Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Cứ nghe chuyện "nhạy cảm", lập tức phẫn nộ

Tôi không đồng tình với đoạn chê bai, phê phán mở đầu bài này của tác giả; chỉ đồng ý với phần phân tích cuối bài. Tôi rất tiếc thấy ở nước ta, quan chức thản nhiên cho đập phá các công trình cũ dù chúng vẫn còn tốt hoặc có giá trị văn hóa, lịch sử... để lấy đất xây công trình mới. Đa phần có giải pháp thay thế để giữ lại nhưng công trình cũ, nhưng quan chức không thích nghĩ đến cho phức tạp. Một xã hội mà cứ xây lên lại phá thì sẽ không thể giàu được. Một vấn đề khác là quan chức thích đầu tư, vì có đầu tư là có tiền bỏ túi; do đó vẽ ra đủ loại dự án và vận động vay tiền nước ngoài để đầu tư. Hiệu quả đầu tư như vậy chắc chắn thấp, trong khi nợ nước ngoài ngày càng nhiều.
Cứ nghe chuyện "nhạy cảm", lập tức phẫn nộ
Khi được minh bạch về cái giá phải trả cho mỗi lựa chọn (về nhiều thứ), người dân sẽ hiểu, chọn và chấp nhận. Chấp nhận rồi thì tâm đồng, ý hiệp, thông tin rối nhiễu dạng "các mẹ ơi" sẽ giảm thiểu.

Ảnh minh họa: panoramio
Nào đâu phải đợi đến Ebola xuất hiện. "Cư dân mạng" Việt Nam đã từ lâu chứng minh tính cả tin cao độ của mình. Từ người đẻ ra đỉa to bằng cổ tay, rắn thiêng cứu mạng cả làng, cho đến các sao Việt bị bệnh chết nửa đêm hôm qua tại sa mạc châu Phi, "các mẹ" nhanh như chớp chia sẻ và đồng thanh oán thán theo bất cứ người nào đầu tiên tung tin. Ebola chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" khi "các mẹ" tung đúng thông tin gây lo sợ khiến ngành chức năng phải vào cuộc.

Nếu như đó (vẫn) là một thông tin vô thưởng vô phạt, thì chắc chửa hề gì. 

Cũng chẳng phải do thiếu thông tin khiến cho các mẹ hoang mang và phải dựa dẫm vào bất cứ nguồn tin nào vừa vớ được như vậy. Nhìn rộng ra, hội chứng "các mẹ ơi" nào có dừng lại ở các thông tin vô hại.

Nó như một phong trào.

Giống như mấy hôm nay nhiều người đang bị cuốn theo cơn sốt tiếc thương thương xá TAX. Như cách đây vài tuần tiếc thương hàng cây dầu trước cửa nhà hát TP. Hàng cổ thụ trên đường Láng Hà Nội. Phản ứng gắt gao việc hạn chế xe máy. Tuyệt đối chống trả đường sắt cao tốc... vân vân.

Bình tĩnh lại. Thương xá TAX có còn đẹp không thưa các bạn? Chỉ trừ cầu thang còn nguyên bản là quá sức đẹp, ngoài ra TAX từ lâu không còn lung linh như cách đây 130 năm. Nhìn bên ngoài, TAX nhếch nhác và nhem nhuốc vì từ lâu không được sửa chữa sơn phết. Người Sài Gòn cũng không chọn TAX là điểm mua sắm thường xuyên của họ, đơn giản vì những trung tâm mua sắm mới có quá nhiều thứ hấp dẫn hơn.

Hàng dầu trước cửa nhà hát thành phố có đẹp không? Đẹp lắm chứ, tất nhiên nếu giữ được nguyên trạng hoặc di dời nó đến chỗ khác thì hay biết bao nhiêu. Nhưng bạn có biết giá cả của việc di dời nguyên trạng không?

Hàng cổ thụ trên đường Láng, Hà Nội cũng thế. Bạn đã trải qua cảm giác bị chèn kín bốn bên bởi xe máy xe tải các loại vì con đường quá sức hẹp chưa? Tôi thì đã.

Lớn tiếng phản đối những chính sách hạn chế xe máy. Bạn hãy tìm con số tai nạn giao thông hàng năm tại Việt Nam, trong đó phần lớn do xe máy và nạn nhân là người đi xe máy. Hãy dùng con mắt bình thường của mình để so sánh sự an toàn khi ngồi trong xe (bus, tàu điện, taxi, xe hơi riêng...) với người ngồi trùng trục trên xe máy, chung làn với container và xe tải.

Nhất quyết không làm tàu cao tốc. Hãy dành 5 tiếng đồng hồ ê lưng trên một chuyến tàu chạy xình xịch xình xịch cho một đoạn đường chưa tới 200 km, cộng thêm không biết bao nhiêu bận tránh tàu. Tại sao ta không thể đổi nó lấy 30 phút tàu cao tốc, hay là "ôi tiếng xình xịch đã đi vào tuổi thơ tôi làm nên dấu ấn khó quên, bây giờ mất nó tuổi thơ tôi biết bám víu vào đâu?"

Tôi cũng như bạn, đã nhiều lần chúng ta kêu gọi cả làng ơi biết gì chưa, để mà cực lực lan tỏa và phản đối một thông tin mà chính chúng ta cũng... chưa biết gì!

Có thể tìm biết không? Có.

Mọi dự án đều chỉ được tiến hành sau khi trải qua chán chê các giai đoạn thẩm định, so sánh, phân tích.. của các chuyên gia trong lĩnh vực, trong đó các phương án khác nhau đều được đưa ra để cân nhắc. Những dự án ảnh hưởng nhiều đến người dân thường được báo chí bám rất sát. Các ví dụ cụ thể nêu ở trên đều có thể tìm được trong báo chí những năm trước về cách thức và tiến độ thực hiện vân vân. Nghĩa là nếu quan tâm thì người dân đều có thể biết rõ về dự án hàng nhiều năm trước, khi nó mới vừa được dự định.

Vậy thì tại sao chúng ta vẫn cứ xôn xao ú, á, trời ơi, không ngờ nổi... mỗi khi có bất cứ một thông tin nào đáng quan tâm?

Theo tôi, có hai nguyên nhân.

Một là chúng ta bồng bột, a dua, cứ nghe thông tin gì nhạy cảm là lập tức chia sẻ và phẫn nộ. Nhất là khi những thông tin ấy có một số người nổi tiếng cũng ú, á, trời ơi... Lập tức chúng ta cho rằng người nổi tiếng đã nói tức phải đúng, phải nói theo ngay kẻo mất thời sự. Chúng ta quên rằng trừ thánh thần, ai cũng có thể sai cả. Người nổi tiếng cũng chỉ giỏi giang trong lĩnh vực chuyên ngành của họ, Nobel mà ngồi ghế giám khảo Master Chef thì thảm họa là đấy chứ còn đâu nữa?

Nguyên nhân thứ hai theo tôi quan trọng hơn. Đó là cách thức truyền thông của các cấp quản lý.
Vì lẽ gì tin tức có rất nhiều, từ rất lâu nhưng chẳng thông được đến tai người cần nó?

Ngoài hệ thống truyền thông dày đặc, thì ngay tại nơi sinh sống, tổ dân phố còn có quy định họp định kỳ hàng tháng để thông báo những điều cần biết. Ngoài ra mỗi người dân lại còn có một hệ thống đại diện cho mình bao gồm các vị đại biểu HĐND từ phường trở lên đến đại biểu quốc hội. Mỗi một kỳ họp HĐND ta thấy người dân được quan tâm hết sức, cái ống cống ở đầu phố bị nghẹt cũng được đại biểu gọi các ban ngành chức năng ra chất vấn. Nếu như ngày thường hệ thống khổng lồ này cũng hoạt động theo đúng chức trách nhiệm vụ của nó thì làm sao có chuyện dân không thông, suốt ngày ú, á, trời ơi, bất ngờ quá với không tin nổi?

Việc thứ hai là để cho dân tham gia vào các quyết định liên quan đến đời sống của mình.

Ví dụ vụ dời cây ở đường Láng (Hà Nội) hay trước Nhà hát thành phố (TP HCM), ngành chức năng có thể công khai trưng cầu dân trong vùng bị ảnh hưởng về các phương án khác nhau. Cụ thể như dời cây đến công viên thì mất bao nhiêu tiền, ngân sách có đáp ứng đủ không, nếu không đủ mà người dân trong vùng vẫn dứt khoát chọn cách này thì lấy tiền ở đâu, hoặc phải ngưng một số dự án khác để dồn tiền vào dự án này. TAX nên được tái xây dựng ra sao. Tàu cao tốc sẽ mang lại những lợi ích gì so với hiện tại ...

Khi được minh bạch về cái giá phải trả cho mỗi lựa chọn (về nhiều thứ), người dân sẽ hiểu, chọn và chấp nhận. Chấp nhận rồi thì tâm đồng, ý hiệp, thông tin rối nhiễu dạng "các mẹ ơi" sẽ giảm thiểu.

Chẳng nói đâu xa, ở nhiều dự án làm đường giao thông nông thôn, người dân hiến không tiếc đất, lăn lưng vào làm, giảm được rất nhiều chi phí cùng thời gian là do họ được biết và được quyết định làm điều gì tốt nhất cho mình.

Thậm chí điều này còn được quy định trong luật.

Thế nhưng trong các dự án lớn có thể thay đổi tốt hơn rất nhiều đời sống của người dân, tại sao điều đó lại chưa làm được?

Hoàng Xuân
(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét