Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Cậu bé 'người rừng' và gia cảnh thương tâm

Cậu bé 'người rừng' và gia cảnh thương tâm
Đó là cậu bé không tên, không hộ khẩu ở tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gọi là “người rừng” bởi cậu bé thường ăn cá sống, ăn lá cây, có sở thích trèo cây, hái lượm, có bước đi rất lạ, và ban đêm thường có những tiếng hú. Suốt hơn 10 năm qua, cậu bé khoảng 15 tuổi này sống với mảnh vải rách rưới, không hề mặc quần, đầu trần, chân đất sống khổ cực, thiếu thốn mọi thứ. Thấy người lạ là cậu bé bỏ chạy.

Người rừng “không tên” mặc cái áo rách rưới suốt hơn 5 năm qua
Nuốt gọn con cá sống vào bụng, vừa đi vừa hú
Đập vào mắt chúng tôi là một ngôi nhà hoang tạm bợ rách nát, những nhánh nè, tre làm cửa chất thành lùm, cửa được khóa bởi những sợi dây thắt lưng quần, dây áo... 
Hơn 10 năm qua, họ sống trong căn nhà đổ nát ẩn sâu trong cây cối bụi rậm và gần như tách biệt với phố xá bên ngoài.

Người dân ở đây nói rằng, gia đình đó có 3 mẹ con đang sinh sống. Người mẹ tên là Nguyễn Thị Thanh Minh, khoảng chừng 45 tuổi, sinh sống với 2 con rất hoang dã, và thường xuyên cầu bơ cầu bất loanh quanh khu vực Truồi, có khi cậu bé trèo lên đến đèo Phước Tượng, loanh quanh quanh đó một cách khó hiểu.


3 mẹ con sống trong căn nhà rách nát, tồi tàn tách biệt với thế giới bên ngoài

Trên người cậu bé chỉ mặc có mỗi cái áo màu đà đã rách nát và không mặc quần. Hàng ngày, cậu bé cứ la lết khu vực này đến khu vực khác với bộ dạng như thế, và hay hú, nhảy lóc cóc trong mỗi bước chân.

Họ không có hộ khẩu, 2 đứa con bà đều không có tên, không có giấy khai sinh, không biết chữ và không được học hành.

Nhìn những vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong “ngôi nhà” 3 mẹ con bà sống khiến người chứng kiến hết sức kinh ngạc. Trong nhà không có điện, không nước... họ lấy từng bịch nước giếng đựng sẵn đã ố màu làm nước nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày. Những chiếc xoong nồi đã hoen ố, mốc rỉ để nấu ăn.

Ông Nguyễn Đoàn, 52 tuổi, người dân sống gần nhà cậu bé, ở thôn Sư Lỗ nói: “Đã gần 10 năm nay cháu vẫn thế, cứ thấy người lạ là bỏ chạy. Tôi thường chứng kiến cháu xuống sông bắt cá sống, cầm lên cười một lúc rồi nuốt gọn con cá sống vào bụng, đêm khuya và buổi trưa khi mọi người đã ngủ thì cháu trèo lơ lửng trên ngọn cây dừa hái trái để mang về nhà ăn”.

Bà Lê Thị Mộng Lý, người dân thôn Sư Lỗ cho biết thêm, để có cái ăn, người mẹ của 2 cháu nhỏ đã phải bán đi mái tóc dài với giá 500 ngàn đồng lấy tiền mua gạo.


Tất cả mọi thứ xung quanh đối với cậu bé “không tên” đều lạ lẫm nên cậu bé gặp người lạ là bỏ chạy.

Trưởng thôn Sư Lỗ, ông Nguyễn Ngọc Thành nói: “Đúng là có chuyện cậu bé ấy ăn cá sống, sống cuộc sống ăn lông, ở lỗ thật... Có người thương cho cháu áo quần thì cậu bé không mặc, chỉ mặc duy nhất cái áo rách nát, đã mặc hơn 5 năm qua. Cả gia đình có 2 người con thì không được học hành, mẹ thì bị tâm thần. Cuộc sống nan giải lắm.

Mà kể cũng lạ, cái thằng cu sau còn tỉnh, chứ thằng cu đầu thấy tui là bỏ chạy. Hắn đi cả đêm, vừa đi vừa hú, những âm thanh phát ra nghe rợn cả người, thấy người lạ là bỏ chạy. Cháu sống không khác người rừng”.

Tương lai nào cho các em?

Theo xác minh của công an địa phương, 3 mẹ con bà Minh sống ở đây đã hơn 10 năm, căn nhà bà sống là của bố mẹ đẻ để lại. Do sống không điện, không ánh đèn nên những đứa con của bà lần lượt ra đời mà không biết tên cha. Từ đó, 3 mẹ con cứ sống tách biệt với người bên ngoài.

Cũng có cái lạ, dù sống trong môi trường ẩm ướt, không mảnh vải che thân, thiếu thốn, nhưng cậu bé 15 tuổi vẫn ít khi bị bệnh nặng hay sốt rét hành hạ.

Một cán bộ công an xã Lộc Điền nói: “Mùa bão năm trước, cậu bé còn đào hầm nấp bão trong nhà. Lãnh đạo xã, huyện về vận động đi tránh bão, cả gia đình không chịu đi, cứ ở ẩn trong nhà vậy”.

Khi gặp chúng tôi, cậu bé 15 tuổi vẫn tỏ vẻ sợ sệt, chỉ đứng yên một chỗ, rồi bỏ chạy. Tất cả đối với cậu đều lạ lẫm. Phải hết sức thuyết phục, cháu bé mới quay trở lại ngôi nhà rách nát của mình.


Ba mẹ con của họ dùng nước giếng nhiễm phèn để sinh hoạt, ăn uống suốt hàng chục năm qua

Ông Huỳnh Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc trăn trở: “Mấy năm qua, chúng tôi cũng biết trường hợp này rất khó khăn, mà gia đình này cũng có gen di truyền về bệnh điên.

Năm ngoái, có kinh phí hơn 50 triệu sửa chữa lại nhà mới cho bà, xã cũng đã mời người thân của bà Minh lên làm việc để hỗ trợ xây nhà mới cho 3 mẹ con ở, nhưng người thân của bà không lên nên đã hỗ trợ cho trường hợp khác. Chừ mình tới vận động họ, họ không chấp nhận biết làm răng được”.

Theo ông Bình, đây là vấn đề trăn trở của địa phương. “Chúng tôi cũng mong các nhà hảo tâm tạo điều kiện cho 2 đứa nhỏ có cuộc sống tương lai về sau. Bởi các cháu không được học hành, lại mất hết khả năng hành vi của mình. Sau này lớn lên… thì chẳng biết thế nào”.


Cậu bé sống với mảnh vải rách rưới, không hề mặc quần, đầu trần, chân đất sống khổ cực, thiếu thốn mọi thứ

Bài, ảnh: Nguyễn Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét