Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Văn học nghệ thuật hiện nay: tên lớn hơn tác phẩm!

Bài này lấy từ trang của GS Trần Hữu Dũng. GS bình luận: "Bài ngắn nhưng rất đúng!". Tôi không tán thành nhận định này. Đoán đây là bài viết của người thuộc chế độ Sài Gòn cũ, không biết gì về văn học ngoài Bắc hồi chiến tranh và văn học Việt Nam hiện nay, như tác giả viết "tôi không đọc họ, dù biết tên họ". Khi không đọc họ mà chê tác phẩm của họ, chê họ hèn, đánh mất cái giá trị của người nghệ sỹ... rồi từ đó chửi chế độ là không được, là hành vi vô văn hóa (xem câu cuối tác giả nói về chế độ toàn trị, nơi nhà cầm quyền nhìn đám “trí thức như cứt”)… Có lẽ bản thân GS Dũng cũng không thèm đọc những tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Hồ Phương…, còn tôi thì đã đọc và dù có những chỗ chưa hài lòng (do hoàn cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ họ cần phải viết vậy) nhưng rất khâm phục các nhà văn này; nhiều tác phẩm về chiến tranh chống ngoại xâm, về xây dựng xã hội mới, về tình người... của họ xứng đáng lưu truyền mãi mãi.
Văn học nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay: tên lớn hơn tác phẩm!
Lẽ thường tình nghệ sỹ được lưu danh chính từ tác phẩm của họ, nhiều khi chúng ta nhớ tên tác phẩm, còn tên tác giả chúng ta… quên mất. Thế nhưng oái ăm thay tại Việt Nam hiện nay điều này hoàn toàn ngược lại.
Nếu chúng ta tò mò, muốn biết tên các nghệ sỹ Việt Nam được chế độ tôn xưng là bậc nhất, bằng cách vinh danh họ với giải thưởng Hồ Chí Minh (giải cao nhất hiện nay tại Việt Nam) và xin cho tôi biết bạn yêu thích, đã và đang đọc sách, mê thơ, mê phim, mê kịch, mê tuồng… của các vị này như thế nào, ngoài cái tên tác phẩm họ đã chinh phục bạn ra sao? Tôi thì nói thật, hoàn toàn không một chút thiên kiến nào về chính trị, nhưng tác phẩm của những Nguyễn Quang Sáng, Phạm Tiến Duật, Lê Văn Thảo, Anh Đức, Hữu Thỉnh, Hồ Phương… không gợi lên cho tôi một cảm xúc nhân văn hay thẩm mỹ nào từ dòng đầu tiên, và tôi không đọc họ, dù biết tên họ.

Với các tác giả đã ghi tên vào nền văn học Việt Nam trước năm 1945 và trước năm 1975 (nếu ở miền Nam) thì cái qui luật tác phẩm- tác giả lại đúng với lẽ thường nói trên. 


Chúng ta nói đến Huy Cận sẽ nhớ ngay đến Lửa Thiêng hay các bài thơ lừng danh khác của ông, nói đến Chế Lan Viên chúng ta nhớ Điêu Tàn, Xuân Diệu nhớ đến Gửi Hương Cho Gió, nhắc Nguyễn Tuân nhớ Vang Bóng Một Thời…, dù những nhà thơ, nhà văn đó được giải cao nhất của nhà nước này với những “tác phẩm” mà giờ đây chẳng ai thèm đọc, chẳng ai nhớ tên!

Còn tại miền Nam trước năm 1975 tác phẩm khẳng định tên tuổi nghệ sỹ là đương nhiên, bởi trong một môi trường cạnh tranh bằng tự do sáng tạo, chỉ có tác phẩm mới giúp người nghệ sỹ thành danh, điều này giải thích vì sao hiện nay vẫn còn rất nhiều người tìm đọc tác phẩm của Võ Phiến, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Bình Nguyên Lộc…; vẫn nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trúc Phương…, thậm chí những tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Khắc Khoan, Hồ Biều Chánh… từ trước năm 1945 vẫn còn được tìm đọc, dù với góc nhìn hiện tại, các tác phẩm đó lỗi thời về mọi phương diện!

Đẩy tên tác giả lớn gấp nhiều lần tác phẩm là một đường lối tuyên truyền hẳn hoi của một chế độ toàn trị, nơi nhà cầm quyền nhìn đám “trí thức (bao hàm cả văn nghệ sỹ) như cứt” nhưng vẫn muốn họ cúc cung làm nô bộc, nên thí cho cái danh, một ít lợi lộc… nhằm làm cho họ ngày càng hèn hơn, tự thỏa mãn với cái danh hão của mình. Mà một kẻ đã hèn, tất sẽ chỉ viết những lời tụng ca cho chủ của mình, tự đánh mất cái giá trị của người nghệ sỹ!

NGUYỄN ĐÌNH BỔN

Dân News 20-4-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét