Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Trả lời bạn đọc: chỉ số ổn định của nền kinh tế

Trả lời bạn đọc: chỉ số ổn định của nền kinh tế
Lại Trần Mai: Bạn Hoàng Quốc Khánh viết bình luận trong bài "(1) Các cân đối và quan hệ vĩ mô chủ yếu của nền kinh tế" có gửi email đề nghị tôi cho ý kiến về lựa chọn "chỉ số ổn định của nền kinh tế" thế nào cho tốt. Xét thấy vấn đề này hay nên tôi viết thành một bài dài này để trả lời và đưa lên mạng cho các bạn đọc tham khảo thay vì chỉ viết ngắn và gửi email cho bạn Khánh.
Thư của bạn Khánh: Hiện tại con đang làm bài nghiên cứu Thạc Sỹ với đề tài về "Yếu tố kinh tế vĩ mô - lãi suất huy động vốn". Con đang gặp khó khăn ở vấn đề sau nên muốn tham khảo ý kiến của bác, mong bác tư vấn giúp con: theo bác nên lấy chỉ số nào để xác định chỉ số ổn định của nền kinh tế. Con cần chỉ số tháng để chạy mô hình định lượng. Các chỉ tiêu gồm : GDP, thu nhập đầu người, đầu tư FDI, tỷ lệ thất nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số cán cân thanh toán, vãng lai... Vậy theo Bác thì con nên lấy chỉ số nào, và nếu được thì bác cung cấp cho con được không? vì hiện tại con có số liệu báo cáo theo quý ạ.

Trả lời:

1. Vai trò của lý thuyết kinh tế.

Đầu tiên mình phải lưu ý các bạn trẻ là mọi nghiên cứu kinh tế bao giờ cũng nên xuất phát từ các lý thuyết kinh tế. Các lý thuyết kinh tế được tổng quát hóa từ các hiện thực kinh tế nên khi dùng chúng soi vào một thực trạng kinh tế nào đó, sẽ làm nổi rõ một cách hệ thống mọi vấn đề liên quan, từ hiện tượng, các mối quan hệ bên trong, nguyên nhân... đến các chính sách, giải pháp để xử lý.

Vai trò của các lý thuyết kinh tế là cực kỳ quan trọng. Các chuyên gia kinh tế phải nắm vững các lý thuyết kinh tế, đối chiếu với thực trạng kinh tế để xem lý thuyết nào giải thích tốt nhất bản chất tiến trình phát triển của nền kinh tế hay hiện tượng kinh tế, rồi dùng chính lý thuyết đó để hình thành quan điểm lý luận để xây dựng các chính sách kinh tế. 


Điều này giống như một bác sĩ (Chính phủ) chữa cho người bệnh (một nền kinh tế). Khi người bệnh ốm, đến khám, bác sĩ sẽ ngầm liệt kê trong đầu triệu chứng của tất cả các loại bệnh (các lý thuyết kinh tế) trong khi nghe bệnh nhân trình bày tình hình sức khoẻ, bệnh tật (thực trạng kinh tế) để so sánh, sau đó rút ra kết luận bệnh nhân bị bệnh gì. Khi đã xác định được bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn một số loại thuốc trị (chính sách kinh tế) theo chỉ dẫn trong lý thuyết về bệnh đó (lý thuyết kinh tế) để chữa loại bệnh đó. Do vậy, phải nắm được các lý thuyết kinh tế, từ lý thuyết cổ điển, tân cổ điển, tân Keynes, hậu Keynes và các nhánh phát triển của chúng để vận dụng trong phân tích thực chất hoạt động của nền kinh tế nước ta, từ đó thiết kế được các mô hình phát triển và các chính sách tương ứng phù hợp (trong Blog này đã có loạt bài bằng tiếng pháp tóm tắt nội dung hơn 150 lý thuyết kinh tế).

Nghiên cứu "chỉ số ổn định của nền kinh tế" hay nói vắn tắt "chỉ số ổn định kinh tế" cũng vậy. Trước hết chúng ta đi từ các lý thuyết kinh tế cơ bản giải thích "ổn định kinh tế" và các chính sách xử lý mỗi khi xảy ra mất ổn định kinh tế đi kèm với chúng. Dưới đây là hai trường phái lý thuyết cơ bản đang thống trị kinh tế học hiện đại. Tôi chỉ tóm tắt ngắn gọn nội dung, không giải thích cơ sở vi mô (thực trạng sản xuất kinh doanh) của các lý thuyết này.

2. Hai trường phái lý thuyết cơ bản


Trường phái tân cổ điển quan niệm ổn định kinh tế vĩ mô chính là ổn định giá ở tầm trung và dài hạn.

Trường phái Keynes định nghĩa ổn định kinh tế vĩ mô chính là ổn định các cân bằng kinh tế vĩ mô trong điều kiện đủ việc làm (không có thất nghiệp).

Do tính chất ngày càng to lớn và phức tạp của các nền kinh tế hiện đại, việc phân tách rạch ròi các đặc trưng của ổn định và mất ổn định nêu trên theo các lý thuyết kinh tế ngày càng khó khăn. Vì vậy xu hướng chung hiện nay là có sự tiếp cận gần nhau giữa các lý thuyết. 

Trong thực tế xây dựng chính sách, đối với từng lĩnh vực cụ thể, "ổn định kinh tế" được mô tả bằng hai tính chất chủ yếu:

- Lạm phát hiện tại cũng như các kỳ vọng (tâm lý lạm phát) lạm phát cho thời kỳ trung và dài hạn vừa thấp, vừa ổn định.

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (ngắn hạn, hiện tại) ổn định và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng (dài hạn).

3. Vai trò của ổn định giá và ổn định tăng trưởng kinh tế

Các lý thuyết kinh tế đều thống nhất xem ổn định giá có nghĩa là tỷ lệ lạm phát dù giao động nhưng phải nằm trong một biên độ hợp lý so với tỷ lệ lạm phát tự nhiên, trong đó tỷ lệ lạm phát tự nhiên là tỷ lệ lạm phát tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung và dài hạn. Bạn có thể không tìm thấy khái niệm "tỷ lệ lạm phát tự nhiên" trong sách kinh tế vì đây là khái niệm tôi (LTM) đặt ra từ năm 1990 và sử dụng thường xuyên trong các bài nghiên cứu, nhưng các bạn có thể hiểu thực chất của nó là những mục tiêu lạm phát trung và dài hạn của mỗi nước.

Định nghĩa ổn định giá nêu trên cũng có nghĩa là những trường hợp tỷ lệ lạm phát cao (vượt quá giới hạn trên cho phép) hay tỷ lệ lạm phát thấp (dưới giới hạn cho phép, thậm chí nhỏ hơn 0) đều phản ánh nền kinh tế đang mất ổn định.

Tương tự, các nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định nhưng chênh lệch giữa sản xuất hiện tại và tiềm năng (output gap) quá cao đều không phải là nền kinh tế ổn định.

Chúng ta đều biết nền kinh tế được chia ra làm 2 khu vực: Khu vực tiền tệ (tài chính, tiền tệ, tỷ giá...) và khu vực thực (sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu...). Do vậy, định nghĩa ổn định giá nêu trên phản ánh 2 điều kiện then chốt:

- Điều kiện tiền tệ đòi hỏi nền kinh tế phải ổn định trung và dài hạn

- Điều kiện thực đòi hỏi tăng trưởng kinh tế phải ổn định ngắn hạn (tức là phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng - dài hạn).

Nếu hai điều kiện này được đảm bảo thì về nguyên tắc sẽ đạt được những cân bằng trong tăng trưởng kinh tế dài hạn, tức là nền kinh tế sẽ cơ bản tăng trưởng ổn định trong bối cảnh toàn dụng lao động. Toàn dụng lao động ở đây được hiểu là ổn định tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đương với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

Giữ ổn định tỷ lệ thất nghiệp như vậy sẽ có tác dụng hai mặt tích cực và tiêu cực.

Theo lý thuyết của Joseph Schumpeter, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái thì có thể sẽ sinh ra một sự hủy diệt mang tính sáng tạo để mở ra một giai đoạn phát triển mới (tích cực) trong khi một bộ phận thất nghiệp ngắn hạn, tình thế có thể bị chuyển thành thất nghiệp dài hạn, cơ cấu (tiêu cực).

Các lý thuyết gia về tăng trưởng kinh tế không nhất trí với nhau khi trả lời câu hỏi liệu các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô chỉ có tác động tới sản xuất kinh doanh ở tầm ngắn hạn hay chúng cũng có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tầm dài hạn.

Một số nhà kinh tế cho rằng trong giai đoạn kinh tế suy thoái, khủng hoảng, các chính sách thắt lưng buộc bụng (khắc khổ) kiểm soát chặt chi tiêu ngân sách và cung ứng tiền tệ sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn con người (qua giảm đầu tư, chi tiêu cho y tế, giáo dục - đào tạo...) trong khi quá trình khôi phục nguồn vốn này đòi hỏi rất nhiều thời gian và dài hạn, kéo theo hiện tượng giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn (tiềm năng). Do đó đối với họ, chính sách kinh tế chống chu kỳ quan trọng hơn chính sách ổn định kinh tế.

Ngược lại, một số trường phái kinh tế khác cho rằng việc để mặc cho nền kinh tế biến động lên - xuống, suy thoái - tăng trưởng theo cơ chế tự nhiên thì tốt hơn vì như chúng ta vừa nhắc tới ở trên, quá trình này sẽ sinh ra một sự "hủy diệt có tính chất sáng tạo", và đến lượt mình sự "hủy diệt có tính chất sáng tạo" sẽ làm tăng tính năng động của nền kinh tế, cho phép cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Trong nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, chính sách kinh tế vĩ mô, người ta thường tách rời các chu kỳ kinh tế ngắn hạn với tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn, coi như hai hiện tượng độc lập nhau. Nghiên cứu các biến động kinh tế ngắn hạn đặt tăng trưởng dài hạn là yếu tố ngoại sinh, trong khi xây dựng các kế hoạch, chính sách kinh tế dài hạn lại bỏ qua các hiện tượng ngắn hạn.

Gần đây các trường phái kinh tế (thực dụng) có xu hướng nghiên cứu kết hợp hai hiện tượng này. Dưới góc độ lý thuyết, các cú sốc hay biến động ngắn hạn (thay đổi về lượng) hoàn toàn có thể chuyển hóa thành thay đổi về chất (tăng trưởng dài hạn), giống như hiện tượng thất nghiệp tình thế (ngắn hạn) kéo dài chuyển thành thất nghiệp cơ cấu (dài hạn).

4. Các nghiên cứu thực nghiệm

Về thực nghiệm, đã có nhiều nghiên cứu quan hệ giữa không ổn định ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Mối quan hệ này là dương hay âm tùy thuộc vào các cuộc khủng hoảng ngắn hạn mang tính "hủy diệt có tính chất sáng tạo" hay "hủy diệt có tính chất phá hoại".


Đối với các nước công nghiệp phát triển (OECD), các nghiên cứu thường chỉ ra quan hệ âm, có ý nghĩa thống kê, giữa các biến động kinh tế ngắn hạn với tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn, tức là mất ổn định ngắn hạn sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn giảm sút.

Kết quả này làm cho vai trò của các chính sách kinh tế chống chu kỳ phỏng theo lý thuyết của Keynes ngày càng trở lên quan trọng và được áp dụng khắp nơi. Nhà nước sẽ dùng các công cụ tài chính, tiền tệ, tỷ giá... để chống các hiện tượng nóng (lạm phát cao và tăng trưởng cao) cũng như lạnh (thiểu phát, tăng trưởng thấp hoặc suy thoái), qua đó nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Có ba đặc điểm nổi trội trong mối quan hệ giữa bất ổn kinh tế và tăng trưởng kinh tế là:

- Lạm phát cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Lạm phát cao không chỉ sinh ra các dự báo bất ổn, không chắc chắn, mất niềm tin... mà còn làm cho tỷ lệ lạm phát biến động mạnh trong những năm tiếp theo. Hiện tượng này thể hiện rất rõ trong nền kinh tế Việt Nam suốt 4 chục năm qua.

Ngược lại khi lạm phát thấp, các hiện tượng kinh tế nói chung đều tích cực, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn ngày càng được cải thiện.

Do vậy, lạm phát là một chỉ tiêu, một biến rất quan trọng để phân tích hiện tượng "ổn định kinh tế". Điều đó cũng cho thấy vai trò quan trọng của một chính sách tiền tệ ổn định.

- Các nghiên cứu thực nghiệm cũng kết luận về tầm quan trọng và vai trò tích cực của một chính sách tài chính thận trọng. Một chính sách như vậy sẽ có tác dụng hạn chế hiện tượng "crowding out", tức là hiện tượng Chính phủ vay tiền của dân để chi tiêu làm tăng lãi suất, giảm đầu tư của dân dẫn tới giảm đầu tư toàn nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn. chính sách tài chính thận trọng cũng có tác dụng hỗ trợ chính sách tiền tệ ổn định. Các nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra quan hệ rất yếu giữa tổng thu hay tổng chi ngân sách tới tăng trưởng kinh tế dài hạn.

- Ngoài chính sách tài chính, tiền tệ, các chính sách kinh tế vĩ mô khác được thực hiện với sự ổn định và thận trọng cũng góp phần hỗ trợ quá trình tăng trưởng kinh tế dài hạn thuận lợi vì chúng cho phép giảm mạnh tính không chắc chắn trong các dự báo, qua đó động viên các nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn cũng như khuyến khích người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sắm.

Về mặt chính sách kinh tế vĩ mô, nếu nền kinh tế đang phát triển ổn định, phù hợp với tiềm năng, thì các chính sách phải được xây dựng theo tầm nhìn trung hạn, tập trung vào ổn định giá và cân bằng ngân sách, nhằm đảm bảo thực hiện đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn, không lạm phát và thất nghiệp thấp tối thiểu.

5. Các chỉ tiêu phản ánh tính ổn định của nền kinh tế:

Hai chỉ tiêu chủ yếu phản ánh tính ổn định của nền kinh tế là lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

- Đối với lạm phát, người ta nghiên cứu trên hai khía cạnh: tỷ lệ lạm phát và biến động (standard deviation) của tỷ lệ lạm phát. Thông thường đối với các nước đang phát triển, do chất lượng số liệu thống kê thấp, người ta sử dụng chỉ số giá tiêu dùng để đo mức độ lạm phát.

- Người ta cũng làm tương tự như lạm phát đối với tăng trưởng GDP. Biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế so với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng được gọi là "output gap". Ngoài xem xét biến động hàng năm, người ta còn đặc biệt xem xét trung bình của các giá trị tuyệt đối (không tính dấu âm hay dương) của các biến động tăng trưởng kinh tế cho mỗi thời kỳ, tức là trung bình của tất cả các sai lệch giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế diễn ra và tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng.

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các nền kinh tế nhỏ có độ mở cửa lớn (như Việt Nam hiện nay) thường có tốc độ tăng trưởng kinh tế biến động lớn mỗi khi có các cú sốc bên ngoài. Tốc độ tăng trưởng kinh tế càng biến động lớn thì càng có khả năng trong nền kinh tế đang tồn tại nhiều vấn đề cơ cấu không được xử lý. Cũng cần nói thêm rằng sau mỗi đợt cải cách kinh tế lớn, cũng sẽ có hiện tượng kinh tế biến động, có thể tích cực hoặc tiêu cực, ngay lập tức hoặc trễ một khoảng thời gian...

Ngoài hai chỉ tiêu trên, một số chỉ tiêu vĩ mô khác phản ánh tính ổn định của nền kinh tế là:

- Tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP và tỷ lệ nợ trên GDP. Để đảm bảo thực thi một chính sách tài chính thận trọng, vai trò của "cơ chế ổn định tự động" (automatic stabilizer) rất quan trọng. Cơ chế này xác định quan hệ giữa biến động của sản xuất với hệ số co giãn của thu ngân sách và một số khoản chi ngân sách. Mỗi khi nền kinh tế có hiện tượng nóng hay lạnh, nó sẽ tự động thực hiện các điều chỉnh cần thiết để làm nguội hay hâm nóng nền kinh tế, qua đó chống lại khả năng phát sinh các chu kỳ kinh tế. Các điều chỉnh cần thiết này rất nhiều, như tăng một số loại thuế, giảm một số loại trợ cấp, chi tiêu (theo thứ tự ưu tiên đã xác định)...

- Các chỉ tiêu phản ảnh tác động của hợp tác quốc tế như tỷ giá thực quá cao, tỷ lệ thâm hụt ngoại thương và thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế trên GDP, biến động của tỷ giá danh nghĩa, của dự trữ quốc tế... Biến động của những chỉ tiêu này cũng phản ánh tình trạng ổn định hay mất ổn định kinh tế vĩ mô, mặc dù chúng không phải là quan trọng nhất và cũng không nằm trong khái niệm "ổn định kinh tế vĩ mô" nêu ở đầu bài này.

- Biến động của lãi suất dài hạn: Người sản xuất và người tiêu dùng đều quan tâm tới lãi suất thực trung và dài hạn. Rõ ràng những biến động mạnh của tỷ lệ lạm phát sẽ kéo theo tâm lý dự báo lạm phát cao và lãi suất thực cao. Hậu quả là nền kinh tế càng thêm nguy cơ mất ổn định. Ngược lại, dự báo lãi suất danh nghĩa thấp và ổn định dần (ví dụ do tác động từ chính sách tiền tệ và chính sách tài chính) sẽ tạo ra tâm lý dự báo lạm phát thấp và ổn định, tức là tối thiểu cũng đã thỏa mãn một trong hai điều kiện cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng các lãi suất danh nghĩa dài hạn thấp và ổn định không nhất thiết kéo theo tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định. Nhiều nước như Nhật Bản và Thụy Sĩ đã có những giai đoạn rất dài ổn định được lãi suất dài hạn ở mức rất thấp so với các nước công nghiệp khác song tốc độ tăng trưởng kinh tế lại chậm hơn và biến động mạnh hơn.

6. Hướng nghiên cứu thực nghiệm cho nền kinh tế Việt Nam

Để nghiên cứu tính chất ổn định của nền kinh tế Việt Nam, theo tôi nên thực hiện một vài quy trình sau:

6.1. Chọn các chỉ tiêu phản ánh sự ổn định của nền kinh tế. Các chỉ tiêu này chắc chắn sẽ gồm lạm phát và biến động của lạm phát, tăng trưởng kinh tế và biến động của tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra có thể bổ sung một số chỉ tiêu đã nêu trong mục 5 ở trên, trong đó chú trọng:

- Biến động của lãi suất trung hoặc dài hạn;
- Biến động của tỷ giá;
- Biến động của thâm hụt ngân sách trên GDP;
- Biến động của thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai trên GDP;
- Biến động của dự trữ quốc tế.

Lưu ý: Hầu hết những chỉ tiêu bạn Khánh nêu trong câu hỏi là kết quả hay dẫn xuất của những chỉ tiêu tôi chọn ở trên. Do đó chỉ cần sử dụng những chỉ tiêu tôi đề xuất ở đây là đủ.

6.2. Tính toán biến động của các chỉ tiêu trên cho Việt Nam và các nước xung quanh.

6.3. So sánh sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam với các nước trong khu vực để xem so với họ, trong cùng một điều kiện phát triển, chúng ta đang biến động nhiều hay ít, biến động nhiều trong các lĩnh vực nào, giải thích tại sao, nguyên nhân bên trong hay bên ngoài, khách quan hay do chính sách kinh tế gây ra...

6.4. Phân tích môi trường thể chế kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng của nó tới sự ổn định của nền kinh tế. Môi trường thể chế khá nhiều nhưng nên tập trung vào:

- Môi trường thực hiện chính sách tiền tệ.
- Môi trường thực hiện chính sách tài chính,
- Môi trường thể chế khác, như vai trò của khu vực kinh tế nhà nước và ảnh hưởng tới khu vực kinh tế tư nhân, mức độ tự do hóa kinh tế và cạnh tranh lành mạnh, các chính sách đảm bảo phát triển xã hội hài hòa, phân phối thu nhập bình đẳng để kết quả tăng trưởng lan tỏa đến mọi tầng lớp dân cư, 

Phân tích tác động, ảnh hưởng của môi trường thể chế tới sự ổn định của nền kinh tế, trước hết tới các biến động của tăng trưởng (so với tiềm năng) và lạm phát.

6.5. Khuyến nghị chính sách: Cần xác định những chính sách gì đang thực hiện có hiệu quả, có tác dụng tốt tới sự ổn định của nền kinh tế thì nên tiếp tục giữ lại, đồng thời kiến nghị những chính sách mới, những cải cách cần thiết.

6.6. Số liệu nghiên cứu: Nhìn chung số liệu nghiên cứu sự ổn định của nền kinh tế tương đối dễ kiếm và có độ tin cập chấp nhận được. Chỉ có một vài số liệu cần tính thêm như tỷ giá thực, hay cần thận trọng khi sử dụng do độ chính xác chưa cao như nợ nước ngoài, dự trữ quốc tế, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai...

Có lẽ là dài rồi. Tôi dừng ở đây.

5 nhận xét:

  1. Con cảm ơn Bác, kiểu này chắc phải nhờ Bác làm Người Hướng Dẫn Khoa Học cho bài luận văn của con luôn quá hjhj.
    Một lần nữa con cảm ơn vì bài viết rất hữu ích của Bác!
    Hoàng Quốc Khánh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không được đâu, mình giờ chán làm khoa học lắm rồi, kiến thức rơi rụng cả.

      Xóa
  2. Bài viết của bác rất hay, rất hữu ích. Cám ơn bác nhiều ạ

    Trả lờiXóa
  3. Mong bác Mai viết nhiều bài như thế này cho tụi con học.

    Trả lờiXóa