Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Đa số dân Donetsk không muốn sát nhập vào Nga

Tôi cũng tin là dân Ukraine (trừ bán đảo Crimea nơi tỷ lệ người Nga quá cao) chẳng muốn nhập vào Nga. Nếu vào Nga, họ sẽ trở thành dân tộc thiểu số ở nước Nga, lại ở vùng biên cương, tiền đồn để bảo vệ nước Nga; khi đó sẽ chẳng sung sướng gì. Tuy nhiên, các chính quyền Ukraine từ sau khi tái thành lập nước (1991) đến nay đều tỏ ra bất lực trong việc quản lý đất nước (so với chính quyền tất cả các nước khác thuộc khối Sô Viết cũ như Hung, Ba Lan, Séc...) làm người dân chán nản. Do đó mới có tới 27,5% dân muốn gia nhập Nga; một con số khá cao.
Đa số dân Donetsk không muốn sát nhập vào Nga
(NLĐO) - Đa phần người dân ở khu Donetsk của Ukraine không muốn sát nhập vào Nga nhưng họ xem chính quyền tạm thời ở Kiev hiện nay là bất hợp pháp.
Theo thông tin đăng tải trên tờ Weekly Mirror, công bố kết quả khảo sát của Viện Xã hội học quốc tế Kiev, khoảng 52,2% người dân trong khu vực Donetsk, nơi đang diễn ra nhiều cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga, cho biết họ không đồng ý gia nhập Nga. Số người đồng ý là 27,5%. Việc khảo sát được tiến hành trong số 3,200 người dân.

Ngoài ra, 38,4% người được hỏi ủng hộ đề nghị liên bang hóa Ukraine của Nga và 41% cho biết họ muốn phi tập trung hóa quyền lực. Số người không tin tưởng vào chính phủ tạm quyền ở Ukraine và xem đó là bất hợp pháp chiếm 74%.


Các cuộc biểu tình thân Nga vẫn diễn ra ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong nỗ lực muốn xoa dịu tình hình miền Đông Ukraine, phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 20-4 bắt đầu tiến trình đàm phán yêu cầu các nhóm ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine giải giáp. Tuy nhiên, hy vọng kết thúc sớm cuộc khủng hoảng ở đây không dễ thực hiện.

Các tay súng vũ trang chiếm đóng các tòa nhà công ở Donetsk và một số thành phố khác không công nhận những thỏa thuận mà Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine đạt được tại cuộc gặp 4 bên ở Geneva-Thụy Sĩ trước đó. Theo thỏa thuận đạt được, OSCE sẽ giám sát việc giải trừ vũ khí từ các nhóm ly khai thân Nga, giải phóng các cơ sở công cộng bị chiếm đóng, xoa dịu căng thẳng ở đây.

Kể từ khi Nga sát nhập Crimea vào tháng trước, căng thẳng giữa nước này và phương Tây trở nên gay gắt. Nga đã phủ nhận việc chỉ đạo các nhóm ly khai gây hỗn loạn ở miền Đông Ukraine cũng như kế hoạch xâm lược. Trong khi đó, các nước phương Tây đe dọa sẽ tăng trừng phạt kinh tế nếu Moscow không thuyết phục các nhóm ly khai thân Nga giải giáp. Do phụ thuộc khí đốt vào Nga nên Đức và một số thành viên EU khác đưa ra lệnh trừng phạt ít mạnh mẽ hơn so với Mỹ.

Đại diện thuộc OSCE nói rằng bắt đầu đàm phán ở Donetsk ngày 20-4.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết lực lượng tác chiến mặt đất của Mỹ sẽ được điều tới Ba Lan để mở rộng sự hiện diện của NATO tại nước này trong bối cảnh các diễn biến mới phát sinh ở Ukraine.

M.Khuê (Theo Reuters, Weekly Mirror)

1 nhận xét:

  1. Sau Crimée, bàn tay của Nga kéo dài đến tận Thái Bình dương. Hôm 18/04/2014, Matxcơva thông báo biến quần đảo Kurile mà Nhật gọi là "lãnh địa phương bắc" thành "tiền đồn" của Nga với hàng trăm căn cứ quân sự sẽ được hoàn tất từ nay đến 2016.

    Trả lờiXóa