Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Cuộc chiến 1979: Cần xây đài tưởng niệm các liệt sĩ

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc: Cần xây đài tưởng niệm các liệt sĩ
TT - Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Hải Chuyền, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ. Bà Chuyền cũng cho biết không có sự phân biệt chế độ, chính sách dành cho các cựu chiến binh (CCB), thân nhân các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với CCB, thân nhân liệt sĩ các giai đoạn khác.
Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: Việt Dũng
Bà Chuyền cũng khẳng định chính sách của Nhà nước đối với các CCB là nhất quán, không phân biệt đối tượng nào.


Không phân biệt đối tượng nào

* Thưa bộ trưởng, vừa qua tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các CCB của sư đoàn 356 - đơn vị lập nhiều thành tích trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược tại biên giới phía Bắc, các CCB đã bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm hơn nữa tới những người đã tham gia cuộc chiến này. Vấn đề đó hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay chế độ, chính sách đối với CCB nói chung được thực hiện theo pháp lệnh CCB và nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh CCB. Các CCB tham gia chiến dịch biên giới phía Bắc còn được hưởng các chế độ theo quyết định 62 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
"Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất, bổ sung chính sách cho phù hợp" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền


Ngoài ra, các CCB tham gia chiến dịch biên giới còn được hưởng những ưu đãi khác như được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội. CCB trong độ tuổi lao động được ưu tiên học nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với sức khỏe và chuyên môn đào tạo, xuất khẩu lao động. CCB cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội CCB cơ sở đề nghị, chính quyền xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội...

Như vậy, chính sách của chúng ta tương đối nhất quán, không phân biệt đối tượng nào.

* Còn đối với thân nhân, gia đình những liệt sĩ trong cuộc chiến này thì sao, thưa bộ trưởng?

- Thân nhân, gia đình các liệt sĩ tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc được hưởng chế độ, chính sách theo pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này không phân biệt liệt sĩ hi sinh trong giai đoạn nào nên thân nhân, gia đình của những liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch biên giới phía Bắc cũng được hưởng các chế độ như thân nhân, gia đình liệt sĩ hi sinh trước ngày 30-4-1975. Cụ thể, thân nhân liệt sĩ nếu đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng một lần, hai lần hoặc ba lần mức chuẩn (mức chuẩn hiện tại là 1,22 triệu đồng); thân nhân liệt sĩ nếu sống cô đơn không nơi nương tựa hoặc con liệt sĩ chưa đến tuổi trưởng thành mà mồ côi cả cha mẹ được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hằng tháng bằng 0,8 lần mức chuẩn; liệt sĩ nếu không còn thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng thì người thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp 500.000 đồng mỗi năm một lần để thờ cúng liệt sĩ. Ngoài ra, thân nhân liệt sĩ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng chế độ điều dưỡng, ưu đãi giáo dục, hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật.

* Nhưng đại diện sư đoàn 356 cho biết nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn gặp khó khăn về thủ tục, giấy tờ khi thực hiện chế độ, chính sách?

- Tháng 10-2013, Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã ký thông tư liên tịch số 28 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Các CCB có thể căn cứ vào những hướng dẫn trong thông tư này để làm các thủ tục cần thiết để được hưởng chế độ. Ngoài ra, hiện nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang chủ trì thực hiện rà soát lại tất cả các trường hợp người có công để xem đối tượng nào đã được hưởng nhưng chưa đủ, đối tượng nào còn thiếu.

Trên cơ sở rà soát, các địa phương sẽ lập danh sách để tìm cách giải quyết nhanh nhất đảm bảo tất cả đối tượng sẽ được hưởng chế độ. Hiện nay, mỗi tỉnh đã rà soát xong tại một huyện điểm. Sang năm sau sẽ hoàn thành việc rà soát và tôi hi vọng khi đó những vấn đề tồn tại của người có công sẽ được giải quyết.

Đề xuất rất đúng

* Một trong những băn khoăn của các CCB tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc là hiện còn nhiều đồng đội của họ đang nằm lại chiến trường, chưa tìm thấy hài cốt. Được biết, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin?

- Theo nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước. Vấn đề này Bộ Quốc phòng đã và vẫn đang triển khai, tất nhiên cũng có những khó khăn nhất định. Khi có trường hợp hài cốt liệt sĩ được tìm thấy thì Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ đón các anh về. Tới đây, nếu sư đoàn 356 hay các đơn vị khác tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc cung cấp dữ liệu thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc tìm kiếm, quy tập.

Còn về đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong đó có phương pháp giám định gen thì mỗi khi có mẫu sinh phẩm hài cốt, chúng tôi sẽ chuyển cho các cơ sở giám định gen của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam để tiến hành giám định. Hiện đã có một số trường hợp giám định thành công và sắp tới chúng tôi sẽ công bố một số trường hợp đã giám định.

* Lâu nay, vì nhiều lý do khác nhau mà cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chưa được nhắc đến nhiều. Đó không chỉ là điều các CCB mà nhiều người dân cũng rất băn khoăn. Bộ trưởng nghĩ sao về đề xuất xây dựng một đài tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc?

- Chúng ta có nhiều cách tuyên truyền về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và tuyên truyền theo chỉ đạo chung. Bản thân bộ chúng tôi năm ngoái đã tổ chức hội nghị biểu dương những người có công trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc.

Vừa qua khi gặp Chủ tịch nước, các CCB của sư đoàn 356 đã kiến nghị với Chủ tịch nước về việc xây dựng một đài tưởng niệm vinh danh các chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc và tôi thấy đó là đề xuất rất đúng. Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất đó để nghiên cứu, hỗ trợ. Khu vực nào diễn ra những trận chiến đấu ác liệt, có nhiều người hi sinh thì sẽ đặt đài tưởng niệm ở đó. Tất nhiên vấn đề này chúng tôi sẽ phải bàn với Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa. Nếu đài tưởng niệm quy mô vừa phải thì bộ sẽ quyết định, còn nếu tầm quốc gia thì sẽ xin ý kiến Chính phủ.

KHIẾT HƯNG thực hiện
Nắm đất Vị Xuyên bên bàn thờ đại tướng
Ngày 23-7, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có buổi gặp mặt các cựu chiến binh chiến đấu tại chiến trường biên giới phía Bắc. Tại buổi gặp mặt này, các cựu chiến binh sư đoàn 356 đã mang nắm đất Vị Xuyên (Hà Giang) về đặt bên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo nguyện vọng của gia đình đại tướng.
Thay mặt gia đình đại tướng, ông Võ Điện Biên - con trai đại tướng - bày tỏ: “Không chỉ Vị Xuyên, chúng ta còn nhớ Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh cũng là những mặt trận rất khốc liệt. Ngày hôm nay, chúng ta nhớ lại tất cả những người lính đã hi sinh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc để tôn vinh họ, nhắc nhở con cháu nhớ ơn họ. Không có quyền lợi nào cao hơn từng tấc đất của Tổ quốc”.
Thay mặt các cựu chiến binh, cựu quân nhân, đại tá Nguyễn Quốc Chinh xúc động: “Vẫn còn nhiều đồng đội, nhìn thấy đó mà chưa thể đón về, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ mang chung một cái tên đau xót “liệt sĩ chưa biết tên”, còn hàng ngàn gia đình liệt sĩ ngóng đợi nắm đất khói hương. Hôm nay, một phần đất Vị Xuyên tượng trưng này được nương tựa bên cây hương thờ anh linh đại tướng... Gia đình của các liệt sĩ Vị Xuyên, những người lính còn sống và nhân dân cả nước sẽ an lòng, vơi đi một phần khắc khoải hậu chiến tranh”.
HÀ HƯƠNG
(Tuổi trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét