Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Dấu ấn văn hóa bên trong chợ Bến Thành

Dấu ấn văn hóa bên trong chợ Bến Thành
Cho đến giờ vẫn có người Sài Gòn ngập ngừng nếu được rủ đi chợ Bến Thành. Cứ nhìn các đoàn khách nước ngoài nườm nượp đến đây theo chỉ dẫn của các công ty lữ hành, các trang web về du lịch mới thấy trân trọng ngôi chợ đậm đà những ký hiệu văn hóa Sài Gòn 300 năm tuổi từ kiến trúc đến các mặt hàng lưu niệm.
Chợ Bến Thành
Lần nào ghé vào chợ tôi cũng quan sát kỹ lưỡng, cảm thấy thú vị khi ngắm nhìn những gương mặt, những sạp hàng rất ít thay đổi sau vài năm. Các tiểu thương kiên trì với những mặt hàng truyền thống của gia đình, cảm nhận được lý do của chuyện mua may bán đắt là ở bản chất món hàng của họ mang theo những chỉ dẫn văn hóa đặc sắc.

Hàng khô ở chợ Bến Thành tạo cho người ta ký ức về Hòn ngọc Viễn Đông thu hút bao nhiêu bước chân thương lái ngoại quốc tìm đến. Hàng khô có hải sản khô kể chuyện về các làng chài ven sông Mê Kông, nơi khách vừa tham quan, về nguyên liệu nấu cà ri đánh dấu kỷ niệm người Ấn đến Sài Gòn gần trăm năm trước, xây cả cầu Chà, chùa Chà.

Ngay cà phê dù đóng nhãn hiệu nổi tiếng đến từ Tây Nguyên cũng không cạnh tranh lại thương hiệu Thời Vinh ở chợ Bến Thành, do gia đình này đã bán cà phê gần 40 năm, uy tín đến mức được các trang web về du lịch nổi tiếng thế giới giới thiệu. Có hàng guốc gỗ bán ở đây trên 50 năm, mang ký hiệu nhận biết là món đồ của người Việt truyền thống sử dụng mấy trăm năm, rất khác với giày dép hiện đại nên rất thu hút khách mua làm quà tặng. Những đôi guốc gỗ mang hai chữ "Saigon" đã đi ra khắp thế giới.

Cũng là sơn mài mỹ nghệ, tơ lụa, giày dép, tranh gỗ, tranh cát, nhưng hàng ở chợ Bến Thành bán giá cao hơn ở vỉa hè đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, cũng vì đó là những hàng thủ công chất lượng cao, thể hiện niềm tin của du khách vào tay nghề của thợ thủ công Việt. Những sản phẩm quà tặng như áo gối, vải, quần áo, khăn lụa đều hướng về đặc điểm giá trị sử dụng cao nhưng mang đậm phong cách văn hóa Việt Nam về hoa văn, chất liệu. Ngược lại có hàng bày bán mỹ phẩm, túi xách Trung Quốc giả nhãn hiệu cao cấp, tuy giá rẻ nhưng không thu hút khách vì họ đoán ngay là hàng nhái.

Chợ Bến Thành đã được các công ty lữ hành giới thiệu với du khách là ngôi chợ cổ chuyên bán các mặt hàng bản địa cao cấp, nếu như để hàng thủ công mỹ nghệ Trung Quốc tràn vào, tính văn hóa bản địa của ngôi chợ bị pha trộn, uy tín suy giảm, du khách sẽ mất đi một địa điểm thưởng thức văn hóa thương mại mang nét đặc sắc riêng của Sài Gòn. Cứ đến đây đứng xem người Ấn, Philippines, Indonesia, Malaysia tập trung ở khu vực hàng tơ lụa cũng đủ tự hào về hàng hóa chợ Bến Thành đã kiên trì với vẻ đẹp lụa Việt trong thời gian dài và nay được đền đáp.

Ngược lại, cảm giác tiếc nuối khi du khách không biết mua sắm gì ở điểm đến "vàng" Bưu điện Thành phố và Nhà thờ Đức Bà. Khu vực này tấp nập khách đoàn đến tham quan kiến trúc, xem các mặt hàng lưu niệm bày bán. Tuy vậy, không khí mua sắm ở đây tẻ nhạt, do không có mặt hàng nào "gắn" với lịch sử của tòa bưu điện, như quầy bán tem phục vụ thú vui sưu tập, thiệp, mô hình thu nhỏ bằng nhiều chất liệu gò đồng, nạm bạc các công trình kiến trúc như Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố.

Nhiều dịp lang thang chợ Bến Thành vào buổi tối, dù nơi đây đã sắp đặt một phiên chợ tối, nhưng có thể thấy ngay đây là một khoảng trống của chợ Bến Thành để lại giữa trái tim Sài Gòn. Đó là phiên chợ mà hàng hóa Trung Quốc tràn vào với sự trình diễn bình dân, mua bán chụp giựt. Nó giống hệt phiên chợ đêm Hàng Đào (Hà Nội) hay chợ đêm Hội An, và thua xa chợ đêm Siêm Riệp (Campuchia).

TP.HCM vẫn còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như nghề đúc lư đồng thờ ở Gò Vấp; thêu tranh ở một số quận trung tâm; làm hàng mã của người Hoa ở Chợ Lớn; xe nhang, làm tượng Phật ở Bình Chánh; đan mây, tre, lá ở Thái Mỹ; tráng bánh ở Phú Hòa Đông (Củ Chi); sơn mài Thủ Đức...

Mỗi làng nghề đều có giá trị văn hóa và sức hấp dẫn riêng. Sẽ rất vô lý nếu như nói TP.HCM không đủ lực để tổ chức đưa làng nghề ra trình diễn tay nghề cho du khách xem và mua sản phẩm, chứng kiến những nghệ nhân đục, chạm, mài, dệt, thêu và du khách còn được xem nhiều tác phẩm thủ công nghệ thuật đặc sắc. Từ việc tổ chức làng nghề quy mô nhỏ thành gian hàng có bảng hướng dẫn, giới thiệu sự phát triển của nghề truyền thống, mời các gia đình có nghề tham gia trình diễn và bán sản phẩm sẽ dẫn đến một phiên chợ du lịch đặc sắc cho TP.HCM từ khai thác văn hóa làng nghề 300 năm.

Khai thác văn hóa bản địa không dễ

Thế hệ thứ hai của làng đá Non Nước, Đà Nẵng hiện đang đối mặt với khó khăn khi có chiến dịch dẹp "sư tử lạ” ở hầu hết các di tích lịch sử và chùa chiền trong cả nước. Hàng nghìn con sư tử đá đã tạo tác bị ứ đọng ở làng nghề.

Ngày 10/9, ông Thanh Giang, một chủ cửa hàng lớn tại đây, cho biết, nhiều cá nhân mua sư tử định cung tiến cho chùa hoặc sử dụng ở các nhà hàng, công ty nay cũng ngưng hợp đồng.

Làng nghề muốn quay về với hàng lưu niệm không dễ, bởi các nghệ nhân ở đây đã bỏ qua thời kỳ khai thác văn hóa bản địa khu vực, kết nối sản phẩm mỹ nghệ với di sản văn hóa Chămpa như Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Chiên Đàn. Bởi du khách nước ngoài tham quan di tích sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa chất liệu của đá mỹ nghệ Non Nước với đá Sa Thạch người Chăm sử dụng hàng nghìn năm trước trong điêu khắc nên không thích.

Thứ hai là các nghệ nhân thiếu sự nghiên cứu, tìm kiếm các hình ảnh vị phúc thần mang đến sự may mắn trong lịch sử văn hóa Chămpa để tạo tác phục vụ nhu cầu, thị hiếu khách hàng.

Từ thực tế đó mới thấy, để mặc các làng nghề chạy theo thị hiếu nhất thời cũng đem lại nhiều rủi ro, và sản phẩm du lịch không có tính văn hóa bền vững.

> Chợ Bến Thành biểu tượng của Sài Gòn
> Chuyển vòng xoay trước chợ Bến Thành làm quảng trường đi bộ
> Chợ Bến Thành: Một thế kỷ từ chợ thành đến chợ quốc tế

BÍCH HỒNG
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/van-hoa-nghe-thuat/su-kien/2014/09/1083683/dau-an-van-hoa-ben-trong-cho-ben-thanh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét