạn. Cho nên họ phải ký kết mấy cái giấy tờ theo kiểu bán vịt trời.

- Ủa sao gọi là bán vịt trời mày?

- Tức là chú bán những cái giờ chưa phải là của chú nhưng tương lai có thể hoặc không thể là của chú. Ví dụ miếng ruộng nhà chú có mấy con vịt trời tới đậu, chú bán mấy con vịt đó dù tương lai nó có thể bay mất. Hoàng Sa, Trường Sa trước đây là của chính quyền VNCH nhưng năm 1958 ông Phạm Văn Đồng vì cần súng đạn nên ký một công hàm gián tiếp thừa nhận hai quần đảo này thuộc Trung Quốc. Sau đó năm 1988 họ còn thản nhiên đứng nhìn để mất Gạc ma.

- Té ra vậy. Hèn gì tao nghe tụi Tàu đã xây sân bay, căn cứ quân sự gì đó trên hai hòn đảo này. Lại còn định cấm không cho dân mình ra đó đánh cá.

- Nhiều chuyện lắm chú ơi! Tương lai họ sẽ kiểm soát hoàn toàn biển Đông.

- Chính phủ mình không có cách gì lấy lại hả mậy?

- Khó lắm chú. Kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng không xong. Mua súng đạn về để đuổi chúng đi cũng không được. Quan trọng là hai bên còn có những thỏa thuận bí mật trong Hội Nghị Thành Đô năm 1990 mà dân không được biết.

- Đâu bây nói rõ cái chỗ tại sao mình kiện tụi nó không được tao nghe cho thông cái coi.

- Để con giải thích từ từ cho chú hiểu. Hai quần đảo này trước năm 1975 thuộc về chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Khi thủ tướng Trung Quốc ra tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 về việc hải phận của họ kéo dài 12 hải lý trong đó có Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa) thì công hàm Phạm Văn Đồng lập tức "tán thành" và "tôn trọng" mặc dù không nhắc gì tới hai hòn đảo này. Nhưng với luật pháp quốc tế thì đó là một cách nhìn nhận gián tiếp.

- Rồi sao nữa?

- Mặc dù sau này họ biện hộ rằng họ không thể cho ai cái mà họ chưa từng sở hữu. Nhưng công pháp quốc tế không thừa nhận vĩ tuyến 17 là biên giới phân định hai quốc gia mà chỉ là giới tuyến tạm thời. Hơn nữa trước kia các nước trên thế giới luôn coi Việt Nam là một. Phe TBCN thì chỉ thừa nhận VNCH chứ không thừa nhận VNDCCH, phe XHCN thì ngược lại. Trong luật thế giới cũng có cái gọi là khế ước trả trước như trường hợp mua cổ phiếu. Do đó ra tòa Việt Nam sẽ thua chắc.

- Giải thích cụ thể hơn đi mày.

- Này nhé chẳng hạn con nói Hoàng Sa và Trường Sa là hai con vịt trời chú bán cho con mà không nghĩ có ngày là của chú. Do đó năm 1974 và năm 1988 chú đứng nhìn con cướp hai con vịt này mà không hề lên tiếng. Vậy bây giờ chú lấy tư cách gì mà đòi kiện con.

- Thì ra vậy. Hèn gì bây giờ tụi nó mới giả bộ đi nhờ thế giới lên tiếng đòi lại. Lại còn anh em, bạn ta với thằng ăn cướp nữa chứ. Đúng là nhục quá phải không mày.

- Con thấy chú hiểu vấn đề rồi đó. Không những mất hai quần đảo này, chúng ta còn để Trung Quốc xâm phạm nhiều lĩnh vực khác như khai thác tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng. Họ đưa công nhân người nước họ tràn ngập sang ta ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, Chu Lai, Cam Ranh, Tây Nguyên, Bình Dương... Chấp nhận bỏ thầu thấp để được trúng thầu rồi đút lót hối lộ cho bộ máy tham nhũng của ta, biến các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng mà ta vay vốn nước ngoài thành những công trình ngoài bê tông trong cốt tre, chỉ vài ngày sử dụng đã hỏng. Họ đưa hàng hóa độc hại sang ta tiêu thụ để đầu độc, giết dần giết mòn dân ta. Họ sẵn sàng nham hiểm đi thua mua phế liệu như cáp quang, dây điện, móng trâu, đuôi trâu, chè vàng... để phá hoại nền kinh tế của ta lâu dài.

- Tao thấy tình trạng dân oan ngày càng nhiều mới nguy hiểm à mày.

- Đúng đây là vấn đề quan trọng nhất đó chú. Chú có thấy các khu đô thị dành riêng cho người Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều không? Như ở Bình Dương có khu Thành Phố Mới đó chú. Họ cướp đất nông nghiệp của nông dân, bồi thường với giá rẻ mạt, sau đó phân nền bán lại với giá rất cao. Chỉ cần nắm kế hoạch tái định cư, kế hoạch xây cất đô thị là cả bộ máy có thể làm giàu nhanh chóng. Trong khi đó nông dân bị đẩy ra đường, vác đơn khiếu kiện khắp nơi mà không được giải quyết. Càng ngày xã hội sẽ hình thành nên một tầng lớp bần cùng ở dưới đáy xã hội.

- Đúng là con có học có khác, thấy được các vấn đề xã hội. Nhưng mà sao tao thấy nhiều đứa cũng có học như bây mà khỏe re, suốt ngày đi nhậu, bia ôm, gái gọi, vũ trường rầm rầm, đâu có chết ai.

- Mỗi người có suy nghĩ khác nhau chú à. Trên một chiếc xe nếu chở toàn những người như lớp trẻ Hồng Kông thì xe đó sẽ băng lên dốc ào ào, còn chở những kẻ "sống chết mặc bay" như ở ta thì sớm muộn cũng lao xuống vực.

- Tao hiểu, xã hội đã làm cho con người trở nên vô cảm trước vận nước. Nhưng biết làm sao được, một con én chẳng làm nên mùa xuân.

- Một con én không làm nên mùa xuân nhưng nhiều cánh én sẽ khác chú à.

- Hiểu. Nhưng để tao làm vài cuốc xe cái đã. Phải có tiền để mua mấy tô mì gói dằn bụng. Chờ tới khi bây nấu xong món dân chủ chắc tao cũng theo ông bà rồi.

- Vâng, bye chú.

Dương Hoài Linh
(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét