Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Thù địch với hai cường quốc - sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ

Thù địch với hai cường quốc - sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ
Nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ phạm một sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại, đó là trở thành thù địch với hai cường quốc cùng một lúc. Những va chạm trong quan hệ của Washington với cả Moscow và Bắc Kinh những năm qua đã tới mức báo động. Điều này có thể gây nhiều khó khăn cho Mỹ về địa chính trị trừ khi chính quyền của Tổng thống Obama nhanh chóng có những giải pháp chính xác và đặt ra những ưu tiên gắn kết hơn.
Mặc dù rất ít chính trị gia Mỹ đồng tình với nhận định của ứng cử viên Tổng thống Mitt Romney năm 2012 rằng Nga là đối thủ địa chính trị lớn nhất của Mỹ nhưng thực thế là đã có nhiều bất đồng ngoại giao sâu sắc giữa hai quốc gia này từ những vấn đề về Syria và Iran.

Những diễn biến liên quan đến Ukraine hiện nay chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi mà Mỹ cùng các đồng minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga. Washington và Moskva cũng sử dụng những ngôn từ khẩu chiến mạnh mẽ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng đang có nhiều điểm bất đồng. Điều này được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tới Trung Quốc, khi mà người đồng cấp nước chủ nhà Thường Vạn Toàn nói thẳng với vị khách rằng các nỗ lực “kiềm chế” Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công.

Quan điểm của Mỹ trên một số vấn đề ngày càng làm Bắc Kinh tức giận. Mỹ coi vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông là mối quan ngại cực kỳ sâu sắc. Trong khi đó, Trung Quốc lại xem những thái độ kiểu như vậy là thiên vị các nước đồng minh Nhật Bản và Philippines của Mỹ. Một thỏa thuận an ninh mới giữa Mỹ và Philippines có thể sẽ khoét sâu căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Mối quan hệ xấu đi cùng lúc của Mỹ với cả Nga và Trung Quốc là điều rất đáng lo. Nó phạm vào một cảnh báo quan trọng mà cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kissinger nhấn mạnh đến nhân tố địa chính trị chiến lược được thể hiện rõ qua quyết định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Nixon. Trong cuốn hồi ký “Những năm tháng ở Nhà Trắng” của mình, Kissinger viết: “Trong quan hệ với hai kình địch thì việc chúng ta chủ động cách tiếp cận với cả hai luôn tốt hơn việc ta để hai đối thủ đó chủ động bắt tay nhau”. Nói cách khác, Kissinger cho rằng Washington phải có những bước đi để đảm bảo rằng mối quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung luôn gắn bó hơn mối quan hệ Nga – Trung. Đó là một chiến lược sáng suốt thời bấy giờ và nó cũng vẫn rất tốt cho tình hình hiện nay.

Còn hoạt động ngoại giao "vụng về" của chính quyền Obama hiện nay có nguy cơ dẫn đến một kết cục rất tệ. Thậm chí Washington có thể sẽ khiến cho Nga và Trung Quốc tạm gác những bất đồng và xích lại gần nhau hơn để đối phó với Mỹ.

Thỉnh thoảng Mỹ đã có những lời lẽ đao to búa lớn hoặc mang tính đối đầu không cần thiết đối với hai nước này. Khi Bắc Kinh và Moskva phản đối Mỹ trong việc tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và áp đặt trừng phạt kinh tế mạnh hơn với Iran thì các nhà ngoại giao của Mỹ đã nổi đóa và không còn giữ được chuẩn mực ngoại giao thông thường. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ hiện nay, Susan Rice, khi còn làm Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp quốc đã lăng mạ quyết định bỏ phiếu chống của Nga và Trung Quốc đối với một nghị quyết của HĐBA về Syria. Bà Rice tuyên bố rằng nước Mỹ rất “phẫn nộ” với các hành động “đáng xấu hổ” và “không thể tha thứ” của hai quốc gia này. Dĩ nhiên, những lời lẽ đó đã bị Nga, Trung chỉ trích mạnh mẽ.

Giải pháp lý tưởng nhất hiện nay là Mỹ cần tìm cách hàn gắn quan hệ với hai nước thành viên thường trực HĐBA LHQ này. Nếu các quan chức chính quyền Obama không thích nghi được cách tiếp cận đó thì ít nhất họ phải chọn ra một đối thủ chính chứ không được làm “kẻ thù” với cả hai. Sau đó Mỹ cũng phải cố gắng làm thế nào để tạo ra sự chia rẽ giữa Moskva và Bắc Kinh như hồi cuối những năm 1950.

Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải đặt ra những chính sách ưu tiên và tiến hành lựa chọn. Họ phải tự trả lời một loạt các câu hỏi quan trọng như là: Nước nào quan trọng hơn đối với Mỹ về mặt chiến lược và kinh tế?; Nước nào có khả năng gây tổn hại nhiều hơn đến những lợi ích quan trọng của nước Mỹ?; Nước nào có khả năng và ý đồ lớn hơn trong việc phá vỡ hiện trạng khu vực của nước đó?; Và nước nào có thể có khả năng và ý định thay đổi trật tự thế giới hiện nay theo hướng bất lợi cho Mỹ?

Thật không dễ để trả lời cho những câu hỏi như vậy. Nga có thể là đối thủ tiềm năng của Mỹ trên một số mặt còn Trung Quốc lại thách thức Mỹ ở vài khía cạnh khác. Và đưa ra những đánh giá phức tạp luôn là một vấn đề khó đối với bất cứ một chính sách ngoại giao hiệu quả nào. Cách tiếp cận ngoại giao quốc tế của Mỹ hiện nay có vẻ đang né tránh nhiệm vụ này nên đang có nguy cơ biến Mỹ thành kẻ thù của cả Nga và Trung Quốc và đây không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Kết cục của nó thậm chí có thể là một thảm họa đối với hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngọc Du (National Interest)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét