Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Không thành công lại đổ thừa... cơ chế

Câu này thường được đặt ra trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn chương: "Tại sao thời ấy dưới ách đô hộ của thực dân, các văn nghệ sĩ vẫn tạo ra hàng loạt tác phẩm có giá trị như Số đỏ, Giông tố (Vũ Trọng Phụng), Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn (Nam Cao)... và vô số những tác phẩm khác nữa?". Chắc nhiều người đã tự mình tìm cách trả lời được câu này cho riêng mình, nhưng trả lời xong thì thường thở dài: Đồng khởi về rồi mất tự do. Chớ có nghe những lời xui dại của GS Phong Lê hay TS Bình trong bài, đại loại như "Thiếu đi cái tự do sáng tạo cho người viết do họ thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh, hoặc do những hạn chế, kiềm chế khách quan, thì đừng nói gì đến các giá trị, cũng đừng mơ đến đỉnh cao…".
Không thành công lại đổ thừa... cơ chế
Sẽ là ngụy biện nếu không thành công một việc gì chúng ta lại “đổ thừa” cho “cơ chế”! Tuy nhiên, nhìn vào thực tế xã hội nước nhà hiện nay, để lý giải cho câu hỏi vì sao đến thời điểm này văn học nước nhà vẫn chưa có “tác phẩm lớn” không thể không đề cập đến vấn đề này.
Nhà văn Hoài Hương:Tác phẩm đỉnh cao, làm sao chạm tới
Cuối 2013, có một hội thảo mang chủ đề văn chương: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao” tổ chức tại TP.HCM. “Nóng” nhất trong hội thảo vẫn là câu hỏi liên quan đến tác phẩm văn học đỉnh cao trong thời đại hôm nay. Vì sao chưa có? Mà mới chỉ có vài tác phẩm gọi là được với những giải thưởng văn học A-B-C… của Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn HN, TP.HCM, còn thì cứ “mờ mờ nhân ảnh”, bởi các chiêu trò ngoài văn chương, nặng tính thị trường.

Nhưng thế nào là đỉnh cao thì nó mơ hồ vô cùng.

Ước mơ tác phẩm của mình có giá trị, được bạn đọc đón nhận, được “sống” dai, nhà văn nào nghiêm túc với nghề cũng đều muốn. Nhưng đánh giá nó là đỉnh cao, cũng chỉ là một sự đánh giá tạm thời, vì muốn đo cái đỉnh cao đấy phải qua nhiều thử thách. Không chỉ thử thách về giá trị tư tưởng, giá trị nội dung có tiêu biểu, đặc biệt, sáng tạo, đổi mới, tạo nên xu hướng sáng tác tác động mạnh đến cả dòng văn học trong thời điểm đó… mà tác phẩm còn phải được công chúng đón nhận, yêu mến. Không chỉ nhất thời mà nó “sống” trong lòng công chúng bạn đọc lâu dài, bền vững, trải qua nhiều thế hệ gần như không thay đổi…

20 năm trở lại đây chứng kiến sự nhạt nhòa của văn chương Việt, dù hàng năm có hàng ngàn tác phẩm được sáng tác, hàng ngàn đầu sách được phát hành ra thị trường.

Nhìn vào danh sách các tác phẩm văn học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, gần như là toàn các tác phẩm viết từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ chiến tranh, hay sau chiến tranh một thời gian ngắn, còn không có tác phẩm đương đại nào.

Với số đầu sách hàng năm xuất bản có thể lên đến hàng ngàn cuốn, nhưng cũng lại phải đặt câu hỏi rằng các cuốn sách đó "sống” được bao lâu? Và có bao nhiêu cuốn nằm trong trí nhớ độc giả? Ngay cả sách đoạt giải thưởng, hỏi có bao nhiêu người đọc?

Một sự thật có thể gọi là “nỗi buồn văn học Việt”. Dân số gần 90 triệu, nhưng mỗi tác phẩm văn học được in ra không quá 5000 cuốn. Đếm trên đầu ngón tay cả mấy chục năm nay có mấy đầu sách in vượt quá số 100.000 cuốn? Trong khi thực tế, người ta có thể bỏ tiền triệu để đi xem một chương trình ca nhạc, hay show “thập cẩm”, nhưng đắn đo móc túi vài chục ngàn để mua một cuốn sách văn học.

Phải chăng đó cũng là vì cái đỉnh cao kia chưa chạm tới?

Nhìn vào những tác phẩm văn học VN khoảng 20 năm trở lại đây, thấy rõ cái sự “bé mọn”, vụn vặt cá nhân, chỉ quẩn quanh trong nhà, trong làng, trong phố, trong công sở, hay rộng hơn là tỉnh, thành… Gần như không có tác phẩm nào có tầm khái quát cả thời đại đang sống, thế hệ đang sống và những gì đang xảy ra trong cuộc sống đầy phức tạp, đa dạng…

Chưa kể tác phẩm văn học VN cho dù nói là hội nhập, là có những tác giả- nhà văn thuộc thế hệ công dân toàn cầu, đi khắp bốn phương, có nhiều ưu việt với các thế hệ nhà văn trước…, nhưng tác phẩm cũng chỉ gói xung quanh chuyện cá nhân.

Tài năng vắng bóng, bản thân nhà văn bị chi phối bởi nhiều vấn đề mang tính vật chất đời thường, nên phần sáng tạo nghệ thuật luôn bị xao nhãng. Không những thế còn bị ám ảnh bởi một cái vòng “kim cô” vô hình, mà như GS Phong Lê ví von: “Bầu khí quyển văn nghệ” của ta cũng chưa thật tốt cho văn nghệ sĩ, luôn có một nỗi sợ mơ hồ… Thiếu đi cái tự do sáng tạo cho người viết do họ thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh, hoặc do những hạn chế, kiềm chế khách quan, thì đừng nói gì đến các giá trị, cũng đừng mơ đến đỉnh cao…

Để có tác phẩm văn học đỉnh cao thì cần nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất là cần có bản lĩnh, để đối diện trước bao vấn đề của cuộc sống hôm nay, kể cả những hiểm họa mà bất kỳ văn nghệ sĩ có lương tâm nào cũng không thể bỏ qua.

TS Nguyễn Trọng Bình: "Đổ thừa cơ chế"


Sẽ là ngụy biện nếu không thành công một việc gì chúng ta lại “đổ thừa” cho “cơ chế”! Tuy nhiên, nhìn vào thực tế xã hội nước nhà hiện nay, để lý giải cho câu hỏi vì sao đến thời điểm này văn học nước nhà vẫn chưa có “tác phẩm lớn” không thể không đề cập đến vấn đề này.

... Những tranh cãi xung quanh tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (năm 2006) giữa những người làm công tác quản lý và những nhà nghiên cứu phê bình là ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này.

Rõ ràng, trước những tác phẩm văn học gây những dư luận trái chiều, không ít nhà quản lý văn hóa văn nghệ đã không thể hiện được bản lĩnh, nhất là sự nhân văn để tham mưu cho cấp trên một cách trung thực, khách quan. Có người vì sợ trách nhiệm nên đã “chính trị hóa văn chương”, vô tình làm trầm trọng hóa vấn đề; làm cho không gian và đời sống văn học nước nhà trở nên... khó tả.

Ai cũng đòi hỏi và kỳ vọng các nhà văn phải có “tác phẩm lớn” để giao lưu với bè bạn thế giới trong xu thế hội nhập thế nhưng cơ chế quản lý lại rất“thiếu niềm tin” với họ, làm sao họ có đủ tự tin và dồn hết tâm huyết vào việc sáng tạo?
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu thế kỷ 21 đến nay để làm một cuộc tổng kết sẽ thấy, 15 năm qua số lượng tác phẩm có giá trị chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay trong khi số lượng người cầm bút viết văn trên cả nước thì không sao đếm xuể. Đây rõ ràng là một nghịch lý nếu chúng ta làm một phép so sánh với 15 năm văn học Việt Nam thời trước Cách mạng tháng Tám (1930-1945).

Và nếu còn “chút gì le lói ở trong lòng” hẳn là các nhà quản lý văn hóa văn nghệ cùng đội ngũ những người cầm bút hôm nay sẽ phải xấu hổ, cắn rứt mà tự hỏi: Tại sao thời ấy dưới ách đô hộ của thực dân, các văn nghệ sĩ vẫn tạo ra hàng loạt tác phẩm có giá trị như Số đỏ, Giông tố (Vũ Trọng Phụng), Lão Hạc, Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn (Nam Cao)... và vô số những tác phẩm khác nữa?

Còn nay, tác phẩm lớn đang.. trốn ở đâu?
Hoài Hương - Nguyễn Trọng Bình
(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét