Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Vì sao tôi cảm tình với người Mỹ?

Vì sao tôi cảm tình với người Mỹ?
Trần Kỳ Trung: tôi nhận thấy, rất nhiều nước trên thế giới, nhiều tổ chức, tầng lớp… rất mong đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam mạnh dạn “ thoát Trung” thay đổi thể chế, không áp đặt, lệ thuộc vào chủ nghĩa Mác -Lê Nin đã lạc hậu, không phù hợp với quy luật lịch sử, sửa đổi hiến pháp… đưa đất nước Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ thực sự. Từ đó liên minh với các nước tự do, dân chủ như Mỹ, Nhật Bản, EU… Được như vậy thế đứng của đất nước sẽ rất vững mạnh do sự đồng lòng, thống nhất giữa lãnh đạo và người dân, lúc đó sẽ không sợ bất cứ thế lực đế quốc lớn nào muốn thôn tính Việt Nam. Tôi cảm tình với người Mỹ cũng vì những lý do đó!
Ảnh bên: Tác giả chụp chung với ông Patrick Leahy, Thượng nghị sỹ, Chủ tịch thường trực Thượng nghị viện Mỹ tại nhà riêng của tác giả 23 -Trần Phú - Hội An
Tôi chơi thân với Jess De Vaney và John Weslay Fisher, hai cựu binh Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam. Jess hiện là chủ tịch một tổ chức phi chính phủ giúp các nạn nhân trong chiến tranh Việt Nam có địa chỉ“ TOP VIETNAM VETERANS 8000 S. Kolb Suite 43 Tucson, Arizona 85706”.

Còn John hiện là bác sỹ nhi khoa đồng thời là một nhà văn, một người rất sùng đạo Phật. Cả hai người, với tuổi xế chiều, bên kia cuộc đời, chiêm nghiệm lại, Jess và John thừa nhận với tôi, Chiến tranh Việt Nam mà quân đội Mỹ tham gia thực sự một cuộc chiến tranh vô nghĩa, không hề có một tác dụng tích cực cho cả hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
Bây giờ nghĩ lại, với họ là sự ân hận khôn nguôi. Để chuộc lại lỗi lầm đó, Jess và John cùng tổ chức của mình đi, lại không biết bao nhiêu lần ở nhiều tỉnh trong khu vực miền trung - Việt Nam làm từ thiện.Những người cựu chiến binh Mỹ làm việc này hoàn toàn tự nguyện, thành tâm. Ví như Jess, khi cần ông đã bán luôn ngôi nhà đang ở để góp thêm tài chính vào quỹ của tổ chức TOP. Hay như John, mỗi lần qua lại Việt Nam, đều đi theo một đoàn bác sỹ tình nguyện chữa bệnh cho người nghèo, đặc biệt những vùng mà trước đây Mỹ hay cho máy bay bắn phá hoặc đưa quân đội đến càn quét. Ngoài việc chữa bệnh, phát thuốc…cho người dân Việt Nam, John còn là nhà văn. John tặng tôi hai quyển sách vừa viết “ Angels in Vietnam”, “ The War After the War”.

Trong quyển sách này, John viết về tình người, khát khao hòa bình, sự thông cảm hiểu nhau của hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ luôn phải hiện hữu, thường trực. Nhắc lại những mất mát đau thương của chiến tranh không phải để hận thù mà nhắc với chúng ta một bài học, trong đối nhân, xử thế, cần có sự tôn trọng nhau. Còn không phải như thế sẽ trả một giá đắt, giữa người với người đã đau rồi, giữa hai dân tộc, hai nhà nước, còn đau gấp bội phần, để lại những di hại hết sức nặng nề.

Còn một người Mỹ nữa tôi muốn nhắc đến là ông Patrick Leahy,Thượng nghị sỹ, Chủ tịch thường trực thượng nghị viện Mỹ. Ngày 20/4/ 2014 tôi được tiếp ông cùng một đoàn thượng nghị sỹ Mỹ ở tại nhà riêng của tôi ở Hội An.

Việc đến thăm của ông cùng phái đoàn thượng nghị viện Mỹ, với tôi là một việc hoàn toàn bất ngờ.

Sau khi làm việc với các yếu nhân trong đảng, chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, theo lời mời của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, ông Patrick Leahy cùng đoàn tùy tùng vào Đà Nẵng để chứng kiến việc tẩy chất độc dioxin ở sân bay. Việc này cũng xong, còn thời gian, ông Patrick Leahy nhờ người bạn của tôi, làm phiên dịch cho đoàn, có thể liên hệ, tạo điều kiện cho ông cùng đoàn đến thăm một gia đình người Việt Nam ở Hội An, để hiểu thêm văn hóa Việt Nam và ông cũng muốn tìm hiểu Hội An một địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng.

Cuộc đi thăm này không tuyên truyền, hoàn toàn với tư cách cá nhân. Bạn tôi liên hệ với tôi, đề nghị gia đình tiếp. Tôi nhận lời nhưng cũng băn khoăn vì đây là một yếu nhân, như bạn tôi nói, người có quyền lực thứ ba trong chính phủ Mỹ. Hơn nữa, đi theo ông là có rất đông công an, mật vụ của cả hai nước với nhiệm vụ bảo vệ, tôi và gia đình sẽ tiếp đón ông như thế nào? Tôi có hỏi bạn tôi về việc này, thì được bạn tôi giải thích: “ Anh cứ tiếp đón như tiếp đón một người khách du lịch tới thăm gia đình anh, đừng câu nệ quan cách, điều đó ông Patrick Leahy và vợ của ông không thích. ”.

Nghe bạn tôi nói thế, tôi yên tâm.

Và quả thật, cuộc viếng thăm của ông Patrick Leahy cùng đoàn thượng nghị sỹ Mỹ đến gia đình, để lại trong tôi nhiều ấn tượng đặc biệt.

Trước hết đó là tác phong giản dị, chân thành, không hề có một một sự ngăn cách giữa khách và chủ của ông Patrick Leahy. Điều thứ hai, là ông rất tôn trọng văn hóa Việt Nam, rõ nhất khi ông thăm ngôi nhà cổ gia đình tôi đang ở, vợ chồng ông yêu cầu tôi giải thích những câu đối, bức liễn trong gia đình, cách trang trí bàn thờ, ngày giỗ tộc tổ chức như thế nào? Khi hiểu ra những điều đó ông rất vui và cảm phục, ông nói: “ Văn hóa Việt Nam rất đẹp, cần gìn giữ”.

Phu nhân của ông đã thắp hương và lạy trước bàn thờ tộc của gia đình tôi. Còn một điều nữa, tôi ngạc nhiên về ông Patrick Leahy là sự cảm tình của ông với Việt Nam, ông không muốn những chuyện “không đẹp” trong quá khứ của quan hệ hai nước quay lại. Ông nói với tôi, ông là thượng nghị sỹ Mỹ duy nhất phản đối việc chính phủ Mỹ cấm vận Việt Nam, sau năm 1975 trong lần bỏ phiếu đầu tiên ở thượng nghị viện Mỹ bàn về vấn đề này. Khi đến thăm Việt Nam lần này, hiểu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam hơn, ông càng mong muốn quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp dựa trên nền tảng phải thực sự hiểu nhau, chân thành , tôn trọng thực sự .

Ông còn nói một ý nữa, người dân Việt Nam rất độ lượng, vị tha, giỏi quảng giao rõ nhất là thông qua những cuộc tiếp xúc giữa ông với một số vị lãnh đạo đảng, nhà nước và đặc biệt với người dân Việt Nam. Ông nhận định, với đức tính đó cộng với sự hoàn thiện một nền dân chủ thực sự thông qua việc sửa đổi hiến pháp và cơ chế, nhất định Việt Nam sẽ tiếp kịp các nước văn minh tiên tiến, được các nước lớn nể trọng.

Nói thật, những lần được tiếp xúc với những người dân Mỹ bình thường, thông qua những người cựu binh Mỹ và một lần được tiếp xúc với một vị lãnh đạo cấp cao chính phủ Mỹ, trong suy nghĩ của tôi dành cho họ một tình cảm nhất định.

Tôi vẫn không thể quên những trận máy bay B52 của Mỹ ném bom xuống Hà Nội, hay dọc dãy Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh mà tôi đã từng qua khi làm người lính vượt Trường Sơn vào nam trước năm 1975. Nhiều đồng đội của tôi đã chết vì những trận ném bom này. Tôi cũng đã nhiều lần đến Mỹ Lai ( Quảng Ngãi ) thắp hương tưởng nhớ những nạn nhân bị lính Mỹ bắn chết… Khi tôi nhắc lại với những người cựu binh Mỹ về kỷ niệm đau đớn đó với sự mong muốn đừng bao giờ để hình ảnh này tái hiện lại.

Những người cựu binh Mỹ cũng rất nhất trí với ý kiến này, họ nhất trí với sự thành tâm, biểu hiện bằng việc, rất nhiều lần tôi và họ không chỉ đến Mỹ Lai, mà còn đến nhiều vùng trước đây lính Mỹ càn quét, máy bay Mỹ ném bom làm từ thiện như một lần chuộc lại lỗi lầm… Nước mắt họ đã rơi khi thấy di hại thương tật nặng nề hiện hữu trên thân hình những nạn nhân chiến tranh, hay bị nhiễm chất độc màu da cam…

Gần bốn mươi năm , kể từ năm 1975, trên nước Việt, tôi tin, chính phủ Mỹ không muốn đưa quân đội, máy bay Mỹ… đến Việt Nam để nổ súng, ném bom. Đối với đất nước Việt Nam, cho đến thời điểm này họ không lấn chiếm một mét vuông nào. Ngược lại, chính phủ Mỹ là một trong những chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong lãnh hải Việt Nam. Đối với nhà nước Việt Nam, nhất là với đảng cộng sản, tuy có nhiều sự quan hệ khác biệt, thậm chí là bất đồng, những tất cả những điều đó, họ đều làm công khai, rõ ràng, không dấu diếm, giả dối, như kiểu “ nói một đằng, làm một nẻo”.

Với kinh tế Việt Nam, đó là sự quan hệ sòng phẳng, hai bên cùng có lợi, khi cần đưa ra tòa án quốc tế phân xử. Chính phủ Mỹ không hề lừa dối dân chúng, nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ một trong những bên khởi xướng. Họ thừa nhận tổn thất, thừa nhận thất bại, thừa nhận sai lầm… không muốn trong tương lai có những cuộc chiến tranh như chiến tranh Việt Nam. Chính điều này đã làm cho người dân Hoa Kỳ hiểu người dân Việt Nam hơn, tình cảm người dân Hoa Kỳ thân thiện hơn với người dân Việt Nam, ngược lại người dân Việt Nam tiếp xúc với người dân Mỹ cũng hiểu nhau hơn.

Viết đến đây tôi lại nghĩ đến cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tháng 2/ 1979. Rõ đấy là một cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của quân đội Trung Quốc, di hại để lại trên đất nước chúng ta thật nặng nề, không dễ gì nhân dân hai nước có thể quên. Nhưng… hơn ba mươi năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc không muốn cho chính phủ, nhân dân Việt Nam nhắc đến cuộc chiến tranh đó. Đểu giả hơn, họ muốn chúng ta phải xóa mọi dấu tích tội ác đã in đậm lên mảnh đất này như bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ… Họ cũng chưa một lần cho phép những cựu binh của hai bên gặp nhau ôn lại những kỷ niệm chiến tranh đau đớn cùng rút ra bài học để những cuộc chiến tranh như vậy không tái diễn trong tương lai.

Rõ ràng với nhà cầm quyền Trung Quốc, sự im lặng, lấp liếm, che đậy dấu vết tội ác hay xuyên tạc bản chất thực sự đồng nghĩa là sự thừa nhận sự phi nghĩa của một cuộc chiến tranh xâm lược. Nếu như cuộc chiến tranh trước 1975, rất nhiều yếu nhân trong chính phủ, dư luận, cựu binh Mỹ… thừa nhận sai lầm thì với cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cho dẫu bị nhân dân và quân đội Việt Nam đánh cho thất bại nặng nề, nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc chưa bao giờ chịu thừa nhận thất bại vẫn còn đòi… “ dạy cho Việt Nam bài học nữa”. Họ vẫn nuôi dưỡng âm mưu xâm lược chiếm đất của Việt Nam, lúc âm thầm, lúc công khai. Dã tâm phá hoại kinh tế Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc không cần giấu diếm. Hàng giả, giá rẻ mạt của Trung Quốc lan tràn thị trường Việt Nam, hoa quả, thực phẩm xuất sang Việt Nam toàn chứa chất độc hại.

Những hạ mục kinh tế do Trung Quốc trúng thầu, thường sử dụng những công nghệ lạc hậu so với thế giới, đã vậy thi công chậm tiến độ, khi hoàn thành đạt hiệu quả kinh tế thấp, đội giá… Nhiều khu công nghiệp miền trung, Trung Quốc đưa người ào ạt… làm toàn những việc thủ công rồi lấy vợ, sinh con đẻ cái hòng bám trụ lâu dài ở Việt Nam, mục đích của việc này là gì ??? nếu không phải đó là âm mưu xâm lược!!! Người Việt Nam, dù bất cứ ở thành phần nào, tầng lớp giai cấp nào nghĩ về những người lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, tôi dám chắc đến gần một trăm phần trăm là không hề có sự thiện cảm…

Từ những cuộc tiếp xúc trực tiếp với người dân Mỹ bình thường là cựu chiến binh như hai ông Jess De Vaney và John Weslay Fisher, đến một yếu nhân trong chính phủ Mỹ là thượng nghị sỹ, Chủ tịch thường trực thượng nghị viện Mỹ, ông Patrick Leahy, đồng thời quan sát, suy nghĩ như trên, tôi nhận thấy, rất nhiều nước trên thế giới, nhiều tổ chức, tầng lớp… rất mong đảng cộng sản, chính phủ Việt Nam mạnh dạn “ thoát Trung” thay đổi thể chế, không áp đặt, lệ thuộc vào chủ nghĩa Mác -Lê Nin đã lạc hậu, không phù hợp với quy luật lịch sử, sửa đổi hiến pháp… đưa đất nước Việt Nam trở thành một đất nước dân chủ thực sự. Từ đó liên minh với các nước tự do, dân chủ như Mỹ, Nhật Bản, EU…

Được như vậy thế đứng của đất nước sẽ rất vững mạnh do sự đồng lòng, thống nhất giữa lãnh đạo và người dân, lúc đó sẽ không sợ bất cứ thế lực đế quốc lớn nào muốn thôn tính Việt Nam.

Tôi cảm tình với người Mỹ cũng vì những lý do đó!

Theo blog Trần Kỳ Trung

1 nhận xét: