Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Du lịch VN có là 'vẻ đẹp bất tận'?

Du lịch VN có là 'vẻ đẹp bất tận'?
Việt Nam không giống nơi nào khác. Đó là một đất nước thực sự xinh đẹp, sôi động và có tầm quan trọng lịch sử. Người dân Việt Nam thì thân thiện, hiếu khách, có cà phê, ẩm thực và văn hóa vào hàng tuyệt nhất thế giới.

Về mặt lý thuyết, không ai nghi ngờ gì về sức sống của khẩu hiệu ngành du lịch ‘Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận’. Mỗi năm Việt Nam có thêm nhiều du khách lần đầu tới thăm và con số này ngày càng tăng thêm. Rất ấn tượng, nhưng cũng lại là vấn đề lớn, bởi rất ít người có ý định sẽ quay lại.



'Một đi không trở lại'

Hồi 2010, tạp chí The Economist nói chỉ có 5% du khách trở lại Việt Nam lần thứ hai và trong những năm sau đó, không có bằng chứng đáng kể nào cho thấy khuynh hướng này được cải thiện.

Trên giấy tờ, thì đây có vẻ như là một sự bất thường.

Một chuyến đi khó có thể đủ để thưởng thức hết những gì Việt Nam có cho du khách.

Việt Nam là một đất nước khá lớn, đa dạng về sinh thái và văn hóa, với hơn 90 triệu dân. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các dịch vụ dành cho du khách.

Vấn đề đáng nói là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị trực thuộc quá bị ám ảnh về việc phải thu hút khách nước ngoài mới mà không phân tích đầy đủ về những trải nghiệm, kinh nghiệm của những người từng đến.

Kế hoạch chiến lược nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch khá mờ nhạt so với các sự kiện quảng bá, chẳng hạn như việc tuyển đầu bếp có tiếng B
obby Chinn là đại sứ du lịchnhằm thu hút thêm người quan tâm. 

Một tìm kiếm nhanh trên các trang blog du lịch trực tuyến cho thấy nhiều du khách đã có những ngày nghỉ hoàn toàn vừa ý tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều lời chỉ trích, và những ý kiến này thường được lặp đi lặp lại. Đó là chuyện thiếu các cơ sở, phương tiện du lịch cao cấp, dịch vụ khách hàng tồi, bị người bán hàng rong chèo kéo đeo bám trên phố, thiếu các hoạt động thích hợp cho các gia đình có thành viên ở các độ tuổi khác nhau, và giá visa cao.

Còn một vấn đề khác, khó xử lý hơn.


Việt Nam trong quá trình theo đuổi một cách say sưa mục tiêu phát triển của mình đã khiến nhiều điểm du lịch hấp dẫn bị tàn phá, biến thành các sân golf, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các công trình cáp treo quy mô lớn.

Trong lúc một quan chức ngành du lịch và các viên chức chính quyền khác lặp đi lặp lại những từ ngữ “bền vững” và “trách nhiệm” khi nói tới tương lai ngành du lịch Việt Nam, thì một du khách bình thường lại chẳng nhìn thấy mấy bằng chứng về điều đó.


Bobby Chinn là một trong những gương mặt nổi tiếng được chọn làm đại sứ du lịch của Việt Nam

Sự thực đáng buồn là ở Việt Nam, có tiền thì có quyền. Giới doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào các dự án chỉ đem về những lợi ích ngắn hạn trong khí tổn hại mạnh tới văn hóa và môi trường.

Phát triển?

Lấy ví dụ Thác Datanla ở Đà Lạt. Bạn có mặt ở chỗ đậu xe khổng lồ đầy xe chở khách, trước khi gia nhập đoàn dài xếp hàng để được thưởng ngoạn ngọn thác.

Để đi từ thung lũng xuống thác, người ta có thể đi trên một xe trượt đông đúc đi xuống đỉnh dốc. Âm thanh chim chóc và tiếng thác đổ xa xa bị chìm đi vì hệ thống loa chơi liên tục nhạc sến. Chuyến xe dừng lại ở chân thung lũng, nơi có nhiều xe bán hàng và đồ ăn. Du khách đi theo con đường dẫn đến thác – không tệ nhưng cũng không mấy ấn tượng – trong lúc phải bước tránh vỏ kem, lon nước trên mặt đất. Người ta chen lấn đi qua người bán hàng, người mời gọi chụp hình, và hàng trăm du khách khác.

Nếu muốn khám phá thêm, bạn có thể đi cáp treo trên một con suối đẹp rồi đi thang máy đến một nơi khác. Khi đã mãn nhãn, lại có xe trượt đưa bạn quay lại chỗ đậu xe.

Trong mắt nhiều quan chức du lịch, đây là sự thực hiện hoàn hảo viễn kiến của họ. Địa điểm này thu hút du khách liên tục.

Nhưng vấn đề là nó rất tệ và nhiều du khách sẽ không muốn quay lại.

Không thiếu các ví dụ tương tự. Hang Đầu Gỗ thuộc Vịnh Hạ Long được mắc các bóng đèn kiểu vũ trường disco, còn thùng rác có hình cá heo, chim cánh cụt. Một cáp treo khổng lồ đang được xây để lên đỉnh ngọn núi Fansipan. Bãi biển trải dài từ Hội An đến Đà Nẵng gần như được các khu du lịch đắt tiền lòe loẹt bao phủ.

Theo Julio Benedetti, tư vấn viên chuyên về du lịch ở nhiều quốc gia thuộc châu Á, những phát triển gây hại này là kết quả của việc đặt nhầm các ưu tiên.

"Vai trò của chính phủ là đảm bảo - bằng pháp luật, quy định, và thanh tra - rằng kinh doanh du lịch phải tôn trọng môi trường và kiểm soát lượng du khách. Không may là rất nhiều trường hợp, trong đó có Việt Nam, chính nhà nước là những người khuyến khích sự phát triển mất kiểm soát của du lịch chỉ vì chuộng con số và số liệu," ông Benedetti nói.

Ý tưởng đằng sau các dự án phát triển thật dễ nhìn thấy. Du lịch đóng góp đáng kể cho ngân sách đất nước, chiếm chừng 6% tổng GDP trong năm 2013, và đòi hỏi phải có đầu tư liên tục để thu hút thêm khách tới thăm, đóng góp cho sự tăng trưởng tiếp nữa của ngành.


Giới chức du lịch Việt Nam cần hỏi du khách muốn gì

Thế nhưng hầu hết du khách được hấp dẫn tới Việt Nam bởi sự hoang sơ hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan.

Và hơn hết, họ muốn được thưởng thức những thứ thuần Việt.

Nhưng thay vào đó, họ lại thấy mình rơi vào những nơi tràn ngập du khách, tràn ngập các tour du lịch.

Cách người ta làm dịch vụ là một tour du lịch có thể làm hài lòng tất cả mọi người, có nghĩa là nếu bạn đang đi trăng mật, làm tiệc độc thân hay cả gia đình đi du lịch, bạn có thể sẽ được nhét vào cùng một loại tour với mọi người khác.

Shi Dang là một người làm tour ở thành phố Huế lịch sử. Công ty khá có tiếng của anh, Oriental Sky Travel, cho rằng sự đa dạng là nhân tố quan trọng nhất khiến người nước ngoài tới Việt Nam du lịch.

"Chúng tôi không đưa họ đi cùng những đoàn du lịch đông người, đi cáp điện hay tới các nhà hàng đông đúc. Thay vào đó, mỗi hành trình được dành riêng cho họ, theo ước nguyện của họ. Chúng tôi chuyên về tour xe đạp, leo núi, leo hang và hưởng không khí trong lành. Cũng như các khách hàng, chúng tôi không muốn chuyến đi của họ quá bị du lịch hóa."

"Lựa chọn thị trường quốc tế nào cũng là một quyết định quan trọng," ông Benedetti nói. "Khách du lịch châu Á có thể chuộng sự tiện lợi như dùng xe cáp điện và các cấu trúc khác đặt bên trong quần thể tự nhiên, trong khi người phương Tây thường thích các 'trải nghiệm ít nhân tạo hơn' khi đến tham quan cùng một nơi."

Giới chức ngành du lịch cần phải bắt đầu đặt câu hỏi cho du khách xem họ muốn gì, thay vì cho rằng mình đã biết họ muốn gì.

Sau đó, với một kế hoạch thích hợp, giới chức cần cân đối giữa việc làm gì cho ra tiền với việc làm sao để duy trì văn hóa, môi trường một cách thích hợp nhằm biến các điểm du lịch thành những nơi đặc biệt, hấp dẫn đối với du khách.

Theo ông Shi, cải thiện vấn đề đáng ra là vấn đề rất đơn giản. "Cách tốt nhất để thu hút khách nước ngoài, dù là họ đến từ bất kỳ nơi nào, cũng có thể khiến họ quay trở lại bằng cách chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn và chân thành với họ trong lúc họ ở đây."

Chẳng gì có thể biện minh cho những thất bại, bởi đất nước này có đủ những gì để tạo nên một ngành du lịch bền vững, tốt đẹp.

Cần làm sao để du khách cảm thấy họ thật may mắn là đã đến thăm một nơi đặc biệt.

Thật đáng tiếc, nếu mọi việc không nhanh chóng được thay đổi thì nét hấp dẫn độc đáo của Việt Nam sẽ không còn là bất tận nữa.

Kim Megson  
Blogger viết tiếng Anh

Bài viết bằng tiếng Anh gửi cho Diễn đàn BBC Tiếng Việt từ Yorkshire, Anh Quốc.
 (BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét