Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Nước Việt mới đầu thế kỷ 20

Nước Việt mới đầu thế kỷ 20
Sự “hiệp lực” Pháp-Nam mà Albert Sarraut cố công gây dựng, thường là bằng bạo quyền, chỉ dẫn đến tình trạng “đồng sàng dị mộng” và mau chóng tan rã. Chỉ những gì thực sự mang tính nhân bản, phục vụ cho đời sống của người dân, của con người, là còn tồn tại mãi mãi. Như đường xe lửa xuyên Viêt. Như khoa học kỹ thuật hiện đại. Như chữ quốc ngữ. Như cà phê, phim ảnh, hội họa và âm nhạc cổ điển Tây phương. Những cái đó đã gắn liền với người Việt và nước Việt không bao giờ phai tàn, dù chế độ thực dân đã tiêu vong.
“Hiệp Lực” Pháp-Nam
Năm 1919, Albert Sarraut, trước khi rời Đông Dương chấm dứt nhiệm vụ Toàn quyền, đã đọc một bài diễn văn đáng ghi nhớ tại Văn Miếu Hà Nội, trung tâm văn hóa giáo dục của nước Việt thời kỳ Hán học. Bài diễn văn này có thể coi như mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Việt, giai đoạn của một nước Việt dưới ảnh hưởng Tây Phương, tạm thời thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa. Nói tạm thời, vì như chúng ta thấy, vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dưới sự thống trị của chủ nghĩa duy vật và của chế độ Cộng sản, Việt Nam lại trở thành thuộc quốc của Trung Hoa, một Đại Hán mới.

Buổi nói chuyện của Sarraut do Hội Khai Trí Tiến Đức, vừa thành lập một năm trước đó ở Hà Nội, tổ chức ngày 27 tháng 4 năm 1919, có đến “ngót ba nghìn người” tham dự, theo bài tường thuật của báo Nam Phong. Bài diễn văn quan trọng này của Sarraut được đăng nguyên văn (bản dịch ra quốc ngữ) trên Nam Phong tạp chí. Mở đầu, nhận mình là “đại biểu của một nước lớn xưa nay vẫn làm thầy dạy học cho loài người” (tr. 277), Albert Sarraut nói: “Tôi thương dân như người cha thương con” (Nam Phong, tháng 4, 1919, tr. 260). Rồi Sarraut cho biết có ý định về Pháp để vận động cải cách chế độ cai trị ở Đông dương, cho phép chính quyền ở Đông dương được có thêm nhiều quyền hạn hơn để thực hiện chính sách Pháp-Nam “hiệp lực” cùng phát triển Đông dương. 

Ông phủ dụ người nghe, thành phần thượng lưu Bắc Hà, về “cái lý tưởng về công quyền của nhân loại” (l’idée des droits supérieurs de l’humanité), vốn là tư tưởng của nước Pháp”, để “thế giới phải tiệt cho hết cái mầm áp chế (tyrannie)”. Ông tự hào đã đề xướng ra và thực hiện chính sách “khai hóa” cho dân “bản xứ”, và bênh vực cái lý chính đáng của việc bảo hộ “An Nam”. Ông coi nước Pháp như “người anh lớn đến giúp đỡ che chở cho người em nhỏ”. Nước Pháp “vì văn minh tiến bộ hơn” nên “có quyền chúa tể đối với dân xứ này”, có quyền “bắt các dân bảo hộ phải tôn trong cái chủ quyền” của Pháp ở Đông dương.

Sarraut thuyết giảng rằng công cuộc bảo hộ của Pháp đã đem đến cho dân bản xứ nhiều điều mới lạ, mà điều thứ nhất là “cái tư tưởng về nhân quyền (le droit de l’homme)”. Đây có lẽ là điều chua chát, mỉa mai nhất trong bài diễn văn của Sarraut nói riêng và trong chính sách thực dân của Pháp tại Đông dương nói chung – khiến cho hơn 20 năm sau, Lý Đông A đã phải thốt lên hai câu thơ: “Đạo nghĩa gớm cho quân lợm khẩu (Tầu). Nhân quyền khiếp cả lũ xanh ngươi (Pháp)” (Đạo Trường Ngâm, 1943).

Sarraut còn đưa ra luận điệu nửa đe dọa nửa phủ dụ. “Các ông cũng biết cái oai quyền lẫm liệt của quân binh Pháp” nên có muốn đánh đổ quyền cai trị của nước Pháp cũng không được. Hơn thế nữa, “giả thiết nước Pháp tự bỏ xứ này mà đi” thì lúc đó “trong nước rối loạn, sức nước suy vi tiêu tán đi mất cả… bấy giờ… nhớ đến cái ơn huệ của chúng tôi ngày nay mà khóc ra máu được.” (tr. 270). Để thuyết phục giới thượng lưu trí thức mới, Sarraut liệt kê ra những công việc mà nước Pháp đã làm để tạo dựng ra một nước Việt mới.

Ông ta nhắc lại một đoạn trong bài nói chuyện của ông sáu năm trước (1913) trong đó liệt kê những thành tích kiến thiết Đông dương của thực dân Pháp: “Này người dân kia, thử đem so sánh cái tình cảnh của người ngày nay với cái tình cảnh ngày xưa trước khi nước Đại Pháp sang đây… Thử cúi đầu xuống nhìn cái mỏ sâu kia… Thử nhìn những dải đường rộng, những con đường sắt kia… lại nhìn những cái cầu cao… cái nhà học đường sáng sủa kia… cái nước máy nước giếng trong mát kia… những chốn nhà thương kia… mà tự hỏi… còn có nước nào làm ơn cho ngươi được hơn nữa không, và chính ngươi tự lực có thể gây dựng được những sự tốt đẹp như thế không?”.

Ngày nay đọc lại bài diễn văn của Saraut tại Văn Miếu năm 1919, nhất là đoạn trên đây, khoe khoang thành tích của chính quyền thống trị, chúng ta nghe phảng phất giống những gì người dân Việt hiện nay đang hàng ngày phải nghe, phải đọc. Chúng ta không biết hàng trăm thân hào nhân sĩ, trí thức Việt có mặt lúc đó nghĩ gì và phản ứng (ngầm) thế nào, nhất là khi nghe đoạn Sarraut mạt sát “bọn cách mệnh An Nam ở ngoại quốc… muốn đòi cho nước Nam được độc lập” mà “sao dốt nát như vậy, sao cái óc nghèo nàn đến thế”.

Đúng là ngôn từ “nhân nghĩa” của kẻ thống trị thời nào cũng thế. Có khác chăng vào đầu thế kỷ 20, kẻ thống trị dân tộc là ngoại chủng, da trắng, nói ngoại ngữ, còn giờ đây, kẻ thống trị dân chúng là người đồng chủng, nói cùng ngôn ngữ. Cái giống nhau, trớ trêu thay, lại là cả hai thành phần thống trị đều vận dụng những sản phẩm văn hóa tư tưởng và khoa học của phương Tây, dù từ hai hướng tả-hữu tương phản nhau. Những kẻ thống trị đồng chủng Việt hiện nay cũng du nhập một chủ nghĩa ngoại lai từ phương Tây về áp đặt lên toàn dân, chưa hề có được một sáng tạo văn hóa tư tưởng, chính trị-xã hội độc lập nào cho dân tộc. Họ cũng thẳng tay ngăn chặn, áp chế mọi cố gắng sáng tạo tư tưởng – một sáng tạo cần có để có thể xây dựng được một nước Việt mới vừa đặc thù Việt vừa thâu hóa tiến bộ chung của toàn nhân loại. Bầu khí quyển văn hóa chính trị “độc tôn và nô dịch” tại Văn Miếu năm 1919 vẫn đang bao phủ bầu trời văn hóa chính trị Việt đầu thế kỷ 21 này!

Nhưng cũng như ngày nay, từ cuối chân trời, vừng đông vẫn luôn hé lộ. Trong khi người Pháp muốn áp đặt lên dân Việt một nền Tây học nô lệ, trong tầng lớp trí thức mới vẫn có những người yêu nước. Nếu không thể hoặc không muốn tham gia cách mạng bạo động giành độc lập, tầng lớp trí thức Tây học mới ra đời tìm mọi cách vận dụng các cơ hội hợp pháp có được để đấu tranh ôn hòa,vừa đòi tự do độc lập vừa đưa đất nước hòa nhập nền văn minh chung của thế giới. 

Họ nhìn ra được ba yếu tố mới có thể giúp họ thực hiện được ý định này. Đó là báo chí, chữ quốc ngữ, và nền giáo dục mới. Cả chính quyền thực dân và giới “thượng lưu trí thức” mới đều vận dụng ba yếu tố này để đạt mục đích riêng của mình – những mục đích lúc đầu, tuy khác nhau, còn có thể cộng tồn, nhưng càng về sau càng tương phản và đối nghịch nhau vì bản chất khác nhau, để cuối cùng dẫn đến va chạm, làm sụp đổ chế độ Pháp thuộc.

Báo Quốc Ngữ

Ở phương tây, báo chí xuất hiện sớm nhất tại Đức, từ đầu thế kỷ 17. Đó là tờ Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien, ra đời năm 1605 tại Strasbourg. Tại Pháp, tờ La Gazette, ra đời năm 1631, là tờ báo Pháp ngữ đầu tiên. Tại Á châu, tờ báo đầu tiên xuất hiện năm 1780 tại Calcutta nhưng bằng Anh ngữ. Báo chữ Hán xuất hiện đầu tiên tại Trung Hoa năm 1833. Tờ báo Nhật ngữ đầu tiên ra đời năm 1862 tại Tokyo.

Tại Việt Nam, năm 1865, Trương Vĩnh Ký du học từ Pháp trở về nước, làm đơn xin phép ra báo quốc ngữ, và được chấp thuận. Gia Định báo ra số đầu tiên ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn, chỉ 3 năm sau tờ báo Nhật ngữ đầu tiên tại Tokyo. Về nội dung, ngoài phần công vụ như một công báo, Gia Định báo còn có phần tin tức xã hội, kinh tế, tôn giáo, và phần văn thơ, nghiên cứu, dịch thuật.

Khi Trương Vĩnh Ký được trực tiếp điều hành tờ báo, ông đề ra cho tờ báo 3 mục đích rõ ràng: truyền bá quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Sau Gia Định báo, tại Nam Kỳ lần lượt xuất hiện nhiều tờ báo khác như Nông Cổ Mín Đàm (về kinh tế thương mại, 1901), Lục Tỉnh Tân Văn (1907), đặc biệt còn có tờ báo riêng cho nữ giới, Nữ Giới Chung (1918) do con gái của nhà nho yêu nước Nguyễn Đình Chiểu là Sương Nguyệt Anh làm chủ bút.

Tại Bắc Kỳ, Đại Nam Đồng văn Nhật báo là tờ báo đầu tiên, ra mắt năm 1892 nhưng là báo chữ Nho. Đại Việt Tân báo là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Hà Nội, phát hành năm 1905, có cả phần Hán văn. Trung kỳ phát triển báo chí chậm hơn. Năm 1927 mới có tờ báo đầu tiên, tờ Tiếng Dân, do Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, phản ảnh quan điểm chính trị của ông, qua chính tên gọi của tờ báo.

Như vậy cho đến đầu thập niên thứ nhất của thế kỷ 20, báo chí quốc ngữ đã trở thành một hiện tượng thật mới lạ chưa từng có tại Việt Nam trước đây. Nó vừa góp phần phát triển chữ quốc ngữ, vừa truyền bá nền văn học, văn hóa, chính trị-xã hội phương tây. Lúc đó phong trào kháng Pháp cũng đang bước vào một giai đoạn mới, sau khi phong trào Duy Tân và Đông Du bị tan rã. Nhiều tổ chức chống Pháp ra đời, theo phương thức cách mạng bí mật, mở đầu bằng tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (VNQP Hội) do nhà cách mạng Phan Bội Châu thành lập năm 1912 tại Hoa Nam. Những tổ chức này cũng sử dụng chữ quốc ngữ và kỹ thuât in báo để in ấn truyền đơn chống Pháp. Hai dòng văn hóa chính trị đối nghịch nhau, của chính quyền thực dân Pháp và của những người Việt yêu nước, đều vận dụng quốc ngữ và hai công cụ truyền thông mới là báo chí và in ấn để phát huy ảnh hưởng của mình trong quần chúng, nhất là giới trẻ tại các thành thị mới.

Người Pháp tìm cách ngăn chặn sự phát triển của các phong trào cách mạng bằng việc tăng cường đào tạo một tầng lớp trí thức Tây học, tạo điều kiện cho họ tham gia vào việc phát triển giáo dục, báo chí, in và dịch sách tiếng Pháp để truyền bá nền văn hóa chính trị Pháp. Họ cũng vận dụng báo chí để đạt mục tiêu này. Đông Dương tạp chí ra đời ngày 15 tháng 5 năm 1913 tại Hà Nội, trong bối cảnh đó, ngay sau vụ ném bom ngày 26 tháng 3 do VNQP Hội thực hiện. Tờ báo nêu rõ mục đích “đem văn chương học thuật, đem ân huệ văn minh của nhà nước Lang Sa mà khua sáo cho lấp được những lời gây loạn”.

Nhưng người Pháp không thể kiểm soát hoàn toàn được báo chí quốc ngữ cũng như không thể triệt tiêu được tinh thần yêu nước của thanh niên trí thức Việt. Một nền báo chí yêu nước cũng được dịp ra đời, vận dụng được sự phát triển của giáo dục và chữ quốc ngữ, để tuyên truyền vừa công khai vừa bí mật những tư tưởng chống Pháp đòi độc lập. Việc dịch và ấn hành rộng rãi các tác phẩm văn học và chính trị của Pháp nói riêng và phương tây nói chung, cũng giúp nhiều trí thức trẻ tiếp cận được với các luồng tư tưởng dân chủ, tiến bộ mới, kích thích họ tham gia vào các hoạt động đòi tự do, giành quyền tự chủ cho người Việt.

Nền giáo dục mới và phong trào chống Pháp

Năm 1907, Toàn quyền Paul Beau cho mở trường Đại Học Đông Dương tại Hà Nội đúng vào lúc mà Đông Kinh Nghĩa Thục đang tạo ảnh hưởng rộng lớn trong giới trí thức trẻ Bắc Hà. Nhưng chỉ một năm sau, Toàn quyền Klobukowski, kế nhiệm Paul Beau, ra lệnh đóng cửa trường đại học này cùng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Có hai nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Một là không có đủ sinh viên, các lớp đại học phải mở vào chiều tối, sau giờ tan sở, vì sinh viên đa số lấy từ những người biết tiếng Pháp và làm tại các công sở. Hai là sinh viên lợi dụng môi trường đại học để tuyên truyền chống thực dân Pháp.

Klobukowski cho rằng phong trào chống Pháp này do các “phần tử trí thức giả yêu nước”, những nho sĩ Hán học “thất nghiệp” và những trí thức “nửa mùa” mới, gây ra. 

Klobukowski cũng giải tán Tổng Nha Học Chánh Đông Dương do Paul Beau lập ra, và chỉ giữ lại Nha Thanh Tra Học chánh. Klobukowski chủ trương giáo dục chỉ được phát triển nếu nó phục vụ được nhu cầu và quyền lợi khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông dương. Ông ta lo ngại rằng giáo dục càng phát triển sẽ càng nuôi dưỡng lòng yêu nước và tạo điều kiện cho học sinh sinh viên chống lại sự cai trị của nước Pháp.

Sự lo ngại của Klonukowski không phải là không có cơ sở. Năm 1908, cũng là năm nổ ra nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp tại Bắc và Trung Kỳ. Ngay trước và sau khi trường Đại học Đông dương bị đóng cửa, tại nhiều nơi đã xẩy ra các cuộc biểu tình chống Pháp, chống sưu cao thuế nặng. Có những nơi ở miền Trung nông dân biểu tình kéo dài nhiều tuần lễ trong suốt hai tháng 3 và 4 năm 1908, khiến chính quyền Pháp phải bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm chết nhiều người. Tại Hà Nội, chính quyền Pháp đã phá vỡ một âm mưu đầu độc binh lính Pháp ngày 27 tháng 6 năm 1908. Trong báo cáo gửi về Paris, phủ Toàn quyền Đông dương tin rằng âm mưu này do một số nhân sĩ Bắc Hà chủ trương. Ở Huế, một âm mưu tương tự cũng bị khám phá. Chính quyền Pháp bắt giữ một số sinh viên du học Nhật trở về liên can đến các vụ đầu độc này.

Nước Việt Mới: Các Góc Cạnh Khác Nhau

Như vậy, vào đầu thập niên 1920, sau 60 năm cai trị ở Nam Kỳ và hơn 30 năm ở Bắc và Trung kỳ, người Pháp đã tạo ra một nước Việt mới cả về vật thể lẫn tinh thần.

Về mặt vật thể, người Pháp đã xây dụng được những công trình giao thông vận tải nối liền các thành phố, các vùng quê, và cả hai miền Nam Bắc, với những con đường xe hơi và xe lửa xuyên Việt, các cầu bắc qua các sông lớn như cầu Long Biên, khánh thành năm 1903, cầu Hàm Rồng, năm 1904. Tuyến xe lửa xuyên Việt là công trình giao thông chắc chắn gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho người dân Việt lúc đó. Tuyến đầu tiên, Sài Gòn-Mỹ Tho hoàn thành ngay từ năm 1885, tuyến Hà Nội-Lạng Sơn năm 1902, Hà Nội-Hải Phòng năm 1903. Toàn tuyến xuyên Việt khánh thành ngày 2 tháng 10 năm 1936 nối liền Sài Gòn-Hà Nội, dài 1730 km. Giao thông vận tải thuận tiện hơn, chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng tác động vào toàn bộ đời sống của người dân nói chung và của thành phần tiên tiến tại Việt Nam nói riêng. Nó cũng giúp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, thương mại, và các sinh hoạt khác của xã hội. Nó tạo ra điều mà ngày nay người ta thường gọi là “sự di động xã hội” (social mobility), cần thiết cho phát triển – điều mà Việt Nam của thế kỷ 19 trở về trước chưa có hay có nhưng với tốc độ di động quá chậm.

Về mặt tinh thần, một tầng lớp trí thức trẻ Tây học đã xuất hiện, nhất là tại các thành phố lớn. Môi trường kinh tế, văn hóa và xã hội mới cũng tạo điều kiện cho một số trí thức từ Pháp trở về, và một số du học sinh của Phong trào Đông Du lén lút về nước hoạt động. Ngay cả thành phần nho sĩ cũ, dù chống Pháp nhưng cũng thấy cần canh tân xứ sở nên cũng tích cực gây dựng phong trào Duy Tân và các công cuộc văn hóa, giáo dục, xã hội mới.

Thành phần du học từ nước ngoài trở về, được trực tiếp sống trong những xã hội tự do và phát triển ở Pháp và ở Nhật, đều muốn đất nước phải được tự do hơn, tiến bộ hơn. Họ thực hiện ước muốn này theo hai cách khác nhau: hoặc hoạt động bí mật để lật đổ chính quyền thực dân, giành lại tự do, độc lập cho dân tộc, hoặc vận động công khai, vừa nhằm “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí” vừa đòi hỏi quyền tự do tự chủ cho đất nước.

Trong tầng lớp trí thức Tây học còn có những người xuất phát từ Nam kỳ, đất thuộc Pháp, hưởng quy chế chính trị của Pháp. Đây cũng chính là nơi có tờ báo quốc ngữ đầu tiên, và các tổ chức chính trị hoạt động công khai đầu tiên, như Phong Trào Minh Tân (chủ trương như Duy tân sau này) của Trần Chánh Chiếu, ra đời năm 1901, và đảng Lập Hiến do Bùi Quang Chiêu, cùng với Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, thành lập năm 1923 ở Sài Gòn.

Nước Việt mới ra đời như thế, như một bức tranh với nhiều mảng mầu, nhiều góc cạnh tương khắc và xung đột. Ngay cả với những mảng mầu và góc cạnh, mới xem tưởng như hòa hợp, nhưng trong bản chất không thể cùng tồn tại lâu bền. Sự “hiệp lực” Pháp-Nam mà Albert Sarraut cố công gây dựng, thường là bằng bạo quyền, chỉ dẫn đến tình trạng “đồng sàng dị mộng” và mau chóng tan rã. Chỉ những gì thực sự mang tính nhân bản, phục vụ cho đời sống của người dân, của con người, là còn tồn tại mãi mãi. Như đường xe lửa xuyên Viêt. Như khoa học kỹ thuật hiện đại. Như chữ quốc ngữ. Như cà phê, phim ảnh, hội họa và âm nhạc cổ điển Tây phương. Những cái đó đã gắn liền với người Việt và nước Việt không bao giờ phai tàn, dù chế độ thực dân đã tiêu vong.

Đoàn Viết Hoạt
23/8/2014
(Đàn Chim Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét