Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Đổi mới là bỏ rào cản cũ

Đổi mới là bỏ rào cản cũ
Một tâm lý khá phổ biến ở Việt Nam đó là cái gì cũng cho vào luật, nghị định, thông tư để có cơ sở thực hiện. Đây là tư duy rất cũ có từ thời bao cấp với suy nghĩ “được làm những gì nhà nước cho phép”. Để làm nhiều thứ thì phải có thêm nhiều luật, nhiều nghị định và nhiều thông tư. Tiếc rằng cuộc sống luôn biến đổi, luật, nghị định và thông tư liên tục trở nên cũ, không còn phù hợp và trở thành rào cản cho phát triển.
Ảnh: thảo bỏ rào cản cũ chính là cách đổi mới cần thiết của Việt Nam bây giờ (nguồn: internet)
Hậu quả là Việt Nam có một rừng luật nhưng rất nhiều chính sách mới ra đời đã chết. Nhiều người ngụy biện cho rằng “chính sách thì tốt nhưng triển khai không tốt” nên không đi được vào cuộc sống. Thực tế, chúng ta đã sai ngay trong tư duy làm luật. Đáng ra luật phải tập trung bảo vệ tự do trong kinh doanh, sáng tác nghệ thuật, hoặc hội họp của người dân, và chỉ cấm những điều ảnh hưởng đến tự do của người khác. Ngược lại, chúng ta lại đi làm luật để quy định người dân được “tự do” làm những gì trong khuôn khổ pháp luật vạch ra. Đây chính là gốc rễ của hầu hết các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt ngày nay.

Một ví dụ cụ thể là Quyết định 97 ban hành ngày 24 tháng 7 năm 2009 quy định các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ. Một danh mục được đính kèm liệt kê các ngành khoa học được phép nghiên cứu. Kiến thức con người về vũ trụ, tự nhiên, xã hội, và nhân văn là hữu hạn chứ đừng nói đến một danh mục liệt kê các lĩnh vực được nghiên cứu trên 12 tờ giấy A4. Với quyết định này, chúng ta đã giới hạn tự do nghiên cứu vào một khung hẹp chắc chắn không đầy đủ cho hiện tại chứ chưa nói đến những điều mới mà các nhà nghiên cứu cần phát hiện và khám phá.

Hiểu đơn giản, chúng ta đang tự đặt ra những cái khung, những rào cản cho sự phát triển của chính cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Để phát triển, chúng ta không cần tập trung đưa ra các luật mới, nghị định mới, thông tư mới. Ngược lại, chúng ta nên gỡ bỏ các rào cản, phá vỡ những khung hẹp mà pháp luật đã giăng ra trong thời gian qua.

Trong quá khứ, việc bỏ chính sách “ngăn sông cấm chợ” trong việc buôn bán lưu thông hàng hóa đã làm cho nền kinh tế Việt Nam khởi sắc. Việc xóa bỏ mô hình hợp tác xã và trả lại đất cho người nông dân đã đẩy mạnh sản xuất cứu đói cho cả dân tộc. Việc bỏ rào cản cấm tư nhân kinh doanh đã tạo ra hàng trăm nghìn công ty, tạo ra hàng triệu việc làm, và đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Việc bỏ rào cản không cho đầu tư tư bản nước ngoài đã tạo ra một khối kinh tế năng động với công nghệ cao, quản lý chuyên nghiệp và gắn kết nền kinh tế Việt Nam với thị trường toàn cầu. Đây là những ví dụ điển hình cho tác động tích cực của việc bỏ rào cản đã tạo ra ĐỔI MỚI của Việt Nam.

Chính vì vậy, để tiếp tục đổi mới Việt Nam cần mạnh mẽ phá bỏ những rào cản để thông thoáng cho sự phát triển của xã hội. Cơ sở để bỏ rào cản chính là tự do trong làm ăn kinh doanh, sáng tác văn học nghệ thuật, hội họp, biểu đạt của người dân.

Rào cản quan trọng đầu tiên cần được gỡ đó là rào cản trong giáo dục. Chúng ta đã “be bờ” để con em mình học thụ động một chiều, được định hướng từ bé trong tư duy lưỡng cực đen-trắng, phải-trái, đúng-sai, tốt-xấu, đồng minh-thù địch. Điều này tạo ra những con người cứng nhắc, kém linh hoạt và thích nghi với thế giới đa dạng và biến đổi không ngừng. Trong bối cảnh thông tin tràn ngập, sự mâu thuẫn của các khuôn mẫu áp đặt trong trường học với thực tế cuộc sống sinh động càng làm cho con em chúng ta bối rối khi chứng kiến những điều trái ngược. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự nổi loạn vì bản chất con người là tìm kiếm sự nhất quán trong tư duy, hành vi cũng như giá trị.

Rào cản thứ hai cần phá bỏ là những kiểm duyệt trong sáng tác văn học nghệ thuật. Hiện tại chúng ta có một đội ngũ các nhà quản lý hùng hậu về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật. Chúng ta quản lý bằng các mệnh lệnh hành chính, chủ yếu là “giấy phép” tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, “giấy phép” triển lãm, “giấy phép” phát hành phim. Việc cấp phép hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người làm công tác quản lý, thường được định đoạt bằng những giá trị mơ hồ như “thuần phong mỹ tục”, hay “văn hóa truyền thống”, hoặc “không có lợi cho xã hội”. Giấy phép chính là những rào cản làm tắc nghẽn các sáng tạo, hạn chế giải phóng tư duy dẫn đến một xã hội không dám nhìn vào các uẩn ức, góc khuất của mình để chiêm nghiệm, để thấu hiểu, để nhân từ.

Rào cản thứ ba cần bãi bỏ chính là giấy phép tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, văn hóa, nghệ thuật có yếu tố nước ngoài. Các sự kiện quốc tế là cơ chế tự nhiên để các ý tưởng, kiến thức giao lưu, bồi tụ và làm giàu cho sự phát triển. Sự kết nối của một quốc gia không đơn giản chỉ qua thương mại và đầu tư, sự kết nối thực sự là về tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Bãi bỏ các giấy phép tổ chức hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài là mở các cánh cửa làm con đường hội nhập của Việt Nam với thế giới được thông thoáng hơn.

Chắc chắn còn nhiều rào cản chúng ta đã dựng lên và đang cản trở sự phát triển của đất nước cần phải được nhận biết và tháo bỏ. Tuy nhiên, rào cản quan trọng nhất cần tháo bỏ là rào cản trong chính tư duy của mỗi con người. Chúng ta đang tự đặt ra giới hạn cho mình, tự định kiến về năng lực tư duy và hành động của mình, tự kiểm duyệt vì sợ hãi và từ đó tự thối lui, thỏa hiệp với những bất công, sai trái và hành vi gây hại trong gia đình, cơ quan, cộng đồng, và đất nước. Có nhiều sự khởi đầu thay đổi khác nhau, nhưng sự khởi đầu từ bản thân mỗi người, từ những điều nhỏ nhất sẽ dần gỡ bỏ những rào cản để khơi dòng trong cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bình Lê
(Diễn Ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét