Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Ngôn từ thời nay của giới trẻ Việt Nam

Ngôn từ thời nay của giới trẻ Việt Nam
Giới trẻ Việt Nam, thuộc thế hệ mà bao chí gọi là 8X hay 9X, thường sử dụng những ngôn từ những câu chữ không cầu kỳ không bóng bẫy nhưng có vần có điệu nghe đến lạ đến hay. Ngôn Từ Của Giới Trẻ Việt Nam là đề tài mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.

Toàn Shinoda đã là một cái tên rất hot của giới trẻ trên cộng đồng mạng. Trong Show anh sử dụng rất nhiều ngôn từ mới của giới trẻ thời nay. Screen capture. RFA screen cap

Thực ra những ngôn từ xuất phát từ cảm xúc hay chỉ là cách nói trong đời sống thường nhật không phải bây giờ mới có. Ngày xưa thì đôi khi chỉ một câu với hai hoặc ba từ, nhưng bây giờ thì cả đôi câu vần điệu hẳn hoi, dễ khiến người ta nhớ nhưng cũng dễ khiến nhiều người nhăn mặt khó chịu.


Không cầu kỳ bóng bẫy nhưng có vần có điệu

Mà khó chịu như thế là hơi chủ quan rồi đấy, họa sĩ Trịnh Bách, từ nước ngoài về Hà Nội và làm việc trong ngành phục chế cổ trang qua các triều đại vua chúa xưa kia, nhận xét:

Cái đó hơi chủ quan, ngày xưa người ta nói “ Sức Mấy” với lại “ Bỏ Đi Tám”, bây giờ nói “Nhỏ Như Con Thỏ” có vần có điệu hơn. Đó là lối mới người ta nói như vậy .

Đặng Ngọc Sơn là một bạn trẻ ở Hà Nội, từng đi du học ở nước ngoài, thì vô cùng thích thú trước những ngôn từ mà anh cho là phải có đầu óc khôi hài và bén nhậy mới có thể nghĩ ra:

Chẳng hạn như bây giờ em nói “Tại Sao Nghèo Mà Học Giỏi” nhưng câu ngược lại mới là đau “Tại Sao Giỏi Mà Vẫn Nghèo” . Câu “Giỏi Mà Vẫn Nghèo” cái ý của nó mình phải suy nghĩ nhiều hơn. Tất nhiên là trong văn hóa nói bình thường thôi, còn nếu mà văn hóa báo chí thì không thể áp dụng được. Em rất thích và em biết rất nhiều. Thậm chí ở đây đã từng có người như bọn em, làm hẳn một quyền sách bao gồm những thành ngữ mà giới trẻ Việt Nam hay dùng. Có những người lớn tuổi họ không chấp nhận những cái đó, các bậc cha chú nghĩ rằng nó làm mất đi cái hay cái đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt. Em thì em thấy nó hay bởi vì đó như một cách sáng tạo đột phá. Chẳng hạn như “Chán Như Con Gián”, “Buồn Như Con Chuồn Chuồn”, “Phê Như Con Tê Tê” … Em thấy nó biến thể từ cái văn hóa lục bát câu sau kéo vần theo câu trước. Nói chung ngồi nói gẫu tán dóc với nhau thì nó tạo cái không khí vui vẻ, và em có thể đối đáp lại rất buồn cười và rất dễ thương mà họ không thể phản bác gì được mình. 

Cái đó hơi chủ quan, ngày xưa người ta nói “ Sức Mấy” với lại “ Bỏ Đi Tám”, bây giờ nói “Nhỏ Như Con Thỏ” có vần có điệu hơn. Đó là lối mới người ta nói như vậy - họa sĩ Trịnh Bách
Được yêu cầu nêu thí dụ cụ thể anh thường gặp, Đặng Ngọc Sơn kể:

Chí nói trong những tình huống bình thường, chẳng hạn khi em muốn ra khỏi nhà, vợ em  hỏi một câu là “Đi Đâu?” thì em đáp lại ”Đi Đâu Còn Lâu Mới Nói”, kiểu thế. Chẳng hạn rủ nhau đi chơi, kiểu thách thức một chút là vợ ở nhà đấy, có dám đi không, thì lúc ấy tặc lưỡi một câu “Khi Đã Máu Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai”. Hoặc là đến giờ rồi và phải đi về nhưng bạn bè vẫn rủ đi chơi thì cũng tặc lưỡi bảo “Dân Chơi Ngại Gì Mưa Rơi” và mình cứ đi thôi, kiểu như vậy.
Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN
Chạy nhanh thắng gấp Nằm sấp như chơi. Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN .

Xe mẹ mua Đua mẹ đánh. Tác giả 'Sát thủ đầu mưng mủ' biếm họa giao thông VN .
Cái văn hóa nói ấy ở đây thì bây giờ em cứ tiếp nhận và em thấy nó vui, chẳng hạn nếu như em trong tình huống mà cậu bạn kia bảo “Đừng Vào Rừng Mơ Bắt Con Tưởng Bở “ thì em bèn dùng câu đối đáp là “Đẹp Trai Chẳng Bằng Chai Mặt” . 

Nhiều bậc phụ huynh thì thấy khó tiếp nhận những cái đó, tầng lớp có tuổi thích những cái gì thuộc về truyền thống hơn. Bình thường ra thì khi bảo đừng cư xứ như thế nọ thế kia, nhưng thay vào đó thì họ dùng câu là “Bộ Đội Chơi Trội”. Những từ đấy nếu phát ra theo một câu vần thì mình lại thấy có thể nó chỉ là một câu vui mồm. Bình thường cách hành văn đấy sẽ không có vấn đề gì, mà vấn đề là mình hành văn trong hoàn cảnh nào với và trong ngữ điệu nào mà thôi, còn đa phần tụi em thấy là vui. 

Đời sống riêng của ngôn ngữ

Dưới mắt tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, phòng Xã Hội Học Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, ngôn từ giới trẻ thời nay là điều rất mới của đời sống, phản ánh qua quyển sách biếm họa một thời gây khá nhiều tranh cãi là Sát Thủ Đầu Mưng Mủ của họa sĩ trẻ Thành Phong, thể hiện cách giới trẻ biểu lộ suy nghĩ, tình cảm và cái nhìn của mình:

Cách đây khoảng một hai năm đã có quyển tranh vẽ biểu thị một cách nghĩ mới một cách sáng tạo mới của giới trẻ tức là minh họa vẽ tranh cho nó. Thế thì cũng có những xung đột, một bên rất là thích những câu từ của giới trẻ như vậy, một bên lo lắng sẽ làm hỏng ngôn ngữ tiếng Việt, làm sai lệch suy nghĩ của giới trẻ, làm ảnh hưởng đạo dức lối sống xã hội Việt Nam. Xung đột đấy dẫn đến quyền sách bị nhà nước tịch thu. 

Chẳng hạn như bây giờ em nói “Tại Sao Nghèo Mà Học Giỏi” nhưng câu ngược lại mới là đau “Tại Sao Giỏi Mà Vẫn Nghèo”. Câu “Giỏi Mà Vẫn Nghèo” cái ý của nó mình phải suy nghĩ nhiều hơn - Đặng Ngọc Sơn
Nhưng mà câu chuyện không dừng ở đấy, tôi đã đi dự một cuộc thảo luận giữa nhà giáo Văn Như Cương, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Xuân Nguyên và những học giả khác nữa. 


Vẫn theo tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đã gọi là một sinh ngữ thì phải sống động chứ không nhất thiết bị ràng buộc vào khuôn sáo cũ:

Trong cuộc bàn thảo họ đã đưa vấn đề này ra dưới nhiều góc cạnh để phân tích rằng đấy là cái hoàn toàn tự nhiên về mặt ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, gọi là sinh ngữ, thì nó có đời sống riêng của nó, phản ánh đời sống xã hội, ngăn cản cuộc sống bình thường của một ngôn ngữ là điều không thể vì nó phản ánh tất cả những tư duy và những suy nghĩ của người dân và của giới trẻ, vì vậy không có cách gì ngăn cản nó tồn tại. . 

Thông qua những ngôn ngữ đấy chúng ta sẽ hiểu giới trẻ, một bộ phận của xã hội, khi đưa ra những ngôn từ đó thì không phải là tất cả những người cao tuổi những người lớn tuổi phản đối mà một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi đã chấp nhận và cảm thấy thích thú. Đấy là một cách làm mới, tại sao giới trẻ có thể thay đổi mà lại ngăn cấm mà lại phê phán. 

Dân gian từ xưa vẫn có câu ”Một Con Ngựa Đau Cả Tàu Bỏ Cỏ”. Thế nhưng bây giờ giới trẻ cải biên đi “Một Con Ngựa Đau Cả Tàu Ăn Thêm Cỏ”. Trong khi câu cũ có gì đấy như là giáo huấn, một cái gì đấy hướng tới đạo đức sống cho nó đẹp, nhưng câu sau của giới trẻ lại phản ánh một cái thực tế là nhiều khi người ta không bỏ cỏ mà người ta lại được ăn thêm một suất kia. Có nghĩa là giới trẻ giờ có một cái nhìn nó tinh tường hơn nó đầy đủ hơn về một xã hội không phải cứ giáo huấn mà là hiện thực. 

Với một người cho rằng hiện thực đấy tốt thì nó khác, còn một người cho rằng con ngựa đau mà cả tàu được ăn thêm cỏ là không tốt. Đấy là cách để cho người ta suy nghĩ không phải mà cứ răm rắp đi theo con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ mà trong khi đấy thực tế không phải như vậy. 

Trong ngôn ngữ, gọi là sinh ngữ, thì nó có đời sống riêng của nó, phản ánh đời sống xã hội, ngăn cản cuộc sống bình thường của một ngôn ngữ là điều không thể vì nó phản ánh tất cả những tư duy và những suy nghĩ của người dân và của giới trẻ, vì vậy không có cách gì ngăn cản nó tồn tại
họa sĩ Thành Phong
Tôi nghĩ một ngôn từ tồn tại như thế nào thì nó phản ánh một xã hội như thế. Xã hội đấy nếu lành mạnh, tiến bộ và tử tế thì nó sẽ có sự lựa chọn, sàng lọc. Nếu không phù hợp với số đông xã hội thì nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên và tự nhiên những ngôn ngữ mới xuất hiện đó sẽ chết. Chúng ta thấy ngay những quyển tự điển lớn của Oxford hay của Larousse vẫn thường bổ sung những từ mới. Như vậy đời sống luôn luôn có những từ mới, điều đấy hoàn toàn bình thường.

Cố quá thành Quá cố. Họa sĩ Thành Phong
Cố quá thành Quá cố. Họa sĩ Thành Phong
Từ Hà Nội, viện trưởng Viện Thông Tin, Khoa Học Và Xã Hội, giáo sư tiến sĩ Hồ Sĩ Quí:

Bạn bè tôi là những nhà ngôn ngữ lúc đầu họ gồng lên họ mắng lũ trẻ với lũ dùng từ ghê lắm. Theo tôi thì chẳng có gì đáng phải phê phán cả. Tôi hay nhắc một câu rất nổi tiếng của Heideger: “Trong ngôn ngữ chỉ có một qui luật, ấy là qui luật của người dùng”. Khi xã hội dùng thế thì mình phải chấp nhận. 

Điểm thứ hai, cách dùng ngôn từ trong tiếng Việt theo tôi hiểu từ xưa đến nay vẫn thế chứ không phải bây giờ mới như thế đâu. Có cái trẻ con nó dùng một loạt như thế thì nó thành một ngôn ngữ lấy vần lấy điệu thì các cụ ta ngày xưa cũng thế và lắm khi từ lóng, từ láy, từ lọc cứ thế từ đấy mà ra cả. 

Tuy nhiên, giáo sư Hồ Sĩ Quí khẳng định, ngôn từ thời nay của người trẻ đôi khi làm người lớn bị sốc:
Thuật ngữ “Sát Thủ Đầu Mưng Mủ” nghe hơi khó chịu với một số người, bên cạnh những cái tạm gọi là thành ngữ rất là hay. Kể cả những cái không hay thì đằng sau đó cũng thể hiện một thái độ một tâm trạng cũng rất là thú vị.

Với ông, những thành ngữ như Ngon Lành Cành Đào” hay “Đã Máu Thì Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai” đều là những thành ngữ hay:

Nó vừa có thái độ vừa thể hiện được ý tưởng của ngôn từ ấy, đủ ấn tượng để diễn đạt một cái gì đó. Nhiều từ rồi về sau cũng vào tự điển đấy. Trước kia một số từ như “Bụi Đời”, “Đánh Quả”, “Trấn Lột” … là những từ chỉ có dùng ngoài chợ búa, bây giờ trong văn cảnh báo chí vẫn dùng rồi đấy. 

“Trong ngôn ngữ chỉ có một qui luật, ấy là qui luật của người dùng”
Heideger
Thực ra đối với con cháu thì tôi nói chúng bay ngang bằng ngang lứa thì được, còn nói chuyện với các bậc cao niên hoặc là trong chổ trịnh trọng nghiêm túc hoặc lên giảng đường thì không nên nói. 

Trong xu hướng sử dụng từ ngữ khôi hài, dí dõm, vần điệu từ thế hệ 8X và 9X, thì giáo dục, hướng dẫn cần thiết hơn là phê phán hay cố chấp, giáo sư Hồ Sĩ Quí kết luận:

Theo tôi quá nửa những thành ngữ là hay chứ không dở. Chẳng hạn “Đã Máu Thì Đừng Hỏi Bố Cháu Là Ai”, hai cái nội hàm hoàn toàn ở những lĩnh vực khác nhau, một cái nghiêm túc đặt bên cái buồn cười tạo nên một tình huống thú vị cho ngôn ngữ. Qui luật hình thành ngôn ngữ như vậy rất là sâu sắc, còn hay hơn nhiều những trường hợp dùng từ chợ búa đưa vào từ báo chí. 

Khi sử dụng ngôn từ đương đại và vần điệu để mà trả lời bạn bè hoặc đối đáp qua lại, bạn Đặng Ngọc Sơn cho rằng có lẽ ý thức và cách phát ngôn là hai điều cần lưu ý bởi không khéo có thể dẫn đến bất hòa hoặc xung đột đáng tiếc:

Đôi khi mình ra ngoài đường mình nói câu đùa nó hơi bậy một tí thì nó cũng gây một tiếng cười làm mình thấy thoải mái. Chẳng hạn như câu “Đã Xấu Còn Xa, Đã SIDA Còn Xông Pha Đi Hiến Máu”. Mà văn hóa truyền miệng thì không có ai bắt bẻ được ai hết. Phải hiểu không phải ai cũng có thể nghĩ ra câu đó, chỉ có điều giới trẻ thì nó chấp nhận câu đấy khác với tầng lớp trên. 

Nhiều khi một câu nói có thể không có vấn đề gì nhưng có thể phát sinh vấn đề khác nếu như hoàn cảnh sử dụng không hợp lý. Mình dùng từ hoặc là ngữ cảnh không có tính đả kích, sử dụng trong ngữ điệu vui vẻ anh em với nhau thì cũng sẽ chẳng có vấn đề gì cả.

Câu chuyện Đời Sóng Người Việt Khắp Nơi, ngôn ngữ đương đại và trào phúng của giới trẻ Việt Nam ngày nay, xin được tạm ngưng ở phút này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét