Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Cẩn trọng trong mạo hiểm

Cẩn trọng trong mạo hiểm
TTCT - Nhiều đại học ở châu Á lập tạp chí khoa học để quảng bá nghiên cứu của trường và qua đó nâng cao uy danh của trường trên thế giới. Ở Việt Nam một số trường đại học đã và có ý định lập tạp chí khoa học quốc tế.
Minh họa: Đức Trí
Tuy nhiên, đằng sau ý tưởng là những khó khăn cả về điều hành và duy trì sự sống còn của tạp chí mà nhiều khi ít ai nghĩ đến. Tạp chí khoa học có bình duyệt là một trong những yếu tố định hình khoa học hiện đại nhưng có một lịch sử khá lâu đời. Có thể xem tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society của Anh, xuất bản lần đầu năm 1665, là tạp chí khoa học đầu tiên trên thế giới vì công bố những kết quả nghiên cứu khoa học.

Từ truyền thống đó, tạp chí khoa học được xem là một diễn đàn, nơi các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu, chia sẻ ý tưởng và phương pháp. Vì tính liên tục trong xuất bản, tạp chí khoa học là một phương tiện chuyển tải thông tin từ thế hệ này sang thế hệ tiếp nối.

Gerard Piel (người đầu tiên xuất bản tạp chí Scientific American) từng nói một câu chí lý rằng “nền khoa học sẽ chết nếu không có công bố” (“Without publication, science is dead”).

Tôi nghĩ tạp chí khoa học còn mang ý nghĩa xã hội. Đó là nơi để chúng ta lưu trữ chứng từ khoa học về một vấn đề nào đó. Chứng từ khoa học rất quan trọng vì nó có thể được sử dụng chẳng những trong khoa học, sinh hoạt hằng ngày mà còn trong tòa án.

Chẳng hạn, thông tin khoa học về biển đảo của Việt Nam nếu được công bố trên các tạp chí khoa học thì sẽ trở thành chứng từ khoa học để có thể đề cập lâu dài về sau.

Phong trào thành lập tạp chí khoa học

Có thể nói 99% tạp chí khoa học hiện nay là do Mỹ và vài nước Tây Âu như Anh, Đức và các nước Bắc Âu chiếm lĩnh. Tiêu chuẩn công bố cũng do các nước này, đặc biệt là Mỹ, đề ra và xét duyệt. Hiện nay, hầu hết tạp chí danh giá nhất, uy tín nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đều xuất phát từ Mỹ. Nhà khoa học có công trình chất lượng cao đều có xu hướng gửi bài và công bố trên những tạp chí của các nước Âu Mỹ.

Trong vài thập niên gần đây, khi kinh tế các nước châu Á phát triển, nghiên cứu khoa học rất được quan tâm. Tuy nhiên, các nhà khoa học châu Á dần nhận ra rằng các bài báo của họ bị từ chối nhiều hơn các bài báo của những đồng nghiệp Âu Mỹ. Trong một phân tích do tập san quang tuyến American Journal of Roentgenology thực hiện, trong số hơn 5.000 bản thảo của các tác giả trên khắp thế giới nộp trong vòng hai năm, các bài từ Mỹ có tỉ lệ từ chối là 28%, còn các nước và vùng lãnh thổ châu Á thì cao hơn: Ấn Độ 73%, Đài Loan 54%, Trung Quốc 42%, Nhật 42%... Những khác biệt đó làm nhiều người suy nghĩ vì rõ ràng đó là những khác biệt mang tính hệ thống và có thể gây thiệt thòi.

Tuy chưa có bằng chứng để nói sự khác biệt về tỉ lệ từ chối bài báo khoa học là thể hiện sự kỳ thị, nhưng các nhà khoa học châu Á nhận ra rằng họ cần có những tạp chí cho riêng họ. Nhật từng lập tạp chí khoa học cho riêng mình hơn 50 năm qua. Thế là một phong trào lập tạp chí khoa học ở các nước đang phát triển bắt đầu.

Tại Trung Quốc và Trung Đông, nhiều đại học ký hợp đồng với các nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới để lập tạp chí khoa học. Phong trào lập tạp chí khoa học do các trường làm chủ quản tuy có vài lợi thế nhưng cũng đặt ra vài vấn đề thực tế.

Đằng sau một tạp chí khoa học

Xây dựng một tạp chí khoa học mới là việc làm đầy gian nan. Một tạp chí khoa học cần phải có một cơ quan chủ quản, tổng biên tập, một ban biên tập và một nhà xuất bản. Cơ quan chủ quản thường là hội chuyên môn, trường đại học hoặc viện nghiên cứu. Khái niệm chủ quản ở đây không giống như chủ quản của báo chí phổ thông.

Nếu cơ quan chủ quản là một hiệp hội chuyên môn, họ thường có một ủy ban xuất bản lo việc thành lập và quản lý tạp chí (về nội dung khoa học, định hướng, bổ nhiệm tổng biên tập, ban biên tập và quản lý tài chính). Dĩ nhiên, cơ quan chủ quản không can thiệp vào quyết định công bố hay từ chối bài báo vì đó là nhiệm vụ của ban biên tập và tổng biên tập.

Một tạp chí khoa học phải có một ban biên tập mà đứng đầu là tổng biên tập. Tổng biên tập của tạp chí khoa học không phải và không cần phải là một nhà khoa học lừng danh thế giới. Người ta chọn tổng biên tập dựa vào thành tích khoa học khá và có kinh nghiệm xuất bản khoa học cũng như kinh nghiệm quản lý khoa học, kể cả đạo đức khoa học.

Tổng biên tập không phải do nhà xuất bản bổ nhiệm như vài người hiểu lầm. Nếu cơ quan chủ quản là trường đại học hay hiệp hội chuyên môn thì họ chính là cơ quan bổ nhiệm tổng biên tập. Tổng biên tập là người lập ban biên tập của tạp chí. Thành viên ban biên tập thường là người quen của tổng biên tập hoặc người trong chuyên ngành.

Nếu là tạp chí nghiêm chỉnh, tất cả thành viên của ban biên tập là những nhà khoa học có tiếng tốt trong chuyên ngành. Nhưng trong thực tế vì bè bạn nên một số thành viên ban biên tập xuất hiện như một cái tên không hơn không kém chứ chẳng có đóng góp gì cho tạp chí.

Tạp chí khoa học phải có một nhà xuất bản. Trước đây, một số hiệp hội và trường đại học lớn có nhà xuất bản riêng nên họ tự xuất bản. Tuy nhiên, đối với các hiệp hội nhỏ và các trường chưa có kinh nghiệm xuất bản thì thường ký hợp đồng với một nhà xuất bản.

Trong thế giới khoa học, chỉ có một số nhà xuất bản đang thống trị kỹ nghệ này như Elsevier, Springer, Wiley, Blackwell, Taylor&Francis... Trong vài trường hợp, nhà xuất bản cũng có thể thành lập và đóng vai trò chủ quản tạp chí khoa học.

Nhà xuất bản là một doanh nghiệp, và họ lúc nào cũng tìm thị trường mới. Một số tập đoàn xuất bản khoa học nổi tiếng như Nature và Elsevier đã có mặt ở châu Á hơn 10 năm qua vì họ thấy nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc và châu Á đang phát triển rất nhanh nên nhu cầu xuất bản rất lớn. Do đó, họ không quá quan tâm đến danh tiếng của tổng biên tập hay ban biên tập mà quan tâm đến lợi nhuận và thị trường đầu tiên.

Mỗi một bài báo được xuất bản, họ lấy tiền ấn phí của tác giả từ 600-2.000 USD, tùy hình thức xuất bản và tùy tạp chí. Xuất bản theo mô hình mở (còn gọi là Open Access, chỉ có trên online) thường có ấn phí đắt hơn gấp đôi xuất bản theo mô hình truyền thống (in trên giấy). Tuy nhiên, một số nhà xuất bản miễn phí cho các tác giả từ những nước nghèo như Việt Nam.

Lập tạp chí đã khó, duy trì còn khó hơn

Một tạp chí mới lập cũng như một doanh nghiệp mới được thành lập, có một tương lai mịt mờ. Trên thế giới ngày nay có hơn 100.000 tạp chí khoa học, nhưng chỉ có khoảng 5.000 hay 10.000 (tùy vào dữ liệu) được công nhận (nghĩa là được các tổ chức như Viện Thông tin khoa học Hoa Kỳ (ISI) đưa vào danh mục các tạp chí khoa học).

Quá trình từ lúc ra đời đến lúc một tạp chí được chấp nhận vào danh mục ISI là một phấn đấu gian nan. Trước hết, ngoài ban biên tập có thành viên quốc tế, tạp chí phải chứng minh là có bài vở công bố thường xuyên. Không chỉ công bố thường xuyên, những bài công bố phải được các đồng nghiệp trích dẫn (chứ không phải tự trích dẫn!). Nói cách khác, tạp chí phải có bài vở chất lượng, chất lượng phản ánh qua tần số trích dẫn.

Hơn 50% (có nơi 70%) các bài báo công bố trên các tạp chí không bao giờ được ai trích dẫn. Không được trích dẫn là một tín hiệu cho thấy công trình nghiên cứu có chất lượng quá kém hay vô bổ. Một tạp chí mới thành lập phải rất gian nan để có bài vở tốt.

Nhưng các tác giả, ngay cả tác giả có tên trong ban biên tập, có công trình tốt sẽ gửi cho các tạp chí có hệ số ảnh hưởng (impact factor - IF) cao, chứ không bao giờ gửi cho các tạp chí mới vì chưa có IF. Các nghiên cứu sinh mới vào nghiên cứu cũng sẽ không gửi bài cho các tạp chí mới vì họ sẽ không có điểm và khó bảo vệ luận án.

Có một nhóm có thể gửi bài cho tạp chí mới, đó là những bài báo đã bị các tạp chí có IF từ chối công bố nên họ sẽ gửi cho các tạp chí mới. Như vậy, nếu không khéo, các tạp chí mới hứng lấy những bài báo mà các nơi đều bác bỏ và trở thành những “thùng rác khoa học”.

Có nên lập tạp chí khoa học?

Việc các trường đại học Việt Nam muốn có một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh có lẽ xuất phát từ truyền thống trước đây trường nào cũng có một tạp chí khoa học viết bằng tiếng Việt. Nhưng như mô tả ở trên, tạp chí khoa học rất khác những tạp chí mang tính nội bộ của trường.

Lập tạp chí đã khó, duy trì nó có chất lượng còn khó gấp bội vì đòi hỏi nhân lực có kinh nghiệm, tiền bạc và thời gian. Các đại học Việt Nam có lẽ không thiếu tiền để làm tạp chí khoa học, nhưng nhân sự có kinh nghiệm trong xuất bản khoa học chắc chắn thiếu.

Vấn đề bài vở có chất lượng là một thách thức lớn. Ở Việt Nam nghiên cứu khoa học còn rất kém nên bài vở sẽ không nhiều, và nếu công bố những bài có chất lượng kém, nguy cơ thành “thùng rác khoa học” khá cao và sẽ khó vào danh mục ISI. Bất cứ trường nào muốn có tạp chí khoa học cần phải suy nghĩ nhiều lần trước khi thực hiện.

Câu hỏi nghiêm chỉnh cần đặt ra là: các đại học Việt Nam có cần có tạp chí khoa học bằng tiếng Anh như các nơi khác? Theo tôi có lẽ là không. Trong “rừng” tạp chí trên thế giới, một tạp chí khoa học từ Việt Nam khó có khả năng sống sót lâu dài do khả năng cạnh tranh không cao.

Thay vì tốn tiền lập tạp chí khoa học bằng tiếng Anh, nên dành tiền đó để lập quỹ nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu, tập trung vào nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và có ảnh hưởng cao.
Ai “ngồi mát ăn bát vàng”?
Xuất bản khoa học là một thương vụ tuyệt vời vì đầu tư ít nhất mà lợi nhuận rất cao. Trong khi nhà khoa học tốn tiền và thời gian để làm nghiên cứu, tạp chí có ban biên tập lo phần khoa học của bản thảo, phụ trách bình duyệt bài báo, quyết định đăng hay không... thì nhà xuất bản chẳng phải làm gì ngoài việc gửi hóa đơn đến tác giả đòi tiền khi bài báo được chấp nhận cho công bố.
Mỗi bài báo tác giả có thể phải trả từ 600-2.000 USD, tùy theo mô hình xuất bản và tạp chí.
Trong quy trình đó, nhà xuất bản chẳng dính dáng đến việc nộp bài báo vì tác giả lo hết, chẳng chỉnh sửa bài báo vì đã có tác giả làm, chẳng cần in vì hiện nay đều xuất bản online. Họ chẳng cần trả lương cho ban biên tập (vì ban biên tập làm việc hoàn toàn không lương). Họ chỉ có hệ thống máy tính, phần mềm quản lý bản thảo và... thương hiệu.
Vì kiểu kiếm tiền dễ dàng này, hiện nay có rất nhiều nhà xuất bản dỏm mọc lên khắp nơi trên thế giới. Chỉ với một máy tính nối mạng, họ có thể lập ra hàng chục tạp chí dỏm với ban biên tập dỏm. Chiêu của họ là mời một vài chuyên gia thật nhưng có tính hám danh tham gia ban biên tập để thu hút người khác. Họ chấp nhận bản thảo chỉ trong vòng vài tuần!
Những “nhà xuất bản” và “tạp chí” loại này đang là vấn nạn của xuất bản khoa học, khiến nhà khoa học mới vào nghiên cứu dễ bị lừa.
NGUYỄN VĂN TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét