Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Đặc quyền của đàn bà là yếu đuối

Đặc quyền của đàn bà là yếu đuối
“Anh ngủ thêm đi anh. Em phải dậy lấy chồng” là câu nói được khá nhiều cô gái đăng lên facebook trong thời gian gần đây. Đó là tên bài thơ trong tập thơ cùng tên của Phạm Thiên Ý, với nick name Nồng Nàn Phố, một cô gái trẻ đang gây xôn xao trên mạng với những vần thơ… nổi bão của mình.

Khác với hình ảnh người đàn bà đầy khao khát yêu đương, day dứt giữa yêu và hận trong thơ của mình, Phạm Thiên Ý ở ngoài lại trẻ con, hồn nhiên và … đãng trí. Cô đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, tôi ở Hà Nội, muốn có một bài phỏng vấn trước khi cô ra mắt sách ở Hà Nội (ngày 16.7) nên đã hẹn cô lên mạng trò chuyện.

Đến ngày phỏng vấn, quá giờ hẹn chừng 30 phút, thấy cô gọi điện giọng hớt hải xen lẫn giữa tiếng xe cộ ồn ào. Cô xin lỗi vì có việc bận nên đến muộn, hỏi tôi đang ngồi quán nào để cô chạy xe qua (!) Cuối cùng vì nhiều lý do, chúng tôi đã có một buổi phỏng vấn trực tiếp ở Hà Nội.

 
Ý bắt đầu làm thơ từ khi nào?
Từ hồi học cấp 3, tôi bắt đầu làm thơ cho bạn bè mang đi tán tỉnh nhau. Sau đó lên năm 3 đại học tôi chơi blog 360, ban đầu cũng viết linh tinh thôi nhưng sau có nhiều người hay tâm sự chuyện tình cảm với tôi, tôi thấy thương nên bắt đầu làm thơ. Lúc đăng lên thấy mọi người ủng hộ rất nhiều nên tôi cũng vui. Mỗi ngày blog của tôi có khoảng 500 người vào xem, blog lúc nào cũng ở trang chủ của yahoo. Hồi đó hầu như ngày nào tôi cũng làm thơ, nhưng viết xong thì đăng lên blog luôn chứ không lưu vào máy tính cũng không lưu ở đâu cả. Nên khi blog 360 bất ngờ bị xóa thì cũng mất hết, tôi tiếc lắm.
Cách đây hơn 2 năm bạn tôi mới bảo: “Ê mày qua facebook chơi đi”. Tôi mới thử lập facebook và đăng thơ lên đó, thấy mọi người cũng thích và đồng cảm nên tôi bắt đầu sáng tác nhiều trở lại.
Ý thích đọc thơ, văn của ai? Các tác phẩm của bạn có ảnh hưởng bởi ai không?
Tôi thích đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp, còn thơ thì không thích ai cả. Tôi ít khi đọc thơ lắm nên cũng không bị ảnh hưởng của ai.
Hầu hết các bài thơ của bạn đều là thơ tự do, thể thơ mà hiện nay rất nhiều người chuộng sáng tác. Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn mà bạn yêu thích, có nói “Thi sĩ phải được giáo dục chặt chẽ từ việc học tập tục ngữ ca dao, …, nắm vững tất cả những niêm luật thơ chủ yếu nhất. Không phải việc từ chối các các niêm luật đã là tự do”. Và thơ tự do ở ta “được sáng tạo bởi các thi sĩ hay sốt ruột, ít học, nóng nảy.” Bạn nghĩ sao về điều này?
Tôi đồng ý rằng làm thơ cũng phải học tập chặt chẽ. Tôi khác những người khác là tôi học chuyên văn nên đã được học rất kỹ về những điều đó ở trường đại học. Ở trường có các môn chuyên sâu về các thể thơ, cũng phải nghiên cứu nhiều nên tôi đã sẵn có cái gốc. Thơ của tôi cũng có nhiều bài lục bát và áp dụng niêm luật chứ không chỉ dựa vào cảm xúc, không phải tự do là tự do hoàn toàn.
Nhiều người vẫn comment rằng, họ thấy mình trong thơ tôi...
Tôi có đọc một bài viết về bạn trên một blog, có nói rằng “Phố” rất hay khóc, và đùa rằng “Phố” khóc nhiều đến nỗi… không cần đi vệ sinh luôn. Bạn thường khóc vì điều gì?
À anh ấy là một người yêu quý thơ của “Phố” từ hồi blog yahoo nên anh ấy trêu thế. Tôi cũng dễ khóc, thường là nghe ai kể chuyện gì buồn là tôi cũng khóc được.
Thế bản thân bạn có nhiều chuyện buồn không?
Ít lắm, đời tôi cũng êm đềm, không có gì đặc biệt để phải đau khổ, dằn vặt. Nhưng mà con gái sinh ra ai cũng thương mẹ, tôi thấy đời mẹ khổ nhiều nên thương mẹ. Mẹ tôi 75 tuổi rồi, hồi xưa cũng phải bươn chải nhiều, hy sinh cho chồng con nhiều nên tôi rất thương mẹ.
Thơ của bạn có rất nhiều hình ảnh của mẹ, mẹ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và sáng tác của bạn?
Thật ra các bài thơ viết về mẹ không đơn thuần là viết cho mẹ tôi đâu, mà cho rất nhiều người tôi từng tiếp xúc. Số phận của mẹ cũng hòa chung với những người phụ nữ tôi gặp, nên tôi viết cho đàn bà nói chung chứ không hoàn toàn là cho mẹ của mình.


Nồng Nàn Phố tên thật là Phạm Thiên Ý
Sinh năm 1988, tốt nghiệp Khoa Văn học ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP.HCM.
Hiện đang làm việc tại báo Vietnamnet
Cô vừa xuất bản tập thơ “Anh ngủ thêm đi anh. Em phải dậy lấy chồng”
Buổi ra mắt sách được tổ chức tại Hà Nội ngày 18.7.2014, tại Sài Gòn ngày 23.7.2014

Vậy mẹ phản ứng như thế nào khi đọc thơ của bạn?

Gia đình tôi không ai biết tôi làm thơ hết. Cách đây 1 tháng chị gái tôi mới biết, là do có lần hai chị em đi cafe, có mấy bạn trong quán cafe nhận ra tôi nên chạy qua bảo: A, Nồng Nàn Phố kìa, rồi hỏi chuyện thơ văn với tôi. Chị tôi ngạc nhiên lắm, bảo: “Cái gì vậy, Nồng Nàn Phố là cái gì”. Tôi cũng ngại nên bảo không có gì, chị tôi gặng hỏi mãi tôi mới bảo có làm thơ trên facebook nên mọi người biết thôi.
Tôi mang sách về nhà cho mẹ đọc thì mẹ mới biết. Mẹ tôi đọc xong bài “Dối trá đủ rồi” thì khóc, rồi mẹ mang thơ của tôi ra nhà thờ gần đó ngồi đọc một mình và khóc. Mẹ tôi ít nói, ít bày tỏ cảm xúc nên đọc xong thì khóc thôi chứ cũng không nói gì với tôi.
Thế bố của bạn thì sao?
Bố tôi đang đi công tác nên đến giờ vẫn chưa đọc thơ của tôi. Trong nhà tôi cũng ít nói chuyện với bố. Tôi thân với mẹ hơn và cũng thương mẹ hơn.
Trong một bài thơ bạn có viết thế này
“Những người đàn bà cùng yêu một người đàn ông… đó là bão tố
Cơn bão qua đi họ chỉ biết buồn
Chỉ họ lệ tuôn
Còn người đàn ông bắt đầu đi buôn những ngoan hiền của đời con gái”
Nghe ảm đạm nhỉ, bạn nghĩ như thế nào về đàn ông?
Không phải là nghĩ mà gần như khẳng định rồi. Khi yêu thì ai cũng dễ thương, nhưng hết yêu thì hầu hết bạn bè tôi đều khẳng định rằng đàn ông rất tồi tệ. Tất nhiên cũng có người dễ thương và việc gì cũng tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể nhưng tôi vẫn nghiêng về thương đàn bà hơn.
Nghĩa là trong mắt bạn thì đàn ông rất xấu nhưng là do qua lời kể của người khác?
Tất nhiên là trong đời sống thì tôi cũng gặp đàn ông xấu rồi, nhưng cũng chưa ai dùng cái xấu đó để đối xử với tôi.
Khi bị bỏ rơi thì người ta thường hận thù, nên lúc kể lại với bạn thì có thể đã nói quá lên về cái xấu của đàn ông chứ chưa chắc đàn ông đã xấu như thế.
Tôi nghĩ đặc quyền của phụ nữ là yếu đuối, khi họ bị bỏ rơi thì tôi thấy họ đáng được mình thương, nên nếu họ có nói quá lên thì cũng dễ hiểu, tôi vẫn thấy thương họ. Đàn bà lúc nào cũng khổ nên tôi thấy thương đàn bà hơn, đàn ông có đau có khổ thì cũng…bình thường.
Có khi nào bạn thấy “đàn ông đau khổ cũng bình thường” là vì họ không hay thể hiện cảm xúc, không hay kể ra như đàn bà nên bạn không cảm nhận được?
Có thể chia tay thì cả 2 bên đều đau khổ, nhưng như tôi đã nói, bản chất của phụ nữ là yếu đuối. Tôi luôn thấy thương họ, dù sao đàn ông cũng mạnh mẽ hơn.
Bản chất của phụ nữ là yếu đuối, tôi luôn thương họ
Tôi thấy hình ảnh người đàn bà trong văn chương, đặc biệt văn chương của các cây bút nữ trẻ tuổi, thường hiện ra khá “cực đoan”. Họ luôn ở trong các thái cực. Họ yêu rất nhiều để rồi hận thù, hằn học nhiều, họ quá yếu đuối, khóc lóc, vật vã rồi lại cố tỏ ra mạnh mẽ, bất cần, xù lông. Bạn cũng nói rằng bạn chưa trải qua những trường hợp đó, vậy các tác giả có đang cường điệu cảm xúc cho nhân vật của mình không?
Tôi không biết các tác giả khác thì sao, nhưng những gì tôi viết đều lấy từ cuộc sống thật. Rất nhiều người tâm sự với tôi và tôi thấy họ đau khổ, dằn vặt như vậy thật. Bạn có thể thấy là nhiều người vẫn comment rằng họ thấy mình trong thơ của tôi, có người đọc thơ tôi xong thì khóc và bảo rằng sao tôi biết chuyện của họ mà viết như vậy. Nhưng tôi đâu có biết, tôi không viết cho riêng một ai cả. Những câu chuyện đó là do được nghe nhiều, kể nhiều rồi dần dần tôi viết ra như vậy.
Bạn có nghĩ rằng cảm xúc mãnh liệt, có phần cực đoan của người phụ nữ như con dao hai lưỡi? Nó vừa khiến cô ấy rất “đàn bà”, có sức hút, vừa khiến đàn ông mệt mỏi rời xa?
Tôi có 2 người bạn là vợ chồng, chuyện tình của họ rất đẹp. Họ cũng đã có con, gia đình nhìn ngoài rất hạnh phúc. Nhưng mới đây anh chồng có tâm sự với tôi là anh sắp chia tay chị ấy rồi vì anh không chịu nổi. Chị ấy yêu anh rất nhiều nhưng anh ấy cảm thấy như bị gông cùm, rất mệt mỏi. Nên tôi nghĩ đúng là phụ nữ khi yêu cũng nên sáng suốt, mềm mỏng, không nên lao đầu vào và tạo áp lực cho đàn ông như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét