Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Hai mặt của hiện tượng xuất siêu

Hai mặt của hiện tượng xuất siêu
Mấy năm gần đây, xuất siêu đã trở thành một hiện tượng kinh tế nổi bật ở nước ta, sau nhiều năm nhập siêu... Xuất siêu được coi là niềm vui, khi xét các góc độ khác nhau. Đáng chú ý là Nhập siêu lớn từ một số thị trường (Trung Quốc 17,33 tỷ USD, Hàn Quốc 9,39 tỷ USD, Đài Loan 5,62 tỷ USD

Một góc Cảng Hải phòng.
DƯƠNG NGỌC Mấy năm gần đây, xuất siêu đã trở thành một hiện tượng kinh tế nổi bật ở nước ta, sau nhiều năm nhập siêu. Đánh giá hiện tượng này như thế nào?

Năm góc độ đáng lưu ý

Ở góc độ thứ nhất, nếu cùng kỳ năm trước, trong quan hệ buôn bán hàng hoá với nước ngoài, Việt Nam còn bị nhập siêu (khoảng 60 triệu USD), thì 8 tháng năm nay đã chuyển sang vị thế xuất siêu (gần 2032 triệu USD).

Ở góc độ thứ hai, xét về thời gian thì năm nay có thể rất hiếm hoi, xét về quy mô thì đây là mức xuất siêu khá lớn.

Trong gần 40 năm qua, đây là lần thứ 4 Việt Nam có được vị thế xuất siêu và là mức xuất siêu lớn nhất (năm 1992 xuất siêu 40 triệu USD, năm 2012 xuất siêu 748,8 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 0,3 triệu USD, 8 tháng rưỡi năm nay xuất siêu 2032 triệu USD).

Ở góc độ thứ ba, đạt được xuất siêu là vượt cả dự báo và định hướng của các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô. Kế hoạch năm 2014 đưa ra các chỉ tiêu về xuất khẩu là tăng 10% và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 6% - tính ra tổng kim ngạch xuất khẩu là 145,2 tỷ USD, mức nhập siêu sẽ là 8,7 tỷ USD. Gần như chắc chắn 2014 sẽ không nhập siêu lớn như chỉ tiêu kế hoạch, trái lại còn xuất siêu và mức xuất siêu sẽ lớn nhất từ trước tới nay.

Ở góc độ thứ tư, xuất siêu đạt được do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân tổng quát là quy mô và tốc độ tăng của xuất khẩu đạt cao hơn của nhập khẩu, do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội so với các ngành, lĩnh vực khác trong cùng thời gian.

Thứ nhất, quy mô xuất khẩu mới qua 8 tháng rưỡi đã lớn hơn nhiều quy mô xuất khẩu trong cả năm từ 2011 trở về trước.

Thứ hai, tốc độ tăng xuất khẩu đã cao hơn nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả hai khu vực. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (cả dầu khí) đạt cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về tỷ trọng trong tổng số (66,9% so với 33,1%), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (15,1% so với 12,9%) nhờ có ưu thế về vốn, về kỹ thuật-công nghệ, về sự hỗ trợ tiêu thụ từ công ty mẹ và các chi nhánh ở các nước..., lại tranh thủ được cơ hội khi Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn. Khu vực kinh tế trong nước tuy có quy mô nhỏ hơn, tăng thấp hơn, nhưng tốc độ tăng đã khá hơn các thời kỳ trước (kỳ này đã tăng hai chữ số).

Thứ tư, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu, trong đó có những mặt hàng tăng khá cao. Cơ cấu mặt hàng bước đầu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, khi tỷ trọng hàng thô, mới sơ chế giảm; tỷ trọng mặt hàng chế biến tăng, trong đó mặt hàng kỹ thuật-công nghệ khá (như điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy móc, phương tiện vận tải...) đạt quy mô khá. Mới qua 8 tháng rưỡi đã có 21 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, khả năng cả năm sẽ có thêm 2-3 mặt hàng nữa và nhiều hơn năm trước.

Thứ năm, tất cả các tỉnh/thành phố đều có mặt hàng xuất khẩu, trong đó, mới qua 8 tháng đã có 15 địa bàn đạt từ 1 tỷ USD, trong đó có 10 địa bàn đạt trên 2 tỷ USD (danh mục 2), các địa bàn trên phần lớn là những nơi có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và có tỷ lệ xuất khẩu cao.

Trong 63 tỉnh/thành phố, có 45 địa bàn xuất siêu, trong đó xuất siêu lớn có Bắc Ninh, Bình Dương, Tp.HCM, Cà Mau, Đắk Lắk, Hải Dương, Thái Nguyên.

Thứ sáu, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở nhiều thị trường. Mới qua 8 tháng, đã có 24 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đã có 13 thị trường xuất siêu lớn với mức xuất siêu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó xuất sang Hoa Kỳ đạt 14,152 tỷ USD. Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (2,918 tỷ USD). Hồng Kông (2,227 tỷ USD). Hà Lan (1,989 tỷ USD)…

Ở góc độ thứ năm, nhờ xuất siêu, cán cân thương mại thặng dư, nên cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư; dự trữ ngoại hối tăng (hiện đạt 35 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu - đạt được ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế), tỷ giá ổn định (năm 2012 giảm 0,96%, năm 2013 tăng 1,09%, 8 tháng 2014 tăng 0,42%-khả năng cả năm tăng dưới 1%, thấp chỉ bằng một nửa định hướng); giảm tình trạng đô la hoá...

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất/nhập khẩu tính từ đầu năm đến 15/9 (8 tháng rưỡi).

Xuất siêu chưa thật trọn vẹn


Xuất siêu bên cạnh sự vượt trội về xuất khẩu, còn có nguyên nhân do tổng cầu ở trong nước bị co lại trong thời gian khá dài chưa được phục hồi, làm cho tăng trưởng nhập khẩu bị chậm lại (bình quân thời kỳ 2010-2013 tăng 17,2%/năm, 8 tháng 2014 tăng 10,7%), thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng xuất khẩu (tương ứng tăng 23,3%/năm và tăng 14,4%). Tổng cầu yếu thể hiện ở sử dụng GDP (bao gồm cả về tích luỹ/đầu tư, cả về tiêu dùng cuối cùng).

Tốc độ tăng bình quân năm thời kỳ 2012-2013 về sử dụng GDP thấp xa so với về sản xuất GDP (4,82% so với 5,33%). Tỷ lệ sử dụng GDP/GDP năm đã thấp hơn 100%- tức là sử dụng GDP thấp hơn sản xuất GDP (2012 là 97,7%, năm 2013 là 97,8%). Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm, từ 43,2% năm 2010 xuống còn 30,4% năm 2013; năm 2014 có khả năng cũng không cao hơn).

Mặc dù tổng cầu co lại là phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nhưng có thể với liều lượng hơi cao, chuyển đổi khá đột ngột, trong khi sự yếu kém ở trong nước đang cộng hưởng với bất ổn ở bên ngoài.
Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, nhập siêu tăng chậm lại, cộng hưởng với tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm lại kéo dài (bình quân năm thời kỳ 2011-2013 thấp chỉ bằng 1/3 thời kỳ 2006-2010), đã làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh kéo dài, tăng trưởng kinh tế chậm phục hồi.

Về khu vực, xuất siêu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (8,5 tháng xuất siêu gần 12 tỷ USD); còn khu vực kinh tế trong nước nhập siêu lớn (8,5 tháng nhập siêu trên 9,9 tỷ USD).

Nhập siêu lớn từ một số thị trường (Trung Quốc 17,33 tỷ USD, Hàn Quốc 9,39 tỷ USD, Đài Loan 5,62 tỷ USD, Singapore 2,91 tỷ USD, Thái Lan 2,11 tỷ USD). Chỉ riêng 5 thị trường này, Việt Nam đã nhập siêu tới gần 37,3 tỷ USD.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét