Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Ukraine đã bị khuất phục và đầu hàng!

Ukraine đã bị khuất phục và đầu hàng!
Về nguyên tắc, nếu đối thủ đã bị khuất phục và đầu hàng thì kẻ chiến thắng sẽ không sử dụng vũ khí. Cũng như chiến tranh lạnh năm xưa, Mỹ và Nga không trực tiếp đánh nhau vì nếu như vậy thì không có kẻ chiến thắng, Mỹ chỉ gây sự với Nga bằng người châu Âu, bởi vậy, đừng tưởng điều 5 của hiệp ước NATO là dọa được Nga, ngăn cản Nga ra tay. Và các nước nhỏ khi gia nhập vào NATO đừng cậy có điều 5 là thích “xỉa răng cho hổ”, là có thể gây sự với một nước Nga đại đế thời Putin. EU, NATO phải để cho Nga một môi trường sinh tồn, phải biết vạch giới hạn.

Tại Berlin, Nga, Ukraine và EU đã thỏa thuận về cung cấp khí đốt trở lại cho Ukraine sau khi bị cắt từ tháng 6/2014. Trước đó, Kiev phớt lờ và bất chấp Nga vì tin tưởng vào “dòng chảy ngược” từ EU. Nga đã cảnh báo EU và trong tháng 8, một loạt định mức cấp cho EU bị giảm sút không có lý do khiến EU phát hoảng. Mùa Đông đang đến gần, nếu như có sự tranh cãi với Nga vì cứu Ukraine mà để dân EU tê cóng như mùa Đông năm 2008 thì EU No! No! No!...Và Hungari là nước nổ phát súng đầu tiên khi tuyên bố cắt đứt vô thời hạn nguồn cung khí đốt cho Ukraine.

Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là tại sao Nga lại thu “miếng đánh hiểm” bằng vũ khí khí đốt với Ukraine?

Những dấu hiệu Ukraine bị khuất phục và đầu hàng
Một là, nhượng bộ lớn với quân ly khai.

Nếu như trước đây, Kiev tuyên bố với quân ly khai miền Đông là “Đầu hàng hoặc là chết” thì hiện nay, tình thế buộc chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải lựa chọn một trong 2 phương án “hoặc là xấu hoặc là tồi tệ hơn” theo như phát biểu của Thủ tướng Ukraine Arseny Jatsenuik.

Phương án xấu là Kiev phải chấp nhận ký với phe ly khai một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 5/9/2014 và bản ghi nhớ hòa bình 20/9, mà theo đó, Ukraine đã thông qua một đạo luật tạm thời về tự trị cho các khu vực đòi ly khai, giao quyền tự chủ đáng kể trong 3 năm, bao gồm cả bầu cử hội đồng địa phương vào ngày 7/12 tới. Khu vực này có thể tự thiết lập lực lượng cảnh sát và tòa án. Ngoài ra, tiếng Nga vẫn là một ngôn ngữ chính thức và các khu vực này cũng có quyền thắt chặt các mối quan hệ với Nga.

Đương nhiên, khi quân đội của Kiev không có khả năng chiến thắng lực lượng ly khai, khi Nga “không cho phép họ làm điều đó”, khi Mỹ-NATO bất lực, thì nếu để chiến sự leo thang, trong khi quân ly khai càng đánh càng mạnh, thì chẳng mấy chốc mất sạch toàn bộ miền Đông. Tổng thống Ukraine đã chọn phương án xấu, may ra còn gỡ gạc được chút ít, như quân ly khai chấp nhận đạo luật tạm thời này thay vì tuyên bố độc lập chẳng hạn…

Và đây là phương án tồi tệ hơn: Chế độ, chính quyền của ông Petro Poroshenko sẽ bị lật đổ.

Rõ ràng, Nga có nhiều đòn hiểm để buộc chính quyền của TT Petro Poroshenko phải sụp đổ dễ dàng và nhanh chóng.
Trước hết từ bên trong. Thủ tướng Ukraine Jatsenuik, đã tố cáo Nga muốn dùng khí đốt “đóng băng” Ukraine. Trong khi đó TT Nga Putin cũng đã cảnh báo nếu Nga ngừng hoạt động ngân hàng tại Ukraine thì nền kinh tế Ukraine sẽ chao đảo nghiêm trọng. Lúc đó, với hoàn cảnh bi đát như vậy, chưa thấy theo EU sẽ sung sướng ra sao nhưng chống Nga thì thảm cảnh cận kề, dân Ukraine sẽ nổi loạn và không chỉ một Maidan tại thủ đô Kiev mà xuất hiện nhiều Maidan trên khắp đất nước Ukraine.

Sau cùng là từ bên ngoài. Vụ máy bay MH17 bị bắn rơi Nga không hề quên. Chưa đầy vài giờ đồng hồ khi rơi, Mỹ-EU, với hệ thống truyền thông khổng lồ, kêu toáng lên đổ tội cho Nga là thủ phạm, TT Mỹ Obama còn mạnh giọng tuyên bố sẽ đưa “kẻ giết người” ra đền tội trước công lý. Rốt cuộc, cơ quan điều tra vụ máy bay rơi của phương Tây đã không cho biết kết quả để vạch mặt chỉ tên hành động sát nhân của tổ chức, chính phủ nào vì chắc chắn thủ phạm không phải là Nga.

Nếu như ai đó cho rằng, Nga không có kế hoạch điều tra độc lập là ngây thơ. Đừng tưởng quân ly khai không biết bảo vệ hiện trường khi kéo những mãnh vỡ của MH17 về nơi an toàn mà Kiev tố cáo là phi tang. Đừng tưởng phải mất hơn 3 ngày sau khi tìm thấy hộp đen quân ly khai mới trao cho cơ quan điều tra phương Tây mà các chuyên gia Nga để yên, không động đến nó.

Điều gì xảy ra nếu Nga có tang chứng, vật chứng… khẳng định chính quyền Kiev là thủ phạm không thể chối cãi, sẽ tố cáo lên thế giới biết vào thời điểm Nga cho là hợp lý? Lúc đó chính quyền Kiev sẽ bị Mỹ-EU biến thành con tốt thí là chắc chắn.

Bên trong loạn, bên ngoài tẩy chay…thì chưa biết chừng, bị lật đổ là tất yếu, nhưng sau đó còn bị truy cứu phạm tội ác chống loài người. Đây chính là điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra mà ngay ông thủ tướng Ukraine chống Nga quyết liệt nhất cũng không dám thử để đi tận cùng với Nga.

Cách đây 6 tháng, báo Đất Việt đã đăng bài “Thế trận của Nga tại Ukraine là không thể đảo ngược” có phán đoán rằng, đó là thế trận hoặc chính phủ Kiev phải tan rã hoặc Ukraine phải bị chia cắt… Thực tế hiện nay đã chứng tỏ, phán đoán đó không sai.

Thủ tướng Ukraine: “Chúng tôi chỉ có 2 lựa chọn, xấu và 
tồi tệ hơn và Tổng thống đã quyết định chọn phương án xấu”.

Hai là, Mỹ-NATO và Ukraine chấp nhận “quên” Crimea.

Phát biểu trong phiên họp của ĐHĐLHQ, TT Mỹ Obama chỉ trích Nga mạnh mẽ nhưng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được đã mở ra một con đường dẫn đến hòa bình và nếu Nga ủng hộ kế hoạch hòa bình của Kiev thì Mỹ-EU sẽ dở bỏ các lệnh trừng phạt.

Kế hoạch hòa bình của Kiev không có việc đòi lại Crimea. Vậy là, Nga chiếm Crimea vẫn không bị Mỹ-EU trừng phạt. OK! Đơn giản thôi, Nga đang cố gắng đấy chứ, chẳng phải kế hoạch hòa bình 12 điểm của đạt được tại Belarus như TT Mỹ nhấn mạnh là dựa trên cơ sở 7 điểm mà TT Nga Putin đề xuất đó sao!

Kể từ khi đoàn xe gần 300 chiếc Kamaz của Nga, phủ bạt kín mít, bất chấp Kiev, dông thẳng vào miền Đông Ukraine để “viện trợ nhân đạo” cho lực lượng ly khai, thì cũng là bắt đầu cho sự thất bại thảm hại, không vực dậy được của đội quân “chống khủng bố” của chính quyền Kiev. Đến nay, cái đoàn xe cứu trợ bí ẩn đó đã có 4 lần thẳng tiến đến miền Đông thì bảo đảm chắc rằng, kế hoạch hòa bình hay kế hoạch “hồi sức” của Kiev sẽ luôn được thực hiện bởi sức răn đe của lực lượng ly khai là không thể coi thường.

Ba là, không “kết hôn” được với EU.


Chính phủ của TT Yanukovych bị lật đổ vì không theo EU, do đó, theo EU, chống Nga là mục tiêu đối ngoại chủ yếu của chính quyền hiện hành. Ngày 16/9 sau khi quốc hội Ukraine đã phê chuẩn thỏa thuận thắt chặt quan hệ với EU, khi phát biểu trước quốc hội Canada, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định việc ký thỏa thuận mới với EU về liên kết chính trị và tự do mậu dịch là “lời chào từ biệt cuối cùng” với Liên Xô. 

Rất, rất nhiều, tuyên bố, hành động, thể hiện ý chí quyết tâm của Kiev để gia nhập EU và sau đó là NATO, nhưng đáng tiếc, Kiev phải dừng ý định gia nhập EU lại 6 năm sau, tức đến năm 2020 mới tính đến, còn gia nhập NATO, thì quá xa vời. Rốt cuộc, mục tiêu đối ngoại đã bị Nga khống chế, Kiev là bên có ý định, nhưng Nga là bên quyết định.

Như vậy, những dấu hiệu trên đã chứng minh rằng, Kiev đã bị Kremlin khuất phục và đầu hàng là không chối cãi. Đến đây, câu hỏi “Tại sao Nga lại cung cấp khí đốt trở lại cho Ukraine mặc dù chính quyền này chống Nga quyết liệt, vì chính quyền này mà Nga bị Mỹ-EU trừng phạt kinh tế gây thiệt hại nặng nề, trong khi khí đốt là vũ khí lợi hại bậc nhất của Nga đối với Ukraine?” đã được trả lời: Về nguyên tắc, nếu đối thủ đã bị khuất phục và đầu hàng thì kẻ chiến thắng sẽ không sử dụng vũ khí. Ukraine với Nga cũng vậy thôi.

Liệu Nga có dừng lại sau khủng hoảng Ukraine?

Nguyên nhân của chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ là các nước đế quốc mới nổi không có thị trường, thuộc địa, do đó, chiến tranh xảy ra để chia lại thị trường.

Nếu các nước phương Tây của Nga cứ đua nhau gia nhập liên minh châu Âu (EU) khiến thị trường Nga bị thu hẹp lại. Nếu các nước EU thi nhau gia nhập khôi quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì môi trường an ninh Nga bị thu hẹp lại. Đây là 2 vấn đề sống còn của nước Nga thời ông Putin.

Sự kiện Ukraine đã cho phương Tây một bài học là không nên khiêu khích Nga.

Đức phát động chiến tranh để chia lại thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm toàn châu Âu (trừ Anh), ngày nay, lực lượng quân sự Nga rất mạnh, không một quốc gia nào ở châu Âu có thể đấu “tay bo” với Nga, trong khi không những thị trường, đối tác kinh tế bị EU chiếm gần hết mà môi trường an ninh cũng bị NATO bao vây, đe dọa…thì Nga không có tư tưởng của nước Đức trước năm 1939 là chuyện lạ.

Việc kết nạp cả những quốc gia nhỏ bé, quá khích, chống Nga vào NATO là một sai lầm lớn, nó không tăng thêm được sức mạnh nhưng lại tăng thêm sự đối đầu trực tiếp, khiến cho NATO mất hết sự lựa chọn chiến lược quân sự đối với Nga.

Cũng như chiến tranh lạnh năm xưa, Mỹ và Nga không trực tiếp đánh nhau vì nếu như vậy thì không có kẻ chiến thắng, Mỹ chỉ gây sự với Nga bằng người châu Âu, bởi vậy, đừng tưởng điều 5 của hiệp ước NATO là dọa được Nga, ngăn cản Nga ra tay. Và các nước nhỏ khi gia nhập vào NATO đừng cậy có điều 5 là thích “xỉa răng cho hổ”, là có thể gây sự với một nước Nga đại đế thời Putin.

EU, NATO phải để cho Nga một môi trường sinh tồn, phải biết vạch giới hạn.
Mỹ-NATO! Hãy quên Ukraine đi!
Nga sẽ đi tiếp nước cờ nào sau Ukraine?

Lê Ngọc Thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét