Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Kẻ sĩ rời xa, bất tài ăn bám

Kẻ sĩ rời xa, bất tài ăn bám
Lê Chân Nhân/Dân trí: Đã có nhiều diễn đàn bàn về tình trạng tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài không muốn trở về Việt Nam làm việc. Phần lớn người trong cuộc đều cho rằng họ rất muốn về nước cống hiến, nhưng do môi trường không phù hợp nên họ không dám về, hoặc có người trở về nhưng lại phải ra đi.

Minh họa: Ngọc Diệp
Thực ra, tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài cũng có năm bảy loại, không thiếu những tấm bằng chất lượng thấp, thậm chí bằng mua. Ở đây chỉ xin được bàn đến tiến sĩ thiệt, có thực tài và có thực tâm, nhưng họ đã không trở về.

Người có chữ sử dụng cách nói lịch sự là “môi trường không phù hợp”. Nhưng cần phải cụ thể hóa môi trường đó là gì mới thấy rõ được vấn đề. Chung quy chỉ có hai thứ: Thu nhập và đãi ngộ.

Trước hết là thu nhập. Có nhiều người nhiệt tâm, hăng hái vào làm ở các cơ quan nhà nước, với mong muốn đem sở học của mình để đóng góp, cống hiến. Nhưng đồng lương nhà nước có khung có bậc, cho dù anh giỏi đằng trời cũng không thể trả lương cao hơn quy định. Với mức thu nhập vài triệu đồng/tháng, thì anh ta không đủ cơm ăn áo mặc, lấy đâu ra “lửa” để tiếp tục đốt cho thành nhiệt trong tâm. Không ai có thể yên tâm làm việc khi sống thiếu thốn, vợ con chạy ăn từng bữa. Cho nên, họ bật ra khỏi cơ quan nhà nước, gõ cửa tư nhân, lương cao hơn và cư xử cũng công bằng hơn.

Kế đến là đãi ngộ. Cũng cần được hiểu đãi ngộ ở đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra, mà còn nhiều thứ khác. Tạo điều kiện tối đa để nhân tài thể hiện là đãi ngộ, ủng hộ sáng kiến hay cải cách là đãi ngộ, sẵn sàng cho nhân tài thăng tiến là đãi ngộ. Cho dù có thể thu nhập chưa cao, nhưng chính những sự đãi ngộ này đã giữ chân người tài.

Nhưng khi vào làm việc ở cơ quan nhà nước, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ (tất nhiên là có thực tài) đã thất vọng vì không chỉ lương thấp, mà không có được sự đãi ngộ tương xứng. Nhiều người không được tạo điều kiện để phát huy sở học, sáng kiến không được ai quan tâm, việc làm không phù hợp với kiến thức được học, con đường thăng tiến mù mịt vì có nhiều kẻ bất tài đang ngồi trên đầu trên cổ. Nhân tài mà rơi vào cảnh “sáng vác ô đi tối vác về” thì với lòng tự trọng của kẻ sĩ, họ không thể chấp nhận. Chưa kể, vì đố kỵ, người bất tài thường rất ghét người tài, sợ họ tranh giành vị trí. Cho nên người tài bị cho ra rìa, bị cô lập.

Tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân có thực tài tốt nghiệp ở nước ngoài không muốn về nước làm việc là một phần. Một phần khác về nước nhưng không làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà làm cho công ty nước ngoài hoặc công ty tư nhân. Nhiều ý kiến cho rằng đó là chảy máu chát xám. Nhưng xét cho cùng, chất xám không mất đi đâu, mà ở các vị trí, thành phần khác nhau, cũng đang phục vụ cho xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Chỉ có điều, với cách sử dụng nhân tài trong các cơ quan nhà nước hiện nay, thì sẽ không giữ chân được người có thực tài mà chỉ nuôi dưỡng những kẻ bất tài. Những kỳ thi tuyển công chức đầy tai tiếng vừa xảy ra ở Bộ Công thương cho thấy người ta không cần người có tài, mà cần người có tiền mua ghế hoặc dành chỗ béo bở cho con cháu.

Bộ máy hành chính công mà nhiều kẻ bất tài đục khoét còn kẻ sĩ rời xa thì cải cách đằng trời cũng không mạnh.

Theo Dân trí

1 nhận xét:

  1. cu nhin tam guong nhu Tran Duc Thao, Nguyen Manh Tuong...cung du hieu : The che nay coi thuong nguoi tai. Dan toc Viet lam sao theo kip cac nuoc khu vuc. Benh thanh tich da lam u me xa hoi, chuong gia ghet su that

    Trả lờiXóa