Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Khấn xong, bỗng nhiên xác người nổi lên

Phóng sự: Phận người "ăn cơm cạn, sống dưới lòng sông" 
Khấn xong, bỗng nhiên xác người nổi lên
... Khấn xong, bỗng nhiên cái xác người cứ thế từ trong hốc trôi ra, anh Hùng vừa mừng vừa lo, rồi hồi hộp vác lấy thây ma lên bờ... Xem phần trước: Nửa đêm đi vớt thây ma
Có lần, nửa đêm anh Nguyễn Văn Hùng, làm nghề vớt xác ở xóm chài Long Châu (nay là khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, Quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) đang ngủ thì có người đến gõ cửa. Họ khóc lóc thảm thương nói nhà người thân ở mé sông huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chẳng may bị sạt, nguyên căn nhà đổ ập xuống lòng sông.

Gia đình ấy, 4 người tất thảy đều tử nạn, đã cho người lặn tìm 7 ngày, 7 đêm mà không sao tìm được thi thể người đàn ông còn sót lại. Ngay tức tốc anh Hùng đồ nghề khăn gói lên đường. Chạy tới nơi là đúng 7 giờ sáng.

Anh khấn vái khắp nơi rồi lao ùm xuống sông, quờ quạng một lúc bỗng nhiên chạm phải vật gì mềm mềm. Sờ nắn xung quanh anh Hùng biết đã trúng phải thây ma kẹt trong xác căn nhà.

Ngay lập tức anh Hùng liền nguyện vong linh phù hộ cho mọi việc suông sẻ, để mang người ta về với đất ấm áp hơn. Khấn xong, bỗng nhiên cái xác người cứ thế từ trong hốc trôi ra, anh Hùng vừa mừng vừa lo, rồi hồi hộp vác lấy thây ma lên bờ.

Lần khác, có cậu sinh viên về quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ nghỉ hè, chiều ra sông tắm rồi bị đuối. Ba ngày sau vẫn không thấy thi thể nổi lên, người thân mới cho người lặn kiếm. Tìm mãi không ra, nghe tiếng anh Hùng "hạp số" nên chạy đến nhờ.

Anh Hùng nhảy xuống khúc sông cậu sinh viên tắm, đảo mấy vòng thì thấy xác cậu mắc kẹt ở gốc cây, chìm dưới nước không nổi lên được.

Anh Hùng tâm sự: "Hồi đó gan to lắm, vớt xác người không biết sợ là gì. Nhưng mấy năm gần đây không hiểu vì sao yếu bóng vía. Biết sợ rồi nên không dám làm nhiều nữa. Vụ nào khó quá, đàn em lặn mãi không ra thì tôi mới lặn. Chứ bây giờ chủ yếu vớt xác ghe, thuyền kiếm cơm thôi".

Ngôi nhà của anh Hùng khá khang trang so với xóm chài nghèo này. Anh Hùng cho biết, xây được căn nhà này cũng nhờ nghề thợ lặn mà nên. Vậy hóa ra làm thợ lặn cũng kiếm được kha khá. Nhưng anh Hùng và anh Mộng lại luôn miệng gọi thợ lặn là cái "nghề hạ bạc". "Nghề hạ bạc" là nói chung những thứ nghề nghèo khổ, gắn liền với sông nước, ít được tôn trọng và bạc bẽo…

Đắng cay nghề hạ bạc

Nói bạc bẽo cũng đúng, vì như anh Hùng bị mù một con mắt cũng vì nghề thợ lặn. Thuở xưa lặn "chay", không đeo kiếng, anh Hùng mò mẫm làm sao không may bị vật nhọn đâm vào mắt. Về nhà anh cứ coi thường mà để yên như thế, không thuốc men gì.

Đến 2 năm sau thì con mắt trở đau nhức, anh đi khám thì được thầy lang rút máu bầm trong mắt ra kèm theo một dị vật nhỏ như đầu mũi kim. Anh Hùng hết đau nhức, nhưng một con mắt anh bị kéo màn mây trắng rồi không nhìn thấy gì nữa.

Anh Nguyễn Văn Mộng cho biết, hiện tại hầu hết các anh em của anh đều đã bỏ nghề "sống dưới lòng sông" để đi làm trên cạn. Vì nghề thợ lặn hết sức hiểm nguy, sơ sẩy một chút mất mạng như chơi.

Anh Mộng nói: "Làm giỏi như thằng Hùng có tiền xây được nhà vậy chứ nó cực lắm chứ chẳng chơi. Dân tứ xứ kêu đi đâu nó cũng đi, lặn biển nó cũng lặn, ăn cơm trên cạn, sống dưới lòng sông, lạnh lẽo, hiểm nguy, làm bán mạng mới đủ tiền xây nhà, cưới vợ. Mấy ai khỏe được như thằng Hùng đâu, nên anh em bỏ hết, cái nghề hạ bạc mà".


Anh Nguyễn Văn Hùng trên chiếc ghe chuyên dùng để đi lặn trục vớt xác tàu, thuyền chìm dưới đáy sông

Bản thân anh Hùng gia đình ba đời làm nghề thợ lặn cũng không dám cho con theo nghề. Con anh Hùng, một trai, một gái, cháu trai tên Nguyễn Văn Phát hồi mới mười ba tuổi đầu đã biết ngậm ống nhảy xuống sông lặn như rái cá.

Học xong lớp 9, cậu bé Phát nằng nặc xin nghỉ học để theo cha làm nghề thợ lặn. Anh Hùng cương quyết không cho, bắt phải đi học nghề bờ, răn đe mãi cậu bé mới chịu đi học nghề cơ khí, sửa chữa xe gắn máy.

Làm thợ lặn, nghĩa là phải ngày ngày đối diện với hiểm nguy bệnh tật. Nhiều khi vật thể nguy hiểm ở trước mắt nhưng thợ lặn không hề biết để rồi xảy ra những tai nạn thương tâm. Chúng tôi lại hỏi có bao giờ xảy ra thương vong chưa thì anh Mộng và anh Hùng ngậm ngùi không nói.

Mãi một lúc sau anh hùng mới cất lời: "Thương vong thì có nhiều chứ, nghề này nguy hiểm lắm, nhìn anh em bỏ mạng mà lòng xót xa biết để đâu cho hết. Nhưng cái nghề là cái nghiệp nó bám lấy mình. Anh em trong nghề ngại nhắc đến thương vong, sợ bị kéo theo hay run tay không dám lặn nên các chú thông cảm, chuyện đó tui không kể được đâu...".

Những thợ lặn ở xóm chài Long Châu đã bỏ nghề gần hết. Nhưng vẫn còn một số người không mảnh đất cắm dùi, không vốn liếng nuôi thân nên đành bám trụ. Anh Hùng thở dài: "Bà con ai cũng khen tui làm giỏi, nhưng mà nhờ trời phật độ thôi. Nếu tui còn phước thì xin ơn trên cho tui làm được 3, 4 năm nữa để nuôi nhỏ con gái học đại học ra trường rồi tui cũng xin nghỉ. Cái nghề hạ bạc, ăn cơm cạn, sống dưới lòng sông, rủi may biết đâu được mà lường... Nên chỉ biết khấn vái trời phật mà thôi...".
Hồ Bá Nguyễn
Chú thích bìa: "Nghề hạ bạc" là nói chung những thứ nghề nghèo khổ, gắn liền với sông nước, ít được tôn trọng và bạc bẽo…
http://motthegioi.vn/xa-hoi/ky-2-khan-xong-bong-nhien-xac-nguoi-noi-len-63876.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét