Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Đến lúc Mỹ chấm dứt cấm bán vũ khí cho Việt Nam

Đến lúc chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam
Washington cần có một đối tác mạnh mẽ tại Việt Nam để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi cắt bớt ngân sách quân sự của mình đồng thời phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới và sâu sắc trên toàn thế giới, Mỹ cần các đối tác mạnh mẽ, đặc biệt ở châu Á, nơi mà sự xâm lấn thường xuyên của Trung Quốc đe dọa đến hiện trạng khu vực này. Do đó, Mỹ nên chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Vì làm như vậy sẽ không chỉ giúp Việt Nam mạnh hơn, mang đất nước này về gần hơn với Mỹ mà còn có thể cải thiện nhân quyền ở đó nếu Mỹ đưa ra những điều kiện đúng đắn kèm theo việc bán vũ khí.



Vì thành tích nhân quyền kém cỏi của Việt Nam, Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm vận vũ khí vào năm 1984. Trong năm 2007, chính quyền Bush nới lỏng, cho phép xuất khẩu một số mặt hàng quốc phòng không gây sát thương cho Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp tục vi phạm nhân quyền của Hà Nội đã giới hạn sự sẵn sàng của Washington để tháo gỡ xa hơn. Trong những vi phạm này là việc Việt Nam hạn chế báo chí, ngôn luận và tự do tôn giáo, cắt xén các quyền của người thiểu số, người lao động và thiếu các thủ tục tư pháp độc lập.

Tuy nhiên,một môi trường an ninh thay đổi khiến Mỹ phải xem xét lại các lệnh cấm bán vũ khí còn lại của mình với Việt Nam. Mỹ, vốn đang giảm thiều chi tiêu quân sự của mình trong khi bị lôi kéo vào cuộc xung đột mới ngày càng gia tăng ở Đông Âu và Trung Đông, cần phải có những đối tác mạnh để giúp mình đáp ứng sự gia tăng ngày càng thù địch của Trung Quốc.

Trung Quốc là một mối đe dọa ngày càng tăng. Ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn thứ hai trên thế giới và gần như đã qua mặt hai mươi bốn quốc gia khác trong khu vực Đông và Nam Á kết hợp lại. Trung Quốc đã sử dụng các ngân sách này tài trợ đưa ra một kho vũ khí ấn tượng cố tình muốn chối từ truy cập của Mỹ đến vùng biển và không phận xung quanh. Tự tin về sức mạnh quân sự của mình và nghi ngờ khả năng giải quyết của Mỹ, Bắc Kinh đã tích cực thúc đẩy tuyên bố chủ quyền trên khu vực tranh chấp.

Hãy xem xét chỉ riêng hành động trong năm nay của Trung Quốc đối với Việt Nam tại biển Đông, nơi hai nước có tranh chấp quyền lợi, khu vực có hơn một nửa nền thương mại thế giới đi ngang qua, và là một ngư trường phong phú, có trữ lượng dầu, khí đốt có tiềm năng lớn. Vào tháng Giêng năm 2014, Trung Quốc bắt đầu yêu cầu các tàu thuyền nước ngoài phải được cấp giấy phép đánh cá trong khu vực 90 phần trăm của 1,35 triệu dặm vuông ở Biển Đông mà họ khẳng định có chủ quyền. Từ tháng Năm đến giữa tháng Bảy, Trung Quốc đã triển khai một giàn khoan dầu của nhà nước, thăm dò 80 dặm bên trong vùng được luật pháp quốc tế công nhận là khu đặc quyền kinh tế 200 dặm của Việt Nam. Trong thời gian đó, Trung Quốc đâm thủng, đánh đắm các tàu thuyền Việt Nam từng nỗ lực can thiệp. Tháng trước, trong bối cảnh Mỹ và Philippines yêu cầu tất cả các bên tranh chấp ngưng hành động khiêu khích ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn công bố kế hoạch xây dựng ngọn hải đăng trên các đảo ở đó để hợp pháp hóa quyền lợi của mình. Và tuần trước, Việt Nam cáo buộc Trung Quốc quấy rối các tàu thuyền đánh cá của mình, đánh đập ngư dân Việt Nam gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Hà Nội có thể là một lực lượng cân bằng mạnh mẽ để chống lại Bắc Kinh. Việt Nam có dân số lớn thứ 13 trên thế giới (gần 100 triệu người) và lực lượng nghĩa vụ quân sự hiện hành lớn thứ 11 thế giới, cộng với việc đất nước này được tiên liệu sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới đến năm 2025. Thực tế, vị trí gần gũi với chuỗi tiếp vận toàn cầu và lực lượng lao động có mức lương thấp làm cho đất nước này trở thành một thay thế hấp dẫn về cơ xưởng sản xuất so với Trung Quốc. Chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng 130 phần trăm trong năm 2003-2012, trở thành mức chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai ở Đông Nam Á căn cứ vào một tỷ lệ GDP mà Hà Nội đang sử dụng để hiện đại hóa lực lượng hải, không quân. Vị trí của đất nước có giá trị chiến lược: Việt Nam chia sẻ chung biên giới dài 800 dặm với Trung Quốc và tiếp giáp với Biển Đông. Cuối cùng, Việt Nam đã tỏ ra cứng rắn, giữ được nhóm tàu thuyền ít ỏi, lỗi thời hơn gần khu vực giàn khoan của Trung Quốc trong suốt 75 ngày bất phân thắng bại trong mùa hè 75 vừa qua.

Nhưng sự hung hăng của Trung Quốc không đảm bảo rằng Washington và Hà Nội sẽ chính thức sẽ liên minh chống lại Bắc Kinh. Thứ nhất, Việt Nam có một phe ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ. Thật vậy, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã gọi cuộc căng thẳng về giàn khoan là bất đồng nhỏ giữa "anh em". Thứ hai, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một nguồn đầu tư mở rộng, Trung Quốc có sức chi phối kinh tế trong quốc gia đó. Thứ ba, Việt Nam, vì không có với phía Mỹ một hiệp ước phòng thủ, đã phải chứng kiến những phản ứng yếu ớt của Washington trong các vụ việc gây hấn gần đây trên toàn thế giới, bao gồm cả việc Trung Quốc thâu tóm các lãnh thổ tranh chấp từ đồng minh Philippines của Mỹ vào năm 2012. Do đó, Hà Nội phải hỏi liệu Washington có ủng hộ mình chống lại Bắc Kinh hay không. Trừ khi lòng thù hận với Trung Quốc gia tăng, nếu không, Việt Nam sẽ có khả năng tìm kiếm một tiến trình trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc để mưu tìm lợi ích cho mình từ mỗi bên.

Ngay cả như thế, bằng cách chấm dứt lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Mỹ có thể chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc hiệu quả hơn bằng cách tăng sức mạnh cho Việt Nam và lôi kéo đất nước này về gần hơn với mình và các đối tác. Việt Nam sẽ có được vị trí tốt hơn để chống lại sự xâm nhập của Trung Quốc, nếu Mỹ tăng cường việc thực thi luật hàng hải, kiểm soát các năng lực hải quân không cân xứng trong khu vực. Mỹ có thể hiện đại hóa quân sự của Việt Nam hiệu quả hơn so với Nga - người cung cấp vũ khí chính cho Hà Nội - có thể bởi vì Mỹ có công nghệ tiên tiến hơn, tạo nên giá cả ưu đãi hơn, và được cho là ít có khả năng bị áp lực của Trung Quốc mà cầm giữ (khôg bán) các vũ khí mạnh cho Việt Nam. Khi Washington trang bị vũ khí cho Hà Nội, các mối quan hệ quân sự giữa hai nước nhất thiết sẽ gia tăng. Ví dụ, Mỹ sẽ phải đào tạo người Việt Nam sử dụng các thiết bị và có khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam để vận hành các thiết bị ấy. Hơn nữa, quân đội Việt Nam sẽ có khả năng giao tiếp nhiều hơn với quân đội Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Từ những động lực này, cuối cùng Việt Nam sẽ có thể tiến hành các cuộc tập trận chung với Mỹ hoặc các đối tác và cho phép Mỹ được ghé cảng thêm (hiện đang giới hạn chỉ một lần trong một năm) và tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ (cuộc đàm phán về việc này đã khởi sự từ năm 2012).

Các nhà phê bình sẽ lên tiếng phản bác rằng Mỹ không nên tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì đất nước này vi phạm nhân quyền. Như một vấn đề có tính căn bản, các mệnh lệnh chiến lược có thể buộc Washington phải duy trì quan hệ với các chính phủ không lành mạnh một cách miễn cưỡng. Nhưng ở đây, Mỹ không cần phải lựa chọn giữa các giá trị và quyền lợi của mình.

Washington có thể thiết kế các thương vụ mua bán vũ khí của mình với Hà Nội để hạn chế tối đa các vi phạm nhân quyền và khuyến khích Việt Nam cư xử tốt hơn với công dân của mình. Đầu tiên, Mỹ chỉ nên bán cho Việt Nam những vũ khí giúp họ chống lại Trung Quốc chứ không phải để gây tổn hại cho công dân mình. Hạn chế này sẽ dễ dàng để thực hiện căn cứ vào cuộc chiến đấu hiện tại trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ chỉ nên chuyển thiết bị quân sự cho Việt Nam sau khi đã có những tiến bộ có thể kiểm chứng được về nhân quyền, chẳng hạn như thả tù chính trị hoặc sửa đổi pháp luật của họ. Mỹ có thể gia tăng động lực này bằng cách đưa vào hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một dự thảo hiệp định thương mại tự do trong đó có Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản, Úc, và những nước khác - những quy định yêu cầu thành viên của mình phải đạt được trong việc bảo vệ nhân quyền. (Việc ký kết Hiệp định này cũng giúp Việt Nam giàu có hơn, cho phép họ mua được nhiều vũ khí hơn và giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.)

Các quan chức Mỹ cả hai đảng, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, người từng là tù binh chiến tranh ở Việt Nam, mới đây đã bày tỏ quan tâm đến việc nên hủy bỏ các lệnh cấm vũ khí còn lại của Washington.

Với việc Trung Quốc đưa thêm các giàn khoan thăm dò và tàu tuần tra biển vào biển Đông khiến gia tăng hơn các cuộc đối đầu trong khu vực, lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam phải được giúp đỡ ngay. Và với việc trong tháng qua Việt Nam vừa bỏ tù các nhà hoạt động vì cáo buộc cản trở giao thông, nhu cầu tạo ảnh hưởng để thúc đẩy quyền con người của Mỹ trong đất nước này là rõ ràng.

19 Tháng 9 2014 lúc 2:14
Paul J. Leaf - The Diplomat
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
( FB. Lê Quốc Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét