Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Mình ơi, Mình à...

Mình Ơi, Mình À
Chúng mình như đũa có đôi

Có đôi để gọi “mình ơi, mình à !”

Bây giờ như cặp khỉ già

Nhưng mà vẫn cứ “mình à, mình ơi !”


Cặp khỉ già trong Jardin botanique de Montreal (Photo NTC 2O13)
Vợ chồng có thể nào hoàn toàn hiểu nhau được hết không?
Câu trả lời là có, nhưng có lẽ ở lúc ban đầu, lúc còn mới mà thôi. Về lâu về dài thì có thể hơi khó khăn hơn vì cuộc tình cũng đã nguội lạnh đi phần nào theo năm tháng cũng như những chiều chuộng mơn trớn, những săn đón ân cần đã không còn như xưa nữa. Đây chỉ nói chung chung chớ người viết cũng không dám quơ đũa cả nắm đâu! Cũng có những cặp cũng còn rất mặn nồng tình nghĩa, tuy thỉnh thoảng có hơi khắc khẩu đôi chút cho vui cửa vui nhà vậy thôi và sau đó lại làm lành trở lại.



* * *

Vợ chồng có thể hiểu nhau được không?

Nhà phân tâm học Jacques Lacan đã trả lời một cách mĩa mai cho những cặp vợ chồng mà sự bất-hòa xảy ra kinh niên như sau: “Họ chỉ có thể nghe và hiểu nhau hơn khi họ la hét với nhau mà thôi”.
(Jacques Marie Émile Lacan April 13, 1901 – September 9, 1981)

Vậy làm sao có được sự đồng cảm?

Helène Fresnel đã phân tích vấn nạn trên qua bài «Vợ chồng có thể đồng cảm với nhau không» (Hommes et femmes peuvent il s’entendre? đăng trong tạp chí Psychologies no 297 juin 2010.

-/ Không thể nào hiểu nhau được nữa


Theo nhà phân tâm học nổi tiếng S. Freud, thì không thể nào có được một người chồng hoàn toàn 100% là đàn ông, cũng như không thể nào có một người vợ hoàn toàn 100% là đàn bà được. Về mặt tâm lý học, con người (đàn ông cũng như đàn bà) đều lưỡng tính tâm lý (bisexualité psychique).
(Lưỡng giới hay song tính luyến ái (tiếng Anh: bisexual) là mối quan hệ hoặc hấp dẫn tình dục của một người với cả hai giới tính nam và nữ -Wikipedia)


Trong mỗi người của họ, chồng cũng như vợ, đều có hình bóng của một người khác phái tính.
Cái hình bóng trong vô thức (inconscience) của chồng là một người thuộc phái nữ, còn trong vô thức của người vợ có ẩn hiện cái bóng của một người thuộc phái nam. Nhà phân tâm học Gérard Pommier cho rằng đây là một vũ điệu (danse) và một “sự từ hóa hay sức hút nam châm” (aimantation).

-/ Bà quá bí mật, ông phải câm nín


Trong một cặp vợ chồng không phải chỉ có hai người mà thôi, nhưng thật ra phải có tới bốn người lận!

Hai người thật ở phía trước sân khấu và hai cái bóng của họ (trong vô thức) ở phía sau hậu trường.

Hai vợ chồng đều mong muốn có thể chôn mất đi hai cái bóng nói trên để họ có thể tự khẳng định phái tính của họ.

Marie Laure Colonna, một nhà phân tâm học thuộc trường phái Jung (pschyanaliste jungienne) nói rằng: “Với tư cách là một người đàn bà, tôi yêu người đàn ông nào gần gũi với phần đàn ông trong vô thức của tôi, đó có thể là cha hay cũng có thể là phần nam tính của mẹ mình.

Ngược lại ở người đàn ông, thì họ yêu người đàn bà nào gần gũi nhất với hình bóng người phụ nữ trong vô thức của họ, và đó có thể là mẹ, là chị, hay cũng có thề là phần nữ tính của cha mình…”

Trong mỗi người đàn ông lúc nào cũng có mẫu người đàn bà ẩn núp trong vô thức (inconscience) và điều nầy ảnh hưởng không ít vào việc tạo ra nhân cách của chính họ.
Đối với người đàn bà thì họ cũng có cùng một mô hình tạo lập nhân cách như ở người đàn ông.

Hiện tượng lưỡng tính tâm lý bisexualité psychique đã giải thích phần nào sư thu hút với người kia cũng như lòng ước muốn “nghe nhau”, nhưng than ôi, đó cũng chưa đủ để chúng ta, vợ và chồng, có thể phải hiểu nhau và đồng cảm với nhau được.

Người kia luôn luôn thoát ra khỏi ta và cuộc sống của hai người đôi khi đượm vẻ trật nhịp sâu xa.

-/ Tại sao người chồng không bao giờ thố lộ ra những nỗi niềm chất chứa trong lòng?


Theo nhà phân tâm học Marie Laure Colonna cho biết: «Chúng ta tiến hóa trong một xã hội phụ hệ (société patriarchale), trong đó sức mạnh và sự cường tráng (virilité) không cho phép người chồng biểu lộ ra ngoài những cảm xúc, nhũng tình cảm yếu hèn của anh ta.

(Marie Laure Colonna: DEA de philosophie, Paris IV, Sorbonne – 1983. Psychanalyste didacticienne à la SFPA – Société Française de Psychologie Analytique – 2002).
Nét văn hóa trong xã hội loài người đã thôi thúc ông phải cắt đứt hết mọi tình cảm cá nhân.

Ông phải câm nín, tịnh khẩu, vì không còn biết phải nói ra bằng ngôn từ nào nữa.

Ông phải đè nén những cảm xúc cá nhân của mình và chôn sâu vào trong hố của vô thức. Mỗi khi những tình cảm nầy trỗi dậy, ông không còn biết cách nào để thốt ra bằng lời được.
Nói chung, ông chỉ còn có cách là rút vào cố thủ trong sự câm lặng, và nếu có một vấn đề nào đó xuất hiện ra thì ông ta không có khả năng nói ra thành tiếng được.
Thế giới nội tâm làm cho ông lo ngại, cảm thấy mình bị đe dọa và tâm thần bất ổn.

-/ Bà nói nhiều, ông nín khe


Theo nhà phân tâm học Yves Despelsenaire thì sự câm nín của người chồng lúc người vợ chờ mình nói, có nguyên nhân là vì ông ta bị nghẹn lời á khẩu.

“Trước mặt người đàn bà, người đàn ông cảm thấy như họ đang đứng trước mặt một nỗi bí ẩn của sự ham muốn (désir) và lạc thú (jouissance).
Trong người chồng, người vợ đã có chỗ đứng thật rõ rệt rồi, nhưng người vợ thì không phải như vậy.
Vợ chờ chồng nói, chờ chồng trả lời nhưng làm sao anh ta nói gì được trước một người đàn bà quá mưu lược (intrigante). Bà ta đã làm ông nghẹn lời.
Trước mặt một người đàn bà quá lấn át, người đàn ông nói chung, thường có khuynh hướng trốn chạy. Họ đè nén tình cảm vào bên trong và làm như thế họ có cảm giác tăng cường được nội lực của mình qua sự câm nín.
Theo Marie Laure Colonna, 80% trao đổi giữa vợ chồng không thông qua bằng lời nói (non verbale) nhưng nhờ vào các nhận thức (perception) mà chúng ta có thể hiểu nhau được.


Khi người chồng thương yêu vợ mình, anh ta không cần phải nói ra nhưng sẽ chứng tỏ bằng hành động thí dụ như anh ta lăn xả vào bếp, xào nấu, rửa chén, múa lân, chia sẻ sinh hoạt với vợ mà không cần phải nói đến hoặc kể công (?), ngoại trừ mấy năm đầu lúc mới gặp nhau, anh ta hơi màu mè nên thích khoác bộ áo hiệp sĩ hào hùng…


Theo các nhà tâm lý học, sự sai lầm của các bà vợ là tại sao theo đuổi chồng mình bằng ngôn từ để rồi anh ta vọt mất…Nhưng nếu vậy thì nghĩ cho cùng, khỏe cho cả ông lẫn bà, tránh cái cảnh chiến tranh lạnh hoặc cái cảnh… đồng sàng dị mộng và không còn trói buộc nhau nữa!

Và, tự do ôi, ta lại chào mi một lần nữa trong cuối đời!

Đàn ông khác đàn bà




Bà nói nhiều, ông câm nín. Đúng lắm, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy đâu.
Rất nhiều giả thuyết khoa học cho rằng đó có thể là do nguyên nhân thuần túy sinh học mà ra.


Các nhà khảo cứu của University of Sheffield ở Anh Quốc cho biết, giọng nói của quý bà và quý cô được cấu tạo bởi những làng sóng âm thanh rất phức tạp. Não bộ của quý ông đòi hỏi phải có nhiều cố gắng mới hiểu được. Về lâu về dài não bị mỏi mệt vì vậy các ông không còn nghe thấy được gì hết.

Theo Allan & Barbara Pease, tác giả của quyển sách bestseller «Why men don’t listen & women can’t read maps», thì ngày xa xưa, cách nay lối mười ngàn năm, đàn ông phải đi săn trong rừng nên có thói quen phải giữ sự im lặng, ít nói để săn. Đàn bà ở nhà lo trông nom nhà cửa, lo trong lo ngoài, vừa la hét con cái và cũng vừa phải giao tế với xóm giềng nên bắt buộc cần phải nói nhiều và nói thường xuyên.

Và về lâu về dài theo thời gian các đặc tính tiêu biểu trên đã gắn vào não bộ của người đàn ông và của người đàn bà cho đến ngày hôm nay.


Allan Pease còn nói rằng não của đàn ông chỉ program để làm mỗi lần một việc mà thôi. Họ chỉ sử dụng có một bán cầu não (thường là phía trái) để suy nghĩ. Mỗi khi ngừng xe lại để đọc bản đồ là họ cần phải vặn nhỏ cái radio xuống rồi mới có thể đọc được.

Đang xem TV mà bà xã hỏi thì có ông nào nghe đâu. Bởi vậy lúc các ông xã đang lái xe, các bà xã đừng nên nói đừng nên hỏi gì hết vì có thể nguy hiểm đó!

Ngược lại ở đàn bà, mỗi khi suy nghĩ họ thường sử dụng cả hai bán cầu não phía trái và phía phải, và nhờ vậy các bà có thể dễ dàng làm được nhiều việc cùng một lúc.

Đàn ông thường trách đàn bà thường hay nói nhiều, nói đay nghiến nagging, hay chê bai và nói móc lò và cũng như thường hay đem chồng ra so sánh với người khác quá. Thậm chí có khi còn chê bai chồng mình trước mặt con cái và người lạ.

Nói chuyện mới đã đành đi, đàng này chuyện cũ đã được nói nhiều lần rồi các bà vẫn có thể hâm nóng lại và đem ra nói nữa, nói mãi.

Ở người Đàn bà, các dữ kiện, tín hiệu, thông tin bên ngoài được cất giữ trong não của họ một cách khá lộn xộn. Cách duy nhất để các bà đem vấn đề ra ngoài là phải nói nó ra và nhìn nhận nó.

Bởi vậy Đàn bà nói nhiều hơn Đàn ông là lẽ thường. Các bà cần nói ra để bớt căng thẳng tinh thần, để làm giảm stress. Các ông phải ráng mà nghe thôi và đừng bao giờ đề nghị một giải pháp nào hết cho vấn đề mà các bà tuôn ra. Các bà chỉ cần có người ngồi nghe chớ không phải các bà muốn tìm cách giải quyết vấn đề đâu.

Ở Đàn bà, việc nói chuyện và việc tâm sự là cách duy nhất để họ dễ làm bạn với nhau. Tuy cả ngày đã đi shopping với bà bạn, mà khi vừa về đến nhà các bà cũng còn chuyện để nói với nhau qua điện thoại cả tiếng đồng hồ nữa.

Các ông mỗi khi cần nói chuyện là họ đi thẳng vào vấn đề. Ở người Đàn ông các tín hiệu thông tin bên ngoài được cất giữ riêng rẽ trong những ngăn riêng biệt trong não. Cuối ngày các ông đem nó ra ngoài rất dễ dàng để giải quyết (?).

Các bà cũng có những khổ tâm riêng, phải giải quyết phần lớn những gánh nặng một mình thí dụ như, vừa phải lo cho chồng vừa lo cho con, vừa sắp đặt nhà cửa cho sạch sẽ ngăn nắp vừa lo chu toàn ngân quỹ của gia đình, nên bà có nhiều stress, và có khi cũng cần phải nói ra để mong được chia sẻ cho nhẹ…gánh. Nhưng có ông có tật hay quên hoặc toàn hứa lèo hứa cuội, nên bắt buộc các bà phải nói nhiều và nói mãi. Tại sao cùng là đàn ông mà có người vầy người khác! Có bà gánh chịu một mình không xuễ lại đâm ra quẫn trí, và gây ra nhiều cảnh đổ vỡ tan nát cả mái ấm gia đình mà chúng ta đã từng đọc qua trên báo chí!

Nhưng, việc nói nhiều nói mãi của các bà thường làm các ông bực mình không ít, Tây gọi đây là những irritants, hay những sự hành hạ về tinh thần rất nguy hiểm và đã tạo ra những cảnh dở khóc dở cười như chúng ta cũng đã từng nghe thấy!

Thế giới ta-bà là đó! Hỉ nộ aí ố là đây!

Nhưng nếu các bà im lặng, thì các ông phải đề phòng là có điều chẳng lành sắp xảy ra đó, còn tệ hơn nữa là các bà phớt tỉnh ăn-glê, không thèm đếm xĩa đá động gì đến các ông và xem các ông như nơ-pa không có, đó là dấu hiệu sắp rã hùn rồi, đố tránh khỏi!


Tại sao ông ít chịu lắng tai nghe bà nói?
Why don’t men listen?

Sept 2005, tập chí Neuro Image Psychiatry có cho biết tiếng nói của người đàn ông và tiếng nói của đàn bà kích thích những vùng riêng biệt trong não bộ của đàn ông.

Ở đàn ông, thì tiếng nói của đàn bà kích thích vùng não chuyên process mhững âm thanh phức tạp chẳng hạn như âm nhạc. Còn nếu tiếng nói xuất phát từ một người đàn ông khác thì vùng tạo hình ảnh trong não bộ sẽ bị kích thích.

Ngoại trừ lúc mới cưới thì lời nói và giọng nói của em (cũng như của anh) sao mà nó ngọt ngào êm dịu quá, nhưng sau vài chục năm thì khác hết…

Theo kết quả thí nghiệm đăng trong tập chí Neuro Image Psychiatry nói trên thì người ta nghĩ rằng đối với người đàn ông thì càng về già giọng nói của các bà rất phức tạp khó nghe và khó hiểu. 
(this may suggest that, at least for men, the female voice is more complex and more difficult to hear and understand. Rf page 8).

Tại sao bà nói còn ông thì câm như hến?

(Rf Pouquoi les femmes parlent et les hommes se taisent. Plusbe magazine)
Tại sao bà nói nhiều quá vậy? Tại sao ông hổng chịu nói gì hết? Đó là những câu mà nhà tâm lý học Leven Migerode nghe kể mỗi ngày trong trung tâm tư vấn vấn đề hạnh phúc vợ chồng của ông ta tại Vương quốc Bĩ.

(Psychologist, trainer in couple and family therapy at uzleuven. Brussels Area, Belgium).

Sau vài chục năm sống chung với nhau nhiều cặp vợ chồng có khuynh hướng ít nói hơn xưa. Họ chỉ trao đổi với nhau vài lời lúc nào thật cần thiết mà thôi.

Tình huống nầy càng trở nên đậm nét hơn khi cả hai đều nghỉ hưu và bắt buộc phải ở bên nhau suốt ngày suốt đêm, suốt tháng, suốt năm. Đây có thể là ác mộng của nhiều cặp vợ chồng già, cả ông lẫn bà.


Theo Giáo sư L. Migerode, cũng có nhiều cặp vợ chồng tuy nói ít, nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc bên nhau.


Thật ra, sự im lặng tự nó chẳng phải là xấu hay tốt. Tất cả còn tùy thuộc vào cách hành xử của mỗi người.

Nhiều người nói nhiều quá nhưng không bao giờ biết lắng tai nghe người kia nói gì.

Một cuộc tranh cãi xây dựng cần phải được ngắt đoạn bằng sự im lặng: để nghe, để người kia trình bày, để suy tính kỹ càng những gì mình muốn nói ra…Mỗi cặp phải biết tìm cho họ cách hành sử modus vivendi nào thích hợp nhất.

Ngược lại, chúng ta phải tự đặt câu hỏi khi mình cố né tránh những đề tài có thể đưa đến khẩu chiến.

Theo Giáo sư L. Migerode, những cuộc gây lộn, khẩu chiến tơi bời tới tấp rất cần thiết trong một mối giao tiếp lành mạnh. Chúng sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề, phơi bày nỗi lòng, tuôn ra hết bực dọc ấm ức trong lòng, xóa tan những hiểu lầm nhau và cũng giúp cả hai vợ chồng xả xú bắp được phần nào để có thể khởi đầu lại một cách tốt đẹp.

Câu hỏi cần được đặt ra đây là, liệu ông chồng hay bà vợ có cảm giác và có biết được con người thật của vợ mình hay chồng mình lúc hai người mới lấy nhau không?

Câu trả lời thường thấy là có.

Thông thường thì chúng ta lựa chọn người hôn phối qua một nét hay một tánh nết nào đó và cũng chính cái tánh nết đó lâu ngày làm chúng ta bực mình.

Mấy ông bà già trầu đôi khi dám nói tại thằng chồng hay con vợ bị con đó hay thằng đó cho ăn bùa mê thuốc lú gì đó, nên chẳng cần biết tính hơn tính thiệt gì cả!


Một ông chồng hay một bà vợ ít nói và hướng nội introverti, lúc đầu đã bị mê hoặc một cách mù quáng cái tính nói nhiều, chép chép, lanh lợi của người kia nhưng ngày nay thì không thể chịu đựng nỗi tánh ý đó nữa.

Cũng có thể có trường hợp theo thời gian một người ít nói ngày xưa, nay lại trở nên hoạt bát và nói nhiều extroverti.

Người ta tự hỏi phải chăng chính những thái độ của chúng ta đã khiến người kia phải thay đổi.

Thông thường trong đời sống lứa đôi, cả hai người hôn phối đều có khuynh hướng xác định hình ảnh của người kia và của chính mình. Kết quả là họ phóng đại hình ảnh đó một cách quá lố. méo mó và họ có thể tạo ra những vấn đề không có thật.

Thật sự ra, người ít nói có thể không hẳn là nói ít như người ta tưởng, và người nói nhiều cũng không thể nói họ hoạt bát như mọi người đều lầm tưởng đâu.

Đàn ông ít nói và Đàn bà ham nói… Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy đâu. Mỗi một nhân cách có thể có nhiều bộ mặt. Có thể bà ham nói extroverti lại nín khe và ông ít nói introverti lại thao thao bất tuyệt trước một vấn đề trúng tủ nào đó và nhất là nếu người hỏi là người khác phái (?), thật không tài nào hiểu được!

Bởi vậy cho nên có nhiều trường hợp ông ăn chả bà ăn nem, và rồi lại đi vào cái vòng lẩn quẩn mãi không có exit!

Người ta tự hỏi có phải một cặp vợ chồng lý tưởng cần phải có một người ít nói và một người nói nhiều, đúng theo luật bù trừ trong tâm lý học chăng?

Kết luận

Người gõ xin mượn bài thơ «Mình ơi, mình à» của Tú Lắc để thay lời kết: 
Chúng mình như đũa có đôi – Có đôi để gọi “mình ơi, mình à”


MÌNH ƠI ! MÌNH À !



“Mình với ta tuy hai mà một

Ta với mình tuy một mà hai”
Nhưng mình có tật nói dai
Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi

Ta mình “hai đứa” một đôi
Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người
Làm lành “hai đứa” lại cười
Xáp vào lại hóa hai người một đôi

Ngọt ngào cất tiếng “Mình ơi!”
Trên đời đẹp nhất là tôi với mình
Đôi khi có chuyện bất bình
Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau

Nhưng mà giận chẳng được lâu
Giận nhau hôm trước hôm sau lại hòa
Nhìn mình tôi bật cười xòa
Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi

Chúng mình như đũa có đôi
Có đôi để gọi “mình ơi, mình à !”
Bây giờ như cặp khỉ già
Nhưng mà vẫn cứ “mình à, mình ơi !”

Khi nào thấy vắng bóng tôi
Thì mình lại gọi: Mình ơi, mình à
Khi nào tôi thấy vắng bà
Thì tôi lại gọi: mình à, mình ơi!

Gọi nhau cho trọn cuộc đời….
Tú Lắc

Nguyễn Thượng Chánh, DVM

Đọc thêm:
- Helène Fresnel Hommes et femmes peuvent il s’entendre?» Psychologies no 297 juin 2010.
http://www.psychologies.com/Moi/Moi-et-les-autres/Relationnel/Articles-et-Dossiers/Reussir-a-mieux-se-parler/Hommes-et-femmes-peuvent-ils-s-entendre
- Pouquoi les femmes parlent et les hommes se taisent. Plusbe magazine
http://plusmagazine.rnews.be/fr/societe/psycho/artikel/816/pourquoi-les-femmes-parlent-et-les-hommes-se-taisent-
-/ Bác sĩ Thú y Nguyễn Thượng Chánh.
- Có hiểu mới có thương
http://vietbao.com/p112a223231/2/co-hieu-moi-co-thuong
- Tại sao đàn ông sợ đàn bà
http://www.vietbao.com/a145524/tai-sao-dan-ong-so-dan-ba
- Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê
http://vietbao.com/a210373/chong-gian-thi-vo-bot-loi-com-soi-bot-lua-chang-doi-nao-khe
-/ Vương Ngọc Hà & Bà xã; Đánh vợ hay bị vợ đánh
http://nguoivietboston.com/?p=31742
-/ Mây Cao nguyên. Chuyện vợ chồng. Vietbao.com
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=163823
-/ Dã Quỳ. Người phụ nữ muốn gì? Lao động online
http://nld.com.vn/20101230092243349P0C1030/phu-nu-muon-gi.htm
-/ Bệnh nói nhiều của phụ nữ
http://www.congdongnguoiviet.fr/LinhTinh/1005BinhNoiNhieuH.htm

Montreal

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét