Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Yêu nước thế nào cho có văn hóa?

Yêu nước thế nào cho có văn hóa?
Trong dòng người nườm nượp đổ về sân Mỹ Đình, ai cũng háo hức, người mặc áo đỏ, người đội nón in hình cờ tổ quốc, người thì vẽ cờ lên má, người quấn dải băng ngang đầu…Trong sân, người ta hô “Việt Nam, Việt Nam”, “Việt Nam cố lên”…
Khi cơn sốt U19 đã qua, người ta đã có thể ngồi ngẫm lại những điều đã xảy ra.
Nhìn những hình ảnh này, nghe những câu nói này qua ti vi, ai cũng nghĩ rằng những người có mặt trên sân thật may mắn vì được hít thở không khí tưng bừng của ngày hội bóng đá, được hòa vào tình yêu nước thường trỗi dậy mãnh liệt mỗi khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Nhưng khi đến sân sẽ biết thực tế không chỉ có vậy.


Sau khi cắn răng bỏ ra nhiều triệu đồng cho một cặp vé, nhiều người vào sân mới biết rằng có người chỉ cần 300 – 400 nghìn là được “dắt” vào bất cứ khán đài nào. Những người không vé này hoặc chen vào ghế, hoặc đứng nghẹt hành lang đi lại che hết tầm mắt của những ai có vé.

Trong số những người có vé, không phải ai cũng có thể đứng xem được hoặc đơn giản là không đồng ý đứng dậy, đương nhiên sẽ bị khuất tầm nhìn. Họ kêu gọi những người đứng hành lang ngồi xuống nhưng vô vọng, thậm chí bị đáp trả lại bằng những câu kiểu như: “Xem đá bóng thì đứng dậy mà xem”.

Lực lượng bảo vệ trên sân cũng bất lực vì quá đông người. Và thế là xung đột xảy ra. Người ngồi ghế bực tức ném nước vào người đứng, người đứng chạy lên quyết ăn thua đủ với người vừa ném. Đó là tại khán đài A trong trận bán kết với Myanmar.

Trên sân các cầu thủ Việt Nam “tranh đấu” với các cầu thủ Myanmar để giành phần thắng, trên khán đài cổ động viên Việt Nam “tranh đấu” với chính nhau để giành chỗ xem, không biết rằng các cổ động viên Myanmar ngồi cách đó chỉ vài hàng ghế đã nghĩ gì.

Dù đang bực bội và vẫn sẵn sàng lao vào nhau – những người cùng quốc tịch, người ta vẫn hô “Việt Nam, Việt Nam”. Có lẽ lúc này, chữ “Việt Nam” là một cái gì đấy rất mơ hồ mà chính người đang hò hét cũng không hiểu mình đang hò hét điều gì. “Việt Nam” ở đây chắc đơn giản là đội tuyển đang thi đấu trên sân chứ không phải là toàn thể dân tộc Việt Nam.

“Người Việt Nam chỉ đoàn kết khi gặp hoạn nạn”

Lực lượng bảo vệ không xử lý nổi các khán giả đứng che khuất tầm nhìn người phía sau

Đó là câu nói của người nước ngoài dành cho Việt Nam.

Về “hình thức”, chúng ta luôn nghe thấy rằng “dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau”. Không ai dám phản bác lại điều này trên những phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng khi trò chuyện ngoài đời, hầu như không người Việt Nam nào tự nhận rằng người nước mình đoàn kết, đó là những lúc nói thật lòng nhất.

Đoàn kết, hay sự thương mến nhau không tự dưng mà có, tình cảm này xuất phát từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như xin lỗi khi đi qua mặt, cảm ơn sau khi nhờ một việc nhỏ. Người Việt phần lớn không có thói quen xin lỗi hay cảm ơn.

Chúng ta cho rằng đó là một việc nhỏ nhặt, nhưng chính từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt ấy mà đã có ẩu đả trên sân Mỹ Đình trong lúc tinh thần dân tộc đang ở mức cao nhất. Chúng ta cứ nghĩ rằng tình yêu là một thứ ghê gớm lắm, không gì có thể đánh bại được.

Tình yêu đôi lứa chẳng hạn, trước hôn nhân hai người trẻ nghĩ rằng nhờ tình yêu mà họ sẽ vượt qua được mọi khó khăn; không ai có thể ngờ rằng họ chia tay chỉ sau vài tháng vì người kia quên không thay giấy trong nhà vệ sinh.

Muốn giữ được “tình yêu”, hãy giữ gìn những điều nhỏ nhất.

Thế nào là yêu nước

Nhiều khán giả đứng cả lên ghế

Đã đến lúc phải thay những câu khẩu hiệu suông, những hành động chỉ có cái vỏ bề ngoài để thể hiện tình yêu nước bằng những việc làm cụ thể. Những việc làm như “phủ đỏ Facebook” không xấu, thậm chí là đẹp, nhưng nó có mang lại hiệu quả thiết thực?
Thay hình đại diện bằng lá cờ tổ quốc liệu có đánh đuổi được giặc ngoại xâm? Đất nước chỉ mạnh khi dân giàu! Mỗi người dân phải tự ý thức được trách nhiệm của mình với tổ quốc. Bản thân mình có thành đạt, góp phần tạo ra của cải vật chất thì quốc gia mới có tiền để mua vũ khí tăng cường khả năng phòng ngự. Và để bản thân thành đạt, hãy bắt đầu bằng việc hàng ngày bớt thời gian đọc những thông tin nhảm nhí trên mạng và thay bằng kiến thức bổ ích hơn.

Có thể ai đó sẽ cười khi đọc những điều trên, như một người nước ngoài tại Nhật từng há hốc mồm khi nghe một cô gái trong bách hóa trả lời một tràng dài lý do vì sao cô ấy có thể làm việc một cách say mê dù công việc chỉ là đứng chào khách ở cửa ra vào. Theo cô gái Nhật ấy, việc chào ở cửa không tốt sẽ ảnh hưởng đến một chuỗi dài và cuối cùng là tác động xấu đến hình ảnh và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Nhờ những người tài giỏi phát minh ra robot Asimo cho đến những người “bình thường” như cô gái trong bách hóa mà nước Nhật có được ngày hôm nay. Việt Nam chúng ta, hãy bắt đầu tình yêu nước từ những việc nhỏ nhất, từ cách biết xin lỗi, cám ơn; từ việc không chen lấn xô đẩy nơi công cộng, từ việc tuân thủ luật lệ giao thông…

Nếu không làm được vậy, tình yêu nước vẫn chỉ là cái gì đấy mông lung vô hình như những người cùng mặc chung màu áo nhưng sẵn sàng coi nhau như kẻ thù ngay sau khi tiếng hô “Việt Nam” vừa dứt…
 
Trần Công Hưng  
Gửi cho BBC từ Hà Nội

Bài viết thể hiện quan điểm và lối hành văn của tác giả.
(BBC)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/09/140918_football_patriotism_tranconghung.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét